Đi tìm “chất Việt” trong sáng tác truyện cho người trẻ

Khi muốn giới thiệu với bạn bè thế giới những tác phẩm đậm chất Việt, có thể bạn đọc sẽ có ngay vài hình dung, mường tượng quen thuộc như: những câu chuyện cổ tích, đậm chất dân gian, ông Bụt, anh tiều phu hiền lành, lão phú ông tham lam, hoặc bối cảnh nông thôn, đời sống nông nghiệp, con trâu, lũy tre làng hay những chuyện thời chiến… Tất cả những thứ ấy đều Việt Nam. Tuy vậy, liệu chất Việt chỉ xoay quanh những đề tài, yếu tố ấy? Và chất Việt có thật sự quan trọng hay không?

Tranh của họa sĩ Tạ Huy Long minh họa “Dế mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài.

Chất Việt là một khái niệm tương đối mơ hồ, không có định nghĩa cụ thể nào trong sách vở. Chúng ta có thể nhặt ra vài chi tiết, yếu tố cụ thể và thấy chúng thuộc về Việt Nam. Nhưng ở phương diện lớn trong sáng tác, chỉ nhặt chi tiết liệu có đủ? 

Thấy gì từ những tác phẩm thành công trong quá khứ?

Trong danh sách 10 tác phẩm thiếu nhi bán chạy nhất năm 2022 trên trang thương mại điện tử Tiki, chỉ có hai tác phẩm của Việt Nam: Dế mèn phiêu lưu ký – tác giả Tô Hoài và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Dễ dàng thấy các tác phẩm nước ngoài đang áp đảo ở thị trường sách thiếu nhi Việt Nam, cả về số lượng lẫn sự đa dạng trong đề tài và phong cách thể hiện. Về mặt tích cực, nhìn vào danh sách đó, chúng ta có thể vui mừng và tự hào rằng Việt Nam có những tác phẩm với sức sống bền bỉ như Dế mèn phiêu lưu ký (xuất bản lần đầu năm 1942). Đây hẳn là một trong những cuốn sách thiếu nhi thành công bậc nhất của nước ta, qua 80 năm vẫn chinh phục được nhiều thế hệ độc giả cả trong nước lẫn nước ngoài. Câu chuyện về chú dế nhỏ bé đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng. 

Theo nhận định của NXB Trẻ, sáng tác thiếu nhi trong nước hiện có những xu hướng lớn như: các tác giả đã có tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh, làm lại các tác phẩm kinh điển với định dạng mới, thơ – ca dao – đồng dao truyền thống. Theo như nhiều danh sách trên các báo hoặc trang bán hàng, bên cạnh Dế mèn phiêu lưu ký, một số tác phẩm nổi bật khác được đông đảo độc giả yêu thích dài lâu như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn (1957), tiểu thuyết Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi (1957), tập thơ Góc sân và khoảng trời – Trần Đăng Khoa (1968), tập truyện Chuyện hoa chuyện quả – Phạm Hổ (1974), tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán (1988), tuyển tập Kính Vạn Hoa – Nguyễn Nhật Ánh (1995 -2010), tiểu thuyết Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ – Nguyễn Ngọc Thuần (2004), bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt – Lê Linh (2002-2005).   

“Chất Việt” trong những tác phẩm này thể hiện ở hai phương pháp chính. Một là bám vào những yếu tố truyền thống, lịch sử; cả về nội dung lẫn hình ảnh. Đây là cách thể hiện “chất Việt” tương đối trực diện; tương tự như nhắc đến Việt Nam là nhắc đến áo dài và phở. Những tác phẩm nổi bật gần đây đều đi theo lối thể hiện này, như bộ truyện tranh Long Thần Tướng của nhóm tác giả Phong Dương comics, ra đời từ năm 2014 đến nay, kể về chân tướng của một vị tướng bí ẩn, lấy bối cảnh cuộc chiến tranh Mông – Nguyên thời nhà Trần. Long Thần Tướng đã được trao giải bạc cuộc thi International Manga Award của Bộ Ngoại giao Nhật Bản – một giải thưởng truyện tranh khá uy tín trên thế giới. Ngoài ra còn có phim hoạt hình Yêu Kiều, ra đời năm 2020 do studio phim hoạt hình DeeDee animation studio sáng tạo. Yêu Kiều kể lại kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới một góc nhìn hiện đại và hài hước. Tuy nhiên, lựa chọn cách khai thác những câu chuyện gắn liền với lịch sử đòi hỏi quá trình đầu tư nghiên cứu kỹ càng, lâu dài. Dù là các tác phẩm hư cấu, mọi sai sót về kiến thức, hay tái tưởng tượng lịch sử đều dễ dẫn tới những tranh cãi và chỉ trích. Để tạo ra được một bộ sách chất lượng như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đổng Chi phải dành tới 25 năm nghiên cứu, biên soạn (1957-1982).

Đoạn trích trong truyện Câu lạc bộ nghiên cứu bí ẩn – một truyện tranh hài hước kể về các kĩ thuật trong các tác phẩm điều tra trinh thám kinh điển.

Phương pháp thứ hai thể hiện “chất Việt” là kể chuyện đời thường, mang tính đương thời, trải nghiệm cuộc sống của chính tác giả. Với Góc sân và khoảng trời độc giả được nhìn thế giới qua lăng kính trong trẻo của một cậu bé mười tuổi, nào là con kiến, quả na, hạt gạo, nào là đi cấy, chạy mưa… Những sẻ chia thành thật này giúp tác phẩm kết nối với độc giả. Với một đất nước gắn liền với cây lúa, những vần thơ “hạt gạo làng ta/ có bão tháng bảy/ có mưa tháng ba” ngấm vào nhiều thế hệ trẻ em một cách tự nhiên. Hướng đi này cần nhiều quan sát sâu sắc và tinh tế về đời sống; làm sao để nhìn thấy được chất thơ văn trong cuộc sống thường nhật. Hạn chế của cách làm này cũng chính là điểm mạnh của nó: tính thời đại. Khi thời đại thay đổi, các trải nghiệm xã hội cũng thay đổi theo. Với nhiều trẻ em hiện nay, đặc biệt là ở thành thị, ruộng lúa, con trâu thực ra không gần gũi, quen thuộc lắm. Tất nhiên, những trải nghiệm, cảm xúc của thời kỳ trong Góc sân và khoảng trời vẫn chứa đựng nhiều giá trị. Tuy vậy, thế hệ độc giả trẻ cũng cần những tác phẩm phản ánh thời đại họ đang sống.

“Chất Việt” trong khuôn khổ

Nhưng “chất Việt” không chỉ dừng lại ở đó. Sự bó buộc “chất Việt” trong một khuôn khổ như vậy có thể khiến chúng ta mất đi rất nhiều cơ hội thử nghiệm sáng tạo và bay bổng cả về nội dung và hình thức mới. Danh sách kể trên chủ yếu xoay quanh những câu chuyện dân gian hoặc có yếu tố truyền thống; bối cảnh đời thường gần gũi hoặc thời chiến. Thị trường hiện nay thiếu vắng các thể loại như viễn tưởng, kỳ ảo, trinh thám hay kinh dị; cũng rất ít tác phẩm dành cho độ tuổi từ 0 đến tiền tiểu học. Về hình thức thể hiện, đa số là truyện chữ, có thể kèm tranh minh họa, được viết bằng một thứ tiếng Việt trong trẻo, điêu luyện hoặc đậm hơi thở đời sống. Chúng ta ít thấy những định dạng, hình thức khác như sách tranh, sách tương tác hoặc trò chơi.

Năm 2011, Nhã Nam phát hành cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ, tập hợp những câu tiếng lóng hay “thành ngữ dân gian đương đại” (theo lời giới thiệu của sách), với tranh minh họa của họa sĩ Thành Phong. Tác phẩm này là một ghi chép về ngôn ngữ, mang tính hóm hỉnh bình dân. Giáo sư ngôn ngữ học Trần Trí Dõi nhận định về cuốn sách này rằng “nó thể hiện thói quen ăn nói, sử dụng ngôn từ của người Việt từ xưa đến nay như nói vần dựa vào đồng âm hay gần âm, đối âm hay/và đối nghĩa… vốn thông dụng trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao tiếng Việt”. Những “thành ngữ dân gian đương đại” này cũng thường xuyên được sử dụng trong chương trình hài Gặp nhau cuối năm. Thế nhưng, diễn hài trên sóng truyền hình quốc gia thì được, làm thành sách thì lại “mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”. Sát thủ đầu mưng mủ lúc ấy đã gây ra nhiều tranh cãi dữ dội.

Có lẽ do một bộ phận không nhỏ độc giả Việt cho rằng sách là tri thức, là thứ cao quý, nghiêm túc, ngôn từ phải chuẩn chỉnh, đẹp đẽ. Quan điểm này không sai, nhưng sách ngoài vị thế thiêng liêng ra cũng là một hình thức giải trí, học tập bình thường như phim ảnh hay nghệ thuật nói chung. Sách ghi chép và phản ánh các hiện tượng đời sống, bất kể sang trọng hay dân dã, lý tưởng hay phũ phàng thực tế. Chất Việt chẳng phải sản sinh từ chính cuộc sống ở Việt Nam, lời ăn tiếng nói, tâm tư tình cảm người Việt Nam hay sao? Tất cả những thứ ấy đều là chất liệu. Liệu có nên chỉ lựa nói về cây lúa chứ không nói về cây ATM, lựa vẽ trẻ con chơi rồng rắn lên mây chứ không vẽ trẻ con ngồi học qua Zoom? Phá vỡ những giới hạn này không chỉ phụ thuộc vào các tác giả, các đơn vị xuất bản mà còn là quyền lực nằm trong tay độc giả.

Các tác giả trẻ Việt đang làm gì?

Một số đơn vị xuất bản trong nước cho biết sách thiếu nhi nội địa hiện còn gặp nhiều khó khăn, chưa mở rộng khai thác được những đề tài thời sự như bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cũng như còn thiếu vắng nhiều thể loại văn học trinh thám, phiêu lưu, giả tưởng. Có không ít tác phẩm nội địa vấp phải những đánh giá như Tây quá, không phù hợp độc giả Việt, hay nặng nề hơn là đạo nhái phong cách nước ngoài.

Tuy vậy, nghịch lý là sách thiếu nhi nước ngoài chiếm đa số ở thị trường nước ta và bán cũng rất tốt, cứ nhìn các bảng xếp hạng bán chạy thì rõ. Vậy có phải độc giả Việt không thích các sáng tác mang phong cách phương Tây nói riêng và nước ngoài nói chung? Hay đơn giản là những tác phẩm đó chưa đủ tốt, chưa đủ hấp dẫn với độc giả Việt? Liệu độc giả Việt có tiêu chí khác để đánh giá các tác phẩm của tác giả trong nước? Về vấn đề này, tác giả trẻ Lê Phan (tên thật là Lê Trung Tiến), cha đẻ của nhiều cuốn truyện tranh thú vị như Câu lạc bộ nghiên cứu bí ẩn, Xứ mèo, Thị trấn Hoa mười giờ…, chia sẻ mình may mắn chưa từng bị độc giả nào than phiền hay thắc mắc về việc các tác phẩm của anh có đủ thuần Việt hay không, cho dù có nhiều tác phẩm của Phan không đặt bối cảnh ở Việt Nam hoặc nhân vật cũng chẳng phải người Việt. Thật vậy, ngoài tác phẩm “Thị trấn Hoa mười giờ” kể về đời sống thường nhật của trẻ con thế hệ 8x thì Xứ mèo là một bối cảnh hoàn toàn tưởng tượng về một hành tinh chỉ toàn mèo là mèo hay Câu lạc bộ nghiên cứu bí ẩn thậm chí còn dựa trên những câu chuyện của nước ngoài, từ tác phẩm Shelock Holmes đến các câu chuyện của nữ hoàng trinh thám Agatha Christines hay chi tiết từ Doraemon. Phan cho biết, tác phẩm cứ hay là độc giả sẽ đón nhận. Khi sáng tác, anh không chủ động nghĩ về chất Việt hay làm sao để tạo ra cái chất ấy, mà tự nhiên đã có sẵn rồi, bởi tác giả là người Việt, sinh sống tại Việt Nam, có kể chuyện vũ trụ thì vẫn là tác phẩm của Việt Nam.

Bộ truyện tranh Mùa hè bất tận của tác giả Lâm Hoàng Trúc. Bộ truyện đã gây sốt thời gian vừa qua. Nếu là một độc giả trung thành của manga, bạn có thể thấy thấp thoáng trong nét vẽ của Lâm Hoàng Trúc bóng dáng phong cách của họa sĩ manga “huyền thoại” người Nhật được yêu thích ở Việt Nam – Adachi Mitsuru. Tuy thế, câu chuyện với bối cảnh học đường Việt Nam vô cùng thân thuộc, những nhân vật gần gũi đã chinh phục được nhiều độc giả trẻ. Tương tự, một số bộ truyện tranh hài hước được yêu thích gần đây như Bad Luck – tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu hay Chuyện tào lao của Vàng Vàng – tác giả Phan Kim Thanh đều có cách thể hiện mang hơi hướng manga, thấy rõ nhất ở cách chia khung tạo mạch truyện. Các tác giả, họa sĩ chịu ảnh hưởng về phong cách vẽ, viết và cách kể chuyện từ nước ngoài là một thực tế phổ biến. Nhóm họa sĩ Vườn Illustration khi minh họa cho cuốn sách Sự tích Hồ Gươm (2021) của NXB Kim Đồng đã lấy cảm hứng từ tranh khắc gỗ Ukiyo-e truyền thống Nhật Bản. Lựa chọn này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, tại sao lại chọn phong cách vẽ nước ngoài cho một câu chuyện có yếu tố lịch sử thuần Việt. Giải đáp thắc mắc này, nhóm minh họa Vườn chia sẻ quan điểm rằng học hỏi, giao lưu với các nền văn hóa khác mang lại nhiều giá trị tích cực. Còn về nội dung tranh, những chi tiết cụ thể như trang phục, tạo hình nhân vật, tạo hình thuyền, rồng… đều được nhóm nghiên cứu từ các tài liệu lịch sử. Thử nghiệm này, bất kể thành công hay thất bại, là một nỗ lực nhằm mạnh dạn mang lại sự mới mẻ cho một câu chuyện quen.

Để nhận định một tác phẩm thuần Việt tới đâu, không thể chỉ dựa vào vài chi tiết hay một khía cạnh. Một tác phẩm hay cũng cần nhiều hơn chỉ chất Việt. Nhìn rộng hơn, thị trường sách thiếu nhi – thanh thiếu niên của Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai. Bước đầu việc học hỏi, thậm chí là mô phỏng nước ngoài là chuyện dễ hiểu. Ngay cả những nền xuất bản lớn trên thế giới như Nhật cũng đều phải trải qua những giai đoạn như vậy. Cần thêm thời gian, rất rất nhiều thử nghiệm cùng số lượng sản phẩm gấp trăm nghìn lần hiện giờ nữa mới có cơ may tìm kiếm, hình thành được nhận diện đặc trưng, như cái cách Nhật đã làm được với manga/ anime của họ. Ở giai đoạn này của các sáng tác trong nước, việc chỉ tập trung lo nghĩ về khái niệm “thuần Việt” vừa mơ hồ vừa còn nhiều giới hạn có thể gây tác dụng ngược. Những thành công kinh điển như Dế mèn phiêu lưu ký hay Góc sân và khoảng trời chỉ là một lựa chọn, cũng tương tự như ăn đồ Việt Nam không chỉ chọn mỗi phở. Về cơ bản, các tác giả không nên cần tự chứng minh, tự cố miêu tả chất Việt Nam. Ngay cả khi, một tác phẩm y hệt manga với nội dung không chút yếu tố Việt, nếu tác phẩm đó có chất lượng tốt thì nó vẫn là sản phẩm tốt.□

Tác giả