Chúc thư Heiligenstadt

Chúc thư Heiligenstadt là một bức thư do Ludwig van Beethoven viết tại Heiligenstadt nay là địa phận thuộc Vienna) cho hai em trai của mình là Carl và Johann vào ngày 6/10/1802. Nó phản ánh nỗi thất vọng của ông về bệnh điếc đang tăng lên và khát vọng vượt qua được nỗi đau về thể xác và tình cảm để hoàn thành số mệnh nghệ thuật của mình. Beethoven đã giữ văn bản này cùng với những giấy tờ riêng tư trong phần còn lại của cuộc đời và có lẽ chưa bao giờ cho ai xem cả. Nó được Anton Schindler và Stephan von Breuning khám phá ra vào tháng 3/1827 sau khi ông qua đời và xuất bản vào tháng 10 năm đó. Một điều lạ lùng trong tài liệu này là, trong khi cái tên Carl xuất hiện ở những vị trí thích hợp, nhưng những chỗ trống lại được để nơi cái tên Johann lẽ ra phải có. Có nhiều giả thuyết cho điều này, từ việc Beethoven không chắc chắn có nên dùng tên đầy đủ của Johann (Nikolaus Johann) trong tài liệu gần như hợp pháp này không, tới cảm xúc quyến luyến lẫn lộn của ông đối với các em trai, và cả việc truyền lại lòng căm ghét suốt đời ông từ ông bố nghiện rượu của các cậu con trai (đến năm 1802 là đã mất được 10 năm), cũng có tên là Johann.


Gửi các em trai Carl và Johann Beethoven

Ôi các em, những người nghĩ hay nói rằng anh ác ý, ngoan cố hay ghét đời, các em mới nhầm lẫn về anh biết bao. Các em không biết nguyên nhân kín đáo khiến anh có vẻ như thế với các em. Từ thời thơ ấu, trái tim và tâm hồn anh đã tràn đầy những xúc cảm dịu dàng của thiện ý và thậm chí anh có thiên hướng hoàn thành những điều vĩ đại. Nhưng hãy nghĩ tới việc trong sáu năm nay anh đã đau đớn một cách vô vọng, bị các bác sĩ dốt nát làm cho tệ hại hơn, suốt từ năm này sang năm khác bị những niềm hi vọng về sự cải thiện lừa dối, cuối cùng buộc phải đối mặt với viễn cảnh bệnh tật lâu dài (người mà việc điều trị kéo dài tới hàng năm mà có lẽ là không thể chịu được).

Dù rằng có tính khí bẩm sinh nóng nảy, linh lợi, thậm chí dễ bị tổn thương trước những chệch hướng của xã hội, anh đã sớm buộc phải cô lập bản thân để sống cuộc sống cô độc. Nếu đôi khi anh cố gắng quên tất cả những điều này đi, ôi, anh đã bị những trải nghiệm đau buồn gấp đôi về thính giác tồi tệ của mình nhào vào một cách nghiệt ngã làm sao. Ấy thế mà anh không thể nói với mọi người: “hãy nói to lên, hãy hét lên, bởi vì tôi bị điếc”. Ôi, làm sao anh có thể thú nhận sự yếu kém của một trong những giác quan mà buộc phải hoàn hảo hơn những người khác trong trường hợp của anh, một giác quan mà anh từng sở hữu với sự hoàn hảo cao nhất, một sự hoàn hảo như một số ít người trong nghề của anh có hay từng có – Ôi! anh không thể làm điều đó được, bởi vậy hãy tha thứ cho anh khi các em thấy anh rút lui khi lẽ ra anh phải hòa đồng một cách vui vẻ với các em.

Nỗi bất hạnh của anh gây ra đau đớn gấp đôi cho anh bởi vì chắc chắn là anh bị hiểu lầm; bởi anh không thể có những cuộc giải trí với các bạn đồng nghiệp, không có những cuộc đối thoại tế nhị, không có những cuộc trao đổi ý tưởng lẫn nhau. Anh hầu như phải sống đơn độc, giống như một người bị lưu đầy. Anh không thể hòa nhập với xã hội dù chỉ nhiều bằng mức những đòi hỏi thực sự cần thiết. Nếu anh đến gần mọi người thì một nỗi kinh hoàng gay gắt sẽ chộp lấy anh và anh sợ bị đặt vào tình thế hiểm nguy là căn bệnh của anh có thể bị để ý. Vì vậy suốt sáu tháng trở lại đây anh đã ở lại vùng nông thôn. Bằng cách ra lệnh cho thính giác của anh nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, vị bác sĩ thông minh của anh hầu như đã chiều theo tâm trạng hiện tại của anh, mặc dầu đôi khi anh đã đi ngược lại nó bằng cách nhượng bộ ước muốn có bạn bè của mình. Song thật là bẽ mặt cho anh khi ai đó đứng gần anh nghe thấy tiếng flute từ đằng xa còn anh lại không nghe thấy, hay ai đó đứng gần anh nghe tiếng mục đồng đang hát còn anh cũng lại chẳng nghe thấy gì. Những việc xảy ra như thế khiến anh gần như tuyệt vọng, thêm một chút đó nữa và anh lẽ ra đã phải chấm dứt cuộc đời mình. Chỉ duy nhất nghệ thuật của anh đã ngăn anh lại. Với anh dường như không thể rời bỏ thế giới cho đến khi anh đã bộc lộ ra mọi điều anh đã cảm thấy trong lòng. Thế là anh đã cam chịu tình trạng khốn khổ này, thực sự khốn khổ đối với một thể xác dễ bị tổn thương đến thế mà đã bị quăng quật bởi một sự thay đổi đột ngột từ trạng thái tốt nhất đến trạng thái tồi tệ nhất. Kiên nhẫn, theo như họ nói, là điều mà giờ đây anh phải lựa chọn để dẫn lối cho mình và anh đã làm thế – anh hi vọng quyết tâm của anh sẽ vẫn mạnh mẽ để chịu đựng cho đến khi nó làm “Parcae sắt đá” vui lòng cắt đứt sợi chỉ. Có thể anh sẽ khỏe hơn, có thể không; anh đã sẵn sàng. Anh đã có suy nghĩ buộc phải trở thành triết gia ở tuổi 28 rồi, ôi, điều đó không dễ và đối với một nghệ sĩ thì còn khó hơn nhiều bất kì ai khác. Thượng đế ôi, người thấy được tận cùng tâm hồn con, người biết được trong đó ngự trị tình yêu thương nhân loại và khát vọng làm điều thiện, Ôi các bạn đồng nghiệp, ở nơi nào đó khi các bạn đọc chúc thư này, rồi hãy nghĩ về việc các bạn đã đối xử không công bằng với tôi. Người nào đó gặp bất hạnh có thể an ủi mình tìm thấy một trường hợp tương tự như mình, người mà bất chấp mọi giới hạn của tự nhiên vẫn làm mọi điều trong khả năng của mình để trở nên được chấp nhận giữa những nghệ sĩ và con người đáng kính.

Các em, em trai Card và Johann của anh, ngay khi anh chết, nếu bác sĩ Schmid vẫn còn sống, hãy dùng tên anh để yêu cầu ông ấy miêu tả căn bệnh của anh và kèm bằng chứng viết tay này cùng bản miêu tả bệnh tật của anh để cho trong phạm vi càng xa càng tốt, ít nhất thiên hạ có thể giải hòa với anh sau khi anh chết. Đồng thời anh tuyên bố hai em là những người thừa tự tài sản bé nhỏ của anh (nếu như có thể gọi nó như vậy); hãy chia nó cho công bằng, hãy khoan thứ và giúp đỡ lẫn nhau. Những tổn thương mà các em gây ra cho anh thì các em cũng biết là đã được tha thứ từ lâu rồi. Với em, em trai Card, anh gửi tới em lời cám ơn đặc biệt vì sự quyến luyến em tỏ với anh gần đây. Ước muốn của anh chính là em có thể có một cuộc sống tốt hơn và tự do hơn anh đã có. Hãy khuyên bảo đức hạnh cho các con của em; chỉ có nó, không phải là tiền bạc, mới có thể khiến chúng hạnh phúc. Anh nói từ kinh nghiệm của mình; đó chính là thứ đã nâng đỡ anh trong thời kỳ đau khổ. Cám ơn nó và cám ơn nghệ thuật của anh, anh đã không chấm dứt cuộc đời mình bằng việc tự sát – xin từ biệt và hãy yêu thương nhau.

Tôi cám ơn tất cả các bạn của tôi, đặc biệt là Hoàng thân Lichnowsky và Giáo sư Schmid; tôi mong muốn những nhạc cụ từ Hoàng thân L. sẽ được một trong số các bạn giữ gìn, nhưng không phải là nguyên nhân của cuộc tranh chấp giữa các bạn và ngay khi chúng đáp ứng một mục đích tốt hơn thì hãy bán chúng đi. Tôi sẽ sung sướng biết bao nếu ở trong mồ tôi vẫn có thể có ích cho các bạn – đúng thế đấy. Tôi vui vẻ vội vã đi tới cái chết. Nếu điều đó xảy đến trước khi tôi có cơ hội phát triển mọi khả năng sáng tác nghệ thuật của mình, thì nó vẫn xảy đến quá sớm bất chấp số phận nghiệt ngã của tôi, và chắc là tôi nên mong rằng nó xảy đến muộn hơn – thậm chí ngay cả khi tôi sung sướng vì nó sẽ giải phóng tôi khỏi tình trạng đau đớn vĩnh viễn chăng ? Hãy đến khi mi phải đến, ta sẽ dũng cảm gặp mi. Xin từ biệt và đừng quên tôi hoàn toàn khi tôi đã chết; tôi xứng đáng có được điều này từ các bạn, bởi vì suốt cuộc đời mình tôi đã thường nghĩ về các bạn và nghĩ cách làm cho các bạn hạnh phúc.

Ludwig van Beethoven
Heiligenstadt,
Ngày 6 tháng 10 năm 1802

     Ngọc Anh dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)