Chúa trên những rẻo cao

Là một công trình đặc biệt có giá trị, Những rẻo cao mây phủ của Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Hữu Thụ đã thoát khỏi được cái nhìn “từ bên ngoài” mang tính áp đặt văn hóa để nhìn đời sống tôn giáo của những con người trên Những rẻo cao mây phủ bằng chính logic nội tại của nền văn hóa, vũ trụ quan, tôn giáo của chính họ.

Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ trước, một làn sóng biến đổi tôn giáo mạnh mẽ đã diễn ra trong những vùng  cư trú của người Mông ở miền núi phía Bắc Việt Nam và gây ra không ít xáo trộn về văn hóa, xã hội và cả trật tự, an ninh chính trị. Ba mươi năm sau những biến cố đó, một công trình nghiên cứu liên ngành tôn giáo – nhân học – xã hội học đã được thực hiện nhằm đưa đến lời giải cho hàng loạt câu hỏi vẫn còn được đặt ra về làn sóng cải đạo. Tại sao một cộng đồng có mức sống còn thấp, điều kiện sinh hoạt và sản xuất hết sức khó khăn, cư trú rải rác trong những khu vực núi cao với những vấn đề xã hội hết sức nặng nề như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tỉ lệ bỏ học cao lại dễ dàng tiếp nhận một tôn giáo có nguồn gốc phương Tây? Hơn thế nữa, tại sao nếu như Công giáo phải mất hơn gần một thế kỉ để thiết lập được với một mật độ thưa thớt những giáo xứ trong vùng cư trú của người Mông thì chỉ cần khoảng ba mươi năm, từ đầu những năm 90 của thế kỉ trước cho đến nay, theo những tính toán sơ bộ của các cơ quan quản lí, có đến 20% dân số Mông đã trở thành tín đồ của các hệ phái Tin lành? Biên khảo Những nẻo cao mây phủ chính là kết quả của chương trình nghiên cứu nói trên.

Có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc, lịch sử triền miên xung đột và thất bại đã khiến người Mông liên tục có những đợt di dân lớn sang các quốc gia láng giềng và Việt Nam đã trở thành nơi có địa bàn cư trú lớn thứ hai của họ, sau quê gốc. Và dẫu có  lịch sử định cư ở đây còn rất mới (ít nhất, nếu so với, chẳng hạn Thái), nhưng hiện nay, Mông lại là một trong năm dân tộc ít  người có dân số lớn nhất ở Việt Nam. Chuyên cư trú trên những vùng núi cao, có đời sống vô cùng khó khăn, quần cư theo những giao nhỏ, không có một tổ chức giáo hội cũng như những công trình tín ngưỡng công cộng, bề ngoài tưởng như vô cùng đơn sơ nhưng nhìn vào bên trong, tôn giáo thấm đẫm tâm thức tộc người và sinh hoạt xã hội của người Mông. Chính tôn giáo chứ không phải huyết thống làm nên sức cố kết xã hội Mông và là yếu tố cơ bản tạo nên đạo đức, văn hóa và căn tính tộc người. Luôn hoài nhớ về một quá khứ – thiên đường đã mất, luông mong chờ một Cứu thế, chứa đựng đầy những mâu thuẫn trong tâm thức, đời sống của người Mông đã là đối tượng nghiên cứu của hàng loạt những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, từ những thừa sai như F.M.Savina hồi đầu thế kỉ 20 cho đến những nhà nghiên cứu dân tộc học và tôn giáo học Việt Nam như Cẩm Trọng, Hoàng Nam, Nguyễn Hữu Sơn, Vương Duy Quang, Nguyễn Hồng Dương.

Lần đầu tiên lấy đời sống tôn giáo của người Mông, đặc biệt hiện tượng cải đạo sang Tin lành và các “hiện tượng tôn giáo mới”, làm đối tượng khảo sát, nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Hữu Thụ đã kế thừa được những thành tựu trong nghiên cứu Mông trong và ngoài nước cũng  như nguồn tài liệu của các cơ quan quản lí nhà nước. Với một độ lùi cần thiết sau những biến cố vào những năm 90 của thế kỉ trước, nhóm tác giả đã xác lập được một lập trường về đối tượng nghiên cứu đó là coi hiện tượng người Mông cải đạo sang các “hiện tượng tôn giáo mới”  và đạo Tin lành là một thực tế (de facto) nghĩa là một vận động xã hội cần phải được thừa nhận về mặt quản lí nhà nước cũng như về mặt xã hội (điều thực tế đã được thể hiện trong Chỉ  thị số 01/2005/CT-TTg năm 2005).

Chính tôn giáo chứ không phải huyết thống làm nên sức cố kết xã hội Mông và là yếu tố cơ bản tạo nên đạo đức, văn hóa và căn tính tộc người.

Thay vì xuất phát từ những biến động xã hội tiêu cực do phong trào cải đạo gây nên để ứng xử với hiện tượng này như một “tệ nạn” mang tính “mê tín dị đoan” xuất phát từ sự hạn chế về dân trí, sự thiếu thốn về vật chất và bị những tác nhân bên ngoài lôi cuốn và cần phải giải quyết bằng các biện pháp hành chính, các tác giả biên khảo đã có một lí giải khác về hiện tượng cải đạo của người Mông. Lịch sử dằng dặc xung đột, thất bại và tha hương đã phản chiếu vào trong tâm thức và vũ trụ quan của người họ thành một tâm thức bền chặt hoài tiếc về một thế giới đã mất, sự chờ đợi một Đấng cứu thế sẽ quay trở lại. Điều đó giải thích những hiện tượng mà nếu chỉ nhìn từ bên ngoài sẽ là không thể hiểu được: tâm thức căm ghét Trời hay khuynh hướng dễ bị các hiện tượng “xưng vua” thu hút. Đó cũng là điều khiến họ dễ dàng đón nhận Kitô giáo, một tôn giáo mang tư tưởng Cứu thế  (Messaism). Bên cạnh đó, chính “những điểm thiếu vắng, những cái tạm gọi là “khiếm khuyết” trong các tôn giáo truyền thống [của người Mông]” là cơ sở để họ dễ  dàng tiếp thu đạo Kitô, đặc biệt là giáo lí Tin lành. Một lịch sử bị cuốn vào những tiến trình hiện đại hóa có khi duy ý chí dẫn đến sự suy yếu của  tôn giáo và văn hóa truyền thống, sự giảm sút về số lượng và chất lượng của những người có uy tín trong cộng đồng (các bậc cao niên am hiểu lý lối truyền thống, các thầy chí nếnh, thầy dở mủ, thầy khèn,  thầy trống,…những trí thức nắm giữ văn hóa và tôn giáo tộc người) đã dẫn đến sự bơ vơ về tâm linh và khiến không ít người Mông lựa chọn cải đạo.

Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông ở Mai Châu, Hòa Bình. Nguồn ảnh: Laodong.vn

Từ xuất  phát điểm đó, việc cải đạo theo các hệ phái Tin lành cũng như “những hiện tượng tôn giáo mới” được nhìn nhận như một vận động tất yếu tìm một hình thái sinh hoạt tinh thần thay thế của một bộ phận dân cư có nhu cầu tâm linh mạnh mẽ.  Xuất phát từ lịch  sử, văn hóa, tôn  giáo, vũ trụ quan và tâm thức dân tộc Mông, lần đầu tiên, những hiện tượng như “xưng vua”,  “đạo lạ”, cái đạo của người Mông đã  được nhìn nhận một cách khách quan, khoa học, thay vì đơn giản coi như những “tệ nạn” cần trấn áp. Điều đó cũng tạo nên một cái nhìn đa chiều về hiện tượng cải đạo mà theo đó, một mặt mang đến những vận động tích cực về văn hóa xã hội (góp phần giảm thiểu bất bình đẳng giới, tảo hôn, thất học, thực hành các lễ nghi tốn kém…) nhưng mặt khác cũng đặt ra những thách thức cho việc duy trì cố kết cộng đồng (tạo nên chia rẽ giữa những người theo tôn giáo truyền thống và những người cải đạo) cũng như bảo tồn văn hóa và căn cước tộc người.

Giống như những ghi chép của Jacques Dournes hay Nguyên Ngọc về Tây Nguyên hay những biên khảo của Inrasara về Chăm, cuốn Những rẻo cao mây phủ mở ra cánh cửa để chúng ta thấu hiểu và chung sống với những tộc người trong cộng đồng 54 tộc người ở Việt Nam.□

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)