Cỏ Độc Lập

"Cỏ này vốn tên là cỏ Độc Lập. Chất nó ngọt như thuốc trường sinh, vị nó chữa được bệnh chán đời, và giã nhuyễn ra gạn lấy nước mà chép sách thì thứ mực này cầm cự được cả với sức tàn phá của thời gian. Ở những lĩnh vực mà con người còn biết yêu chuộng tự do và say sưa với công lý, nhân ái thì giống cỏ này hay giáng sinh…”.

Theo lời truyền tụng, vở nhạc kịch duy nhất mang tên Cỏ Độc Lập này của Nguyễn Tuân đăng lần đầu trên tờ Thiếu Sinh, một tờ báo cho trẻ em, số xuân 1946. Ngày 15/08/2007, 61 năm từ khi tác phẩm ráo mực, 20 năm sau ngày mất của ông, di cảo chính thức được công bố dưới dạng sách in, trên giấy dó, quét điệp, như còn nguyên vẹn mùi bản thảo, mùi mực, mùi chữ, còn nguyên gió lên từ con dấu. Thật tiếc là bởi số lượng in chỉ có 500 bản và không bán trên thị trường, sẽ có ít độc giả chạm tới cuốn sách.

Tôi đọc toàn bộ vở nhạc kịch chưa được dựng trên sân khấu này như một mơ mộng. Nhân vật người duy nhất là Cô Bé, hình ảnh của vẻ đẹp khôi nguyên, của sự khởi đầu, của tương lai, cũng đồng thời có thể là một gửi gắm về “thưởng thức giả của Ngày Tới”. Trang phụ bản của cuốn sách tái hiện phần sửa chữa lời đề tặng của Nguyễn Tuân “Tặng con Sơn Muội – người nữ độc giả vị lai” thành “tặng con Sơn Muội – thưởng thức giả của Ngày Tới” là một dấu ấn về tiếng Việt của Nguyễn Tuân. Quả tình, mấy chữ Ngày Tới, với tôi, âm vang, sáng trong và mở rộng hơn rất nhiều. Những biểu trưng khác cũng là những hình tượng đầy tham vọng: Sông, Núi là kích tấc không gian, thời gian, cả chiều kích địa dư và sự thấu trải lịch sử; Thần Cách Mệnh là sự trưng diễn và hoạt tác của sức mạnh thời đại, Đồng Cỏ sinh hạ loài dị thảo là quá trình hoài thai hoang dã, đau đớn và hân hoan; Quyển Việt Nam Sử là giấc mơ về sự thấu suốt tường minh của lịch sử.

Điều sảng khoái nhất mà tôi đọc thấy là vẻ đẹp trong cách tạo hình những ý niệm, những từ ngữ to lớn này. Một vở kịch ba màn với ba gam màu chủ đạo, luân chuyển: Màu tím ngắt ở màn 1 (Núi, Sông), màu đỏ bừng bừng sát phạt ở màn 2 (Đồng Cỏ, Thần Cách Mệnh, Sông và Núi) và màu xanh tràn trề ở màn 3 (Sông, Núi, Đồng Cỏ, Cô Bé, Quyển Việt Nam Sử, và Thần Cách Mệnh). Những lời thoại khắc tạc nhân vật và mở ra tưởng tượng. Lời Sông cùng Núi “kể lể hết nỗi niềm của không gian và thời gian”, tỏ lộ nỗi thiết tha với chốn địa dư và khát vọng đoàn tụ: “Hai ta không thể sống ngoài sự đoàn tụ được. Núi ơi, từ lúc này, hãy nhận lấy sự trở về của Sông đây. Và nguyện cùng nhau ở mãi với lịch sử của chốn địa dư này cho đến lúc sông cạn đá mòn.” Lời Thần Cách Mệnh muốn nổi gió Thời Cục:  “Ta kết tinh của Bạo Phá. Sinh ra và lớn lên từ nỗi Bất Công. Bất Bình là quê ngoại ta. Ta là người của Thời Loạn. Ta là sản phẩm của Chênh Lệch. Ta là con cháu của Binh Lửa… Ta là Lịch Sử… Ta đốt, ta quật, ta phá, ta tạo ra tan rã…” Lời Quyển Việt Nam Sử: “Em chép vào lưng tôi những công tội của Dĩ Vãng và cái hân hoan của Hiện Tại. Rồi thì chép đến cái gắng gỏi trong Vị Lai. Đến bao giờ thì Sử tôi sẽ được nghỉ hở Em?”

Thật khó khớp được huyễn mộng say sưa và thực tại tỉnh khô, nhất là những huyễn mộng đầy tràn của một nhà tùy bút nói tiên tri lúc cuồng hứng. Tác phẩm này dường như cũng (từng) là một nỗi phấn khích lớn của Nguyễn Tuân thời ấy. Tuy nhiên, đọc Cỏ Độc Lập lúc này, đã cộng thêm 5 năm tuổi từ khi nó được xuất bản lần đầu dạng sách trên giấy dó, tôi thấy thêm những ý vị mà 5 năm trước, tôi chỉ thưởng thức như một độc giả chuộng vẻ tài hoa và say sưa với câu chữ. Có lẽ, bây giờ, tôi yêu thích cả cái ảo tưởng say mê của Nguyễn Tuân về thời đại, bởi nó là một cách ghi dấu quá khứ, ghi dấu một điều thuộc về quá khứ và đã bị phủ định.

Muốn viết về cuốn sách này, có lẽ tôi chỉ muốn chép lại những câu, những chữ Nguyễn Tuân. Còn lại, là sự phiêu dạt của tưởng tượng, là sự bịa đặt thêm vào của những suy diễn lí trí, là sự mãn nguyện được sống với chữ nghĩa trong hân hoan, và được tha thiết cùng nỗi tha thiết của một nhà văn với sông núi đất nước, với lịch sử thiên tạo và nhân tạo của Việt Nam.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)