Con cào cào kể gì về tranh của van Gogh?

Một nghiên cứu mới đã đưa ra những ý tưởng về bức họa vẽ “Những cây ô liu” do danh họa Hà Lan Vincent van Gogh vẽ năm 1889, trong đó bao gồm cả câu chuyện về một con côn trùng không may bị “bẫy” trên bề mặt bức họa, giữa các đường cọ dày.


“Những cây ô liu” treo tại Bảo tàng nghệ thuật Nelson-Atkins. Nguồn: Wikipedia.

Nếu chúng ta còn nhớ thì bốn năm trước, Mary Schafer – một nhà bảo tồn tranh tại Bảo tàng nghệ thuật Nelson-Atkins ở thành phố Kansas, bang Missouri (Mỹ), khi kiểm tra Những cây ô liu, một bức tranh phong cảnh có những lùm cây ôliu màu xanh lá cây và xanh lam, đã ngạc nhiên phát hiện ra một vật nhỏ bị dính chặt vào lớp màu dày được vẽ bằng kỹ thuật impasto (vẽ đắp). “Ban đầu tôi cứ nghĩ vật ấn tượng đó là một cái lá xinh xinh nhưng sau đó tôi khám phá ra: trên thực tế đó là một con côn trùng bé xíu”, Schafer trao đổi với Live Science vào năm 2017. Hơn một thế kỷ, con cào cào không may mắn đó đã bị ghim chặt vào phía dưới bức tranh của van Gogh.

Hiện tại thì một nghiên cứu dày 28 trang như một phần của một thư mục online dành riêng cho bộ sưu tập tranh Pháp của bảo tàng do TS. Aimee Marcereau DeGalan thực hiện đã tiết lộ thêm thông tin về bức họa mà con cào cào đã vĩnh viễn thuộc về. Những thông tin vô cùng quý giá đó cho chúng ta biết thêm về một phần thế giới sáng tạo của danh họa, đặc biệt là bảng màu, kỹ thuật và phương pháp của ông.

 

Những cây ô liu ở Saint Rémy de Provence

 

Vincent van Gogh vẽ Những cây ô liu vào thời điểm ông điều trị tại một dưỡng trí viện bên ngoài vùng Saint Rémy de Provence ở miền Nam nước Pháp. Khi van Gogh chuyển đến vào tháng 5/1889, em trai Theo của ông đã nói với giám đốc viện là hãy cho phép ông được “tự do để có thể vẽ ở bên ngoài”. Nhờ vậy mà trong suốt năm tiếp theo – một trong những năm cuối đời của ông, van Gogh đã vẽ gần 150 bức, nhiều bức được hoàn thành ngoài trời.

Trước đó, bác sĩ Théophile Peyron, một cựu bác sĩ hải quân, vẫn cứ khăng khăng là họa sĩ cần được nghỉ ngơi trong nhà nên ông đành vẽ những bông diên vĩ, hoa poppy và bướm trong khu vườn mà ông nhìn thấy qua cửa sổ. Với van Gogh, những cánh hoa mang biểu tượng về sự tuần hoàn của sự sống; ông thấy cây, những con sâu bướm, những con ve sầu như những tiêu biểu cho sự chuyển đổi, một cái gì đó mà ông hi vọng có thể xảy ra với mình.

TS. Marcereau DeGalan lưu ý, ngay ở thời điểm trước khi qua đời một năm, van Gogh hầu như chắc chắn “nhận thấy rõ là mình đang vận lộn để sống và vẽ. Ông đang tự vấn, ngẫm nghĩ về đời mình, những đóng góp của mình và vị trí bên trong xã hội của mình”.


 Bức “Những cây ô liu” treo tại Bảo tàng nghệ thuật New York. Nguồn: Wikipedia.

Van Gogh mong mỏi được vẽ ở không gian bên ngoài, vượt ra khỏi cái sân kín của dưỡng trí viện. May mắn là trong tuần đầu tiên của tháng sáu, ông có được điều mình muốn khi Peyron gỡ lệnh cấm.

Vào mùa hè và thu năm 1889, ông bắt đầu với các bức trong loạt tranh về cây ô liu, vốn được truyền cảm hứng từ những bụi ô liu cổ thụ mọc gần các ngọn núi ở dãy Les Alpilles. Những bức vẽ mùa hè – bảo tàng Nelson-Atkins sở hữu một trong số đó, được vẽ chủ yếu bằng màu xanh lam, xanh lá cây và vàng với những nét cọ rời rạc đã phản ánh một cách trực tiếp cảm xúc từ tự nhiên cũng như cái ấm áp bắt đầu của mùa. Vào tháng mười một năm đó, Van Gogh tiếp tục bước vào quá trình vẽ những bức họa cây ô liu, trong đó có những bức hiện giờ thuộc về bảo tàng ở New York và Amsterdam. Kết nối những tác phẩm đó là bảng màu mùa thu, lối vẽ chấm điểm và những đoạn cách điệu của màu sắc bị phá vỡ. Giống như những họa sĩ Hậu Ấn tượng khác, van Gogh tạo ra các lớp màu sắc khác biệt ở cạnh nhau hoặc chồng lên nhau, cho phép hai màu có liên quan với nhau hòa lẫn vào nhau trong con mắt của người xem hơn là hòa quyện trên mặt toan. Ngoài điểm chung nhất là chủ đề, các bức họa mùa hè và tháng 11 và 12 đều hoàn toàn khác biệt trong bảng màu và cách tiếp cận. Những gì xảy ra giữa hai thời kỳ đó đều mang ý nghĩa quan trọng với việc xác định và hiểu về các bức họa này.

Van Gogh đã vẽ nhiều bức cùng một chủ đề, như điều ông đã làm với những cây bừng nở hoa vào mùa xuân và cánh đồng lúa mì trong thời kỳ ở Arles. Ông thử nghiệm nhiều phong cách, kỹ thuật và màu sắc với nỗ lực nắm bắt những đặc tính cốt yếu của chủ đề, và những cây ô liu cũng không ngoại lệ. Dưới con mắt của ông, chúng như biểu tượng của Provence nhưng cũng thể hiện một ý nghĩa tinh thần của chính mình. Sức mạnh biểu hiện trong những hình thức xoắn vặn và già lão của cây khiến van Gogh nghĩ đến một thứ uy lực thiêng liêng mà ông tin rằng có trong tất cả các hình thức tồn tại của tự nhiên.

Với màu vẽ do em trai gửi đến, van Gogh vẽ những cây ô liu xanh tươi và một con đường uốn khúc biểu hiện qua những nhát cọ xám – xanh lá và vàng cong vệt dài được một dãy lấp lánh hoa poppy đỏ thắm bao bọc. Những yếu tố này mời gọi người xem nhìn vào sâu trong bức tranh. Những nhát vẽ thẳng bằng kỹ thuật “wet into wet” (chồng một lớp sơn ướt lên lớp sơn còn ướt khác) gặp những đường nằm ngang dường như ăn khớp với sự gồ ghề lởm chởm của lớp đất bên dưới gốc cây. Ở phần xa bên phải của những cái cây này, van Gogh đặt những chấm nhỏ màu vàng sáng lên những đường cọ dài mà các nhà nghiên cứu phát hiện ra là đã kịp khô lại. Những đốm nắng giữa các cây ô liu khiến cho người ta cảm nhận được sức nóng của miền Nam nước Pháp. Dù không có Mặt trời nhưng van Gogh đã truyền năng lượng của nó lên bức tranh của mình.

Mối liên hệ giữa màu sắc và cách chúng tương tác với nhau để làm tăng thêm các sắc thái và tạo ra sự hài hòa, cảm xúc vốn là thế mạnh của van Gogh; ông đặc biệt quan tâm đến sự bổ sung của màu sắc khi đặt cạnh nhau (đỏ/xanh lá, xanh lam/cam, tím/vàng). Ông học hỏi những cặp màu này qua việc ngắm nghía các bức tranh của Eugène Delacroix và đọc Grammaire des arts du dessin của Charles Blanc. Một vài ảnh hưởng đã xuất hiện trên bức Những cây ô liu: những bông poppy đỏ đối lập hoặc ở gần tán lá xanh… Đây là một phần kết quả mà TS. Mary Schafer và các nhà bảo tồn khác thực hiện tám năm trước bằng kỹ thuật huỳnh quang tia X khi lập được bản đồ các nguyên tố trong bảng màu sắc mà van Gogh thường sử dụng.

 

Phẩm vật tình cờ của tự nhiên

 

Một phần con cào cào bị dính vào bức tranh. Nguồn: Bảo tàng nghệ thuật Nelson-Atkins.

 

Với các nhà bảo tồn, bức họa có một số chi tiết chỉ dấu các màu vẽ khô nhanh trước khi nhận được nhát cọ tiếp theo. Gió mistral ở vùng thung lũng sông Rhône – một loại gió lạnh và khô, thổi hầu hết vào các mùa trong năm nhưng mạnh nhất là vào mùa đông và mùa xuân – hầu như là thách thức lớn với việc vẽ ngoài trời khi chuyển mùa. Thời tiết dữ dội đã làm tăng cơ hội sẽ có những mảnh vụn ngoài ý muốn bám vào những lớp màu vẽ dày trên mặt toan của van Gogh.

“Ở bên ngoài những cánh cửa, phơi mình trong gió, Mặt trời, sự tò mò của con người, một người làm việc như bao người khác, một người có thể tô lên toan vẽ một cách bất chấp”, ông viết trong một bức thư gửi em trai Theo vào tháng chín năm 1889. “Sau đó có thể ‘bắt’ lấy cái thật và cái tinh túy [của tự nhiên]”.

Đó có thể là lúc con cào cào vô tình đáp xuống bức tranh của van Gogh. TS. Marcereau DeGalan và TS. Mary Schafer đặt rất nhiều hi vọng vào khả năng các nhà sinh học tìm thêm được thông tin về mùa mà họa sĩ vẽ tranh thông qua con cào cào bị dính vào lớp màu vẽ còn ướt đó. Tuy nhiên thật không may là con cào cào đó không còn nguyên vẹn – nó thiếu mất bụng nên chỉ còn đầu và chân sau mắc kẹt giữa lớp màu vẽ lúc đó còn ướt. TS. Michael S. Engel, một nhà cổ sinh vật học tại trường Đại học Kansas đã nói với họ là việc thiếu đi phần cơ thể hữu dụng đó cho thấy con côn trùng này hầu như là chết ngay lập tức khi bị dính lên toan, mặt khác trên màu vẽ không có dấu hiệu vật lộn. Điều này khiến cho ông không thể tận dụng được yếu tố chu kỳ mùa của cào cào sống trong vùng vào năm 1889 để làm tăng thêm thông tin cụ thể về tháng mà van Gogh hoàn thành bức họa.

“Nó có thể bị cuốn theo gió hoặc đậu trên cỏ rồi đập cánh trúng bức vẽ”, TS. Marcereau DeGalan giải thích về việc vì sao con cào cào lại không nguyên vẹn. Do con côn trùng bé nhỏ này đã bị dính vào phía dưới bức tranh, có lẽ là do van Gogh kéo lê tấm khung toan nặng nề cùng mớ đồ nghề trên đường
về nhà.

Phần tiêu bản của con cào cào trong bức Những cây ô liu làm người ta nhớ đến một vấn đề mà van Gogh hay gặp phải: những con côn trùng. Trong một bức thư năm 1885 gửi em trai Theo, ông viết về việc vẽ ở ngoài trời: “Anh đã phải nhặt lấy cả trăm con ruồi và nhiều hơn số ấy khỏi bốn bức mà anh sẽ gửi em, đấy là còn chưa kể đến cát và bụi… Hãy tưởng tượng khi một người vác chúng xuyên qua những cây thạch nam và những hàng cây khác trong vài giờ, một vài cành chìa ra đã cào xước lên bề mặt tranh”.

Trong trường hợp này, con cào cào có thể không giúp gì cho nghiên cứu lịch sử nghệ thuật nhưng nó cũng là một điểm thú vị đối với khách tham quan bảo tàng, khiến họ quan tâm hơn đến bức vẽ để xem xem liệu họ có thấy được dấu vết nó để lại hay không. Tuy nhiên sinh vật của tự nhiên này lại quá nhỏ khiến người thưởng ngoạn không dễ nhận ra nếu không có sự hỗ trợ của một cái kính lúp.

Bà Juliàn Zugazagoitia, giám đốc của bảo tàng Nelson-Atkins, cho biết Những cây ô liu là một bức vẽ được yêu thích ở bảo tàng này và việc thực hiện nghiên cứu khoa học nhằm làm giàu thêm thông tin về nó. “Những khám phá khoa học kết hợp với những bức thư đã đem lại cái nhìn thấu suốt vào sự lựa chọn màu sắc, phương pháp làm việc của van Gogh, một trong những họa sĩ hàng đầu thế kỷ 19”, TS. Marcereau DeGalan nói.

Nhà giám tuyển này cho biết thêm, “Trong một chốc lát, nó đem người ta trở về năm 1889 với một cánh đồng bên ngoài dưỡng trí viện. Nơi đó, con cào cào bay trong một ngày thiếu may mắn trong cuộc đời – hoặc có thể là một ngày quá đẹp, bởi vì nhờ vậy nó đã vĩnh viễn được đóng khung vào một kiệt tác và buộc chúng ta phải nghĩ về nó trong nhiều năm sau nữa”. □

 

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://nelson-atkins.org/fpc/downloads/articles/738.pdf

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/how-did-grasshopper-end-trapped-van-gogh-painting-180977227/

https://www.theguardian.com/artanddesign/2017/nov/08/dead-grasshopper-discovered-in-vincent-van-gogh-painting

Việc phát hiện ra con cào cào trên bức “Những cây ô liu” là nhờ Bảo tàng Nelson-Atkins thực hiện một dự án nghiên cứu kéo dài 12 năm, thu hút sự tham gia của các nhà giám tuyển, bảo tồn, nhà khoa học và học giả độc lập. Mục tiêu của dự án thiết lập một catalogue số hóa 160 bức họa Pháp từ những năm 1600 đến những năm 1900 của bảo tàng, trong đó có nhiều kiệt tác Ấn tượng và hậu Ấn tượng. Khi dự án này thành công, họ có thể bước vào lĩnh vực xuất bản số hóa và tạo điều kiện truy cập mở cho tất cả mọi người. “Việc số hóa bộ sưu tập này làm tăng thêm cam kết của chúng tôi về việc nghiên cứu chúng”, William Keyse Rudolph, phó giám đốc bảo tàng nói. “Các bức họa Pháp được yêu thích tại Nelson-Atkins, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu chúng để có thể đưa thêm những tài liệu mới vào bộ sưu tập quý giá này”.

Tác giả