Đạo của người Thái
Thái Lan có tới 95% dân số theo đạo Phật, song không phải lúc nào cũng bình yên. Có biểu tình, có bạo lực, có đổ máu. Có khủng hoảng, có lũ lụt, có sóng thần. Nhưng triết lý Phật giáo đã phần nào hàn gắn những rạn nứt trong xã hội này.
Lần nào có dịp qua Thái tôi cũng lân la đến Hoàng Cung (Grand Palace) và khu chợ Patpong. Chợ và chùa. Một nơi là đời, nơi kia là đạo. Một nơi lao xao ồn ào mang đủ những sắc thái, những lát cắt về thân phận con người mưu sinh với hỉ – nộ – ái – ố. Một nơi tĩnh lặng, lắng sâu dưới bóng những mái chùa cong vút, giữa thanh âm vô thường những tiếng cầu kinh. Tôi thích đứng ở Hoàng Cung, chọn một góc khuất để ngắm những đoàn người đủ màu da, tôn giáo nhẫn nại xếp hàng vào thăm di tích. Mới hiểu được vì sao đạo Phật có ảnh hưởng lớn lao đến dân tộc Thái như vậy.
Sách Phật dạy, “Bỏ đao xuống là thành Phật”. Bỏ đao cũng là vứt bỏ những sân si hận thù. Bỏ rồi ắt thành Phật, bởi Phật ở ngay trong lòng ta. Tâm thiện thì đâu đâu cũng nhìn thấy Phật, ai ai cũng trở thành Phật. Đất nước này có tới 95% dân số theo đạo Phật, song không phải lúc nào cũng bình yên. Có biểu tình, có bạo lực, có đổ máu. Có khủng hoảng, có lũ lụt, có sóng thần. Nhưng triết lý Phật giáo đã phần nào hàn gắn những rạn nứt trong xã hội này.
Năm 2007, trong một lần sang Bangkok dự hội thảo, tôi rất lo ngại khi nổ ra cuộc biểu tình lớn trước khách sạn Siam City chúng tôi ở. Buổi sáng thức dậy đã thấy một biển người mặc đồng phục màu vàng biểu tình. Vậy mà tuyệt nhiên không có đàn áp hay bắt bớ dù cảnh sát Thái đã có mặt. Cũng không có xung đột nào bởi nhóm biểu tình rất ôn hòa dưới sự chỉ huy của một người đàn ông cầm loa đứng trên xe. Cứ vài phút người này lại hô to mấy câu khẩu hiệu rồi cả đám đông hô theo. Đích thân giám đốc khách sạn ra tận nơi trò chuyện với cả người biểu tình lẫn cảnh sát. Vị giám đốc cho mang bánh trái, nước uống phục vụ người biểu tình. Họ chắp tay cúi đầu cám ơn, ăn uống tự nhiên rồi lại hô tiếp.
Nhân nói về hành động chắp tay cúi đầu của người Thái. Họ gọi là “Wai”, chỉ việc chắp tay trước ngực, đầu cúi xuống hướng về phía người mình cần thể hiện. “Wai” có mấy ý nghĩa. Đây là lời chào khi gặp nhau. Nó còn được sử dụng để bày tỏ lòng biết ơn người khác, kèm với câu nói “Khob Khun Kha/Khrab” tùy người nói là nữ/nam. Một người bạn Thái Lan giải thích “Wai” còn là lời xin lỗi khi ta mắc lỗi ai đó. Khi ấy, người Thái chắp tay hướng về phía người mà họ có lỗi rồi nói xin lỗi. Cô bạn cho tôi biết với người Thái, hành động này mang ý nghĩa chân thành nhất chứ không phải xin lỗi xã giao.
“Wai” khá giống cử chỉ cúi đầu gập người của người Nhật Bản. Thật đáng khâm phục thay những dân tộc biết cúi đầu khi muốn cám ơn/xin lỗi mà không sợ bị cho là hạ mình. Biết xấu hổ và biết xin lỗi, ấy là văn hóa – cội rễ hình thành cái lễ trong bất cứ xã hội nào. Thật đáng buồn nếu trong một cộng đồng con người không biết “Chín bỏ làm mười”, chỉ coi bạo lực là phương thức giải quyết mâu thuẫn.
Có hai lần tôi chứng kiến cảnh va chạm giữa các xe ô tô trên đường phố thủ đô Bangkok. Vậy nhưng tuyệt nhiên không có chuyện chửi bới hay đánh nhau. Ai có lỗi thì tự động xin lỗi, rồi gọi điện cho bảo hiểm đến. Càng không có dân tình xúm lại xem như xem hội bên ta. Tại sao cũng chịu áp lực rất lớn trong công việc và đời sống, người Thái Lan lại giữ được nhẫn nhịn?
Một lần, cả đoàn tôi ghé một quán bar ở Patpong uống bia đêm, rồi xảy ra cự cãi với quán về chuyện giá tiền trên hóa đơn cao hơn giá niêm yết. Chủ quán trông rất “xã hội” đến, tình hình có vẻ rất… nguy cơ. Ông ta hỏi chuyện chúng tôi, nói lại với cô nhân viên. Sau đó, ông giải thích là có chút nhầm lẫn nên sẽ giảm giá trên hóa đơn, còn phần chênh so với giá niêm yết là do chúng tôi có xem cả biểu diễn. Trả thêm ít tiền nhưng không ai phàn nàn vì ông chủ rất lịch sự. Ông cúi đầu chắp tay chào từng người khi chúng tôi ra về. Vậy đó, một ông chủ quán bar tướng tá bặm trợn có cả tá lý do để quát mắng khách như nhiều người khác. Nhưng ông không làm. Ông chọn cách khác, khó hơn, khó ngay cả với nhiều người có địa vị xã hội cao hơn.
Một tập tục tôi cho là rất đẹp, rất nhân văn, rất Thái Lan. Đó là tục “buat phra” (đi tu cho mẹ), nôm na là nam giới đến tuổi trưởng thành, khoảng 20 – 21 tuổi sẽ vào chùa tu tập để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tu dưỡng đạo đức. Họ cũng xuống tóc xuất gia như nhà sư nhưng chỉ trong thời gian vài tháng. Chàng trai nào theo đạo Phật cũng phải trải qua ít nhất một lần đi tu trước khi trở về đời thường. Ai đã đi làm, nhưng hồi trẻ chưa đi tu thì được phép tạm rời công việc một thời gian để tu. Nhiều doanh nhân thành đạt cũng đi tu vài ba tháng rồi mới quay lại thương trường.
Có thể nói bên cạnh biểu tượng quyền lực – Đức Vua, nếu không có đạo Phật, Thái Lan sẽ không giữ được tinh thần Thái Lan nữa. “Wat”, chùa trong tiếng Thái đóng vai trò rất lớn trong việc gìn giữ nề nếp xã hội. Không chỉ là nơi thờ Phật, chùa còn là một thiết chế duy trì nền văn hóa truyền thống của người Thái Lan. Có thể nói đời sống tinh thần của 95% dân số Thái là Phật tử nương tựa vào nhà chùa.
Nhà chùa còn đóng vai trò giáo dục nhân cách trẻ em và cứu giúp bệnh nhân HIV – AIDS. Có phải bởi vì ngay từ bé, mỗi đứa trẻ đã được cha mẹ dắt vào chùa học đạo lý làm người chứ không phải để nghe tiếng khấn vái cầu xin tiền tài danh vọng. Chính từ lúc tâm hồn còn non nớt như tờ giấy trắng, chúng đã thấm triết lý hướng thiện cao đẹp của nhà Phật. Cứ thế, con trẻ lớn lên với lời Phật răn dạy: “Chỉ có tình thương ở lại đời”. Ở lớp, về nhà chúng được học và thấm nhuần những điều nhỏ bé thôi nhưng thực chất, không sáo rỗng, không giả tạo. Sự nhường nhịn, lòng vị tha, tình yêu thương. Hít thở bầu không khí ấy làm sao chúng nghĩ và làm điều xấu được?
“Vừa phải thôi”
Nói về đạo đức của người Thái Lan không thể không nhắc đến đạo đức trong kinh doanh của các doanh nghiệp nước này. Trong những lần đến thăm nhà máy của các công ty lớn của Thái Lan tôi nhận thấy họ đề cao tính bền vững trong sản xuất kinh doanh và trách nhiệm với người tiêu dùng và cộng đồng. Khó có thể nói hết vấn đề lớn này chỉ trong khuôn khổ một bài báo. Tuy vậy, một vài nét chấm phá có thể giúp hình dung phần nào bức tranh. Trong một lần đi thực tế ở một công ty chuyên sản xuất các loại nước hoa quả đóng hộp ở Thái Lan, chúng tôi có dịp tìm hiểu quy trình sản xuất hoa quả được kiểm soát gắt gao bằng công nghệ. Đại diện công ty cho biết, khâu chọn lựa hoa quả thực hiện rất nghiêm ngặt. Phát hiện ra một trái thơm bị hỏng hoặc không tươi lập tức toàn bộ lô nguyên liệu đầu vào sẽ được đem tiêu hủy ngay lập tức. Vị đại diện cho rằng, luôn luôn phải đảm bảo sự công bằng và trung thực với khách hàng. Gian dối có thể giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp và lừa khách hàng một lần. Tuy nhiên, cái giá phải trả quá đắt và đắt nhất là uy tín doanh nghiệp.
“Chúng tôi thà chọn một cái giá vừa phải, tức đổ cả mẻ nguyên liệu đi, còn hơn chọn cái giá tưởng hời nhưng thực chất đắt hơn nhiều lần: lừa dối khách hàng để giảm chi phí song cái giá phải trả về uy tín, thương hiệu sản phẩm và đặc biệt sức khỏe người tiêu dùng sẽ đắt đến mức không thể mua lại được”, ông nói.
Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), cho rằng phát triển bền vững cần được xem như một tấm hộ chiếu giúp doanh nghiệp làm ăn ở mọi nơi trên thế giới. Công ty này sáng tạo các dòng sản phẩm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường khi sử dụng như vòi tiết kiệm nước, sợi quang điện được sản xuất từ việc tái sử dụng các dụng cụ thủy tinh, sản phẩm giấy có thành phần sản xuất từ các sợi sinh thái. SCG được xếp vào bảng xếp hạng chỉ số bền vững Down Jones (DJSI) trong lĩnh vực vật liệu xây dựng từ năm 2004.
Đạo kinh doanh của doanh nghiệp Thái Lan bắt nguồn từ tư duy “vừa phải thôi”. Kinh doanh vừa phải thôi để bảo vệ môi trường. Lợi nhuận vừa phải thôi, dùng một phần đền đáp lại môi trường, xã hội. Cạnh tranh vừa phải thôi, kẻo vì hám lợi mà gây tổn hại đến doanh nghiệp khác, làm mất lòng tin của khách hàng và ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.
Tại Hội nghị Phát triển bền vững Thái Lan diễn ra vào tháng 9/2011 tại Bangkok, ông Vitool Viraponsavan, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty sản xuất đồ chơi Plan Creation Co., Ltd., của Thái Lan từng nói về việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của doanh nghiệp. Plan Creation tự nguyện trồng 10.000 cây xanh để hấp thụ lượng CO2 mà quá trình sản xuất của họ đã thải ra.