Chủ nhật buồn: Sự thật và huyền thoại

Ca khúc Chủ nhật buồn (Szomorú Vasárnap) nổi tiếng thế giới, từng được mệnh danh là “Quyên sinh ca”, có xuất xứ từ Hungary, năm 1999 đã được báo chí Pháp bầu chọn là ca khúc buồn nhất thế kỷ 20.


Nhạc sĩ Seress Rezső. Nguồn: jazzma.hu

Chủ nhật buồn đã được hàng loạt các ca sỹ lừng danh trên thế giới, như Sarah Vaugh, Elvis Costello, Mariann Faithful, Sinead O”Conor, Bilie Holyday, Sarah Brightman, Sarah McLachnan, Ray Charles, Maurice Chevalier, Josephine Baker…. đưa vào chương trình biểu diễn và coi đó là một bảo đảm cho thành công của họ. Giai điệu của ca khúc này cũng được đạo diễn Steven Spielberg sử dụng trong bộ phim “Danh sách của Schindler” từng đoạt 10 giải Oscar. Trong hơn 80 năm kể từ ngày ra đời (1933), người ta đã gán cho ca khúc này nhiều điều huyễn hoặc, xung quanh nó tồn tại nhiều giai thoại, khó biết thực hư ra sao.

Người ta cũng thường nhắc tới Seress Rezső như là tác giả duy nhất của ca khúc này, ít người biết ông chỉ là người phổ nhạc cho một bài thơ tình (hay thất tình) của một người khác: nhà thơ, nhà báo Jávor László.

Nhiều bài báo trong nước, kể cả trang Wikipedia tiếng Việt cũng viết: “Một chiều buồn cuối năm 1932, bầu trời Paris thật ảm đạm, mưa nặng hạt và lạnh lẽo. Nhạc sỹ dương cầm Rezso Seress ngồi chơi đàn dương cầm bên cửa sổ. Một giai điệu chợt xuất hiện trong đầu ông và nửa tiếng đồng hồ sau, bài Szomorú Vasárnap ra đời”. Đó là một sự nhầm lẫn đáng tiếc, vì sự thật bài hát này đã ra đời ở trong một quán rượu tồi tàn ở thủ đô Budapest năm 1933, và Seress Rezső, cho tới khi đó, chưa hề ra khỏi đất nước Hungary.

Seress Rezső sinh ngày 3-11-1899 tại Budapest trong một gia đình gốc Do Thái, tên thật là Spitzer Rudi. Cậu bỏ học sớm và đi theo một gánh xiếc rong, vừa làm các công việc vặt, vừa tập các tiết mục nhào lộn dù bị bà mẹ cấm đoán. Trong một buổi tập bài nhào lộn ba vòng không có dây bảo hiểm, cậu bị ngã và may mắn thoát chết, phải đi nạng gỗ hàng tháng trời.

Sau đó cậu thanh niên có chiều cao chưa đầy 1m56 này xin vào học trường kịch nghệ. Sau khi học xong, suốt chín năm ròng anh đi theo một gánh diễn lang thang khắp các tỉnh lẻ, và cuối cùng được nhận vào một đoàn nghệ thuật ở Budapest. Đó là những năm khó khăn sau Đệ nhất Thế chiến, thất nghiệp tràn lan, đời sống của các nghệ sỹ cũng thiếu thốn đủ bề. Seress được nhận vào đoàn này với mức thù lao rẻ mạt và thất thường là thu nhập từ số vé bán được ở hàng ghế cuối cùng, mà hàng ghế cuối thường trống không. Niềm an ủi duy nhất đối với anh là thỉnh thoảng được ngồi xuống bên đàn dương cầm và chơi tùy hứng theo ý thích. Một hôm, để câu khách, ông trưởng đoàn cho phép anh ngồi chơi đàn và hát trước cửa nhà hát. Ban đầu anh dè dặt chơi các bản nhạc, ca khúc tự sáng tác, nhưng về sau người qua đường ngày càng chú ý hơn tới các ca khúc của anh. Chàng Seress bé nhỏ cứ ngồi chơi dương cầm, hát và huýt sáo các bản nhạc của anh trong gió xuân, nắng hạ và mưa thu suốt nhiều năm như thế.


Nhạc sĩ Seress Rezső và bạn bè. Nguồn: random-times.co

Năm 1925, ca khúc “Một đêm nữa…” của anh được phát hành chính thức. Trong một thời gian ngắn cả nước biết tới và hát ca khúc này. Đĩa hát thu ca khúc này đã bán được 16 ngàn bản, một kỷ lục chưa từng đó thời bấy giờ.

Được sự tán thưởng và khích lệ của công chúng, sau này Seress chuyển hẳn sang làm âm nhạc. Trong khoảng từ 1923-1933, Seress đã soạn lời cho khoảng bốn chục ca khúc của các nhạc sỹ khác và sáng tác chừng sáu chục ca khúc của riêng anh, trong đó rất nhiều ca khúc được yêu chuộng thời đó, có hàng chục ca khúc được đánh giá không kém gì, thậm chí hay hơn Chủ nhật buồn. Nádor Jóska, một nhạc sỹ và đồng nghiệp, cũng là người đã phát hiện ra anh, đã gọi Seress là “bậc thầy lớn bé nhỏ của âm nhạc”.

Seress Rezső trở thành một nhân vật được yêu thích của giới văn nghệ sỹ nghèo ở Budapest thời bấy giờ. Với vóc dáng nhỏ bé, ngồi gần như khuất lấp sau dương cầm, với giọng ca “ống bơ rỉ” khàn rè, ông vừa hát vừa chơi dương cầm kiểu “mổ cò” chỉ với hai ngón tay của bàn tay phải, tay trái đánh nhịp. Đầu tiên ông hát và chơi cho quán ăn Kulacs (Bầu rượu) ở phố Dob, đến đầu những năm 1950 ông chuyển sang quán Kispipa (Chiếc tẩu nhỏ) trên phố Akác và chơi nhạc ở đây đến cuối đời. Trong các quán ăn, cũng là tiệm rượu mù mịt bởi khói thuốc lá, nơi thường xuyên lui tới của tầng lớp tiểu thị dân, thợ thuyền, phu xe, đĩ điếm, của các văn nghệ sỹ nghèo… ông say sưa hát và chơi đàn dương cầm, ông đã làm nên một không khí nghệ thuật đặc biệt, nhiều khi bốc lửa và quyết rũ khiến nhiều người “nghiện” ông, tối tối thường đến uống rượu hay ngồi bên tách cà phê chỉ để được nghe ông hát. Ông không hề học nhạc lý và không biết ghi lại các ca khúc ngẫu hứng của mình, sáng tác xong một bài, ông huýt sáo làn điệu bài hát và nhờ người chép lại thành bản nhạc. Sau này, khi Chủ nhật buồn đã nổi tiếng khắp thế giới, nhiều du khách từ các nước đến Budapest và tìm tới quán Kispipa chỉ để một lần tận thấy người nhạc sỹ kỳ lạ này và được nghe ông hát Chủ nhật buồn. Trong sổ lưu bút của Seress Rezső có những tên tuổi lớn như Toscanini, Luchino Visconti, Spencer Tracy, John Steinback, Luis Amstrong, Benjamino Gigli… Thậm chí Otto Klemperer, nhạc trưởng nổi tiếng người Đức, sau khi nghe ông đã nhận xét: “Không phải là nhạc sỹ – mà là thiên tài”.


Dưới bức phù điêu Seress Rezső bên ngoài quán cà phê Kispipa luôn có hoa tươi tưởng nhớ người nhạc sĩ đã từng chơi nhạc tại đây. Nguồn: nepszava.hu

 

Quyên sinh ca

 

Về ca khúc Chủ nhật buồn mà trước và sau nó, chưa ca khúc Hungary nào gặt hái được thành công vang dội như vậy trong làng âm nhạc quốc tế, nhà thơ Jávor László, cũng là một phóng viên hình sự của “Báo 8 giờ”, tác giả phần lời của ca khúc này nhớ lại: “Tôi viết bài thơ Chủ nhật đen cho một người, một người đã chết đối với tôi”. Bài thơ đã được một nhạc sỹ khác phổ nhạc, nhưng Jávor không ưng ý. Năm 1933, Jávor đã đưa bài thơ Chủ nhật đen cho Seress Rezső, người mà ông quen biết và đã từng giới thiệu trên báo tám năm trước đó, nhờ phổ nhạc lại. Seress đã đổi đầu đề bài thơ thành Chủ nhật buồn. Cũng theo hồi ức của Jávor: “Một đêm người trực điện thoại của quán cà phê Forum bảo: Seress đã tìm ông ba lần. Tôi vội lao đến tiệm rượu nhỏ. Rezső chơi bài Chủ nhật buồn. Khi bài hát kết thúc, giai điệu đẹp còn ngân mãi trong tôi… Các biến thể nhịp ba C-moll đơn giản cực kỳ hợp với tâm trạng bài thơ của tôi”.

Bài hát đã được một thanh niên tốt nghiệp Học viện âm nhạc ghi lại với giá năm đồng pengő. Chủ nhật buồn đã nhanh chóng được hát khắp nơi, được danh ca Kalmár Pál đưa vào chương trình biểu diễn. Nhưng sự vui mừng của các tác giả không kéo dài lâu, vì một loạt ca tự tử được cho là do tác động của ma lực bí ẩn và sự ám ảnh của nó. Đầu tiên là cái chết của một cô hầu phòng do uống thuốc độc và bên cạnh xác cô người ta tìm thấy bản nhạc. Một tuần sau, một chuyên viên bộ tài chính tự sát bằng súng lục trên xe taxi, cùng với thư tuyệt mệnh người ta còn thấy bản nhạc Chủ nhật buồn. Người ta cho rằng, riêng ở Hungary thời kỳ đó, có ít nhất 17 trường hợp đã tìm đến cái chết sau khi nghe Chủ nhật buồn. Ngày 7-11-1935, “Báo 8 giờ” đã mở cuộc tấn công phê phán Chủ nhật buồn và gọi nó là “ca khúc sát nhân”. Từ ngày 13-24 tháng 11 năm ấy, đã có tới 278 tờ báo ở Thụy Sĩ, Pháp, Ý, Đức viết về Chủ nhật buồn và làn sóng tự tử ở Hungary, báo chí gọi Chủ nhật buồn là bản “Quyên sinh ca” hay “Bài ca chết chóc”. Không lâu sau, cơn sốt lan sang Mỹ, tờ New York Times đưa tin ở Budapest hàng loạt người đã nhảy xuống sông Danube tự tử vì tác động của Chủ nhật buồn?! Bài hát đã bị cấm phổ biến và cấm hát ở nhiều quốc gia, vì tác động tiêu cực của nó. Nhưng một thời gian sau, cơn sốt tự vẫn – như một cơn lên đồng tập thể – qua đi, ca khúc lại được hát trở lại và trở thành một bản tình ca bất hủ.

 

Màn ra mắt ấn tượng ở Paris

 

Một người Pháp đã sang Budapest, trong một quán cà phê, ông yêu cầu ca sỹ hát Sombre Dimanche, sau đó ông mang bản nhạc về dàn dựng trên sân khấu Olimpia ở Pari. Trước khi Ray Ventura, ca sỹ lừng danh thế giới hát ca khúc, người đứng đầu ban nhạc đã giới thiệu ca khúc, ông ta kể rõ ở thành phố nào bao nhiêu người đã tự tử do tác động huyền bí của ca khúc này. Đến điệp khúc đầu tiên tay trống của ban nhạc rút súng ngắn (giả) bắn vào đầu. Tiếng súng nổ đã gây một hiệu ứng chưa từng có trong khán giả. Sau “cái chết” của tay trống, người chơi kèn rút dao tự đâm vào ngực. Rồi một người hầu đưa cốc thuốc độc tới cho nghệ sỹ Saxofon. Trên sân khấu thưa vắng dần, chỉ còn cây vĩ cầm tiếp tục chơi Chủ nhật buồn, cuối cùng một chiếc thòng lọng được buông xuống và Ray Ventura chui đầu vào thòng lọng, kết thúc bản nhạc.

Sau buổi trình diễn khác thường này, Chủ nhật buồn và Seress Rezső trở nên nổi tiếng khắp thế giới, trong khi ở Hungary, giới chuyên môn vẫn đánh giá rất thấp tác giả của nó. Năm 1936, Chủ nhật buồn lần đầu tiên tới Mỹ dưới tựa đề “Gloomy Sunday”, được các tên tuổi lớn nhất Như Luis Amstrong, Bing Crosby, Frank Sinatra, Paul Robson, Ray Charles… thể hiện. Làn sóng tự tử cũng lan rộng gần như khắp châu Âu. Người ta nói, kể từ “Werther” của Goethe, không một tác giả nào – dù ngoài ý muốn – đã biến tự tử thành “mốt thời thượng” đến như vậy.

Thành công cũng ngoài sức tưởng tượng, chỉ trong vài năm ca khúc đã được dịch ra 28 thứ tiếng, bản nhạc, đĩa hát được in rất nhiều và phổ biến khắp thế giới. Giai điệu sầu não, buồn đau, tang tóc của Chủ nhật buồn bao trùm lên nhiều quốc gia trên thế giới, từ Trung Quốc tới châu Mỹ, châu Phi và cả ở Việt Nam, qua bản dịch của nhạc sỹ Phạm Duy từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước với những giọng ca sáng giá một thời của làng ca nhạc Việt như Khánh Ly, Duy Quang, Chế Linh…

 

Số phận long đong

 

Seres Rezső có tuổi trẻ long đong lận đận, nhiều năm tháng sống trong thiếu thốn, nghèo khó. Tuy nhiên con người nhỏ thó, vui tính đó lại may mắn trong đường tình. Bà Hélenke, một phụ nữ được coi là đẹp nhất Pest thời đó, vì mến tài ông, đã bỏ người chồng là một sỹ quan lương cao bổng hậu đến với người nghệ sỹ nghèo, làm người nâng khăn sửa túi cho ông. Suốt đời, ông chỉ chơi nhạc, không tham gia vào chính trị, nhưng tai họa vẫn tới. Cuối Đệ nhị Thế chiến, do nguồn gốc Do Thái, Seress bị bắt đi lao động khổ sai. Trong một trại tập trung của phát xít Đức, trong khi cùng một số người khác đang phải tự đào mồ chôn tập thể, thì ông được một sỹ quan Đức cứu sống. Chả là, trong thời gian Budapest bị quân đội Đức chiếm đóng chiếm đóng, viên sỹ quan này đã từng tới quán Kulacs nghe Seress hát Chủ nhật buồn, và vì mê bài hát này mà y đã tha chết cho tác giả của nó.

Sau chiến tranh Seress lại trở về Budapest, ông quay lại với những khán thính giả nghèo khó, trung thành của mình trong quán rượu Kispipa, và chính ông cũng sống cuộc đời nghèo khó thiếu thốn đủ đường. Một hôm, có một nhân viên của IRWING Trust Bank từ New York sang tìm gặp và thông báo với ông: họ đã giữ cho ông một tài khoản 370 ngàn USD, tiền bản quyền tác phẩm. Chỉ cần đích thân ông sang Mỹ nhận tiền, vì Hungary là nước thua trận phải bồi thường cho phe đồng minh, họ không thể chuyển tiền sang cho ông. Nhân viên này còn chuyển lời mời của Oscar Peterson, sang dự buổi hòa nhạc đầu tiên của ông với dàn nhạc giao hưởng ở Carnegie Hall, New York. Chỉ cần sau bản “Gloomy Sunday” ông cùng nghệ sỹ dương cầm nhạc Jazz danh tiếng này ra chào khán giả. Ông đã nhiều lần được mời sang nước ngoài, mời ký những hợp đồng béo bở. Nhưng Seress không đi, ông nói ông sợ đi máy bay, đứng trên ban công ông còn chóng mặt. Hơn nữa ông đã mơ thấy định mệnh của mình, ông sẽ chết do rơi từ trên cao. Ngay cả đi trên cầu ông cũng sợ, có tới cả chục năm ông không qua sông sang Buda, nửa bên kia của thành phố Budapest.

Và số phận thật trớ trêu, một ngày tháng Giêng năm 1968, mệt mỏi vì bệnh tật và cô đơn sau cái chết của vợ, rơi vào trang thái trầm cảm kéo dài, ông đã ra ban công căn hộ trên tầng 4, nhảy xuống đường tự tử. Cũng có giả thuyết cho rằng, đó chỉ là một vụ tai nạn: ông ra kéo lại rèm cửa và bị trượt chân ngã xuống đất. Nhưng khả năng lớn hơn là ông đã tự tìm đến cái chết. Ông không chết ngay, mà bị thương nặng và được đưa vào bệnh viện. Nhưng sau nhiều ngày chịu đựng đau đớn ông lại tìm đến cái chết bằng một sợi dây thép tự xiết cổ, ở tuổi 69. Nhưng chính những ca khúc nổi tiếng của ông, đặc biệt là “Quyên sinh ca” Chủ nhật buồn đã biến tên tuổi tác giả của nó sống mãi với người yêu âm nhạc trên khắp thế giới.□

——–

* Tham khảo các tài liệu Hungary

Chủ nhật buồn
(lời Việt của nhạc sỹ Phạm Duy)
Chủ nhật buồn, đi lê thê
Cầm một vòng hoa đê mê.
Bước chân về với gian nhà,
Với trái tim còn nặng nề.
Xót xa gì? Oán thương gì?
Đã biết mùi hương chia ly.
Trót say mê đã yêu thì
Dẫu vô duyên còn nặng thề.
Ngồi một mình, nghe hơi mưa,
Mặc lệ tràn câu thiên thu.
Gió hiên ngoài nhắc một loài
Dế giun hoài ru thương ru.
Ru hỡi ru hời!

Chủ nhật buồn, tôi im hơi
Vì đợi chờ không nguôi ngoai.
Bước chân người nhớ thương tôi,
Đến với tôi thì muộn rồi!
Trước quan tài, khói hương mờ
Bốc lên như vạn ngàn lời.
Dẫu qua đời, mắt tôi cười
Vẫn đăm đăm nhìn về người.
Hồn lìa rồi, nhưng em ơi,
Tình còn nồng đôi con ngươi,
Nhắc cho ai biết cuối đời
Có một người yêu không thôi
Ru hỡi ru hời!

Lời dịch nghĩa (từ nguyên bản tiếng Hungary của GVC):
Ngày Chủ nhật buồn
anh đợi em với trăm bông hoa trắng
và lời nguyện cầu.
Sáng Chủ nhật đuổi theo những
giấc mơ
chiếc kiệu buồn
quay về không có em.
Từ hôm đó
Chủ nhật nào cũng buồn
nước uống của anh chỉ là nước mắt
bánh mỳ của anh là khổ đau.

Chủ nhật buồn.

Chủ nhật cuối cùng
em yêu ơi đến nhé
sẽ có cả cha cố và quan tài
nơi quàn linh cữu và khăn tang.
Sẽ vẫn là hoa chờ đợi hoa và áo quan.
Dưới những hàng cây nở hoa
anh đi chuyến cuối.
Anh sẽ mở mắt
Nhìn em một lần nữa.
Em ơi đừng sợ
Dù đã chết anh vẫn phù hộ em…
Chủ nhật cuối cùng…

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)