Dịch giả Cao Việt Dũng “cảm ơn và xin lỗi”

Trong entry mới nhất trên blog cá nhân của mình, dịch giả Cao Việt Dũng chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp “tập trung vào cách hiểu, ngữ nghĩa, hành văn và mọi khía cạnh khác của ngôn ngữ” đối với bản dịch Bản đồ và vùng đất* gây tranh luận thời gian gần đây; đồng thời gửi lời xin lỗi độc giả “vì còn để những sai sót, khiến cho sự tiếp nhận, cảm nhận một tác phẩm văn học bị khuyết thiếu, làm giảm đi hứng thú của việc đọc”.

Dịch giả Cao Việt Dũng viết:

Tôi cảm ơn bất kỳ ý kiến nào của bất kỳ ai chỉ ra những chỗ sai, nhầm lẫn, cẩu thả của tôi, không chỉ là trong các bản dịch mà ở bất kỳ công việc nào khác. Với người chữ nghĩa, không gì quý bằng điều đó. Mỗi sai lầm đều phải trả giá, mỗi vấp váp là một bước tiến của nhận thức.

Thời gian vừa qua, tôi đã chăm chú xem lại Bản đồ và vùng đất, tôi công nhận là có những sai lầm, có cả những chỗ thực sự tôi cũng không hiểu tại sao lại có thể nhầm lẫn vô cớ và ngớ ngẩn như vậy.

Xem xét kỹ, tôi thấy rằng có chừng bốn, năm chỗ do quá ỷ vào trí nhớ mà tôi đã không tra cứu thêm, dẫn đến hiểu sai, cùng một số chỗ nhìn nhầm các từ có tự dạng tương đối giống nhau và vài chỗ nhìn sót mất chữ. Ngoài ra, nhiều chỗ khác nên sửa để tốt hơn.

Tôi không nói đến từng chi tiết nữa, mặc dù có những chỗ người chỉ trích tôi chưa hẳn là hoàn toàn chuẩn xác, mà tôi coi đây là một cơ hội, một dịp để xem lại, điều chỉnh toàn diện hơn cho công việc cá nhân. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện hóa bản dịch Bản đồ và vùng đất.

Một lần nữa, tôi cảm ơn những người đã chỉ trích tôi, và xin hiểu là tôi thực sự cầu thị trước mọi ý kiến tập trung vào cách hiểu, ngữ nghĩa, hành văn và mọi khía cạnh khác của ngôn ngữ.

Tôi xin lỗi độc giả vì còn để những sai sót, khiến cho sự tiếp nhận, cảm nhận một tác phẩm văn học bị khuyết thiếu, làm giảm đi hứng thú của việc đọc.

Tôi chỉ xin nói thêm vài điều: tôi đã không hề cẩu thả trong quá trình dịch Bản đồ và vùng đất, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần (theo tôi nhớ lại là bốn lần) sau khi đã hoàn thành bản dịch cũng như sửa chữa lại xong xuôi. Sai lầm lớn nhất của tôi là không chú trọng được đúng vào những chỗ có khả năng sai sót, và những lần đọc lại sau này không đối chiếu đầy đủ với bản gốc.

Một nhà văn có ý thức mỗi khi viết một tác phẩm đều nghĩ mình nỗ lực viết ra một cái mà Roberto Bolaño gọi là “tác phẩm lỗi lạc”. Một người dịch nhiều ý thức mỗi lần dịch một tác phẩm cũng đều làm hết sức để cho bản dịch của mình thực sự hoàn hảo, không thể chê trách. Kết quả rất thường xuyên không được như mong muốn, vì chữ nghĩa có yếu tố chủ quan rất lớn, nhưng nếu không luôn luôn sẵn sàng để nỗ lực thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì.

Xem xét lại bản dịch của tôi, một điều tôi thấy ấm lòng là không một lúc nào vì vấp phải một đoạn văn quá khó mà tôi tìm cách vòng tránh, “ăn bớt”, làm méo mó nội dung một cách chủ ý để công việc được dễ dàng hơn; tôi cũng nhìn lại được nhiều đoạn, nhiều chi tiết tôi đã tìm hết cách để tra cứu, suy nghĩ, vật lộn mà hiểu và tìm ra cách diễn đạt tương đối thích hợp.

Nói rộng hơn, tôi tham gia xuất bản và dịch thuật ở Việt Nam vào cuối một giai đoạn và ở đoạn mở đầu một thời kỳ khác. Chính vì biết được những giai đoạn khác từng như thế nào mà tôi, cùng nhiều người nữa, đang nỗ lực rất lớn, để thay đổi, mặc dù biết rằng công việc ấy không hề dễ dàng.

(Được đăng với sự đồng ý của dịch giả Cao Việt Dũng)

* Tác giả: Michel Houellebecq; Dịch giả: Cao Việt Dũng; Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành tháng 1/2012

Đọc thêm:
Tạm ngừng phát hành “Bản đồ và vùng đất” để xem lại chất lượng dịch thuật
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=5000

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)