Để gió cuốn đi

Suốt một ngày nằm dài và luẩn quẩn trong phòng, chẳng làm gì cả, nàng cảm thấy cơ thể mình nhớp nhúa kinh khủng. Tắm táp với nàng luôn là một giải pháp. Khỏa thân với một vài động tác thể dục nhẹ cho ra chút mồ hôi, nàng ngồi khoanh tròn thở dịu và dài trong 7 phút rồi bước vào nhà tắm. Từ nhỏ nàng đã có thói quen đứng dưới vòi nước lâu lâu, xát xà phòng, tráng người, lau người, soi mình trước gương, làm đủ bộ dạng mếu cười rồi bất động, nhìn sâu vào mắt mình trong vài giây.

Là xong chuyện tắm. Sống với chồng, thói quen bất bình đẳng với các bộ phận trong cơ thể của nàng dần thay đổi. Nàng bắt đầu chăm sóc những phần dưới ngực, vẫn vương một chút e lệ, và nàng thấy mình khỏe khoắn, tự do hơn.       
Mặc cho vòi hoa sen đổ, nàng ngồi dựa lưng vào tường, cơn nhớ chồng ập đến làm nàng hạnh phúc vì thấy cảm giác đã lên non xanh những vùng hoang vô cảm. Đồng thời, cảm giác ấy cũng đỏ lửa khiến nàng không thể ngồi yên, nó dường như quá sức chịu đựng. Nàng tóm lấy bàn chân và bắt đầu kỳ cọ. Chồng nàng bảo người ta bảo bàn chân là nơi chứa nhiều kinh mạch nhất. Như người ta chữa vô số bệnh ở mọi nơi bằng cách tác động vào gan, thận để cứu chữa đội bác sỹ trong cơ thể rồi đội bác sỹ tự chữa cho những nơi khác, chỉ cần tác động vào bàn chân là em thấy cơn đau đầu biến mất.
Nàng từng chăm sóc hai bàn chân chồng rất kỹ, nàng không yêu chúng bằng những nơi khác nhưng nàng hy vọng chúng sẽ duy trì sự sống cho những vùng mệt mỏi của anh. Chạm vào chân mình mà nàng thấy thương chân chồng vô hạn. Nàng vừa xoa bóp vừa ngắm nhìn hai bàn chân. Chúng thường xuyên phải gồng gánh cả một cơ thể, chúng bền bỉ truyền những thông điệp giữa cơ thể và đất mẹ. Nhưng chúng lại là những đứa ít kêu than dở chứng nhất. Có lẽ, chính vì sự thầm lặng miệt mài đó, chúng bị quên lãng và bỏ rơi. Hãy xem cái mặt nhõng nhẽo vì cái mụn, cái răng kêu gào vì lũ sâu trong kẹo, cái ngón tay bị đứt rên rỉ kìa. Chúng quả là những quí tộc lười biếng được hưởng những đặc quyền đặc lợi trên mồ hôi nước mắt của nông dân chân. Hìhì, nếu nàng kể điều này cho chồng, anh sẽ bảo biết rồi khổ lắm nói mãi nhưng vừa nói anh vừa vuốt ve nàng dịu dàng hơn và nhìn nàng trìu mến hơn.
Nàng tiếp tục chăm sóc chân mình như chăm sóc chân chồng. Chồng nàng từng viết một câu chuyện về người nôn. Người đàn ông đi vào nhà vệ sinh, đóng kín cửa và bắt đầu nôn. Cứ nôn mãi, nôn mãi. Nôn quá cả những gì hắn ta nạp vào. Mệt lả người nhưng hắn muốn tiếp tục nôn mãi, hy vọng có thể nôn hết mình, cho đến khi không còn gì nữa, không còn cả sự nôn. Chồng nàng bảo, anh sẽ không vội công bố nó đâu. Người ta sẽ khiến anh buồn nôn khi suy diễn nó thành những thứ kinh khủng nhạt phèo. Còn anh, anh chỉ ám chỉ một cái đẹp của tình huống. Nếu anh biết vẽ, anh sẽ vẽ một bức tranh vòng tròn. Một người bị nước mắt nhân loại rơi thành những tảng đá trên lưng, vừa gánh nó, hắn vừa khóc, nước mắt của hắn hóa thành những tảng đá rơi lên nhân loại. Một bức khác, anh sẽ vẽ những tảng đá thành những giọt mưa muôn màu.
Nàng miên man với nỗi nhớ cho đến khi rùng mình nhận ra đôi chân mình đã trắng bợt. Nếu nàng tiếp tục kì, có thể làn da sẽ biến mất, rồi máu rồi xương chảy ra cũng trôi theo dòng nước. Và cứ thế, nàng tẩy dần cơ thể mình. Đôi bàn tay, những cục tẩy, cũng được ma sát lại và mòn dần đến khi chỉ còn một phòng tắm trống, một vòi sen đổ, một cánh cửa đóng kín. Một vẻ đẹp khác xa những căn phòng của Hitler và những nhà khoa học của mình.
Nàng vừa lau khô người vừa ra khỏi phòng tắm. Tóc nàng nương tựa vào nhau. Tấm gương nói với nàng không thể để cơ thể mình héo mòn như thế nữa.
Khi nàng khỏa thân dưới một tấm chăn mềm mỏng, giấc ngủ dịu dàng xua nỗi cô đơn khỏi căn phòng, hòa nó vào trong gió. Và gió là một sinh thể kỳ lạ nhất. Nó chứa đựng biết bao dồn nén của con người. Có những ngọn gió hợp thành bão tố để đáp trả. Có những ngọn gió mềm mại lang thang với nỗi đau không truyền cho ai nữa. Và bằng một phương thức kỳ diệu con người không hiểu nổi, chúng tự làm tan biến nỗi đau trong mình. Rồi sẵn sàng nhận những cơn đau khác. Ngọn gió có tên là giấc ngủ. Nó tẩy nỗi đau khỏi nàng. Nhưng không tẩy nàng khỏi thế gian.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)