Đâu cũng như đâu – đầu đường, góc chợ

Xưa mỗi thị xã, thị trấn, thành phố có bản sắc rõ ràng. Hà Đông khác hẳn Sơn Tây, Phủ Lý khác Ninh Bình, Nam Định khác Hải Dương, Bắc Ninh khác hẳn Phú Thọ, Việt Trì cũng khác Phúc Yên; Hà Giang ra Hà Giang, Thái Nguyên ra Thái Nguyên, Tuyên Quang ra Tuyên Quang… Giờ thì đâu cũng như đâu. Việt Nam bị toàn cầu hoá còn các đô thị Việt đầy bản sắc bị "toàn quốc hoá".

Khi mới thống nhất người Bắc vào Nam ai cũng trầm trồ về đường sá to rộng, thoáng mát. Chục năm gần đây, người Nam ra Bắc lại phát ghen tỵ với miền Bắc, các tỉnh ở tứ phía thủ đô, vì đường sá mới tinh, cầu cống “ngon lành” khiến sự đi lại so với thời chiến tranh, bao cấp thì còn hơn cả trong mơ.

Lũ bạn em quê ở tứ phía Hà Nội nheo nhéo giục: “Ra chơi! Đi du lịch hay thăm quê đều ôtô nhà, máy lạnh, tay lái lụa veo veo”. Chỉ năm 95 mấy anh em còn cơ cực lặn lội cả ngày trời mới lên tới Phú Thọ. Vào Yên Lập, đêm về còn nơm nớp cái phà Trung Hà. Nay con bạn “chỉ thị”: “Sáng đi shopping với tao ở mấy cái Plaza mới Hà Nội, trưa qua cầu Trung Hà, ăn gà rừng, dê núi… rồi đi mua măng rừng, cây mật gấu… các lâm-thổ-sản về làm quà!”. Phong cảnh miền Bắc tuyệt vời nhung nhớ. Cả chục năm trong Sài Gòn chỉ được thấy Thất Sơn An Giang đã là cao ngất trời nên em quyết chí ra, du sơn du thuỷ ngắm cảnh cũ, gặp người xưa trên Hà Giang, theo hướng lên cực bắc. Tiện thể xuôi phía nam ngắm cảnh đồng bằng, qua Phủ Lý, Ninh Bình hay ra Quảng Ninh ngắm cầu Bãi Cháy mới đẹp như “một câu thơ” viết trên nền non nước hữu tình. Mà cô ra mùa thu này thì nhất, nghe nói đã thấy thèm!

Xin thưa thất vọng tràn trề! Chỉ có đi trực thăng may ra mới ngắm được cảnh đẹp bà chị ơi. Xưa mỗi thị xã, thị trấn, thành phố có bản sắc rõ ràng. Hà Đông khác hẳn Sơn Tây, Phủ Lý khác Ninh Bình, Nam Định khác Hải Dương, Bắc Ninh khác hẳn Phú Thọ, Việt Trì cũng khác Phúc Yên; Hà Giang ra Hà Giang, Thái Nguyên ra Thái Nguyên, Tuyên Quang ra Tuyên Quang… Giờ thì đâu cũng như đâu. Việt Nam bị toàn cầu hoá còn các đô thị Việt đầy bản sắc bị “toàn quốc hoá”. Vẻ đẹp riêng và sự đa dạng văn hoá của các địa phương đang biến mất, khiến mình thấy các kỷ niệm bị tẩy xoá hoàn toàn và trước mắt là một sự đơn điệu mênh mông, giống nhau ghê người. Nếu vừa rồi bà chị ngồi trên xe với em, nhìn qua cửa suốt gần 1000km qua “tứ trấn đàng ngoài” thì sẽ thấy cái nguy cơ tầm quốc gia này: Bản sắc văn hoá địa phương đang hay đã bị tận diệt.

Đau đớn thay! Ta sẽ không thể nhìn thấy đồng lúa, bờ ao, luỹ tre, cây đa cây gạo, cái cổng thành, cổng làng, đình làng, dòng sông, dòng suối, ruộng bậc thang, đồi cọ, đồi chè… nữa bởi hai bên đường liền tù tì là phố chợ (chỉ ngửa mặt lên chị mới thấy được các đỉnh núi xa xa). Dọc các con đường là quảng cáo, bảng hiệu, chợ cóc, và những ngôi nhà giống nhau một cách kì lạ. Không đọc các bảng Welcome… hay See you again… thì đố chị biết mình đang ở đâu, tỉnh, huyện nào. Người lạ chỉ nhìn hai bên đường phải nghĩ nước ta đã đô thị hoá 100% vì toàn thấy đường phố và chợ.

“Đầu đường, góc chợ” đúng là các chỉ dấu phổ biến nhất của tất cả các đô thị to nhỏ. Ông giáo điều khiển học của em có ra một bài toán: Làm thế nào để 1 triệu con kiến xếp thành hàng theo ý muốn của mình? Trả lời: Hãy dùng mật vẽ những đường thật mảnh và kiến sẽ bu lại thành hàng lối theo các đường mật ấy! Chị có thấy quy hoạch các đô thị của ta là bất khả vì toàn dân đổ ra mặt đường? Phố chợ, nhà cửa bu lấy mặt đường vừa tắc nghẽn vừa ô nhiễm, tai nạn. Lại có bài toán khác: Làm thế nào để cho 1 triệu mảnh gỗ hình khối khác nhau vào một thể tích nhỏ nhất, mà làm nhanh nhất? Trả lời: Dốc hết vào một cái bao, dộng thật lực một cái rồi buộc túm lại. Cứ chia lô bán nền dọc hai bờ đường là nhà cửa y xì, tăm tắp nham nhở như nhau. Kiến trúc thành ra thứ bất khả và xa xỉ dọc các con đường-mật của chúng ta.

Vẫn biết xưa đi qua đoạn nào hoặc ngã ba ngã tư quốc lộ nào mà thấy một chợ cóc, một quán nước, một hiệu cắt tóc, một hiệu ảnh, một quán “cơm phở bình dân”… là ta biết sắp tới một làng trù phú hay sắp rẽ vào một đô thị. Nay thì đô thị bâu ngay hai bên đường, đường liên tỉnh đi xuyên tâm cả chuỗi tỉnh lỵ. Đời sống đầu đường và góc chợ vụn vặt và nhếch nhác được “tự phát chính quy hoá”!

Sao các nước họ không thế hả cô? Ấy là họ có luật về đường. Trong định nghĩa và tiêu chuẩn đường cao tốc, quốc lộ, liên tỉnh của họ có điều cấm phố chợ hai bên đường. Và họ chưa kịp phát minh ra thuật chia lô bán nền dọc đường “cho kiến bu” như ta!

Hoá ra nâng cấp đường sá là đòn đau giáng vào sự đa dạng văn hoá vùng miền của đất nước? Hơn thế nữa chứ. Nó đang toàn quốc hoá cái phong cách sống “đầu đường góc chợ” đấy chị ơi!

 

Tác giả