Di sản đô thị: nhận thức và ứng xử

Những năm gần đây Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến liên tục nổi lên các cuộc tranh luận về bảo tồn di sản đô thị, về sự biến dạng, mất đi, xâm hại các di tích, không gian văn hoá. Dù kết cục như thế nào thì hầu hết các địa điểm đó đều bị tổn thương cả về vật chất và tinh thần. Và một trong những nguyên nhân gây ra kết cục trên là từ nhận thức về di sản đô thị.

Mỗi khu vực, mỗi quốc gia, mỗi đô thị, mỗi cộng đồng và từng chuyên gia có thể có quan niệm, nhận thức về di sản và việc bảo tồn nó khác nhau. Điều này không khó hiểu. Nhưng đến nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao lưu văn hoá quốc tế, công cuộc bảo tồn di sản trên thế giới đã có những thành tựu đáng ghi nhận mà ở Việt Nam, tại Hà Nội còn có một bộ phận không nhỏ các nhà quản lý, chuyên môn, cộng đồng (gọi tắt là chúng ta) vẫn khu biệt hoá nhận thức, nhìn nhận di sản với góc độ của di tích đơn lẻ, hay đơn thuần là cái vỏ vật chất cổ kính, điều này ắt dẫn đến những ứng xử tương thích với di sản kiểu phiến diện, mùa vụ.
Cách nhìn nhận rằng di sản đô thị phải đầy đủ như khi nó mới được sinh thành, hoặc bề thế như khi nó đang hưng thịnh, trong khi phần lớn di sản ở Hà Nội đã bị mất mát, chồng lấp, đan xen mong manh… đã khiến nhiều di sản bị lột xác, mới mẻ, xa lạ và đứt đoạn với quá khứ, hoặc xa lánh hiện tại hay bỏ qua tính chân xác. Kết quả là sau khi được quan tâm, bảo tồn, tôn tạo… nhiều di sản đô thị có tuổi thì lớn nhưng độ dày các lớp văn hoá thì mỏng, mang trong mình thông điệp của hiện tại nhiều hơn phần quá khứ.

Mối quan hệ giữa kiến trúc di sản và công trình mới xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh

Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kiến trúc đô thị với ý nghĩa trân trọng quá khứ, truyền lại cho muôn đời sau, với các đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trước hết cần gia cố, thậm chí xây đắp mới nhận thức về di sản đô thị.
Một khi chúng ta chưa giải đáp đến ngọn ngành sự hiểu biết và thực hiện đến nơi, đến chốn, bằng hết Tâm, Trí, Lực những vấn đề tưởng chừng như có sẵn: Định vị và tái định vị giá trị di sản; Di sản cho ai? Di sản sống bằng cái gì? thì đã và sẽ mãi mãi chỉ còn di sản trong ký ức, trong hoài niệm.

Định vị và tái định vị giá trị di sản
Chúng ta nói nhiều đến giá trị của di sản đô thị: lịch sử, văn hoá, kiến trúc… Chúng ta cũng đã xác định giá trị cho từng di sản, thậm chí mổ xẻ từng giá trị để tăng sức nặng của di sản vốn đang mong manh. Nhưng những giá trị đó thường có ý nghĩa để lập hồ sơ xếp hạng, hay làm cơ sở cho việc bảo tồn, tôn tạo mà thiếu cách thức để phát huy nó, để thăng hoa, chí ít là đi vào cuộc sống một cách bình dị nhất, thật thà, ngay thẳng nhất. Chúng ta có xác định giá trị di sản đô thị, nhưng còn chiếu lệ khi đánh giá các nguy cơ, thách thức cận kề di sản, hơn nữa phải định vị và tái định vị giá trị di sản đô thị.
Với di sản đô thị là di tích lịch sử văn hoá (đã được Nhà nước xếp hạng) càng đòi hỏi phải  định vị và tái định vị giá trị di sản. Có một thực tế là các di sản được lập hồ sơ, qua đánh giá tiêu chí theo luật định được Nhà nước công nhận và xếp hạng với tấm bằng ghi vẻn vẹn tên, địa chỉ và công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia hoặc cấp địa phương, không thêm một dòng về tiêu chí đạt được, ví dụ tiêu chí: Quần thể các công trình kiến trúc hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử. Với cách làm như vậy hàng ngàn, hàng vạn di sản – di tích lịch sử văn hoá, từ ngôi nhà to hay nhỏ, từ khu vực đô thị hay một làng quê truyền thống, từ một nhà tù cũ hay một ngôi chùa đều có một cách gọi chung “di tích lịch sử văn hoá”, đều được biết theo cấp độ quốc gia hay địa phương nhưng chưa rõ điểm đặc biệt, giá trị, tiêu chí đã đạt được của các di tích này. Nếu muốn được hiểu rõ chắc phải tìm hồ sơ xếp hạng, hoặc hồ sơ di tích tại cơ quan quản lý chuyên ngành mà điều này hoàn toàn không đơn giản. Bên cạnh bằng công nhận di tích, thường có bản giới thiệu về di tích nhưng dường như đó chỉ là câu chuyện kể về cuộc đời của di sản.

Một khi chúng ta chưa giải đáp ngọn ngành đến tận cùng của sự hiểu biết và thực hiện đến nơi, đến chốn, bằng hết Tâm, Trí, Lực những vấn đề tưởng chừng như có sẵn: Định vị và tái định vị giá trị di sản; Di sản cho ai? Di sản sống bằng cái gì? Thì đã và sẽ mãi mãi chỉ còn di sản trong ký ức, trong hoài niệm

Chính sự chung chung, mập mờ kể trên đã điển hình hoá các giá trị của di sản làm chúng trở lên giống nhau, khô cứng. Điều này góp phần làm xơ cứng sự hiểu biết, nhận thức về di sản, cản trở sự phát huy các giá trị và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những ứng xử chưa phù hợp với di sản như chúng ta đã thấy. Do đó việc công nhận di sản – di tích lịch sử văn hoá cần được ghi rõ tiêu chí di tích đã đạt được và những tiêu chí này cần được cập nhật, tái định vị giá trị để di tích sống bền vững hơn. Công việc này phần nhiều do cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thực hiện.
Với di sản đô thị chưa là di tích lịch sử văn hoá, việc định vị và tái định vị giá trị di sản cũng rất quan trọng. Nhưng việc này không phụ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý Nhà nước mà xuất phát từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp, từ phương tiện truyền thông và đặc biệt từ cộng đồng. Chính những đối tượng này là chủ thể định vị rõ nhất, công bằng nhất và phù hợp nhất giá trị của di sản đô thị, và cũng chính họ sẽ làm giá trị các di sản này lụi tàn hoặc bùng cháy.
Với Hà Nội – Thủ đô ngàn tuổi mang trong mình nhiều tầng lớp di sản đô thị, việc định vị và tái định vị khối tài sản này và từng cá thể trong nó với cách nhìn, cách nghĩ, cách hiểu của con người, bối cảnh năm 2010 là cần thiết và cấp bách. Cùng với những di tích đơn lẻ, ngoài Khu phố cổ, Khu phố Pháp, Khu Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa… còn có khu vực xây dựng thời “bao cấp” và đặc biệt là hệ thống cảnh quan sông, hồ đặc trưng và linh thiêng của Hà Nội đã được xếp hạng trong tâm trí của người dân, nhưng chưa được công nhận chính thức qua các văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước. Thiếu định vị, hoặc định vị không chính xác giá trị di sản có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cuộc thi ý tưởng thiết kế đô thị và quy hoạch không gian hồ Gươm được thành phố tổ chức vừa qua cho thấy có vấn đề trong việc định vị giá trị di sản. Có phương án đưa hồ Gươm trở về với không gian kiến trúc thế kỷ XIX và xa hơn nữa, muốn ngưng đọng không gian linh thiêng này, bảo tàng hoá hồ Gươm, thay đổi, thậm chí phá bỏ một công trình được xây dựng nửa cuối thế kỷ XX với sự lý giải là không phù hợp với cái cũ, với cái nhìn, cách nghĩ, cách hiểu của người đương thời. Nhưng hồ Gươm không chỉ là trái tim của trái tim Việt Nam, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm mà đó còn là điểm nút chuyển hoá hình thái không gian kiến trúc đô thị, dung nạp kiến trúc nhiều thời kỳ, thể loại, tuy có lúc, có chỗ chưa tương thích nhưng vẫn sống hữu cơ, cộng sinh với nhau, do đó ý tưởng nào cắt mạch thời gian, cô cứng không gian, muốn bắt kiến trúc quay lại đều là những ý tưởng thiếu sự định vị hệ giá trị của hồ Gươm.

Di sản cho ai?
Di sản – tên gọi đã mặc định ý nghĩa của nó. Quan niệm của một bộ phận không nhỏ chúng ta hiện nay là tài sản của các thế hệ trước để lại cho mình, của mình mà mặc sức định đoạt. Từ quan niệm sai lầm này, có nơi biến di sản đô thị là của phường mình, tổ mình, xóm mình và ứng xử như tài sản riêng, can thiệp để phục vụ lợi ích của mình.
Về bản chất của vấn đề, chúng ta chỉ là những “người trung gian” để chuyển bức thông điệp của quá khứ đến các thế hệ tiếp theo và hơn nữa là không được phép làm sai lệch và biến dạng bức thông điệp này. Đặc biệt là những di sản khảo cổ học đô thị vô cùng mong manh, luôn bị đe dọa và không thể tái tạo.

Định vị, tái định vị giá trị di sản đô thị trong môi cảnh khu vực, trong sự thay đổi về đối tượng thụ hưởng giá trị, trong điều kiện và tình hình mới… để lần đầu hoặc một lần nữa xác định chỗ đứng của di sản, để thấy những giá trị đã mất đi theo thời gian, do quy luật… hay được hồi sinh, bổ sung những giá trị mới gia tăng như tự nhận ra chính mình giữa chốn đông người. Một điều không thể phủ nhận là cách nhìn nhận, đánh giá, xác định giá trị, vị thế của di sản đô thị của hôm nay- thế kỷ XXI sẽ không y nguyên như thế kỷ XX và càng khác xa với thời điểm khởi thuỷ của nó.
Vậy tại sao chúng ta hay quan niệm giá trị di sản từ  khi lập hồ sơ cứ vẹn nguyên đến tận ngày nay và thậm chí đi theo nó đến cuối cuộc đời?

Nếu xác định di sản là cho muôn đời sau và chúng ta chỉ là những người chạy tiếp sức để duy trì và sáng mãi ngọn đuốc của những giá trị văn hoá thì đó quả là những tín hiệu lạc quan cho giá trị và sức sống của các di sản.
Vấn đề này cũng không kém phần quan trọng, nó quyết định đến số phận của di sản và dẫn đến mức độ can thiệp đến đâu… Rõ ràng nếu tài sản này không chỉ của mình mà còn của các đời sau thì sự thận trọng sẽ được đề cao, tư duy và ứng xử với di sản được coi trọng.
Có những vấn đề chúng ta chưa rõ về di sản, hoặc muốn tìm hiểu sâu kỹ hơn về chúng nhưng lực lượng chuyên gia mỏng, thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị, công nghệ hiện đại chưa đáp ứng, chúng ta nên dành phần việc này cho các thế hệ tiếp theo, không nên và không được phép khám phá để tận hưởng bằng hết giá trị di sản. Bên cạnh đó đặt ra vấn đề rõ ràng, minh bạch trong ứng xử với di sản đô thị và các không gian văn hoá đặc trưng.

Di sản sống bằng gì?
Nguồn thu là cách hiểu thông thường nhất khi trả lời câu hỏi di sản sống bằng gì? Đó có thể là tiền bán vé thăm quan, tiền công đức… như là cơm, là canh trong bữa.
Cũng như con người, di sản không chỉ có “ăn” mà còn biết sống, biết suy nghĩ phù hợp, tương thích với môi trường. Di sản, đặc biệt là di sản đô thị sống được một phần là nhờ môi trường xung quanh di sản. Nếu bản thân di sản có ngưng đọng không gian, thời gian thì bối cảnh xung quanh vẫn sẽ thay đổi, do đó vấn đề mấu chốt là gắn di sản trong bối cảnh chung – không gian văn hoá di sản đô thị và có sự cộng sinh trong cuộc sống.
Mặt khác, di sản sống được là ở trong lòng của cộng đồng dân cư. Có di sản về mặt giá trị văn hoá, nghệ thuật… là rất cao, nhưng ít phát huy và khó sống được trên thực tế, hoặc có di sản thì ngược lại. Sự sống này nhiều lúc không phụ thuộc vào cấp độ, tính chất, quy mô, của di sản to hay nhỏ mà trông cậy vào sự kết tinh của các giá trị và phương cách, ứng xử văn hoá phù hợp.
Sự sống của di sản còn tuân theo quy luật sinh tồn của sự vật, hiện tượng, do đó nắm bắt được quy luật cũng góp phần ứng xử làm các di sản sống bền vững hơn.
Hà Nội là một thủ đô. Vậy nên các di sản trong đó phải thể hiện rõ những yêu cầu và trách nhiệm của những di sản quốc gia, quốc tế, chứ không riêng của Hà Nội. Sự đan xen, chồng lấp giữa di sản, di tích văn hoá lịch sử, không gian văn hoá, không gian đô thị vừa là nét đặc trưng vừa là bài toán khó giải của Hà Nội, đặt ra vấn đề ứng xử hài hoà trên tinh thần định vị và tái định vị giá trị các di sản đô thị phù hợp.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)