Chiếc xe đạp mất cắp: Lịch sử bị lộn trái

Khi Nabokov viết “Những thứ trong suốt”, có lẽ ông đã là một trong những nhà văn đầu tiên dùng văn chương để chiếu xạ vào những vật thể, xuyên qua những khối đầy đặc tưởng như đã luôn như thế và sẽ mãi như thế, hòng nhìn thấu quá khứ và ký ức. Nhưng những vật thể không chỉ mang chứa quá khứ hay ký ức cá thể như Nabokov đã tìm ra, chúng - dù bé nhỏ đến nhường nào - đều là phế liệu, hay phế tích của thời đại chúng đã sống.

Điều mà một trong những tên tuổi nổi bật nhất của văn đàn Đài Loan đương đại Wu Ming-yi (Ngô Minh Ích) đã làm với tiểu thuyết Chiếc xe đạp mất cắp, giống như một nhà cổ sinh vô tình tìm được một hóa thạch màng chân của một giống loài từ lâu đã tuyệt diệt, rồi từ đó lần lại cả một đại cảnh lịch sử choáng ngợp đã bị vùi chôn trong cơn địa chấn của đổi thay.

Truyện kể về một tiểu thuyết gia viết về chuyến hành trình tìm người cha mất tích của mình, cuối truyện, người cha bỏ đi cùng chiếc xe đạp, cứ ngỡ thế là hết, ai ngờ bỗng một hôm, anh nhận được một lá thư từ một vị độc giả chất vấn rằng: người cha biến mất thì được rồi, nhưng chiếc xe đạp đó đã đi đâu? Băn khoăn trước câu hỏi ấy, anh khởi hành đi tìm chiếc xe đạp từ lâu thất lạc, và mỗi chặng kiếm tìm lại dắt anh vào một chặng kiếm tìm mới, cấp độ quái đản và dị thường cứ tăng tiến dần lên, người đọc cảm giác anh ta đã rớt vào một trò chơi điện tử Mario phiên bản thực tế ảo, “con ngựa sắt” chính là nàng công chúa cần giải cứu, còn Mario vượt hết bàn này lại nhảy sang bàn khác, không hồi kết.

Cuốn tiểu thuyết của Ngô Minh Ích có liên quan gì tới Ladri di biciclette (Những kẻ cắp xe đạp) của nhà làm phim người Ý Vittorio de Sica không? Có mà không. Có, vì ngọn nguồn của chúng đều từ những chiếc xe đạp mất cắp. Nhưng không, vì cái xe đạp mất cắp của Antonio Ricci đưa anh đi khắp những xó xỉnh của Rome và những hang cùng ngõ hẻm của nhân tính, còn cái xe đạp mất tích của người cha nhân vật “tôi” đưa anh, dù là đi khắp một vòng những tuyến đường Đài Bắc, nhưng len lách vào đâu cũng bị ngáng đường bởi những thăng giáng lượng tử của lịch sử Đài Loan, thoắt ẩn, thoắt hiện, một lịch sử như được lộn trái từ trong ra ngoài, tức vẫn là cái lịch sử đã được biên soạn, nhưng hiển thị theo chiều khác.

Cả hai chiếc xe đạp thoạt nhiên đều sinh ra từ hiện thực, nhưng chiếc xe của Vittorio de Sica ngoài hiện thực vẫn là hiện thực, hiện thực đến sần sùi, lởm chởm và đầy gai nhọn. Còn chiếc xe của Ngô Minh Ích là tô-tem của cả một thế hệ, và hiện thực chỉ là một phần kết cấu của nó. Điều khác thường nhất ở cuốn tiểu thuyết này, đó là nếu ta so sánh bản thân hệ thống truyện là một cái khung xe, thì tác giả của nó liên tục bơm vào đây chất hiện thực căng đầy, trong những bản mô tả tường tận về lịch sử xe đạp, về cách chơi xe, chiến tranh, nghệ thuật làm tranh bướm, câu chuyện một vườn thú, hồi ký một gia đình. Nói cách khác, tách riêng từng đoạn ra, chúng hầu như có dáng dấp những đoạn phim tài liệu ngắn, phơi bày và chân xác; song một khi đem ghép chúng lại thành cái xe hoàn chỉnh, ngồi lên, đạp pedal, thì nan hoa hiện thực sẽ quay mòng mòng đến mức tạo ra ảo giác, và chính lúc này, cái hiện thực bất thình lình quá độ thành cái phi thực.

Trí tưởng tượng của Ngô Minh Ích có thể gợi nhớ đến Haruki Murakami (như nhiều nhận định), nhưng hiển nhiên họ là những thợ cơ khí giấc mơ theo những nguyên lý hoàn toàn khác biệt. Murakami không kể về chiếc xe đạp nào nhưng giả sử có thì cái xe đạp của ông ắt biết nói, không thì nó cũng sống trong thế giới có hai mặt trăng. Tính kỳ ảo của Murakami đến từ yếu tố siêu nhiên, huyền bí, quỷ quái, những lối dẫn ra khỏi thực tại, đoạn tuyệt với thực tại. Tính kỳ ảo của Ngô Mich Ích lại đến từ chính cái đang diễn ra như nó vốn là, bởi dường như với Ngô, tự thân thế giới đã là một chốn kỳ khôi và không cần phải đi đến nơi xứ sở diệu kỳ tàn bạo hay năm 1Q84 để mà chứng thực cho điều đó, cũng chỉ cần có một mặt trăng thôi là đã đủ soi tỏ những ảo ảnh cheo leo ấy.

Nhưng có lẽ, còn một lý do nữa làm bệ đỡ cho sự tồn tại của tính kỳ ảo nơi Ngô Minh Ích: ông đang nhìn vào quá khứ, cái quá khứ của cha ông nhưng không phải của ông, cái quá khứ của quê hương ông nhưng cũng không phải của ông. Có một thế hệ những người Đông Á lớn lên hoàn toàn không chia sẻ chút ký ức nào về chiến tranh, lịch sử đã đứt gãy và hoàn toàn xa lạ, cầu Meiji xây rồi lại phá, Đài Loan bị Nhật Bản chiếm đóng rồi lại không thuộc về Nhật Bản, vậy thì cái gì còn làm cho Đài Loan là Đài Loan, cái gì còn làm cho một người Đài Loan vẫn là người Đài Loan như 20 năm trước, như 50 năm trước? Câu trả lời là chẳng có gì. Họ không còn khung tham chiếu nào để tựa vào đoán biết xem rốt cuộc mình là ai và mình từ đâu tới. Sự đổi thay trong danh tính khiến những đứa con của thời hiện đại mở mắt thật to nhìn quá khứ phồng lên như một người khổng lồ bị chột, một sinh vật quái lạ, một kỷ nguyên hoang đường, một thứ tiểu thuyết hư cấu, những chuyện thật như bịa hay những chuyện bịa như thật. Và hiểu theo cách ấy, người cha bỗng ngày nó biến mất chẳng gì hơn là sự báo hiệu về một thế hệ sống trong ngôi nhà mà cái nóc giá trị đã bị dỡ bỏ. Họ – những kẻ mồ côi danh tính.

Có một đoạn trong truyện, nhân vật tôi nói về cái xe đạp của cha mà anh ta đã tìm lại được, đúng là cái xe đạp ấy, nhưng trải qua bao năm, nắp chụp xích đã rơi mất một nửa, chiếc chuông cũ đã mất, phù hiệu thì nứt làm đôi, yên xe từ da bò thành da tổng hợp, bàn đạp từ loại thường thành nhựa cứng, săm và lốp cũng không còn nguyên bản nữa: “Trong dòng chảy thời gian, nó đã trở thành một chiếc xe có tính cách khác hẳn hồi còn là của cha tôi. Những người bạn sưu tầm ngựa sắt cũ của tôi sẽ gọi đây là một chiếc xe bất toàn (put-tsuân)”.

Sau rốt, những mảnh vụn lịch sử dù chắp nối tới đâu cũng đã là sứt mẻ, lịch sử mà thế hệ hậu bối tìm được, bất kể là theo cách nào, cũng đã hoặc là móp méo, hoặc đã được phục sức tân trang, một thứ lịch sử của bảo tàng đặt trong khung kính. Và dù vị tiểu thuyết gia có khăng khăng muốn “cứu” lấy cái xe, trả lại nó hình hài cũ, nhưng rồi có thể lấy lại được gì? Người cha đã mãi biệt tích không thể lấy lại, những gì chiến tranh lấy đi cũng đã vĩnh viễn biến mất. Chẳng nhẽ anh ta không biết Antonio Ricci trong Những kẻ cắp xe đạp đã nói rồi ư? Rằng “Có thể chữa trị mọi thứ ngoại trừ cái chết”.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)