Đinh Nhung trong Một Bảo tàng Queer

Một Bảo tàng Queer trưng bày những tương tác, sáng tạo và thử nghiệm đang tiếp diễn của cộng đồng, thay vì chỉ trưng bày những hiện vật và tri thức mà quá khứ đã áp đặt, đúc khuôn.

Đinh Nhung (bên trái), phản chiếu qua một tấm gương treo cùng hiện vật trong bảo tàng. Nguồn: Nguyễn Vũ Hiệp.

Bảo tàng không tủ kính

Tôi lần đầu đến Một Bảo tàng Queer do Đinh Nhung, một nhà hoạt động – người không ngừng theo đuổi các thực hành nghệ thuật và lưu trữ “lệch chuẩn” vào một buổi chiều tháng 6/2024, chừng ba tháng sau khi địa điểm hiện tại của bảo tàng chính thức mở cửa. Bước qua con ngõ nhỏ để vào khoảng sân nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, tôi chạm đến bảo tàng – một ngôi nhà cũ xây từ năm 1993 có tường quét vôi màu ngọc. Sau cánh cửa gỗ cũ và những hoa sắt gỉ, tầng trệt hiện ra như một góc rừng đầy ắp những sinh thể còn sống hoặc được mô phỏng: những cây leo được trồng trong các chai nhựa được tái sử dụng, một vỏ hàu lấp lánh lốm đốm mực đỏ để mô phỏng âm hộ khi có kinh, một ảnh khỏa thân tự chụp che khuất các chi tiết để phân biệt nữ-nam, và những mặt nạ giấy bồi dán đầy những nét mặt cắt ra từ sách báo. Bước qua tủ trưng bày các đồ chơi tình dục nằm ngay sát bếp và tủ lạnh, tôi bước lên lầu, nơi hàng chục con búp bê may bằng vải thừa có hình dáng kỳ lạ – một âm hộ hoa hồng, một chú lùn có mắt và miệng trong suốt, một con thỏ mặc bikini hai mảnh – được treo rủ xuống từ trần nhà và phủ bóng lên những chồng sách văn học ngoại biên. Trong số vài sticker ngộ nghĩnh được dán lên cửa kính của tầng lầu, tôi tìm thấy số điện thoại của một đường dây nóng hỗ trợ trầm cảm. 

Miếng dán ấy là một hiện vật được trưng bày, hay là một biển chỉ dẫn dành cho những vị khách đang trầm cảm? Nếu cây leo sẽ héo nếu không được tưới, và đồ chơi tình dục có thể mua về để sử dụng, thì chúng có nằm trong bảo tàng dưới tư cách một hiện vật không? Nếu khách đến thăm gọi vào đường dây nóng, cầm sách lên đọc, hoặc ướm mặt nạ giấy bồi lên mặt, thì họ, và khoảnh khắc tương tác đó, có biến thành một hiện vật tạm thời và một ký ức đáng được lưu trữ trong bảo tàng? Vượt qua những quan niệm truyền thống về không gian sinh hoạt và không gian trưng bày, Một Bảo tàng Queer đã trộn lẫn cả hai, để tạo thành một bảo tàng không có vách kính ngăn giữa con người với hiện vật, nơi những người ghé thăm không ngừng đem gửi hoặc sáng tạo ra các hiện vật mới, đồng thời tham gia quá trình tương tác và diễn giải giúp tạo nghĩa cho chúng. 

Sự đa nguyên ấy của bảo tàng đặt tiền đề cho tính chất queer mà nó theo đuổi. Cuối thế kỷ 19, từ “queer” (kỳ dị, bất bình thường) đã được sử dụng để miệt thị những người đồng tính, song tính và chuyển giới trong các xã hội nói tiếng Anh. Sang thập niên 1980, cộng đồng bị kì thị ấy bắt đầu tự nhận mình là queer để phản đối cái nhìn thù địch của xã hội, đồng thời xác nhận và xây dựng căn tính của riêng mình. Hiện nay, “queer” trở thành danh xưng chung cho nhiều căn tính “kháng chuẩn” trong lĩnh vực văn hóa, chính trị và nghệ thuật, thay vì chỉ bó hẹp trong câu chuyện giới như trước. Từ queer đã gắn liền với cuộc thảo luận về một xã hội chung sống trong đa dạng, nơi mọi người tôn trọng sự khác biệt của nhau thay vì áp đặt lên thiểu số những tiêu chuẩn của số đông. Một Bảo tàng Queer, như vậy, là một bảo tàng phi tập trung – nơi có nhiều quá khứ được kể, nhiều căn tính được trình bày, nhiều lăng kính diễn giải được thử nghiệm, và nhiều bảo tàng tại gia được hiện diện song song, thay vì phải triệt tiêu nhau để giành quyền kiểm soát một đại tự sự chi phối tất cả. Dưới tư cách một tác phẩm nghệ thuật, tổ hợp không gian này giống như một thứ Nghệ thuật Tổng thể (Gesamtkunstwerk) lộn ngược, nơi hiệu ứng thẩm mỹ tổng thể không phải là xuất phát điểm để lựa chọn mảnh ghép này và loại trừ mảnh ghép kia, mà phát sinh từ, và không ngừng thay đổi trong, quá trình đối thoại liên tục để tìm cách chung sống hài hòa giữa các mảnh ghép.

Một Bảo tàng Queer đã trộn lẫn cả hai, để tạo thành một bảo tàng không có vách kính ngăn giữa con người với hiện vật, nơi những người ghé thăm không ngừng đem gửi hoặc sáng tạo ra các hiện vật mới, đồng thời tham gia quá trình tương tác và diễn giải giúp tạo nghĩa cho chúng. 

Những gì đáng lưu giữ?

Một Bảo tàng Queer đã đạt đến quy mô hiện tại nhờ một nỗ lực tìm kiếm và lưu trữ ký ức không ngơi nghỉ suốt 15 năm, mà chị Đinh Nhung, người sáng lập bảo tàng, tự hào gọi là nghề “đồng nát ký ức”. Nỗ lực đó đã được chị kể lại một phần trong buổi tọa đàm “Xung quanh lưu trữ Queer và Nữ quyền”, do Viện Goethe Hà Nội, Một Bảo tàng Queer, Hà Nội Pride và Ba-Bau AIR đồng tổ chức sáng 1/9/2024.

Hành trình lưu trữ của chị Nhung đã bắt đầu từ năm 2009, khi chị thu thập và nghiên cứu những câu chuyện về người queer ở Việt Nam, và cách các xã hội Việt Nam ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử nhìn nhận về queer và đồng tính luyến ái. Nhận thấy bộ từ khóa phục vụ việc phân loại, lưu trữ và tìm kiếm ở các thư viện Việt Nam dường như đang loại trừ vốn từ vựng liên quan đến queer, vì thế gây trở ngại đáng kể cho công việc nghiên cứu của mình, chị bắt đầu tự xây dựng một kho lưu trữ thông tin và hiện vật cho mình và những người queer khác. Kho chứa này sớm đón nhận nhiều câu chuyện, bức tranh và dòng viết mà người gay và chuyển giới ở Việt Nam sử dụng để mô tả bạo lực mà họ từng phải gánh chịu trong đời. Những tương tác trong công việc nghiên cứu và hoạt động xã hội của chị Nhung nhanh chóng làm kho chứa đầy lên, tới khi cho phép chị và bạn bè tổ chức triển lãm “Những ngăn tủ” (03/2015), trong đó tác phẩm nghệ thuật hoặc kỷ vật của những người queer được trưng bày chung với câu chuyện về cuộc đời họ. Tháng chín cùng năm, lấy cảm hứng từ vở kịch “Những độc thoại về âm đạo” (Vagina Monologues, 1996), chị khởi động chuỗi dự án “Bàn Lộn – Vagina Talks”, mang đến cho kho lưu trữ thêm nhiều câu chuyện về ham muốn, căn tính và nỗi đau gắn với âm hộ của người nữ – điều mà xã hội phụ quyền tránh nhắc đến.

Cũng trong năm 2015, khi hướng dẫn cách sưu tầm hiện vật cho các nhà hoạt động ở Campuchia, chị Nhung đã được chứng kiến một thất bại trong thực hành lưu trữ. Sau khi trở về từ workshop của chị, các nhà hoạt động đã không biết nên thu thập và lưu trữ gì ngoài chồng báo cáo in bằng tiếng Khmer hoặc tiếng Anh của các tổ chức phi chính phủ. Rút kinh nghiệm, khi tổ chức một workshop tương tự ở Myanmar, chị Nhung đã ở lại, sống và làm việc cùng các học viên trong sáu tháng để có thể hướng dẫn họ thực hành, thay vì chỉ thuyết trình rồi ra về. Tình huống ở Campuchia đặt ra một câu hỏi trung tâm: trong một thế giới tràn ngập các câu chuyện và hiện vật, đâu là những điều đáng thu thập và lưu trữ?

Một số hiện vật trong Một Bảo tàng Queer. Nguồn: Nguyễn Vũ Hiệp.

Phương pháp của chị Nhung là “đi theo giác quan của mình, theo mối quan tâm của mình”, để không ngừng “hỏi và xin xỏ, tiếp tục xin xỏ, tiếp tục hỏi”. Hãy “nhặt, chụp, chép, ghi lại, giữ lại, xin, thậm chí mua những gì thu hút bạn, những gì mà nhìn chúng, bạn muốn kể những câu chuyện” – chị gợi ý. Bằng cách đó, mỗi người sưu tầm sẽ tự trở thành một bảo tàng di động; và những người bạn có chung mối quan tâm sẽ tạo thành một hệ sinh thái tương trợ, một mạng lưới các bảo tàng nhỏ chia sẻ thông tin và hiện vật với nhau. “Cứ bắt đầu với căn bếp của mình”, sao cho “mình ngồi đâu thì chỗ đó trở thành bảo tàng queer” – chị Nhung nói, và chia sẻ những bức hình ghi lại bảo tàng lưu động mà chị từng mang đến nhiều không gian trước đây, từ Sàn Art ở TP.HCM cho đến Babau-AIR ở Hà Nội.

Trên tinh thần đó, Một Bảo tàng Queer đã quy tụ một lượng hiện vật khổng lồ và đa thể loại, một phần đến từ kho lưu trữ cá nhân của chị Nhung, phần khác do bạn bè ghé thăm đóng góp. Đơn cử, trong tủ sách của bảo tàng, người ta có thể tìm thấy những nghiên cứu mới nhất về queer, giới và tình dục bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, một bộ từ điển liệt kê và giải nghĩa những từ lóng trong đời sống queer ở Việt Nam, những tạp chí tự in của các cộng đồng queer nói tiếng Việt từng sinh hoạt trên Internet trong thập niên 2000, và một bộ sưu tập các ấn phẩm văn chương ngoại biên không dễ tìm ở các thư viện khác… Trong khi đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật ở bảo tàng thường gắn liền với một cuộc đối thoại. Số này bao gồm bộ tranh mà nhiều người khác nhau tự vẽ và chuyền tay để chia sẻ ấn tượng của mình về các va chạm tình dục, những ảnh chụp và dòng viết ghi lại cảm giác khi thử các trang phục khác nhau hoặc thoát y, những bức tranh hoặc tượng cắt dán lưu lại dư luận và tâm thế khi sống trong đại dịch, và cả video ghi lại đám cưới giữa chị Nhung với một hòn đảo. 

Lưu trữ là làm gì?

Nếu hạt nhân của một bảo tàng queer là những điều bình dị: những mối quan tâm, những người sưu tầm, và tình bạn giữa họ, thì thực tiễn của công việc lưu trữ đòi hỏi dành nhiều sự chú ý đến chi tiết hơn. Trong phần sau của bài thuyết trình, chị Nhung đã liệt kê những đối tượng mà một người thực hành lưu trữ phải thường xuyên chú tâm “nhặt nhạnh”.

Một Bảo tàng Queer, như vậy, là một bảo tàng phi tập trung – nơi có nhiều quá khứ được kể, nhiều căn tính được trình bày, nhiều lăng kính diễn giải được thử nghiệm, và nhiều bảo tàng tại gia được hiện diện song song, thay vì phải triệt tiêu nhau để giành quyền kiểm soát một đại tự sự chi phối tất cả.

Đối tượng đầu tiên mà một người sưu tầm nên tìm kiếm có lẽ là các cuộc trò chuyện. Trước khi làm lưu trữ, người sưu tầm phải đắm chìm trong chất liệu mà mình chọn, và trò chuyện là cách đơn giản nhất để làm điều đó. Hành trình sưu tầm của chị Nhung đã bắt đầu bằng một lượng lớn các cuộc phỏng vấn với những người queer từng chịu thương tổn, những nhà văn sớm viết về đời sống của người đồng tính ở Việt Nam, những người nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng queer… Những cuộc trò chuyện không chính thức ở “đầu đường xó chợ” cũng đáng thu thập, vì chúng là một mảnh ghép không thể thiếu để tái hiện bức tranh về đời sống queer trong thực tế.

Người sưu tầm cũng nên giữ lại mọi tư liệu và hiện vật liên quan đến queer mà mình bắt gặp – dù đó là tranh, ảnh, tài liệu ở workshop, một bài báo, một chương sách, hay một cuộc thảo luận trên mạng xã hội mà mình cảm thấy đáng quan tâm. Dù lối nhặt nhạnh tỉ mẩn này có thể làm kho chứa quá nhanh đầy, nhiều tài liệu bị bỏ qua hôm nay có thể trở thành một mảnh ghép quan trọng còn thiếu trong các nghiên cứu về lịch sử queer vào một ngày nào đó. Ngoài ra, việc tìm kiếm mọi tư liệu về queer đang có ở thư viện để sao chụp cũng là điều cần thiết để góp phần tái hiện một lịch sử queer ở Việt Nam. Khi bộ từ khoá của thư viện hầu như khước từ các chủ đề queer, chị đã phải tìm kiếm một cách sáng tạo hơn – chẳng hạn tìm từ khóa “Xuân Diệu” thay vì “đồng tính”.

Vì queer là một tập hợp các điểm dị biệt trong xã hội, hoạt động lưu trữ queer gắn liền với việc vẽ bản đồ của những “vùng câm lặng” và tìm lại tiếng nói cho chúng. Chẳng hạn, mỗi dự án lưu trữ quy mô nhỏ có thể tập trung vào một khía cạnh trong đời sống tình dục bị xã hội xem là cấm kị nhưng vẫn tồn tại, hoặc vào những từ vựng không được phép xuất hiện trên báo chí hoặc TV nhưng vẫn được dùng phổ biến trong đời sống. Thứ được lưu trữ cũng có thể là ngôn ngữ: sau nhiều năm thu nhặt, chị Nhung đã biên soạn và xuất bản một bộ Từ điển Queer và Tính dục mang tên Chỉ Bàn Lộn, hiện đã ra đến tập 2. 

Dù vậy, trên hành trình lưu trữ, sẽ vẫn có những điều quý giá mà người ta không giữ lại được – như những khoảnh khắc, những cuộc gặp gỡ, những cảm xúc… đã xảy ra sống động rồi phai nhạt đi. Chúng ta không có cách nào khác ngoài sống thành thật với những thứ sẽ trôi đi, và suy ngẫm về chúng để hiểu rõ hơn đâu là điều mình thật sự cần lưu trữ –  chị Nhung lưu ý.□

Tác giả

(Visited 157 times, 1 visits today)