Chỗ đứng trong đời

Quanh năm ngày tháng mỗi chúng ta đều đã phải loay hoay với làm, ăn, sinh, sống. Tết nhất, ta tự thưởng cho mình phiêu diêu nghĩ ngợi xa xăm đôi chút.

Con người đôi khi ngượng ngùng nếu bảo tổ tiên của mình, oai danh thiêng liêng là thế, vốn chỉ là một loài họ hàng của loài khỉ đột, xa nữa thì là họ hàng xa của lợn, chó, gà, vịt, rắn, rết, vi trùng, vi khuẩn, cát bụi… Nhưng đơn giản thôi, ta và con chó nhìn các động tác của nhau, không cần nói năng mà ta đã hiểu nó, nó đã hiểu ta lắm rồi, giống nhau lắm lắm dẫu như ta thiếu kém đi cái đuôi so với bạn chó. Tới đây y học hiện đại cũng có thể dùng bộ phận của lợn ghép cho cơ thể con người, và ta vẫn sẽ yêu đương thiết tha người tình của mình với cả trái tim của mình được mượn của lợn ở trong ta. Ta đâu có từ thiên đàng rớt xuống.
Điều khác biệt thực sự, là tư duy con người phát triển dần lên cho đến những hiểu biết “siêu hình” không bị giới hạn, tự vượt ra khỏi những “chân lý vĩnh cửu”. Con mèo nhìn chiếc lá bay mà vờn đuổi theo rồi nhảy phắt lên tóm bắt khéo léo lấy nó, không kém gì thủ thành đội tuyển bóng đá thế giới. Con người theo đuổi được giấc nghĩ xa hơn, “siêu hình”, rằng cái lá bay được, vậy thì một toà nhà cũng có thể bay được, nếu như toà nhà ấy có trọng lượng riêng đủ nhẹ, có sải cánh để được không khí nâng lên, có động cơ để luôn luôn có lực đẩy, có bộ phận điều khiển để giữ được thăng bằng… Và con người hý hoáy dần dà chế tạo ra được toà nhà đó, có tên gọi “tàu bay”. Chuyển được hiểu biết siêu hình thành ra hiểu biết chính xác, điều đó tạo nên năng lực khoa học. Chuyển được năng lực khoa học thành ra hình hài vật chất, điều đó tạo nên năng lực công nghệ. Chuyển được năng lực công nghệ thành ra năng lực tư duy hiểu biết, năng lực tự học sâu thêm, đó là năng lực siêu khoa học-công nghệ, là trí tuệ nhân tạo, điều đó khép “kín-mở” được một vòng xoáy “hiểu biết-công nghệ-[siêu] hiểu biết…”.
Trong lịch sử đời sống của con người, hiểu biết-công nghệ đến đâu thì các phóng tưởng dựng đời đến đó. Thông thường thì con người hay và thích tuyệt đối hoá cái trình độ hiểu biết-công nghệ-phóng tưởng của thời đại của mình. Phóng tưởng xã hội thời săn bắt hái lượm là biết đẻ trăm trứng. Phóng tưởng thời cày cuốc cùng trâu bò là vua Nghiêu vua Thuấn Trung Hoa. Phóng tưởng thời đầu máy hơi nước là thế giới vô sản đại đồng tuyệt đối…
Sự lên gân một cách tuyệt đối nào cũng là một phóng tưởng quá đi của một nền hiểu biết-công nghệ tạm thời.
Nền hiểu biết-công nghệ tạm thời của bữa nay đang đi đến phần mở đầu của một chương hồi đặc biệt: tự động hóa-trí tuệ nhân tạo, robots-AI.
Chưa phải ngay lập tức nhưng cũng sẽ rất nhanh chóng, toàn bộ nền sản xuất quản trị sẽ bị-được tự động hoá rất lớn lao, dưới sự dẫn dắt cũng rất lớn lao của trí tuệ nhân tạo. Trừ một bộ phận những người có năng lực rất đáp ứng và cần thiết cho sự “cộng tác hữu cơ-vô cơ” với nền tự động hóa-trí tuệ nhân tạo khổng lồ, có thể rồi đây đại đa số con người còn lại sẽ không còn tham gia vào nền “sản xuất-phân phối” trực tiếp nữa. Máy in 3D sản xuất tự động nhà cửa hàng hóa, ôtô tàu điện tàu bay tự lái, nền hành chính điện tử tự động… (có cần liệt kê tất tần tật hay không?). Hay tưởng chừng đơn giản nhất như chuyện chỉ đường, nếu như mỗi người xưa kia đều tham gia trực tiếp vào “nền bách khoa chỉ đường bằng mồm”, “đường ở mồm”, thì ngày nay chỉ có một số siêu ít người tham gia vào công nghệ định vị dẫn đường tự động GPS và toàn thể loài người cứ theo đó mà đi khắp thế gian.
Con người trong tương lai gần đó sẽ phải tổ chức lại đời sống như thế nào để tự gán được ý nghĩa cho sự tồn tại của mình, mà không tự nổi loạn, mà sống yên bình được với nhau, mà cảm giác được hạnh phúc?
Khi nghèo khổ cùng cực, người ta thường nghĩ rằng một khi “đủ ăn, đủ mặc, và không phải làm gì” thì người ta đã ở trên thiên đường, mọi thứ đã tuyệt vời, chả còn gì phải lo. Nếu rồi đây các robot giúp con người hầu hết mọi việc, đến cả giúp đỡ tình dục nữa, thì chả còn gì mà phải bàn?
Thế nhưng mấy ngày Tết của xứ ta cũng đã là tiêu bản mini của cuộc đời “đủ ăn, đủ mặc, và không phải làm gì” rồi đó. Và thống kê cho thấy những vụ đánh nhau đâm chém nhau trong những ngày này nhiều khi còn mạnh mẽ kinh hoàng hơn cả ngày thường, và đôi khi cả hai họ còn xông ra đánh lẫn nhau giáp lá cà giữa làng vào nửa chừng bữa cỗ!
Trí khôn Việt cũng đã từng chứng kiến và mách bảo “ăn không ngồi rồi, người ta thành ra làm lắm điều đê tiện”.
Con người là sinh vật rắc rối. Tử tế và tàn độc vẫn luôn luôn sống mòn trong các bộ gene của họ.
Xem sách xưa, thường khi xã hội được mùa no đủ mấy vụ liền, là y như rằng các vua chúa quan lại liền hội họp tìm cách động binh gây chiến tranh để mong mở rộng lãnh thổ, cai trị được thêm người, kiếm chác thêm của cải – mà rồi người đẹp cũng được coi như của cải để mà chiến tranh, “một đền Đồng Tước, khóa xuân nhị Kiều”. Tôn giáo và “đạo đức” lại còn cổ vũ cho tinh thần đó như là đức của người quân tử, thà mình rồi sẽ bị “da ngựa bọc thây” vẫn còn hơn là chịu “chết già xó cửa”, đặng được lưu danh trong sách sử – sách sử xưa thì thường chỉ say mê chép chuyện tranh giành chém giết lật đổ cướp ngôi.
Các cuộc thánh chiến giữa các tôn giáo trong lịch sử có những mức độ giết chóc khủng bố kinh khiếp, cũng chỉ loanh quanh vì ước mong thống trị được ý nghĩ trong những cái đầu người khác.
Các bước tiến hiểu biết-công nghệ xưa thường chưa đủ mạnh mẽ để thôn tính hầu hết các công việc của con người, nó chỉ đẩy cho con người rảnh tay làm những việc khác có ích hơn hoặc nhàn nhã hơn. Cái xe cút kít giúp người ta đẩy lúa thay vì phải gánh lúa oằn oại trên đôi vai. 
Từ thực tế này, con người thường đồng nhất nhầm lẫn “mô hình kinh tế” với “mô hình đời sống xã hội”. Ở trình độ phát triển thấp và tiến hoá chậm, điều đồng nhất nhầm lẫn này cũng dễ hiểu.
Khi đời sống năng động thật mạnh mẽ lên, đơn cử như với “mô hình kinh tế tư bản-thị trường” cũng đã phân tách sâu sắc ra nhưng “mô hình xã hội”, những mô hình tổ chức đời sống xã hội rất khác nhau, có thể là những mô hình mà dân chủ-quyền làm người được đẩy lên, mà cũng có thể là những mô hình mà tổ chức đời sống chuyên quyền được gò đúc. Thuật ngữ “mô hình xã hội tư bản” là một thuật ngữ quán tính đầy mơ hồ, vô vị, nói leo quen mồm ngay ở bên trong nhiều nhà viết ở Âu Mỹ, khi tự nó không thể nào phân thân để phản ánh tất cả những xu hướng khác biệt sâu sắc ấy.
Con người chưa bao giờ phải phóng tưởng đến việc tổ chức một đời sống trong đó con người không còn bị bó chặt vào một “ách công việc” chặt chẽ, như là cái khung cày được tròng đeo vào cổ con trâu. Với những cuộc cách mạng hiểu biết-công nghệ Robots-AI vô cùng mạnh mẽ tới đây, các con trâu này sẽ làm gì? Các con người sẽ tổ chức lại đời sống của mình ra sao?
Đây là một lời gợi mở cho một sự chuẩn bị lớn lao cho một đời sống xã hội tới đây.
Cho một xã hội tự quản, mở mang.
Cho một xã hội mà mỗi cá nhân phải có được một chỗ đứng được tôn trọng và được chăm sóc. 
Cho một xã hội mà đồng lương đại trà phải được dự kiến, như đã bắt đầu rục rịch ở một số nơi trên thế giới. Thực tế thì những trợ cấp bảo hiểm hưu trí, bệnh tật, thất nghiệp, chỗ ở, giao thông, khuyến học hiện thời đã được thực thi ở nhiều nơi, chúng đã là một dạng đồng lương đại trà mini.
Cho một xã hội học tập suốt đời.
Cho một xã hội luyện rèn sức khoẻ.
Cho một xã hội vui chơi giải trí.
Cho một xã hội biểu diễn-hành động.
Cho một xã hội an toàn.
Cho một xã hội dân chủ tự do.
***
Cho mỗi con người một chỗ đứng trong đời.

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)