Điều cốt yếu là cung cách thực hiện

Ngày 27/3 phiên họp bất thường của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã nhất trí với đề xuất của UBNDTP về việc mở rộng ranh giới Hà Nội theo phương án sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, cùng bốn xã thuộc huyện Lương Sơn của Tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia xung quanh đề xuất trên.

Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với KTS. Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam về đề án trên của Bộ Xây dựng.
Thưa ông, ông có thể vui lòng cho biết quan điểm về việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội.
Có nhiều ý kiến phân vân về chuyện này, riêng tôi, tôi thấy việc phải mở rộng thủ đô Hà Nội là việc không thể khác được vì thành phố của chúng ta hiện nay quá chật chội. Thành phố đang bị các tỉnh xung quanh áp sát, bao vây bằng các khu công nghiệp và gần như không còn quỹ đất để thỏa mãn nhu cầu phát triển. Chính vì vậy nên trong một cái nhìn rộng, nhìn lâu dài thì Hà Nội phải mở rộng. Vấn đề mở rộng Hà Nội đặt ra là rất đúng. Thậm chí đến bây giờ là chậm. Đáng lẽ nó phải được đặt ra ngay từ khi mới bắt đầu công cuộc Đổi mới. Thứ hai, mở rộng Hà Nội có liên quan đến việc phát triển đô thị như thế nào. Nếu cứ phát triển như hiện nay nghĩa là cứ lan dần ra theo trục quốc lộ thì thành phố không thể hoàn chỉnh được. Nếu cứ điều chỉnh một cách “tình thế” 5km, 10km hoặc chần chừ thì sẽ không bao giờ có được một Thủ đô phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh. Thế nên tạo một bước phát triển có tính đột biến trong việc mở rộng Hà Nội là điều mà tôi thấy tâm đắc. Vấn đề tiếp theo là tôi thấy Hà Nội phải mở ra hướng Tây, về phía Sơn Tây, Hòa Bình. Đã nhiều lần tôi nói đến điều này. Về phía này có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển đô thị về địa chất, thuỷ văn, cảnh quan, môi trường, lịch sử… Hà Nội phát triển theo hướng Tây là hướng rất thuận lợi. Nếu chúng ta phát triển theo hướng Đông hay hướng Bắc thì chúng ta sẽ gặp phải vật cản rất lớn là sông Hồng. Chúng ta chưa đủ sức để biến sông Hồng thành con sông trong đô thị. Thế nên dự kiến mở rộng Hà Nội theo hướng Tây tôi thấy là đúng.

Như vậy là ông hoàn toàn đồng tình với chủ trương mở rộng thành phố Hà Nội?
Đúng vậy. Nhưng vấn đề là mở rộng đến đâu, cụ thể như thế nào thì quả thật tôi chưa thể nói được vì không đủ những thông tin được tổng hợp từ nhiều ngành. Hơn thế nữa, có một vấn đề mà tôi thấy hết sức lo lắng là năng lực quản lí của bộ máy chính quyền. Trong quá khứ, chúng ta đã từng có những đợt mở rộng Hà Nội gần như Đề án hiện nay. Tôi nhớ cả Xuân Mai, Trung Hà cũng đã từng nằm trong Hà Nội. Hồi ấy, có lần đi công tác lên Trung Hà, tôi đã từng thấy yết trên bảng là các em học sinh có thắc mắc gì thì liên hệ Sở giáo dục Hà Nội ở phố Hai Bà Trưng. Thực tế là ta đã từng mở rộng như thế rồi. Rồi chúng ta lại không kham nổi và cuối cùng thì chúng ta rất mừng là Hà Nội lại thu nhỏ lại. Thất bại lớn nhất của mở rộng Hà Nội trong quá khứ là vấn đề quản lí. Bây giờ, khi không thể không mở rộng Thủ đô thì theo tôi, việc số một đầu tiên phải giải quyết là nâng cao năng lực quản lí. Nếu với một cái “vốn” như hiện nay là quản lí nội và ngoại thành rất bê bối, lúng túng thì sức đâu mà chúng ta có thể vươn ra được đến một vùng diện tích rộng đến thế. Tôi cứ nhớ những năm khi thành phố cố mở rộng mà khả năng thì có hạn nên nguồn lực đáng để đầu tư cho đô thị thì phải dành cho nông thôn và cuối cùng thì không “anh” nào được ra hoàn chỉnh cả. Đấy mới chỉ là nói về mặt điều kiện kinh tế. Tôi không biết là hiện nay chúng ta đã có mô hình gì để quản lí. Tôi chỉ suy ra từ kinh nghiệm quá khứ để mà lo ngại.

Vậy theo ông, vấn đề cốt lõi của việc nâng cao năng lực quản lí đô thị là gì?

Phải phân biệt rõ tính chất của chính quyền đô thị và chính quyền vùng ngoại vi đồng thời xác lập được mối quan hệ của hai thực thể này trong một thể thống nhất chung. Nếu chỉ có một cơ chế chính quyền mà bao cả nội đô cũ và vùng không gian rộng mới sáp nhập kia thì hoàn toàn không ổn. Với bản Đề án này tôi chưa được nghe giới thiệu về mô hình quản lí. Vậy mà đó lại là vấn đề quyết định tất cả từ việc đầu tư cho đến tổ chức cuộc sống. Đã từng  sống nhiều ở Nga, tôi thấy trước đây Xô viết Mạc tư khoa và Xô viết ở các vùng ngoại vi là những cơ cấu độc lập. Đó là những chính quyền khác nhau nhưng nó có một sự nhất trí nhất quán. Có sự chỉ đạo chung nhưng chính quyền là hai chính quyền khác nhau. Mỗi một vùng có những yêu cầu phát triển khác nhau nên không thể lấy “anh” nào áp đặt cho “anh” kia được. Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều về việc thực hiện chính quyền đô thị. Rõ ràng mô hình chính quyền đang được áp dụng ở Hà Nội và nhiều đô thị khác vẫn là mô hình chính quyền nông thôn áp đặt vào thành phố và sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề. Điển hình là vấn đề phân cấp quản lí và sự thống nhất thông suốt giữa các cấp quản lí. Chính quyền đô thị rõ ràng không thể như chính quyền nông thôn. Nếu chúng ta mở rộng đô thị thì phải xác định phạm vi của chính quyền đô thị đến đâu, còn bên ngoài là chính quyền gì. Tôi nghĩ đọng lại vấn đề là mối tương quan về mô hình chính quyền giữa đô thị hạt nhân và vùng xung quanh. Cho đến giờ, về vấn đề này vẫn chưa hề có một mô hình nào mà chúng ta được nghe cho rõ.

Thưa ông, ông có thể nói rõ thêm về sự khác biệt giữa chính quyền quản lí đô thị và chính quyền quản lí nông thôn.

Chính quyền đô thị phải là một thể thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới, trực tiếp còn chính quyền nông thôn vì bị rải trên một vùng không gian rộng lớn nên tính độc lập hay là sự phân nhánh phải cao hơn để gần với những thực tế, những điều kiện của từng vùng nông thôn cụ thể. Chính quyền đô thị tập trung trong một vùng không gian hẹp, các chức năng phải phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn nên cách tổ chức của nó phải rất chặt.

Vậy theo ông, hiện này, mô hình chính quyền ở Hà Nội vẫn là mô hình chính quyền nông thôn?
Đúng vậy và hậu quả của nó là sự phát triển không được tập trung theo nhu cầu cần có và quyền hành bị phân tán. Quyền hành là của thành phố nhưng lại bị phân cấp và vì thế nên bị làm yếu đi và thiếu thông suốt. Trong quản lí đô thị hiện nay có nhiều việc cần phải “xiết” chặt nhưng vì bị phân cấp nên khó có thể “xiết” được. Dân chủ quá thì cũng có mặt trái.

Quay lại vấn đề mà chúng ta đã đặt ra từ đầu, theo ông, Hà Nội mở rộng cần phải đi theo mô hình nào và đáp ứng được những yêu cầu gì?
Theo tôi,  Hà Nội sẽ phải phát triển theo hướng nhiều nước đã làm là cái đô thị đã có phải đi vào chiều sâu, hoàn chỉnh, thế rồi xung quanh đô thị phải có vùng đệm và những khu vực phát triển  mới phải là ở những thành phố bao quanh xung quanh, nó chuyển bớt chức năng của đô thị ra những thành phố vệ tinh. Một phương án mở rộng Hà Nội tốt phải đảm bảo Hà Nội vẫn là Hà Nội, đảm bảo một sự phát triển bền vững, tầm nhìn phải rộng, phải giải được những bài toán về đảm bảo đời sống kinh tế và tổ chức giao thông để khắc phục khoảng cách về không gian.

Ông có nhận xét gì về cách thức tiến hành Đề án mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội mà các cơ quan chức năng đang tiến hành?
Việc như thế này, theo tôi, cần tiến hành một cách lớp lang, có trình tự. Phải có một sự trao đổi rộng rãi đặc biệt là có tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Đằng này, chúng ta chỉ biết là có cái dự án ấy thôi mà chưa được biết nó là như thế nào cả. Thông tin đóng kín trong các cơ quan của Bộ xây dựng. Vấn đề mở rộng Hà Nội đến đâu, quản lí thế nào phải được đưa ra bàn. Phải có một trưng cầu dân ý, thực hiện một cách khách quan, khoa học. Một xã hội dân chủ, văn minh như ta vẫn nói là phải như thế. Tình trạng này đã từng xảy ra rất nhiều lần từ đề án sông Hồng đến nhiều việc hết sức to lớn khác. Không hề có một diễn đàn để bàn bạc. Chỉ có các cơ quan chuyên trách tính toán rồi trình lên lãnh đạo. Lãnh đạo chỉ tin vào cơ quan chuyên trách và quyết. Quyết xong rồi thì nói rằng đã quyết rồi thì cứ thế mà làm. Đến khi đi vào thực tế, nảy sinh vấn đề thì quay lại tham khảo ý kiến giới chuyên môn thì không thể bàn được nữa vì thực ra phải cân nhắc từ chính cái quyết định ban đầu. Vậy nên vấn đề cuối cùng lại là cung cách làm việc. Ngay đến một chuyện rất rõ ràng là phải bàn lại. Bây giờ mình cứ nói Hà Nội là trung tâm chính trị đầu não thì đúng rồi. Nhưng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục trình độ cao, giao lưu văn hóa… thì liệu Hà Nội có đảm đương được không, mà trên thế giới cũng có phải mấy thủ đô đảm nhận được tất cả những chức năng đó đâu. Dồn tất cả nghe rất “kêu” nhưng thực ra khó hiện thực hóa. Tại sao không bỏ bớt đi một số chức năng để làm tốt cho chức năng còn lại? Muốn mở rộng Thủ đô, trước hết là phải xác định tính chất của trung tâm Hà Nội. Vậy là, vấn đề cốt lõi để làm tốt mọi việc lại là quay lại điều mà Bác Hồ đã từng nói : “Sửa đổi lề lối làm việc”.
Xin cảm ơn ông đã dành cho Tia sáng buổi trò chuyện này.

Lương Xuân Hà thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)