Cuộc trò chuyện trên yên xe máy*

“Người Việt Nam, chỉ cần làm cho họ bị tràn ngập trong những chiếc xe gắn máy, là đủ!” – vào những năm 70 của thế kỷ XX, một nhà báo của tờ Time thường trú tại Sài Gòn đã tuyên bố như vậy.

Chi tiết trên được Jean – Claude Pomonti của tờ Le Monde (Pháp) tình cờ nhắc lại trong cuốn sách Một người Việt Nam thầm lặng1, viết về ký giả, điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn.

*

30 năm sau thống nhất đất nước, 19 năm hậu Đổi Mới, Hans Kemp, nhiếp ảnh gia độc lập người Đức đã đi khắp lãnh thổ có hình chữ S và nghiên cứu phương thức sử dụng xe hai bánh của người Việt. Trong cuốn sách ảnh có tên Bikes of burden (NXB Visionary World Ltd, Hongkong, 2005) gồm 160 trang ghi lại 148 tình huống cho thấy hình ảnh mang dấu ấn đặc thù của đời sống xã hội Việt Nam: xe hai bánh (xe gắn máy xe đạp) có mặt hối hả khắp nơi, từ ngõ làng quê đến đường phố lớn; là những phương tiện lưu thông, chuyên chở, mưu sinh và là biểu trưng cho tài sản, sự sung túc của người dân. Chiếc xe hai bánh như một ẩn dụ về đời sống kinh tế với tham vọng cơ giới hóa, công nghiệp hóa từ một vạch xuất phát mang tính thô sơ. Thế nhưng, con người trong ảnh của Hans Kemp, dù lấm lem lấm luốc đến đâu, cũng đều sáng lên nụ cười. Về cái cười “khó hiểu” của người Việt, nhiều học giả đã phân tích khá thấu đáo, cho thấy khi dân Việt Nam cười, không hẳn là họ đang vui sướng hay biểu thị sự hài lòng về đời sống đâu. Nếu chúng ta gán sự hạnh phúc vào những nụ vười và những giọt mồ hôi, thì là bởi… chúng ta đang lạc quan thái quá đó thôi.

Vài năm sau, tại Việt Nam, hai tác giả Lê Ngọc Huy, Vũ Ngọc Dũng đã thực hiện 130 bức ảnh trong cuốn sách mang tên BikelihoodMưu sinh với lời giới thiệu nói khá rõ “chân dung nhân vật chính”: “Số phận chiếc xe máy luôn gắn chặt với thân phận chủ nhân của nó. Không ít người đã trút hơi thở cuối cùng bên chiếc xe. Thân thuộc là vậy, nên chiếc xe không còn là vật vô tri vô giác. Người ta san sẻ vào đó biết bao tình cảm. Nên mỗi chiếc xe đều có một tâm hồn. Và mỗi chuyến hàng nặng trĩu cũng chính là gánh nợ đời trĩu nặng. Việc sử dụng xe máy ở Việt Nam có thể được coi là một thứ nghệ thuật: nghệ thuật chất, buộc hàng, nghệ thuật chạy xe, và cả “nghệ thuật” chọn đường đi sao cho nhanh và an toàn nhất, lại không bị phạt vì vi phạm Luật giao thông. Bộ sách ảnh chủ đề Bikelihood với 130 hình ảnh lại mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau về số phận con người khi phải đối diện với nỗi lo cơm áo”.

Năm 2009, trong vai một khách du lịch bụi, Zuli Zeh, nữ văn sĩ Đức sau một cuộc hành trình xuyên Việt, đã viết: “Mặc dù ở đây người ta có thể làm mọi việc khi đi xe máy, dễ dàng như ở trên tàu điện ngầm vậy, nào là đọc báo, ăn uống và tán chuyện, nhưng người ta vẫn luôn còn thừa một ngón tay để nhấn còi: tiếng còi là âm thanh tự nhiên của dân đi xe máy ở đây, giống như tiếng hót là âm thanh tự nhiên của loài chim vậy. Tiếng còi xe kết hợp với sự mệt mỏi, say máy bay và sốc khí hậu (đây không phải không khí nữa, mà là một nồi súp nóng!) khiến tôi rơi vào trạng thái mê man, trạng thái mà ở đó sự khác biệt giữa sống và chết chẳng còn ý nghĩa gì nữa, nó giúp một khách du lịch như tôi có thể tham gia vào giao thông ở đây, nói rõ hơn: bị tham gia vào, mà không đến nỗi phát hoảng lên vì sợ. Tôi giống như khúc gỗ trôi trên sông, và tôi cứ để mình bị cuốn đi như thế. Dòng nước sẽ tự biết cách chảy mà không nghiền nát tôi.”2

Bức tranh đời sống con người Việt Nam hiện đại được một ký giả người nước ngoài thâu tóm khá hài hước trong một cái tựa báo: Việt Nam ăn, ngủ và mơ trên xe máy!3 Còn một cây bút viết tản văn người Việt hằng ngày lăn lộn trong dòng xe gắn máy Hà Nội thì tự trào đại ý, nếu vẽ chân dung người Việt hôm nay, thì nên hí họa anh ta có đầu người, nhưng thân hình xe máy.

*

Cùng với tivi, những chiếc xe máy Made in China đã làm thay đổi diện mạo làng quê Việt Nam những năm 90 của thế kỷ XX. Tôi chọn thời điểm này về sau bởi hai lý lẽ: chủ quan, nắm bắt những gì mình trải nghiệm được; khách quan: sự chuyển đổi mô hình kinh tế xã hội từ đóng kín sang mở cửa đã làm thay đổi phương thức vận hành đời sống, tư duy về phương tiện lưu thông, sản xuất…

Sau đổi mới, mở cửa kinh tế, làng quê Việt Nam phát cuồng lên bởi tiếng động cơ và còi xe máy. Tốc độ sống diễn ra nhanh hơn. Người Việt bắt đầu quen gắn khái niệm hạnh phúc với những điều kiện vật chất nhất định. Người giàu, kinh doanh được coi trọng. Cơ hội làm ăn mở ra cho tất cả mọi người. Tất cả trở nên hối hả. Ai nhanh thì sẽ có dịp mở mang hưởng thụ, nắm bắt nhiều thời cơ đổi đời. Thời điểm này, người kinh doanh tính được mức độ được mùa nông sản bằng con số xe máy Tàu bán ra từ một đại lý trong vùng. Người nông dân nhiều nơi xem cái kết có hậu của một mùa màng đổ mồ hôi sôi nước mắt nằm ở cảm giác được ngồi trên yên chiếc xe máy mới cáu lướt qua làng trên xóm dưới. Nghĩa là, ở nông thôn, làm có của ăn của để thì người ta nghĩ ngay tới chuyện “tậu” một chiếc xe máy. Ba việc trọng đại trong đời một nông dân truyền thống là “tậu trâu” (sau đó mới đến lấy vợ và làm nhà) thì bấy giờ được “cập nhật hóa thay bằng “tậu xe máy”. Xe máy là hình ảnh phóng chiếu sự thành công, dư dả, biết làm ăn và là biểu tượng của sự sung túc.

Thời kỳ này, những anh hùng bặm trợn “nồi đồng cối đá” như Simson của Đông Đức hay Minsk của Uckraina vẫn còn phóng vi vu chất trên mình một lý tưởng duy nhất: chủ lực trong chuyên chở hàng hóa. Những chuyến hàng từ cá, muối từ biển lên các phiên chợ miền núi, cả những chuyến thồ gỗ lậu từ trên mạn ngược về trung du thường nhật không thể thiếu tiếng kéo ga rè máy của hai “gã” dãi dầu phong trần, vạm vỡ một cách… lem luốc này.

Có tâm lý lạ lùng trong thời này, là nhu cầu xe máy có gắn bộ phận đề máy được ưa chuộng. Cái nút khởi động máy dẫn bằng điện bình ắc-quy đánh trực tiếp lên bu-gi là mấu chốt mọi vấn đề. Xe gắn bộ đề được xem là hiện đại, một bước rời xa “tư duy thô sơ” của những chiếc xe “nghĩa địa”4 (mỗi lần muốn nổ máy phải nhổng đít đạp) của “thời đại” cũ (tức là bốn, năm mươi năm về trước). Đó là lý do vì sao những chiếc Dame, Cub, Lambretta, kể cả Vespa vàng son một thuở được nhiều gia đình khá giả thay bằng những chiếc Dream Tàu màu nho chín hay City giò gà. Những chiếc Vespa hay Honda 67 thời này được bán tống bán tháo với giá bèo cho cánh chuyên doanh lạc-xoong, những nàng Dame kiều diễm một thời thì bị đem ra thồ hàng, không sơn phết, những chiếc Super Spring bị treo lên trong mấy nhà kho để đôi khi gợi chút cảm giác quyến luyến bồi hồi, rồi phải đợi đến gần 20 năm sau thì mới tìm thấy cái kết có hậu trong những trào lưu chơi xe cổ (câu chuyện này sẽ được nhắc lại vào hồi sau của bài viết).

Thời xe máy Tàu (made in China) bỗng chốc quý giá hơn vàng vì ngoài việc khẳng định sức mạnh của cải, vị thế đẳng cấp gia đình, nó còn là phương tiện di chuyển, mở mang tầm hoạt động (làm ăn, buôn bán, giải trí, thăm mom) và nhất là có thể đẻ ra tiền nhờ sự linh hoạt tiện dụng. Một chuyện vui, nhiều làng quê thời đó, mấy chàng trai đi tán gái ít nhiều bị ám ảnh câu này: “Trăm lời anh nói không bằng chút khói Đờ-rim”. Đờ-rim, tức, Dream, có nghĩa là Giấc mơ, cũng là tên một loại xe khá thịnh hành vào thời kỳ đầu của trào mở cửa. Giấc mơ của các cô thôn nữ đã bắt đầu nhuốm màu thực tế khi tâm lý cộng đồng phóng chiếu sự phồn thịnh, sung túc vào chiếc xe máy. Chỉ vài năm sau, bên cạnh Dream còn có Wave với thiết kế nữ tính và lả lướt thích hợp cho nữ giới có thu nhập trung bình.

Không lâu sau, thì xuất hiện bản Xe đạp ơi của Ngọc Lễ với bản phối cho guitar với hợp âm la thứ (Am), điệu slow suft chậm rãi, gợi những vòng quay buồn bã của chiếc xe đạp hôm qua đang trở về trong tâm tưởng. Bài hát này thành công với giọng ca của Phương Thảo mộc mạc, có chút hơi hướm digan, tự do, xa vắng, truyền đi một nỗi bồi hồi mê mải. Ca từ bài hát không tấn công trực tiếp vào tinh thần tốc độ, cũng không nỡ chối từ thủ phạm đỏm dáng thời mới, nhưng thiên về nghi thức tưởng niệm hết sức tử tế với người tình xe đạp trung thành cùng ta đi suốt thời khốn khó hôm qua. Cái nhìn ngoái lại này sẽ làm cho nhiều anh chàng nghèo thấy mình được ủi an. Hẳn nhiên, nhiều cô gái thức thời cũng được dịp trút bỏ phần nào cảm giác day dứt khi quyết liệt chọn lựa tốc độ chứ không phải một thứ gì đó đáng yêu nhưng nhàm chán và lạc thời – “quay đều quay đều quay đều” – ngày này qua tháng khác.

Rốt cuộc thì, người ta vẫn hát rất da diết “Xe đạp ơi đã xa rồi còn đâu” mà vẫn cưỡi trên những Dream nho, City đỏ, Wave xanh phóng vi vu vào một viễn cảnh tương lai phồn vinh. Điều tưởng chừng nghịch lý ấy xem ra có lý khi trên giảng đường, trong các giáo trình triết học nhập môn, người ta vẫn làm cho sinh viên niềm tin đơn giản và máy móc rằng, phủ định giải quyết mâu thuẫn là động lực của phát triển.

Người Việt Nam phóng vào thiên niên kỷ thứ 3 trên những chiếc xe máy đời mới, hầu hết là sản phẩm của Nhật Bản và Trung Quốc, một số là “hàng nghĩa địa” của Pháp, Ý và bắt đầu lác đác một số lắp ráp tại Việt Nam, tạm gọi là “xe liên doanh”.

Tác giả Nguyễn Mỹ trên tờ Thể thao Văn hóa, số ra ngày 16.3.2012 có bài viết nhìn lại “Xemayvietnam: Ngạc nhiên chưa?” mô tả chuyện dân Hà Nội thường ra đường đi “bát phố” cuối tuần bằng xe máy. Cả gia đình vợ chồng con cái đèo trước đèo sau trên một chiếc xe và lãng du khắp phố phường như một hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống vật chất đủ đầy sung túc, hài hòa và hạnh phúc. Nhưng tác giả bài báo cũng băn khoăn về độ an toàn khi nhiều hãng xe không nắm bắt được tập quán “du ngoạn gia đình” trên xe máy của người Việt Nam, nên thiếu chỗ ngồi an toàn cho trẻ em.

*

Chừng chục năm sau, thời đại công nghệ số bùng nổ, biểu tượng di chuyển cũng phải mang hơi hướm công nghệ. Vậy là trên vương quốc xe gắn máy xuất hiện một cuộc “cách mạng” khác: những Dream, Wave, City hay Jupiter một thời nay đã trở nên cục mịch, và tới lượt, bị “phủ định biện chứng” bởi những biểu tượng đến từ thiên đường công nghệ thông tin, đầy dấu ấn chủ nghĩa thời trang. Lúc bấy giờ, cái câu thành ngữ của cô thôn nữ được chỉnh sửa một chút cho thức thời “Ngàn lời anh nói không bằng khói @”. Cần chú thích ngay: @ là một loại xe tay ga được thiết kế khá hiện đại, kiểu dáng đồ sộ hơn so với chiếc Dream và dĩ nhiên, có thể giúp người ta lướt vào tương lai êm hơn xe điều khiển máy bằng cần số. Cuộc chuyển giao từ xe máy giò đạp sang bộ đề là cuộc “cách mạng thứ nhất”, và từ bộ đề cần số sang bộ đề tay ga là “cuộc cách mạng thứ hai” đầy lẫm liệt huy hoàng. Nó đánh dấu bước chuyển quan niệm sử dụng từ việc coi chiếc xe đơn thuần là phương tiện, dụng cụ (với nghĩa triết học là “sự nối dài của thân thể con người”, “làm cho khả năng và phạm vi hoạt động của người ta rộng ra hơn”) sang tiêu dùng gắn với hưởng thụ, thể hiện đẳng cấp (“sự tiêu dùng biểu lộ được sự độc lập, tự do, vị trí làm chủ của con người”)5.

Chỉ dăm năm sau, dòng xe tay ga cho người có thu nhập cao, biết hưởng thụ cuộc sống, bên cạnh @ có thể kể tới các nhãn hiệu mới: Attila, Vespa LX, Click, Lead, Air Blade, Dylan, Nouvo… bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam, làm tan chảy mọi con tim đang nôn nao nhịp đập hướng ngoại, open mind6!

Một điều lý thú là khi quan sát cuộc chuyển tiếp này, chúng ta hãy chú ý về mặt nhãn hiệu. Có lẽ nắm bắt được tâm lý tiêu dùng, văn hóa sử dụng xe máy mà nhiều công ty đã rất chú trọng trong việc đặt tên cho các dòng xe. Một thời xã hội từ nông nghiệp “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” bước sang vùng đất hứa của công nghiệp hóa, xe máy là dụng cụ, đi lại, vận chuyển, thì có thể bắt gặp những nhãn xe mang thông điệp thâu tóm tâm lý sống: Giấc mơ (Dream), Làn sóng (Wave), Chiến thắng (Win), Future (Tương lai), City (Thành phố)…

Bước sang thời biểu hiện đẳng cấp chiếm lĩnh “thiên đường trần thế” của chủ nhân, cho thấy sự sung túc, thành đạt, thời trang, đẳng cấp, tinh thần thời đại, chúng ta bắt gặp trên đường phố, đường làng những: Lead (Dẫn Đầu, Lãnh Đạo), hay @, Click (gắn với công nghệ máy tính) hay những nhãn xe mĩ miều như Elizabeth, Victoria, Piaggio Fly dành cho những cô gái yêu văn Marc Levy đến quý bà trước ngưỡng sồ sề đang tiếp thu xuất sắc tinh thần hưởng thụ kiểu Sex and the city.

Các công ty quảng cáo xe máy cũng nắm bắt tâm lý nao núng “hội nhập” bằng cách gắn sản phẩm với các không gian đẹp, sang trọng, lãng mạn ngọt ngào như đường phố Paris, London, Venice. Cô gái váy ngắn chân dài cưỡi trên chiếc Elizabeth lượn một vòng trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có thể huyễn tưởng rằng mình đang ngập chìm trong cảm giác vi vu lãng mạn ở một vỉa hè sang trọng nào đó ở Paris. Chàng trai cưỡi chiếc SH hay Dylan đi dạo hồ Tây hóng mát cùng người tình tận hưởng sự sảng khoái như chàng cảnh sát chìm Collin Farrel hào hoa đang lái xuồng chở bà trùm Củng Lợi trong phim Chuyên án Miami. “Lượn” thể hiện đầy đủ nhất bản chất của một cuộc phô trương đẳng cấp và sự “biết sống”. Còn những nhóm phượt với những chiếc xe máy “cùi bắp đôn nòng” dọc ngang, vượt thoát khỏi cái chật chội bức bối của những nồi lẩu đô thị để kết nối với thiên nhiên, trải nghiệm cảm giác phong sương bụi bờ. Một hình ảnh dấn thân mới thấp thoáng ở đó nguồn cảm hứng từ Che7!

Nông thôn bị xâm nhiễm bởi đám bụi đô thị hóa. Những anh chàng nông dân lực điền không cam phận cù lần lãng quên nơi xó rẫy. Đất đai sản xuất bị thu hẹp – hậu quả của những dự án bất chấp sinh thái hay địa văn hóa. Bảo tồn không gian làng quê đặc thù là những mỹ từ không tưởng chỉ có trong phát ngôn của các chuyên gia văn hóa hoài cổ. Gìau nghèo không còn là khoảng cách được hình dung bằng những làn ranh mà là trùng trùng hố thẳm. Tệ nạn, sự thực dụng, tâm lý học đòi đô thị nhiễm vào làng quê. Nông thôn xuất hiện những cuộc chạy đua phương tiện hụt hơi. Trong một điều tra đường dây thanh niên bán thận sang Trung Quốc, tôi xót xa nhận ra đã có rất nhiều thanh niên quê thất nghiệp ở miền Tây đã rủ nhau sang Quảng Châu bán bớt một trái thận để kiếm bốn năm chục triệu đồng mua một chiếc xe tay ga. Người này vạch vết sẹo trên lưng chứng minh độ an toàn của “phi vụ” để thuyết phục người khác đi vào đường dây bán thận đa cấp. Cứ vậy. Xe tay ga nhiều thêm và những quả thận khỏe mạnh thì ít lại.

Cuộc trở lại của những dòng xe cổ “dung nhan một thời” cũng góp phần thay đổi diện mạo đường phố. Sự tìm về với xe cổ hoàn toàn không mang nghĩa hoài cổ, mà là một dạng thức thời trang, nó phù hợp với ý tưởng của ai đó, rằng thời trang là thứ đi mãi cũng về chỗ cũ. Những ngày chúa nhật, có thể thấy những đội quân Vespa, Lambretta, Dame hay Honda 67 phục sinh với màu sơn mới, trưng bày ngẫu hứng từng dãy bên nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Trở về với biểu tượng vàng son một thời cũng là cách thế làm giàu cho hiện tại và về mặt nào đó, nó cũng bồi đắp cho một thực tế tiện nghi đang hãy còn rỗng nghĩa, chưa kịp xác lập những giá trị mới. Xe cổ hồi sinh. Sắt nát đồng nát được tân trang trở nên phong lưu, kiều diễm ngời ngời. Cái cũ, cái phản công nghệ đem lại sự khác biệt chống lại cuộc đồng phục tiện nghi. Hãy coi mấy anh bạn trẻ tóc tai bù xu hoang dã bắp tay đầy hình xăm theo phong cách Hippie thập niên 60 đang còng lưng đẩy một con Vespa Acma de Paris đi trong triều cường ngập tới bẹn giữa một rừng động cơ lam lũ chen chúc ngùn ngụt, mới thấu câu nói của người xưa rằng, nghề chơi cũng lắm công phu.

Sức hấp dẫn của sự khác biệt và phá cách là ở đó. Nó khác với cách chơi có máu mặt của những đại gia. Cũng là thứ cổ. Nhưng cổ của kẻ có “nhiều đạn dược” lại chú trọng vào những: Honda Valkyrie Rune, Ducati, MV Agusta hay Harley Davidson giá tầm tầm 40 đến 70 nghìn USD. Với số tiền đó, người ta từ chối đi xe bốn bánh có mui để “bon chen” với đám đông xe máy dưới trời mưa dầm hay nắng gắt, là một minh chứng cho cái sự “dân chơi” tới bến (không sợ mưa rơi)!

Đường phố là một cuộc đại triển lãm xe gắn máy. Lịch sử phát triển kinh tế xã hội được ghi lại trên những chiếc xe gắn bó với những bước chuyển tiếp nhiều thăng trầm. Nó phóng chiếu vô thức tập thể đầy đủ nhất. Nó cũng chứng minh sự rạn nứt những giá trị cộng đồng mạnh mẽ nhất. Những câu trả lời vì lý do hạ tầng quy hoạch giao thông và điều kiện kinh tế xem ra đúng mà chưa đủ. Tác giả Nguyễn Trương Quý trong cuốn tản văn Xe máy tiếu ngạo (NXB Trẻ, 2012) còn nhìn thấy một tính cách quan trọng khác: “sự ích kỷ và nhu cầu cá thể hóa cách đi lại”. Sự cá thể hóa giúp người ta giằng thoát khỏi sự chi phối của bầy đàn để đạt đến một sự tự do bản ngã, song, thực tế lại không dễ dàng như vậy, chỉ cần ngồi trên chiếc xe máy và chạy ra đường, mỗi cá nhân lại bị ném vào một đám đông phi trật tự, trong đám đông đó, bản ngã bị triệt tiêu không thương tiếc. Từng nhân diện sẽ bị đám đông xóa nhòa trong cái lố nhố nhung nhúc hỗn loạn bất tận.

Còn một thứ thượng tầng khác đáng quan tâm, đó chính là đặc thù tính cách của người Việt, phương thức sống cảm tính, tự do theo chiều hướng tự phát, đề cao khả năng ứng biến, tự xoay sở, giỏi thỏa thuận trong những tình thế đời sống mà không thích dùng đến luật lệ. Có thể thấy rất rõ điều này qua một những đám kẹt xe, những vụ tự giải quyết sau các va quệt nhỏ. Một nhà báo người Singapore đã đến Hà Nội và ví von về khả năng “thương lượng trong một trật tự hỗn loạn” của người dân rằng, những dòng xe máy là một bản nhạc giao hưởng không có nhạc trưởng nhưng vẫn hoàn chỉnh.

Xe máy được ví như một thứ “căn cước” của người Việt hôm nay. “Tấm căn cước thời hiện đại này của người Việt Nam thể hiện hành vi cá nhân học lẫn cả ẩn ức tâm lý của họ, điều mà những dấu vân tay không nói được” (Di căn của xe máy – Nguyễn Trương Quý). Về sinh học, chiếc xe máy đã trở thành một bộ phận cơ thể không thể tách rời của chúng ta. Điều này tạo ra sự tương thích thú vị giữa kích cỡ chiếc xe máy với thể trạng người giống dân con Hồng cháu Lạc qua từng thời kỳ (Có thể coi đây là một gợi ý cho những nghiên cứu về nhân trắc học trong tương lai). Hình như nhờ vậy mà người Việt có thể làm mọi thứ bằng/trên xe máy: từ tỏ tình, âu yếm, vuốt ve yêu trên xe lúc đang tham gia giao thông (nhiều chàng trai làm rất tốt việc này với tay này lái xe, tay kia có thể thật mềm và thật sâu trong váy bạn gái) đến bày tỏ nóng giận hay bế tắc lý tưởng sống, mất phương hướng bằng những màn đua lượn tụ tập hàng trăm người (cách đây chưa lâu, báo chí nước ngoài một phen sửng sốt khi cảnh sát một tỉnh nọ đưa ra sáng kiến dùng lưới giăng cá để “quăng bắt” những thanh niên đua xe trái phép), từ trình diễn đẳng cấp thời trang đến bày tỏ lòng tự hào màu cờ sắc áo (điều này thường diễn ra khi đội bóng Việt Nam bước vào vòng tứ kết của một giải nào đó tầm tầm khu vực) đến ngả lưng tha hồ thả mộng đi rong (các bác xe ôm vẫn nằm dài trên xe máy ngủ rất say trên những vỉa hè khi vắng khách). Nhiều cư dân trẻ được chào đời trên xe máy cũng nhiều người già vĩnh biệt cuộc đời cũng trong vòng tay người thân, trong khi ga vẫn đang được kéo và chiếc xe máy gia đình đang gồng lên gánh phần trách nhiệm của chiếc xe cấp cứu dịch vụ y tế công. Nói không quá, vòng đời con người Việt Nam, sinh, lão, bệnh, tử đều có lý để gắn chiếc xe máy một cách khắng khít.

Mỗi năm những con đường trên đất nước Việt Nam đón thêm 3 triệu chiếc xe máy mới. Mới đây, Bộ Công Thương đưa ra con số thống kê: đến năm 2020, khi dân số đạt 99,6 triệu người, thì Việt Nam sẽ có 33,5 triệu chiếc. Hai ông Gottlieb Daimler và Wilhelm Maybach cha đẻ của xe máy sẽ ngậm cười chín suối khi… đọc báo thấy những thông tin đó. Hai ông ấy sẽ yên tâm rằng, ở xứ sở lạ lùng này, còn lâu những phát minh của mình mới có nguy cơ bị quên lãng.

*

“Người Việt Nam, chỉ cần làm cho họ bị tràn ngập trong những chiếc xe gắn máy, là đủ!”. Pomonti nhắc lại câu nói đó từ miệng một nhà báo Mỹ để chứng minh rằng, tuy là người Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn vẫn tỏ ra hết sức bình thản, phớt lờ đi trước trò mỉa mai gây hấn của đồng nghiệp. Điều đó được hiểu là sự giấu mình vì việc lớn – bản lĩnh của một điệp viên- nhưng rất có thể được cắt nghĩa theo hướng khác: biết đâu vào thời điểm đầu những năm 70 của thế kỷ XX, nhận định trên của ký giả người Mỹ lại có tính tiên tri?
Phạm Xuân Ẩn đi trên chiếc Lambretta dọc ngang Sài Gòn những năm tháng tao loạn, hẳn, ông phần nào dự cảm được cái tâm tình, tâm tính “on the road” (trên đường) của người Việt vài chục năm sau.

* Trích từ tập tản văn “Ti vi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác” của Nguyễn Vĩnh Nguyên – Alpha & NXB Lao Động, 12/2012

1 Nguyễn Văn Sự dịch, NXB Thanh Hóa, 2007

2 Bản thảo, Đinh Tuấn Anh dịch.

3 Patti McCracken, trên tờ The Christian Science Monitor ra ngày 1.10.2008.

4 Từ lóng, chỉ những sản phẩm đã lỗi thời, qua tay nhiều người sử dụng, đến lúc phải bỏ đi.

5 Những đoạn chú giải trong ngoặc kép ở câu này được trích từ cuốn Hành trình vào triết học của GS. Trần Văn Toàn, NXB Tri thức, bản in năm 2012.

6 Từ lóng vẫn thường được giới trẻ dùng để chỉ tư duy thoáng, cởi mở, hướng ngoại.

7 Ernesto Che Guevara, nhà cách mạng lỗi lạc, biểu tượng của lý tưởng tự do. Năm 23 tuổi, Che từng đồng hành với người bạn là Alberto Granado (lúc bấy giờ 29 tuổi) đi 8000 km, dọc theo Nam Mỹ bằng xe máy. Tất cả được ghi lại trong hai cuốn nhật ký: Nhật ký trên yên xe của Che và Cùng Che xuyên châu Mỹ Latin của Granado. Hai cuốn sách là chất liệu chính để đạo diễn Walter Salles thực hiện bộ phim nổi tiếng The Motorcycle Diaries.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)