Dàn nhạc giao hưởng: Không thể tự trang trải
Dù tạo ra một loại sản phẩm độc nhất vô nhị, thậm chí là giữ thế độc quyền trên thị trường âm nhạc cổ điển với một công thức thành công chung về tài chính, nhưng trên thực tế không dàn nhạc giao hưởng nào trên thế giới lại có thể tự chủ.
Câu chuyện tự chủ về tài chính của các dàn nhạc giao hưởng dấy lên trong thời gian gần đây khi Baltimore Symphony Orchestra và National Phiharmonic tại Strathmore đều phải đối mặt với nguy cơ bị giải thể. Nỗi tuyệt vọng của gần 130 nghệ sỹ và nhân viên National Phiharmonic tại Strathmore – một dàn nhạc lớn nhất và năng động nhất Montgomery County, Maryland, với hơn 30 buổi hòa nhạc mỗi năm và thường mời những nghệ sỹ nổi tiếng như Sarah Chang (violin), Brian Ganz (piano), Zuill Bailey (cello)… biểu diễn – đã lên tới đỉnh điểm khi Hội đồng Nghệ thuật và nhân văn của Montgomery County thông báo cắt giảm tài trợ. Trong một thông báo vào đầu tháng 7/2019, chủ tịch Hội đồng Nancy Navarro đã cho biết, trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã chu cấp cho dàn nhạc hơn 2,5 triệu USD nhưng vì bắt đầu đánh giá một cách công bằng tất cả các hạng mục đầu tư, họ nhận thấy không thể duy trì lâu dài mức kinh phí này: “Thật thất vọng vì dàn nhạc không đủ khả năng tận dụng được nguồn kinh phí đó vào một mô hình tài chính bền vững”.
Trước đây, mỗi năm National Phiharmonic tại Strathmore nhận được 400.000 USD từ Hội đồng nghệ thuật nhưng kể từ năm 2016, con số này đã bị cắt giảm một nửa. Tình hình ngày càng xấu đi khi trong năm tài chính năm 2019, số tiền mà họ nhận được chỉ còn 100.00 USD và việc Hội đồng bác đề xuất tăng thêm 150.000 USD là giọt nước cuối cùng làm tràn cốc. Không còn cách nào khác, chủ tịch dàn nhạc Leanne Ferfolia tuyên bố giải thể dàn nhạc, điều đó có nghĩa hơn 130 nghệ sỹ và nhân viên sẽ mất việc.
Hiện tại thì ngay cả nhà hát Metropolitan Opera với các ngôi sao của mình cũng khó làm lấp đầy hàng ghế khán giả. Năm 2012, chỉ có 8,8% người Mỹ đến dự một buổi hòa nhạc cổ điển trong vòng 12 tháng, trong khi một thập niên trước, con số này là 11,6%.
Không quá tuyệt vọng như đồng nghiệp của mình nhưng Baltimore Symphony Orchestra – một trong những dàn nhạc xuất sắc của Mỹ, cũng phải đối mặt với khó khăn tài chính. Vào tháng 5/2019, những người quản lý dàn nhạc nhận ra là thống đốc bang Maryland Larry Hogan không muốn trao 1,6 triệu USD từ ngân sách bang, mức mà các nhà lập pháp đã chấp thuận cấp cho Baltimore Symphony Orchestra. Marin Alsop, nhạc trưởng nữ đầu tiên được mời chỉ huy chương trình hòa nhạc truyền thống Last night of the Proms (London, Anh) nhận xét về việc cắt giảm tài trợ của chính quyền cho dàn nhạc trên New York Times: “Chúng ta cần đầu tư vào các dàn nhạc ở đẳng cấp thế giới, chúng ta cần làm điều đó ở Baltimore hơn là cắt giảm những thứ có thể giúp thành phố này trở nên nổi trội so với các thành phố khác. Tôi đang thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa các bên để đảm bảo cho Baltimore tiếp tục là một dàn nhạc xuất sắc như cần phải thế và xứng đáng như thế”.
Trong khi chưa có được một cuộc đối thoại như vậy, Baltimore Symphony Orchestra đã thông báo cắt giảm chương trình biểu diễn mùa hè, ký lại một thỏa thuận công việc mới với các nghệ sỹ với mức lương tương ứng 40 tuần mỗi năm, tăng mức đóng bảo hiểm y tế… Các nhà quản lý dàn nhạc cho biết, việc cắt giảm chi tiêu là cần thiết để dàn nhạc sống sót. Để bày tỏ quan điểm của mình, nhiều nghệ sỹ của dàn nhạc đã xuất hiện bên ngoài trụ sở dàn nhạc với những tấm bảng viết tay “Baltimore cần Beethoven”, “Đừng để mất BSO của bạn”.
Tình trạng này có thể kéo dài đến tháng 9/2019, khi mùa diễn mùa thu bắt đầu. Vậy đâu sẽ là lối thoát cho BSO? “Có được một mô hình kinh doanh bền vững sẽ không chỉ củng cố tương lai dài hạn của chúng tôi mà còn đưa chúng tôi đến một nền tảng mới và mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa” là mong ước của họ.
Nhưng một mô hình kinh doanh như mong đợi ấy có thực sự tồn tại?
“Căn bệnh chi phí” của dàn nhạc
Câu hỏi ấy đã được các nhà kinh tế trả lời nhiều năm trước, ví dụ giáo sư kinh tế Robert Flanagan (trường Đại học Stanford) đã có hẳn một cuốn sách xuất bản năm 2012 The perilous life of symphony orchestras: Artistic triumphs and economic challenges (tạm dịch Cuộc sống gian khó của các dàn nhạc giao hưởng: Những thành công nghệ thuật và thách thức kinh tế) trên cơ sở dữ liệu từ Liên đoàn các dàn nhạc giao hưởng Mỹ và các nguồn từ ngành công nghiệp âm nhạc đã nhận diện và phân tích xu hướng của 50 dàn nhạc lớn nhất Mỹ (thông qua ngân quỹ của họ) thời kỳ 1987-2005.
“Các dàn nhạc này đều được điều hành trong cảnh thiếu hụt về tài chính, theo nghĩa là đồng tiền họ kiếm được từ các buổi hòa nhạc, thu âm và những hoạt động tương tự không đủ trang trải mọi chi phí của họ”, ông nhận xét. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này nhưng chủ yếu là mức chi phí của một dàn nhạc quá lớn và trên thực tế là không thể cắt giảm.
Hãy nhìn vào quy mô dàn nhạc, mỗi tổ chức thường có khoảng 45 đến hơn 100 nghệ sỹ và chi phí dành cho những người lao động “đặc biệt” này không thể hạ xuống hoặc làm cho nó trở nên hiệu quả hơn, giáo sư Robert Flanagan nêu. “Năng suất, điều kiện lao động đều đã được các nhà soạn nhạc cổ điển định hình, tuy nhiên phần lớn nghệ sỹ vẫn đều hi vọng lương của họ tăng lên xấp xỉ với mức tương đương như những người lao động khác trong những lĩnh vực còn lại của nền kinh tế”.
Vấn đề này đã được các nhà kinh tế gọi là “căn bệnh chi phí” (cost disease) hay hiệu ứng Baumol, phản ánh sự gia tăng của mức lương trong những công việc đặc biệt, không liên quan đến việc tăng hay giảm năng suất lao động. Ví dụ đối với một nhóm tứ tấu, luôn luôn cần 4 nghệ sỹ biểu diễn và khoảng thời gian mà họ cần để chơi một bản tứ tấu đàn dây của Beethoven cũng tương tự như các đồng nghiệp của mình cách đây cả trăm năm. Tuy nhiên những chi phí liên quan đến biểu diễn – tiền lương cho các nghệ sỹ, thuê địa điểm, quảng cáo, vận chuyển…, lại tăng theo thời gian. Đó là trường hợp của National Phiharmonic tại Strathmore. Chủ tịch dàn nhạc Leanne Ferfolia cho biết, trong hai năm qua, nguồn thu từ tài trợ tăng lên 38% nhưng từ năm 2007 đến năm 2019, chi phí đầu tư một buổi hòa nhạc đã tăng lên gấp đôi, từ 200.000 đến 400.000 USD.
Ở quy mô lớn hơn thì một dàn nhạc đòi hỏi những chi phí lớn hơn như chi phí trả đội ngũ quản lý, nhạc trưởng, nghệ sỹ độc tấu… Rõ ràng, các dàn nhạc ngày nay không có cơ hội để có được khoản chi phí lớn hơn từ một số lượng lớn các buổi hòa nhạc. “Một dàn nhạc với cả trăm người có thể mất nhiều ngày để diễn tập một tác phẩm, sau đó chỉ có thể diễn được hai và cùng lắm là ba buổi hòa nhạc tại một địa điểm”, theo David Throsby, giáo sư nghiên cứu kinh tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở trường Đại học Masquarie (Úc). Vượt khỏi khuôn khổ đó, họ sẽ không tìm được khán giả, ông nói.
Do đó, để tận dụng tối đa các tác phẩm đã được luyện tập, các dàn nhạc chỉ có thể mang chương trình đó tới những địa điểm khác nhau, thậm chí ở nước ngoài. Tuy vậy, họ lại phải trả thêm chi phí bởi nhạc cụ cần được vận chuyển với sự cẩn trọng, tránh hỏng hóc, các nghệ sỹ cần được lo về đi lại, ăn ở… Có thể số tiền thu lại được từ bán vé cũng không đủ bù cho những chi phí như vậy.
Các dàn nhạc tìm nguồn thu từ đâu?
Trong các nguồn thu của dàn nhạc, tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân là một nguồn khá đáng kể. Giáo sư Robert Flanagan cho rằng, hiện tại có quá ít các khoản tài trợ với giá trị lớn. “Số lượng những người đóng góp và ủng hộ cho các dàn nhạc đã ít dần đi”, ông nói.
Thực tế này đang diễn ra với BSO. Joseph Meyerhoff II – nhà tài trợ lâu năm của dàn nhạc, đã trao đổi với The Baltimore Sun, có được một lượng lớn tiền tài trợ như mong muốn của BSO là không thể. “Gia đình Meyerhoff đã đề xuất một khoản kinh phí 4 triệu USD trong mùa diễn 2017-2018 nhưng khi chúng tôi gặp gỡ và kêu gọi ít nhất hai chục người giàu nhất Baltimore, chúng tôi phải về tay trắng. Không ai quan tâm đến việc đầu tư hơn 250.000 USD vào BSO trong khi dàn nhạc cần hàng triệu USD hỗ trợ.”
Tuy nhiên, TS. Tom Smith, chuyên gia về kinh tế trong ngành công nghiệp giải trí ở trường kinh doanh Goizueta thuộc trường Đại học Emory (Úc), cho rằng thậm chí ngay cả khi có khoản hỗ trợ lớn thì nhiều nhà tài trợ vẫn gài theo một “cái bẫy”: “Người ta thường đến, trao cho anh một khoản tiền và nói ‘ồ, đây là một triệu USD, anh hãy dùng nó để trả lương cho các nghệ sỹ violin của anh’. Rồi họ sẽ đưa ra một số ‘yêu sách’”. Khi những yêu cầu đó không được các nghệ sỹ chấp nhận, họ sẽ rời bỏ dàn nhạc. Đó là điều đã xảy ra với Atlanta Symphony Orchestra năm 2014, dẫn đến sự sụt giảm số lượng nghệ sỹ giỏi trong dàn nhạc.
“Căn bệnh chi phí” (cost disease) hay hiệu ứng Baumol phản ánh sự gia tăng của mức lương trong những công việc đặc biệt, không liên quan đến việc tăng hay giảm năng suất lao động.
Vậy các dàn nhạc có thể tìm nguồn thu bền vững từ đâu? Có phải từ số lượng khán giả đến với các buổi hòa nhạc? Theo nhận định của giáo sư Robert Flanagan, đây là điểm yếu của nhạc cổ điển. “Số lượng những người đến các khán phòng ngày một sụt giảm và tiếp tục sụt giảm hơn nữa, ngay cả ở các dàn nhạc lớn”, ông nói. Hiện tại thì ngay cả nhà hát Metropolitan Opera với các ngôi sao của mình cũng khó làm lấp đầy hàng ghế khán giả. Năm 2012, chỉ có 8,8% người Mỹ đến dự một buổi hòa nhạc cổ điển trong vòng 12 tháng, trong khi một thập niên trước con số này là 11,6%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, không riêng với các dàn nhạc cổ điển mà với nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống cũng như một số hoạt động giải trí khác như câu cá, đi săn, chơi bowling… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông giải thích, “đó là sự dịch chuyển trong cách xã hội sử dụng thời gian rỗi rãi, hướng từ những hoạt động truyền thống sang những thú vui hiện đại khác”.
Mặt khác, khán giả nhạc cổ điển đang bị già hóa – ví dụ năm 2010, 13,6% khán giả Úc tới một buổi hòa nhạc cổ điển từ 65 đến 74 tuổi trong khi chỉ có 6,1% trong độ tuổi 24 đến 34. Với lớp khán giả trẻ, nếu không có kiến thức cơ bản và niềm say mê âm nhạc cổ điển, có lẽ họ khó có thể kiên nhẫn chịu đựng được thứ “luật Omerta” phổ biến trong các buổi hòa nhạc: không chuyện phiếm, không nhảy nhót đi lại, không dùng điện thoại, không chụp ảnh…
Vậy còn các nguồn thu khác? Năm 2013, một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, tổng số album nhạc cổ điển bán ra tăng 5%, tuy nhiên nó không hẳn mang chỉ dấu thịnh vượng cho các hãng thu âm và các dàn nhạc bởi năm 2012, con số này là 21%. Ngay trong số liệu năm 2013 của các hãng thu âm thì chỉ 2,8% album ở hạng mục nhạc cổ điển, rock 35%, R&B 18%, nhạc phim 4%… Thậm chí, số lượng người nghe các chương trình cổ điển trên những kênh phát thanh cũng đang sụt giảm.
Số liệu thống kê trên càng cho thấy những thách thức mà các dàn nhạc phải đối mặt và các dàn nhạc thực sự khó có thể tìm được nguồn thu bền vững từ lượng khán giả ngày một già hóa và ít đi.
Sự hỗ trợ của chính phủ
Các dàn nhạc vẫn đang nỗ lực tìm lối thoát, xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững bằng cách cắt giảm chi tiêu, gia tăng việc ứng dụng những công nghệ mới và tìm nhiều cách đến với khán giả hơn. Tuy nhiên chưa có một mô hình nào thực sự giải được bài toán chi phí cho các dàn nhạc.
Hãy nhìn vào mô hình kinh doanh của Berlin Philharmonic, một trong số ít những dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới. Họ có tổng thu 34 triệu euro mỗi năm từ nhiều hoạt động như tổ chức hòa nhạc, thu âm, tài trợ, lưu diễn… Mỗi mùa diễn, từ 90 buổi hòa nhạc giao hưởng và 40 hòa nhạc thính phòng, Berlin Philharmonic thu được 10 triệu euro tiền vé, trong đó 94% tiền vé đã được trả trước ở cả phòng hòa nhạc lớn 2.440 chỗ và phòng hòa nhạc nhỏ 1.100 chỗ. Ngoài ra, họ cũng có những khoản thu mới từ bản quyền truyền hình trực tiếp từ phòng hòa nhạc số. Mỗi mùa diễn, từ 90 buổi hòa nhạc giao hưởng và 40 hòa nhạc thính phòng, Berlin Philharmonic thu được 10 triệu euro tiền vé.
Dù thành công nhưng Berlin Philharmonic vẫn nhận được từ thành phố Berlin 15 triệu euro, chiếm gần một nửa tổng kinh phí họ có.
Để quản lý kinh phí tài trợ, họ lập công ty Berlin Philharmonic GmbH để đảm bảo việc nhận và chi tiêu kinh phí từ các nhà tài trợ Deutsche Bank (6 triệu euro mỗi năm) và Volkswagen Group một cách minh bạch và hiệu quả. The Friends of Berlin Philharmonic, một tổ chức khác do họ lập, có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí mượn nhạc cụ cho các nghệ sỹ.
Thành công như vậy nhưng không có nghĩa là Berlin Philharmonic không cần đến sự hỗ trợ của chính quyền. Mỗi năm, họ nhận được từ thành phố Berlin 15 triệu euro, chiếm gần một nửa tổng kinh phí họ có. Bằng cách duy trì khoản tài trợ lớn cho dàn nhạc, chính quyền Berlin đã đưa Berlin Philharmonic lên vai trò của một quỹ nghệ thuật công về giáo dục âm nhạc cho trẻ em và duy trì di sản âm nhạc cũng như văn hóa đầy tự hào của nước Đức.
Đó là nguyên nhân vì sao các dàn nhạc tồn tại, dẫu có thể họ không bao giờ trở thành một tổ chức sinh lời. Giáo sư Throsby, người từng viết Economics and Culture (Kinh tế và Văn hóa) và The Economics of Cultural Policy (Kinh tế của Chính sách Văn hóa), cho rằng, “các dàn nhạc, cũng giống như các thiết chế văn hóa, cũng có thể tạo ra được một giá trị kinh tế nào đó… nhưng đó không phải là nguyên nhân cơ bản cho sự tồn tại của họ”.
Các dàn nhạc tồn tại là để biểu diễn âm nhạc. “Chính đó là sự khác biệt trong giá trị mà họ sáng tạo ra, thứ chúng ta vẫn gọi là giá trị văn hóa. Nó khác biệt với những con số cứng nhắc của giá trị kinh tế, của các đô la và đồng xu”, ông nói. □
Thanh Nhàn tổng hợp
Nguồn: https://www.abc.net.au/news/2017-04-04/why-no-symphony-orchestra-in-the-world-makes-money/8413746
https://work.chron.com/much-money-orchestra-musicians-make-15161.html
https://www.gsb.stanford.edu/insights/no-easy-remedy-symphony-orchestra-cost-disease