Di sản kiến trúc XHCN: Dao động giữa quên và nhớ

Vấn đề của di sản kiến trúc XHCN nằm ở quan điểm hiện tại của xã hội nhiều hơn là quá khứ, mặc dù nếu không có quá khứ sẽ không có di sản.

Ở các nước Đông Âu và Nga ngày nay, các công trình kiến trúc luôn mang trong mình những ký ức xã hội phức tạp về một giai đoạn lịch sử đã qua. Ở cấp độ cá nhân, đối với một số người, giai đoạn XHCN gắn liền với những ký ức tốt đẹp, bình yên, trong khi đối với một số người khác lại là sự lo lắng, đau buồn. Ở cấp độ quốc gia, có một số chính phủ muốn gạt bỏ hoàn toàn giai đoạn lịch sử này để mong muốn gia nhập sâu hơn vào thế giới phương Tây nhưng cũng có chính phủ muốn sử dụng thành tựu thời XHCN để tạo dựng bản sắc, nâng cao vị thế quốc gia trong hoàn cảnh hiện tại. Vì vậy, cách tiếp nhận và sử dụng di sản kiến trúc XHCN làm nảy sinh những mâu thuẫn và bất hòa giữa những cá nhân, cộng đồng khác nhau trong một quốc gia, giữa các quốc gia khác nhau. 

Trong thực tế chính trị – xã hội mới, Tân tự do, tư bản chủ nghĩa, dân tộc chủ nghĩa…, các công trình vốn từng là niềm tự hào của xã hội XHCN nay trở thành một di sản bất hòa. Khái niệm Di sản bất hòa (Dissonant heritage), được đưa ra vào cuối thế kỷ 20, ngày nay được sử dụng rộng rãi trong các cuộc tranh luận về những ký ức mâu thuẫn cũng như sự chồng chéo của các câu chuyện và cách diễn giải khác nhau về quá khứ. Di sản kiến trúc có thể được gán nghĩa khác nhau đối với các nhóm xã hội khác nhau. Quá trình chuyển đổi xã hội ở Đông Âu vào cuối thế kỷ 20 mang đến nhu cầu kiến tạo bản sắc quốc gia cho tương lai trong sự cạnh tranh, đan xen ký ức của các cộng đồng khác nhau. 

Thực trạng ở Nga

Từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay, việc tiếp nhận di sản kiến trúc XHCN có sự thay đổi theo thời gian. Lúc đầu, nhà nước Liên bang Nga non trẻ phản đối nó, thể hiện qua việc tháo dỡ các tượng đài lãnh đạo Liên Xô, thay đổi tên đường, tên thành phố, ví dụ tượng Felix Dzerzhinsky – một nhà cách mạng Bolshevik Nga gốc Ba Lan và một chính khách Liên Xô – từng bị phá hủy sau năm 1991 (sau này mới được phục dựng lại trên quảng trường Lubyanka, một hành động mà nhà sử học và nhà văn hóa Alexandre Etkind, Chủ tịch quan hệ Nga – châu Âu tại Viện Đại học châu Âu, phân tích là hành động sáng lập cho nước Nga mới). Xu hướng “phi Xô viết hóa” là một triệu chứng của tình trạng hỗn loạn bản sắc những năm 1990, thể hiện mong muốn đề xuất một câu chuyện quốc gia mới bằng việc loại bỏ ký ức về Liên Xô. 

Tượng đài “Công nhân và Nông trang viên” ở Moskva sau khi trùng tu, 2010. Nguồn ảnh: Wikipedia

Kể từ những năm 2000, được đặc trưng bởi nhiều hoạt động tái đầu tư di sản thời Xô viết, chúng ta có thể quan sát thấy chính quyền Moskva dành sự quan tâm đến di sản XHCN. Nhu cầu tạo ra một nước Nga thống nhất trở nên cần thiết để đảm bảo sự ổn định và lịch sử liên tục của dân tộc. Do đó, chứng mất trí nhớ thời Xô viết được thay thế bằng sự phục hồi ký ức, nhấn mạnh vào các biểu tượng mạnh mẽ và tích cực của Liên Xô ở các công trình kiến trúc công cộng.

Những tòa nhà khổng lồ theo phong cách Stalin, đặc biệt là công trình “bảy chị em”, nhóm bảy tòa nhà chọc trời nổi tiếng được xây dựng tại Moskva, từ năm 1947 đến 1957, hiện là một phần không thể thiếu trên đường chân trời Moskva hiện nay, được chính thức quảng bá như một nguồn tự hào và một điểm thu hút khách du lịch không thể bỏ qua. Kiến trúc Kiến tạo (Constructivism) khơi dậy sự quan tâm mới của người dân và đã được nâng lên thành trung tâm chú ý của cộng đồng di sản quốc tế. Năm 2006, tại hội nghị “Di sản đang gặp rủi ro – Bảo tồn Kiến trúc Thế kỷ 20 và Di sản Thế giới” tại Moskva, một Tuyên bố đã ra đời, lên án sự thiếu sót trong chính sách bảo vệ di sản thế kỷ 20 ở Nga, đặc biệt là các công trình Kiến tạo, được xây dựng vào những năm 1920-1930.  


Chứng mất trí nhớ thời Xô viết được thay thế bằng sự phục hồi ký ức, nhấn mạnh vào các biểu tượng mạnh mẽ và tích cực của Liên Xô ở các công trình kiến trúc công cộng.

Một ví dụ về điều này là việc cải tạo tượng đài “Công nhân và Nông trang viên” ở Moskva. Tượng đài này được tạo ra vào năm 1937 bởi nhà điêu khắc V.D. Mukhina và kiến ​​trúc sư B.A. Iofan cho Triển lãm Thế giới ở Paris. Từ năm 2003 đến 2009, di tích đã trải qua quá trình trùng tu và hiện đại hóa toàn diện, bao gồm cập nhật hệ thống chiếu sáng và làm mới các chi tiết. Tổng số tiền trùng tu được công bố là 2,9 tỉ rúp.  

Thực trạng ở Đức

Những tranh luận về di sản kiến trúc XHCN ở Đức diễn ra giữa những người ủng hộ, hoặc chí ít là muốn giữ lại những ký ức về nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức với những người muốn loại bỏ nó ra khỏi lịch sử nước Đức thống nhất. Những người ủng hộ giữ lại ký ức của Đông Đức đã trình bày những tiến bộ và thành công của chế độ XHCN phía Đông như sự bình quyền đối với phụ nữ hay sự thành công của chương trình nhà ở xã hội, điều mà tư bản chủ nghĩa (TBCN) ở Tây Đức không bằng được. 

Cung Cộng hòa (Palast der Republik) của Đông Đức là một công trình tiêu biểu thể hiện sự bất hòa trong nước Đức mới trước di sản kiến trúc XHCN. Sau khi thống nhất, Tây Đức có lợi thế hơn về mặt kinh tế, chính trị. Chính phủ mới coi Cung Cộng hòa là biểu tượng của một chế độ thất bại và cho rằng nó không xứng đáng để bảo vệ. Còn những người ủng hộ CHDC Đức trước đây coi việc phá hủy công trình là sự phủ nhận một lối sống mà họ đã trải qua trong hơn bốn thập kỷ. Năm 2003, Bundestag đã biểu quyết phá hủy công trình. Phần lớn những người sống ở Đông Đức cũ phản đối việc phá hủy và nhiều cuộc biểu tình được tổ chức bởi những người cảm thấy tòa nhà là một phần không thể thiếu trong văn hóa của Berlin và quá trình lịch sử thống nhất nước Đức. Khi hạ giải Cung Cộng hòa, năm 2006, một biểu ngữ với dòng chữ “Một quyết định dân chủ” được dựng lên. Nhưng sau đó, một nghệ sĩ graffiti đã thay đổi biểu ngữ này bằng cách thêm một dấu hỏi, và bên cạnh nó là những dòng chữ viết theo kiểu graffiti rằng “Chủ nghĩa xét lại phương Tây”, “Sự phủ nhận lịch sử”. Tình trạng tranh cãi căng thẳng đã dẫn đến một cuộc bỏ phiếu điều chỉnh lại kế hoạch. Kết quả, ba mặt của công trình sẽ là bản sao chính xác của bản gốc, nhưng mặt thứ tư và nội thất sẽ là hiện đại.


Cung Cộng hòa (Palast der Republik) của Đông Đức là một công trình tiêu biểu thể hiện sự bất hòa trong nước Đức mới trước di sản kiến trúc XHCN.

Luồng ý kiến ủng hộ bảo vệ di sản kiến trúc XHCN xuất hiện mạnh mẽ hơn ở các thành phố miền Đông nước Đức. Cung Văn hóa (Kulturpalast) ở Dresden là một ví dụ. Sau năm 1990, công trình dần dần xuống cấp và thiếu kinh phí bảo trì. Một cuộc tranh luận về việc bảo tồn công trình này đã dẫn đến kết quả chiến thắng của những người yêu mến nó. Sau năm năm trùng tu, Cung Văn hóa Dresden đã được mở cửa trở lại vào năm 2017. Trên tầng hai tòa nhà vẫn giữ nguyên bức tranh tường “Cuộc sống XHCN của chúng ta”. 

Thực trạng ở Hungary

Ở Hungary, chủ nghĩa cộng sản được coi là một phần lịch sử đất nước mà không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm che giấu quá khứ của nó. Một số bức tượng thời XHCN đã được chuyển đến Szoborpark, nơi phục vụ như một cuộc triển lãm thường trực về thời kỳ lịch sử Cộng hòa Nhân dân Hungary. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dành một phần cơ sở hạ tầng cụ thể cho ảnh hưởng của XHCN đối với lịch sử Hungary, thay vì che giấu. Quan điểm này khác biệt so với quan điểm của một số nước láng giềng như Rumani, Bulgary, có lẽ bởi Hungary từng là một nước có mức sống cao trong khối XHCN. 

Thành phố Budapest đã nhận ra giá trị của việc bảo tồn các công trình này như một phần bản sắc dân tộc và đã nỗ lực bảo tồn chúng cho các thế hệ tương lai. Một ví dụ là cụm năm tòa nhà lớn ở Újpest, hoàn thành vào năm 1958 để trang trí cho một khu nhà ở mới trong khu vực. Một số người cảm thấy đây là một cách thú vị để bảo tồn tinh thần của những bức tranh hoành tráng đang “lơ lửng trên không” theo nghĩa thực sự. Những bức tranh tường này có thể là cách duy nhất để các thế hệ tương lai trải nghiệm nghệ thuật đường phố của Hungary giữa thế kỷ 20.

Tranh hoành tráng thời XHCN ở Budapest. Nguồn ảnh: https://budapestflow.com/socialist-murals-reliefs-budapest/

Với một tâm thế tiếp nhận bình thản, Hungary dường như đang là ngọn cờ đầu nghiên cứu và khai thác di sản kiến trúc XHCN ở Trung và Đông Âu. Năm 2019, chương trình nghiên cứu di sản của trường Đại học Tổng hợp Trung Âu ở Budapest đã tổ chức chuỗi sự kiện, hội thảo khoa học “Kiến trúc xã hội chủ nghĩa hậu kỳ – Bóng ma của quá khứ hay di sản đang bị đe dọa?” Trong chương trình này, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng, các công trình kiến trúc XHCN tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử của các quốc gia Trung Âu và Đông Âu, hiện vẫn còn gây tranh cãi, vì thế cần phải có những cuộc đối thoại về di sản kiến trúc XHCN, tầm quan trọng của nó trong bối cảnh di sản văn hóa, lịch sử chính trị và xã hội.

Tại Venice Biennale 2021, dự án “Othernity – Tái tạo di sản hiện đại của chúng ta” của các kiến trúc sư từ vùng Trung Âu và Đông Âu đã giới thiệu mô hình 12 công trình di sản kiến trúc XHCN mang tính biểu tượng của Budapest được tôn tạo để thích ứng với bối cảnh mới.

Thực trạng ở Ba Lan

Xã hội Ba Lan hiện nay đề cao các công trình kiến trúc từ cuối những năm 1970, đặc biệt là nhà thờ Công giáo. Các nhà lịch sử kiến trúc lại cho rằng tuy thời gian xây dựng diễn ra dưới chế độ XHCN nhưng chúng được thiết kế từ cảm hứng Hậu hiện đại, một trào lưu đang nổi ở phương Tây lúc đó. Những di sản kiến trúc này là biểu tượng quan trọng, phản ánh bản sắc dân tộc Ba Lan. Trong số rất nhiều nhà thờ được xây dựng trong những năm 1980, nổi bật nhất chắc chắn là Chủng viện Thần học Cao cấp và Nhà thờ Chúa Thăng thiên ở Warszawa. Chính sự hiện diện của nó với hình thức hiện đại dựa trên truyền thống kiến trúc Ba Lan trong một khu nhà ở XHCN đã nói lên sự phá vỡ các tiêu chuẩn chính thống của chính quyền.


Xã hội Ba Lan hiện nay đề cao các công trình kiến trúc từ cuối những năm 1970, đặc biệt là nhà thờ Công giáo. Những di sản kiến trúc này là biểu tượng quan trọng, phản ánh bản sắc dân tộc Ba Lan.

Nhà thờ Công giáo thời XHCN trở thành di sản được yêu mến bởi nó thể hiện bản sắc “Công giáo” của dân tộc Ba Lan cũng như phản ánh ký ức tích cực về vai trò của giáo hội trong giai đoạn XHCN. Năm 1987, các nhà chức trách XHCN ước tính rằng 70% cư dân Warszawa theo Công giáo và việc thực hành tôn giáo thậm chí còn tăng lên dưới thời XHCN, đặc biệt sau khi bổ nhiệm Giáo hoàng John Paul II. Giáo hội cũng tiếp tục là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội quan trọng. 

Nhà thờ Chúa Thăng thiên ở Warszawa (1989), kết hợp thẩm mỹ kiến trúc Thô mộc của khối XHCN với Hậu hiện đại, trở thành niềm tự hào của người dân Ba Lan hiện nay. Nguồn ảnh: https://www.kathmanduandbeyond.com/church-ascension-lord-warsaw-poland/

Thực trạng ở Bulgaria

Cũng như một số nước Đông Âu khác, di sản kiến trúc XHCN là một vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ ở Bulgaria. Không có chính sách rõ ràng của nhà nước về việc bảo tồn các di tích thời XHCN, điều này làm tăng thêm sự phức tạp của vấn đề. Từ những năm 1990, các kiến trúc sư và nhà sử học nghệ thuật đã cố gắng bảo vệ các di tích bằng cách nhấn mạnh vào giá trị chân thực và vẻ đẹp của chúng. Tuy nhiên, những lập luận thẩm mỹ của họ, thường thiếu hiểu biết về sự phân cực cảm xúc trong xã hội, đã bị phản đối bởi những lý lẽ chính trị, tình cảm, ký ức, và điều này dẫn đến những xung đột sâu sắc hơn.

Đài tưởng niệm 1.300 năm Bulgaria là một ví dụ tiêu biểu cho tính bất hòa của di sản kiến trúc XHCN, giữa người dân (muốn phá bỏ) với các chuyên gia di sản (muốn bảo tồn). Công trình được xây dựng ở Sofia đầu năm 1981 bởi một tập thể do nhà điêu khắc Valentin Starchev đứng đầu, tượng trưng cho lịch sử 1.300 năm của đất nước (681-1981), từ quá khứ anh hùng đến XHCN. Sau năm 1989, một lập luận được đưa ra để chống lại tượng đài – nó được xây dựng trên nền đài tưởng niệm những người lính từ những năm 1930 đã bị phá hủy, và người ta đã nhấn mạnh đến ký ức này. Các chuyên gia di sản đã kêu gọi các tổ chức quốc tế gây sức ép để bảo vệ di tích. ISC20C (Ban Khoa học Quốc tế về Di sản thế kỷ 20) đã tuyên bố rằng di tích với toàn bộ môi trường đô thị là một phần ký ức văn hóa của Sofia. Giới nghệ sĩ thì tổ chức các cuộc thi ý tưởng bảo tồn và sáng tạo nghệ thuật ở khu vực tượng đài. Bộ Văn hóa Bulgary ủng hộ các nghệ sĩ. Nhưng phần lớn người dân Sofia và chính quyền thành phố đã phản đối việc giữ lại công trình. Năm 2017, Đài tưởng niệm 1300 năm Bulgaria bị dỡ bỏ. Tại vị trí của nó nhanh chóng được lắp đặt tác phẩm điêu khắc con sư tử, vốn được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Quốc gia và từng là một phần của đài tưởng niệm quân sự trước 1981. Qua các cuộc tranh luận, người ta thấy rằng Đài tưởng niệm 1.300 năm không được ưa chuộng vì tính thẩm mỹ theo chủ nghĩa hiện đại của nó và ký ức về XHCN bị lu mờ trước ký ức về những người lính đã ngã xuống vì đất nước trước 1930. 

***

Tòa án Skopje, một công trình hiện đại xây dựng thời Nam Tư đã bị bọc lại bên ngoài bằng kiến trúc Tân Cổ điển. Nguồn ảnh: https://www.exutopia.com/skopjes-colourful-revolution-fighting-tyranny-with-street-art/

Các nhà nghiên cứu di sản ngày càng nhìn nhận di sản là một quá trình tạo dựng giá trị hơn là một đối tượng mặc nhiên được công nhận chỉ vì được lưu truyền từ thế hệ trước. Di sản không chỉ bao gồm việc chuyển giao văn hóa mà còn bao gồm cả sự chấp nhận các đối tượng cụ thể. Việc chấp nhận này là có chủ đích để một số giá trị được lựa chọn sẽ được bảo tồn, đem lại lợi ích cho hiện tại và hướng tới tương lai. Do vậy, vấn đề của di sản nằm ở hiện tại nhiều hơn là quá khứ, mặc dù nếu không có quá khứ thì sẽ không có di sản. 

Di sản kiến trúc ở các nước XHCN cũ ở Đông Âu đã chứng tỏ rằng giá trị của di sản phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chính trị- xã hội trong thời điểm mà nó được xét đến, trong đó bao gồm các yếu tố như định hướng phát triển quốc gia, ký ức xã hội, vv.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn 1954-1975, chúng ta cũng có nhiều công trình kiến trúc giá trị, phản ánh một giai đoạn lịch sử của đất nước. Tuy nhiên hiện nay nhiều công trình đã bị hạ giải (Nhà xuất bản Sự thật), xuống cấp (Nhà khách Chính phủ), cải tạo sai lệch (trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo), vv. Liệu đó là những công trình đáng bị lãng quên, hay chúng ta chưa thấy tầm quan trọng của chúng trong kiến tạo ký ức xã hội, kiến tạo quốc gia hiện nay?□

Bài đã đăng Tia Sáng số 21/2024

Tác giả

(Visited 451 times, 1 visits today)