Chín nghệ sĩ với “một ngày” Đại lễ

Với chủ đề “Một ngày”, chín nghệ sĩ Hà Nội đã cùng tỏa đi vẽ, chụp ảnh, quay phim phong cảnh và không khí Thủ đô ngay trong trong mở đầu dịp Đại lễ 1.000 năm tuổi. Các tác phẩm sẽ được trưng bày tại Không Gian Sáng tạo Trung Nguyên 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội, từ ngày 15 đến 25/10.

Tham gia triển lãm “Một ngày” gồm các họa sĩ: Nguyễn Phan Bách, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thế Dung, Đào Hải Phong, Phạm Trần Quân, Lê Thị Minh Tâm, Nguyễn Đình Vũ; nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quốc Khanh; và nhà quay phim Vũ Đức Tùng; trong đó người khởi xướng ý tưởng chính là họa sĩ Lê Thiết Cương.

TT&VH có cuộc trò chuyện với họa sĩ Đào Hải Phong về ngày sáng tác đặc biệt này.

* 20 năm rồi anh mới trở lại vẽ ngoài trời, phải có cảm xúc nồng nhiệt lắm mới khiến anh trở lại như thế?

– Sự nồng nhiệt là thứ luôn có và phải có trong người nghệ sĩ. Với những ai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì ngày hôm nay (ngày khai mạc Đại lễ) là một ngày không thể không xao xuyến. Chính vì sự xao xuyến đó, mà khi ý tưởng “một ngày” vừa đưa ra đã nhận được ngay những sự “cộng hưởng” và ai cũng muốn tham gia. Nữa là tôi, đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hà Nội đã cho mình rất nhiều thứ, gần như Hà Nội đã làm nên sự nghiệp của tôi, thì không có lí do gì mình không yêu thương Hà Nội. Với tôi mỗi lần đi xa thì lại càng nhớ Hà Nội. Tôi tự cho đó là một tình yêu thật.

Tôi vẽ rất nhiều tranh về Hà Nội như một sự hàm ơn với vùng đất mẹ.

* Mỗi người chọn cho mình một “không gian Hà Nội” trong ngày Đại lễ”. Cảm hứng nào để anh chọn hồ Thiền Quang để vẽ?


Họa sĩ Nguyễn Thế Dung vẽ Nhà Hát Lớn.

– Đường Nguyễn Du với hồ Thiền Quang, tôi đi mòn lốp xe cuốc thời sinh viên. Ngày trước, bờ hồ này có kiến trúc rất đẹp, có nhà của cụ Nam Sơn, người đã khai sinh ra trường Mỹ thuật của Việt Nam. Nhà cụ xưa chính ở chỗ đối diện tôi ngồi vẽ Hà Nội ngày Đại lễ, và bây giờ đã thay đổi nhiều.
 

Ngày trước, chính bên bờ hồ này, năm 1991 tôi đã vẽ một bức tranh lụa. Hồi đó, hồ còn thô sơ, chưa có cải tạo gì nhiều. Bức tranh lụa đó được bày ở cửa hàng souvenir ở Văn Miếu và được một nữ Việt Kiều mua với giá 60 đô la. Đấy là điều rất thú vị cho một cậu sinh viên mới ra trường là tôi.

Với người Hà Nội gốc sống lâu ở Hà Nội với đời sống có tính nghệ sĩ, hơi sang trọng một tí thì Hồ Thiền Quang chính là nơi lưu giữ hình ảnh Hà Nội.

* Theo tôi biết, anh rất thích thể hiện buổi chiều. Anh đã chọn buổi chiều ngày Đại lễ để vẽ, nó có làm anh thăng hoa hơn?

– Mỗi họa sĩ có một trạng thái tình cảm, trạng thái của tôi rất thích vào buổi chiều, ngày sắp sửa hết và đêm kéo đến. Tôi thích khoảng thời gian đó. Sau một ngày, trạng thái tâm lí của người ta lắng xuống, con người cũng mềm lòng hơn, thỏa hiệp hơn. Tâm niệm chiều đến để người ta có thể về nơi người ta nướng náu. Khoảnh khắc ấy, thời ấu thơ Hà Nội của tôi luôn chờ bố mẹ về, chơ bữa cơm tối, chờ ánh đèn của hàng xóm.

Về mặt nghệ thuật thì khoảnh khắc đó làm lu mờ đi những thô nháp, che đậy những rác rến, chỉ còn hiện lên những cái gì đẹp đẽ: hàng cây, những mái nhà hay những đốm sáng… Khoảnh khắc đó để cho người nghệ sĩ đỡ bị vương vấn đời thường và được thăng hoa.

Vẽ từ lúc 1h đến 6h chiều, bức tranh của mình có tên là “Chiều bên hồ Thiền Quang”.

* Ngoài anh và họa sĩ Lê Thiết Cương, còn lại đều là các họa sĩ trẻ. Họ thể hiện Hà Nội ngày Đại lễ thế nào?


Họa sĩ Lê Thiết Cương chọn vẽ Nhà Thờ Lớn.

– Tạm gọi chúng tôi là hai thế hệ họa sĩ nhưng rõ ràng là cùng có sự hào hứng, cùng muốn được chia sẻ với khả năng dù lớn hay nhỏ của mình với ngày Đại lễ, bằng cả tấm lòng của họ và không vì một mục đích gì cả.

Mỗi người bộc lộ theo một hình thức theo một kiểu chất liệu, chủ yếu vẽ sơn dầu trên toan, có một cô bé thì lại vẽ trên những hòn sỏi to.

Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ trên chất liệu giấy báo. Thời chúng tôi đi học giấy tốt là thứ xa xỉ. Giấy vẽ cho các bài học chỉ bồi lên giấy báo. Anh Cương muốn tìm lại thời sinh viên của mình nên chọn chất liệu đó. Còn tôi chọn bột màu – là chất liệu tôi thường vẽ thời sinh viên.

Tác giả