Bưng bát cơm trắng ngần trên tay, cũng không mấy người biết cuộc hành trình dài đằng đẵng để có một bát cơm đầy. Thời hiện đại, những công đoạn để làm ra hạt gạo đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần bỏ hạt lúa vào máy là có ngay những hạt gạo trắng ngần. Nhưng từng có một thời, và ngay cả bây giờ ở những vùng quê nghèo hẻo lánh, để hạt lúa thành gạo người ta phải khó nhọc đến nhường nào.
Hạt lúa nhọc nhằn từ cánh đồng xa, mang về đã một nắng hai sương. Mang lúa đem phơi khô, ủ cho mềm lại, rồi đổ vào cối xay, xay cho vỏ lúa tróc ra, vỏ đi đằng vỏ, ruột đi đằng ruột. Đây là lúc công đoạn của chiếc sàng. Chiếc sàng như một vật có phép lạ, tách vỏ lúa đi, để rơi xuống chỉ còn hạt gạo trắng ngà. Hạt gạo lúc này lại được đưa vào cối giã, gạo đau đớn nằm trong chiếc cối thương tâm. Từ cối gạo ra đời trắng ngần. Đã lâu lắm rồi, không còn được nhìn thấy dáng mẹ ngồi bên chiếc nong, sàng gạo. Không còn được nghe tiếng hạt gạo màu ngà được rơi rào rào xuống chiếc nong tre, hạt gạo cứ đầy dần, rồi vun lên thành ngọn, hương trấu bay thơm ngát như vừa đi qua một cánh đồng làng. Cũng đã lâu, không còn nhìn thấy chiếc sàng gạo, đan bằng tre ngà, lên nước theo thời gian. Khó có thể nói hết những câu chuyện chung quanh chiếc sàng gạo, những giai thoại buồn vui quanh chiếc sàng nhỏ như mặt trăng này. Cứ vào mùa tháng mười, khi tre đã thôi mọc măng, ông ngoại tôi chọn những thân tre già nhất, hạ xuống, lấy phần gốc tre, chẻ nhỏ lấy nan, rồi ngâm nan ấy xuống lòng mương một thời gian ngắn, cho tre ủ màu và săn chắc trở lại. Sau đó, ông tôi vớt nan tre lên, vuốt cho nhỏ lại rồi mới đan sàng. Đầu tiên, chiếc sàng có hình vuông. Khi đã đủ hình hài, ông tôi làm một chiếc vòng tre tròn, chiếc vòng này sẽ là đường trấn giữ cho chiếc sàng không bị lay. Sàng tre vừa đan xong vẫn chưa dùng được vì vẫn còn xơ và thô. Phải đốt một đống lửa rơm nhỏ rồi hơ sàn tre lên lửa cho cháy đi những sợi tre nhỏ. Chiếc sàng chuyển màu nâu khói, đẹp như một thửa ruộng vàng cuối vụ. Thấy rất đơn giản, nhưng sàng gạo không dễ dàng một chút nào. Có người tập mãi vẫn không thể nào sàng gạo được. Vì gạo sàng phải nhóm ở giữa là trấu và những hạt lúa chưa nẻ vỏ. Người thuận tay trái rất khó học sàng gạo vì khi lắc người, những vòng tròn không đều sẽ không làm cho trấu và lúa nhóm lại được. Người sàng gạo giỏi như mẹ tôi, tay không hề tựa vào đầu gối mà bỏ rơi giữa không gian, người hơi nghiêng, và lắc nhịp nhàng theo vòng quay của sàng. Nhưng với trẻ con bọn tôi thì tay phải tựa vào đùi và đầu gối, vì chiếc sàng có gạo rất nặng. Nếu không có điểm tựa thì không thể nào sàng được. Tuổi thơ tôi giúp mẹ sàng gạo là một việc làm nhỏ mà sung sướng, như là đã làm một việc lớn ở đời. Cứ tập cho đến khi sàng được, tay đưa đều những vòng tròn đồng tâm, lúa và vỏ trấu nhóm thành ngọn ở giữa sàng. Sàng gạo là việc làm của phụ nữ, đàn ông thường chỉ làm ruộng và xay lúa, nhưng con trai làng tôi nhiều đứa thích học sàng gạo, tự hào rằng đã học và sàng được. Vì lúc học, sàng gạo như là đang chơi một trò chơi với những động tác vui nhộn. Xoay quanh chiếc cối xay lúa và nong tre, cái không khí đầm ấm khó mà quên được. Gạo từ cối xay văng ra rào rào, hạt mây mẩy màu đục như sương mù tháng chạp. Đời sống tiểu nông tự cung tự cấp có những cái ấm áp hạnh phúc riêng. Đó là niềm hạnh phúc thôn dã. Bát cơm từ say, giã, dần, sàng thủ công cũng mang hương vị riêng rất lạ. Nó ngọt bùi cái vị của đồng quê chơn chất. Không đi qua máy móc, hạt gạo còn giữ được những phẩm chất ruộng đồng…
Bây giờ ở quê cũng không còn mấy người sàng gạo. Máy móc thời hiện đại đã làm thay con người. Những vật dụng bằng tre như thúng, mủng, nia, nong… cứ hiếm hoi dần. Tôi về thăm quê, nhẩn nha ngồi bên bếp lửa rơm, hỏi mẹ mới thấy chiếc sàng tre treo trên giàn bếp đã lâu không dùng, bồ hóng bếp bám vào nan tre đen nhánh. Ở chỗ hai tay cầm đã mòn vẹt vẫn còn lên màu nước mồ hôi bóng loáng, mà rưng rức nhớ một tuổi thơ hồn nhiên giữa rơm rạ đồng quê
Nguyễn Xuân Hoàng
(Visited 68 times, 1 visits today)