CHỌN

Phan Phương Đông chọn điêu khắc, chọn tối giản, chọn nước rồi đưa chúng đến với nhau, vào với nhau, vào trong nhau, hòa vào, trộn vào, hóa thân vào để tiếp tục làm một cuộc hành trình tìm mình, tìm một mình khác.

Phan Phương Đông chọn mica trong không màu, một thứ chất liệu không chất liệu, một kiểu nói không lời. Mica loại bỏ tính chất nhìn của chất liệu, của bề mặt để thấy tinh chất, thấy cốt lõi, thấy trực tiếp điêu khắc. Với Đông, mica là chất liệu có tính chất đốn ngộ. Mica gần nước ở độ trong và độ không hình. Ở bầu thì tròn ở ống thì dài, nước ở đâu cũng được. Độ trong của mica vừa triệt tiêu cảm giác chiếm hữu không gian, vừa để cho mọi vật đều có thể soi trong đó, in trong đó, ở trong đó, ai ở đó cũng được. Tất nhiên cũng có thể đi qua nó mà không cần ở lại. Mica chỉ ở cùng không gian thôi và chính thế nên nó cũng như nước, ở đâu cũng được, theo một cách khác. Mica chuyên chở được cái tinh thần rỗng, lỏng, mềm, yếu nhưng lại đầy sức mạnh của nước. Cái sức mạnh ẩn, chìm ở trong, ở dưới một bề ngoài giản dị. Mica hiểu được cái chất có không, không có của nước, hiểu được cái đức của nước.
 

Chất liệu hiện đại, tư duy điêu khắc hiện đại với những ngang bằng sổ thẳng, góc cạnh kỷ hà, mạch lạc khúc triết nhưng vẫn mềm, vẫn ướt, vẫn hấp dẫn, vẫn gợi chính là Phan Phương Đông đã thổi cái tinh thần Phương Đông minh triết vào trong các tác phẩm của mình một cách đầy tinh tế.
NƯỚC đã làm cho người xem cảm thấy cái lỏng, cái vô hình của nước được hóa hình hóa khối bằng con đường thẩm mỹ tối giản đến mức như không hình, không khối. NƯỚC vẫn là Đông nhưng đã là một Phan Phương Đông khác, một kiểu kiệm lời khác, so với trước đây của chính Đông và khác cả với những người khác.

Lê Thiết Cương

Tác giả