Công tác đào tạo lại kiến trúc sư trẻ Việt Nam

Sự thiếu hụt tri thức hiện đại thể hiện rõ trên hầu hết các môn học của đào tạo kiến trúc sư (KTS). Cơ cấu chương trình và tư duy sư phạm chỉ đưa lại cho thế hệ trẻ những tri thức rời rạc, xơ cứng. Điều đó không phù hợp với việc nhận thức thực tại kiến trúc vốn phức tạp, đa chiều. Học sinh hầu như không có điều kiện học và thực hành cách tổ chức và liên kết tri thức, càng không được rèn luyện khả năng nuôi dưỡng và phát huy trí tưởng tượng, vốn là chất men xúc tác cơ bản khiến bùng nổ sáng tạo kiến trúc.

Tại cuộc tọa đàm do Trường Đại học Xây dựng tổ chức năm 2004, một giáo sư Canada đã so sánh chương trình đào tạo KTS của Canada với Việt Nam và nhận thấy: đào tạo KTS tại Trường ĐHXD không có đến 70% số môn khoa học xã hội và nhân văn liên quan và tác động trực tiếp đến kiến trúc. Điều này lý giải tại sao một KTS trẻ lại rất ngỡ ngàng khi được giao thiết kế một chung cư cho người thu nhập thấp, anh ta lúng túng bởi chưa từng được làm quen và hiểu thế nào là khái niệm “thu nhập thấp”.

 
Trung tâm Giao lưu văn hóa – SV Đỗ Minh Đức

Đào tạo sau đại học thì không đâu như ở ta, chỉ có một loại Master chung cho tất cả KTS. Các nước phát triển có hàng chục loại Master, ứng với từng chuyên ngành cụ thể, nó đáp ứng kịp thời và đa dạng nhu cầu thực tiễn xã hội. Phải chăng chúng ta vẫn tiếp tục muốn ươm những Master không màu sắc và vô vị?
Hiện tại các đô thị Việt Nam đang mọc lên rất nhiều nhà cao tầng, rất nhiều cái gọi là “khu đô thị mới”, “khu du lịch sinh thái”…
Nhưng thử hỏi bao nhiêu KTS trẻ làm chủ được công nghệ thiết kế và tư vấn kiến trúc nhà cao tầng từ A đến Z.
Thử hỏi bao nhiêu giám đốc các văn phòng KTS trẻ trả lời được câu hỏi: Thế nào là một văn phòng tư vấn kiến trúc đạt chuẩn quốc tế?
Văn kiện Đại hội VII Hội KTS Việt Nam nêu: số KTS ở độ tuổi trên dưới 30 chiếm số đông áp đảo. Thực tế 70% – 80% công việc thiết kế kiến trúc quy hoạch là đến tay người trẻ làm thật. Song KTS trẻ lại có một quá trình đào tạo đầy bất cập, mất thời gian, tốn kém mà rất ít kết quả.
Tuy thế việc đổi mới giáo trình, đổi mới công nghệ đào tạo ai cũng rõ là không đơn giản. Mỗi cơ sở đào tạo đều có cách làm riêng của mình, đồng thời phải chịu nhiều tầng áp lực của cơ chế nên sức ỳ lớn, khả năng xoay chuyển chậm.
Tóm lại, việc không thường xuyên hiện đại hóa công tác giảng dạy kiến trúc khiến chúng ta lâm vào thế đứt đoạn rất đáng tiếc giữa tri thức kiến trúc đương đại với những sinh viên, với những KTS trẻ và không chỉ với những người trẻ.
Cải cách giáo dục hiện nay ở nước ta vô vàn khó khăn. Thực trạng đó bắt buộc mỗi cá nhân, mỗi tổ chức quan tâm đến sự phát triển nghề nghiệp của KTS trẻ phải nghĩ ra những hình thức, những phương thức tổ chức thích hợp, hỗ trợ cho nhà nước dần tháo gỡ những bế tắc hiện nay.
Một trong các giải pháp là chúng ta có thể chủ động lập ra một Trung tâm đào tạo lại theo mô hình xưởng – việc này đã có kinh nghiệm của Bauhaus, với mục tiêu:
– Hình thành những khối óc có khả năng tự nhận thức, biết tổ chức và liên kết tri thức.
– Phục hồi, nuôi dưỡng và phát triển năng lực tưởng tượng cho KTS khi sáng tác.
– Lựa chọn và xây dựng những hạt nhân làm công việc lý luận phê bình kiến trúc.
– Nâng cao sự hiểu biết và tri thức về hoàn cảnh và điều kiện hành nghề, về tri thức địa phương và địa chí, văn hóa và luật pháp Việt Nam cho KTS Việt Nam. Bởi đó là khung văn hóa, KHKT, xã hội, luật pháp cụ thể của KTS Việt Nam.

 
Trung tâm văn hóa đa phương tiện phố cổ Hà Nội – SV Đặng Xuân Hòa

– Giáo dục lòng tự trọng, khả năng đối thoại, thuyết phục chủ đầu tư. KTS phải đủ sức và biết thuyết phục xã hội rằng mình là người kiến tạo môi trường sống có văn hoá cho cộng đồng chứ không phải là anh thợ vẽ, càng không phải là nhà môi giới.
Không giống như con đường gập ghềnh của quá trình dự thảo quy chế hành nghề, trong việc đào tạo lại, chúng ta có thuận lợi không phải thông qua, không phải xin phê duyệt. Chúng ta tự tổ chức và hoàn toàn tự quyết.
Tuy nhiên để hiện thực hóa ý tưởng, cần chủ động lường trước những vấn đề sau:
1. Rất nhiều KTS, nhà giáo tâm huyết ý thức được sự cần thiết của việc đào tạo lại, song không phải người ý thức được là làm được. Chúng ta phải chọn đúng người, giao đúng việc. Phải phát hiện ra những Gropius, Mies van der Rohe của Việt Nam. Để có một dạng Bauhaus của Việt Nam phải có người đúng tầm tổ chức và điều hành.
2. Sự tài trợ ban đầu cho Trung tâm đào tạo lại là cần thiết, về sau khi vận hành tốt, Trung tâm sẽ tự hạch toán. Việc tài trợ cho đào tạo lại phải 5 đến 10 năm sau mới thấy kết quả. Cần nhận thức rằng, hiệu quả đào tạo và nâng cao tri thức, bất kỳ ở đâu, cũng rất khó định hướng. Nó tích luỹ như con sông ngầm khi đủ lượng mới dâng cao.
3. Chúng ta phải liên doanh liên kết với những tổ chức và cá nhân KTS có uy tín trong khu vực và quốc tế (như KTS Ken Yeang – chuyên gia nhà cao tầng sinh thái người Malaysia hay Murcutt người Australia…). Việc này sẽ tăng đáng kể lực hấp dẫn với KTS trẻ.
“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Vậy nếu chúng ta khoanh tay thụ động đợi Bộ Xây dựng hay Hội KTS Việt Nam đưa ra biện pháp vực dậy công tác đào tạo thì e quá muộn. Khi đó căn bệnh trầm kha của kiến trúc đô thị nông thôn hẳn đã di căn, vô phương cứu chữa.
Ý tưởng về một Trung tâm đào tạo lại có là biện pháp khả thể hay không? Chỉ những cá nhân và tổ chức thực sự tâm huyết với sự nghiệp đào tạo KTS mới đủ khả năng thẩm định và đưa ra câu trả lời chân xác nhất. Biết rằng cái khó là “mục tiêu một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi”. Song chúng ta có quyền hy vọng.

Chú thích ảnh trên cùng: Trung tâm công nghệ phần mềm- SV Đỗ Trung Kiên

KTS Hoàng Thúc Hào

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)