Con chuột

Truyện ngắn của Lê Đạt  Mộng hóa thân trong một nét xuất thần

Lý tuần phủ có thể coi là một con người hạnh phúc. Mới ngoại tứ tuần đã làm quan đầu tỉnh một vùng màu mỡ. Hơn nữa, ngài lại là con rể của tể tướng đương triều. Bước đường công danh rộng mở trước mặt quan một trời xanh thênh thang không biết đâu là mốc giới. Ngoài ra, quan còn nổi tiếng một họa sỹ tài ba. Những tranh ngài vẽ thật tỷ mỉ nuột nà đã đạt tới trình độ tinh xảo một tay nghề lão luyện.

Có một bức họa của Lý tuần phủ treo trong nhà sang trọng như sở hữu một đồ gia bảo quý hiếm nó đề bạt thời giá của chủ nhân thăng đến mấy cấp.
Trên đời có phải ai cũng có cái may mắn độc đắc như Lý đại nhân đâu!

Nhưng trớ trêu thay đó cũng là cái gốc sinh ra nỗi muộn phiền của vị thượng quan.
Đứng về mặt công quyền thì đúng ngài đường đường là một vị quan đầu tỉnh oai vệ hét ra lửa không ai dám so bì.

Nhưng hội họa lại thuộc địa hạt nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì từ thuở cha sinh mẹ đẻ vốn ở ngoại ô phẩm trật triều đình. Người khen, kẻ chê hỗn loạn chẳng ai bắt bớ họ được.
Ở vùng Chiết Giang cũng nẩy nòi một danh họa khác có một cái tên mà nhiều người cho là rất đỗi khiêu khích: Vương Họa.

Đó là một cuồng sỹ quanh năm lang thang sống nhờ vào lòng hiếu khách của thiên hạ. Trước khi nổi tiếng về tranh, Vương Họa đã là một danh tửu ngoại hạng. Vương có thể uống rượu thông ngày này sang tháng khác như một chiếc thùng thủng đáy.
Mà rượu thì phải loại mỹ tửu hảo hạng.

Nhưng chẳng ai nỡ tiếc một nghệ sỹ như Vương.
Rượu vào hứng lên, Vuơng phóng bút tặng chủ nhân một bức vẽ vào bất cứ thứ gì sẵn có dưới tay, một tờ giấy tầm thường, một mảnh bìa vứt đi và lập tức các thứ đó trở thành của quý dưới nét bút tưởng như nguệch ngoạc và trễ nải của nhà danh họa.

Vương có thể trở thành triệu phú nếu ông mở một phòng tranh. Nhưng người trẻ tuổi đam mê một cuộc đời phóng túng nơi ca lâu tửu quán trên các chiếu rượu hơn là kinh doanh khả năng thiên phú của mình.
Một phú thương đã biếu Vương Họa ngàn lạng vàng để vẽ cho mình một bức chân dung hòng lưu lại hậu thế.

Vương Họa chẳng biết say thật hay say giả đã gạt phắt cả ngàn lạng vàng tung tóe xuống nền đá và cười ngất:
– Xin cảm tạ chủ nhân về thứ rượu cúc thượng thặng nhưng dẫu ngài có thuê tôi vạn lạng tôi cũng quyết khước từ.

Trước vẻ sửng sốt của chủ nhân, Vương ôm cả bình mỹ tửu tu một hơi rồi nói như một người rất tỉnh:
– Không vẽ còn ngồi uống rượu được với nhau chẳng hơn vẽ rồi không nhìn mặt nhau được nữa.

Rồi Vương giẫm lên ngàn lạng vàng bỏ đi không quay lại.
Có người bạn hỏi ông sao không vẽ chân dung nhà triệu phú, Vương Họa điềm nhiên trả lời:

– Mặt ông ta chỉ có mặt tiền, không có mặt hậu.
Đặc biệt những bức vẽ kỹ nữ của Vương không ai là không biết tiếng.

Đã nhiều hoa nữ tuyệt sắc tự nguyện hiến tấm thân ngàn vàng cho nhà danh họa để đổi lấy một bức chân dung.
Ông chỉ cười lắc đầu – Điều kiện Vương đặt ra cũng thật oái ăm như tính rồ dại của ông.

Vương Họa chỉ yêu cầu người đẹp phục vụ mình một chầu tắm “chay” bằng rượu. Hình như đây là nguồn gốc của món tắm hơi phổ biến ngày nay (đã ít nhiều bị biến chất).
Ông giải thích:

-Thưởng thức mỹ tửu ướp hương mỹ nhân bằng tất cả mọi lỗ chân lông mới thật là đã rượu.
Ở trên đời không thiếu gì kẻ cuồng sỹ, và họ cũng chẳng làm hại ai, có khi lại còn làm cho cuộc sống bình thường vốn tẻ nhạt thêm thú vị.

Nhưng vũ trụ loài người chỉ có một mặt trời – Cái tỉnh Chiết Giang tuy mênh mông thật đấy nhưng có đến hai mặt trời hội họa thì kể cũng hơi nhiều.
Chẳng biết Vương Họa có bận tâm đến Lý tuần phủ không. Nhưng Lý tuần phủ thì quả là có hơi bận tâm để kẻ công dân cá biệt này. Có thể bận tâm bất đắc dĩ. Chung quanh người quyền thế thường có một đám vệ tinh mà nhiệm vụ duy nhất là tìm cách lấy lòng chủ bằng mọi giá.

– Cái thằng cha căng chú kiết ấy chẳng biết tài đến đâu mà dám tự xưng là Vương Họa.
Có người biết chuyện đã khuyên Vương đổi họ đi cho nó đỡ phiền phức.

Nhà danh họa chỉ lắc đầu:
– Vương là họ của tôi, từ ông tổ mấy đời đã có chữ Vương rồi, có phải của riêng tôi đâu mà tôi dám đổi.

Tình thật mà nói Lý tuần phủ cũng không phải con người quá đáng – Thoạt đầu quan chỉ cười xòa:
– Họ của người ta làm thế nào mà thay đổi được…

Nhưng đám trung gian nói ra nói vào mãi đến mức bậc phụ mẫu lâu dần cũng sinh nghi.
– Hay hắn bịa ra cái trò họ Vương ấy để xấc xược thật – Chẳng lẽ hắn dám nói toẹt ra là Họa Vương nên mới trí trá ra như thế – Ngón xảo ngôn ấy ta còn lạ gì – Nhưng thôi có dung kẻ dưới mới là bề trên.

Và Lý tuần phủ cho qua – Vả lại tiếng tăm của ngài ngày càng lên như diều gặp gió đến mức Hoàng đế đích thân cho vời vào Kinh để vẽ chân dung cho công chúa.
Bức chân dung nuột nà được cả triều đình ca ngợi và được nhà vua ban thưởng một bộ đồ vẽ bằng ngọc quý – không những thế nhà vua còn chỉ dụ cho thợ khéo sao chép ra thành nhiều bản.

Trong thời gian ấy, Vương còn bận say rượu – Chẳng biết trong lúc tửu nhập ngôn xuất Vương có bĩnh ra câu phạm thượng đó không, hay có kẻ nào tâng công (cái đám tố điêu này bao giờ cũng trên số ít) mà câu nói chết người sau đây đến tai quan tuần phủ:
– Ông ấy chỉ giỏi vẽ xác chết.

Láo quá. Thế này thì không được.
– Nhưng có phải chính tai nhà người nghe hắn nói không?

Có đến hàng trăm người thề độc là chính tai mình nghe tiếng và sẵn sàng ra làm chứng trước công đường.
– Cụ lớn cứ việc gông cổ hắn vào đánh một trăm trượng cho nó chừa cái thói ngông cuồng ấy đi.

Nhưng Lý tuần phủ vốn là người thâm nho.
Quan cho người bắt Vương Họa giam vào một buồng kín có đủ giấy mực và bút vẽ – Ở giữa nhà treo một bức chân dung công chúa – Ngài hạ lệnh cho lính trói chân, trói tay Vương lại, giọng điềm đạm nhưng nghiêm khắc.

– Lẽ ra ta phạt ngươi một trăm trượng về tội vọng ngôn. Nhưng thương ngươi là kẻ có đôi chút tài ba, ta giam ngươi vào đây, cung cấp đồ ăn thức uống tử tế. Khi nào ngươi bằng lòng sao chép lại bức chân dung công chúa thì kêu lên ba tiếng, sẽ có người vào cởi trói cho người – Và nếu vẽ đẹp sẽ có thưởng.
Điều kiện thoạt như chẳng có gì quá quắt. Nhưng Lý tuần phủ không tính đến lòng tự trọng của một tâm hồn nghệ sỹ chân chính.

Hơn nữa món cơm rượu hàng ngày cũng khá tươm tất – Vương Họa chỉ việc đánh chén xong là vỗ bụng ngủ khì.
Tiếng ngáy như những mũi dùi nhọn đam vào tai quan tuần phủ. Nhưng chẳng lẽ vì mấy tiếng ngáy dung tục mà hành hạ hắn, nuốt lời hứa thì đâu phải là người lớn.

Một viên lại già tâm phúc hiến kế:
– Đại nhân hạ lệnh cắt đứt cái khoản rượu, may ra hắn mới chịu khuất phục.

Biện pháp này tức thời phát huy tác dụng. Quả nhiên Vương mất ăn mất ngủ, đêm nào cũng chập chờn mơ thấy rượu đứng gọi ở đầu giường, người tọp đi trông thấy.
Các cụ nói rượu có sâu có lẽ đúng. Nó cào cấu ruột Vương dữ quá tưởng có thể đục thủng bụng ra chết như bỡn.

Vương thét lên một tiếng, rồi tiếng thứ hai… nhưng nước mắt chảy ra nghẹn tiếng thứ ba không cất lên được.
Và viên cai ngục chỉ đợi tiếng thứ ba là hoàn thành nhiệm vụ đã phải mấy lần tẽn tò.

Đã thế tao cho mày biết tay. Hắn hâm một vò rượu thơm phức ngồi tì tì uống bên ngoài.
Và nghe rõ tiếng Vương nuốt nước bọt ừng ực phía sau cửa.

Chết chưa con!
Khoái trí hắn mềm môi uống mãi, quá chén lăn ra ngủ.

Khi tỉnh dậy thì cửa đã mở toang và Vương Họa không biết đã biến đi từ lúc nào.
Hắn hốt hoảng chạy vào báo Lý tuần phủ, mặt cắt không còn hột máu.

Lý tuần phủ khẩn cấp đến tận nơi – Bên đống thừng bị găm đứt, quan nhặt được một mảnh giấy.
Tên cai ngục rập đầu lạy như tế sao – Nhưng hình như Lý tuần phủ mải nghĩ một điều gì sâu xa không nghe rõ tiếng kêu van của hắn.

Cuối cùng chỉ thấy ngài bình tĩnh nói:
– Cho người lui, không phải tội nhà ngươi.

Viên quản ngục trước khi rút lui còn rập đầu lạy mười lạy.
Quan vẫn mải xem tờ giấy, không mảy may để ý đến thái độ khúm núm của cái thân phận sâu kiến quá bé nhỏ kia. Về đến nhà rồi, viên cai ngục vẫn còn chưa hết ngạc nhiên. Vừa thắp hương lễ tạ hồng phúc tổ tiên hắn vừa nghĩ thầm trong bụng.

– Không biết mảnh giấy viết gì mà quan lớn bỗng dưng nhân đức thế.
Điều ấy chỉ một mình Lý tuần phủ biết.

Vương Họa chân tay bị trói chặt, thèm chất men quá bất đắc dĩ đã lấy ngón chân cái còn tự do nhúng vào mực vẽ một con chuột. Con chuột giấy đã huy động đám chuột thật trong nhà giam cắn dây trói giải phóng cho nhà danh họa đi uống rượu.

                                                                                                                          Lê Đạt

Tác giả