Đọc “Mẹ con” – Gặp lại một thời

Khi hàng tấn bom Mỹ trút xuống mảnh đất này, nó không chỉ là diễn biến thảm khốc của một cuộc chiến tranh giữa kẻ xâm lược với những người giữ nước, nó không chỉ tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng. Mà tiếng vọng khắc nghiệt nằm lại trong mỗi phận người còn sống đánh thức các phẩm chất lành mạnh nhất trong mỗi con người để dành lại sự sống, dành lại nhân phẩm, cũng là để xé toạc, không khoan nhượng, với những kẻ giả dối đớn hèn. Chiến tranh là vậy, giữa cái sống và cái chết, chân dung con người ta dễ nhìn thấy hơn cả… Tôi cứ nghĩ thế khi đọc xong cuốn tiểu thuyết “Mẹ con” của Đỗ Phương Thảo. Một cuốn sách, giản dị thôi, viết về những nỗi đau, những mất mát của những người TỐT trong cuộc chiến tranh vừa qua.

Nhân vật trung tâm của câu chuyện là một nữ bác sĩ mới ra trường, bước thẳng vào cuộc chiến tranh với một bầu nhiệt huyết của cả một thế hệ trẻ, đối mặt với đạn bom, không đắn do, không sợ hãi. Hiền, tên người nữ bác sĩ, đó đã dắt người đọc đi dọc cuộc chiến tranh này, cuộc chiến tranh dành độc lập, dành sự sống rồi gặp gỡ với rất nhiều cảnh ngộ, nhiều cuộc đời, có người tốt kẻ xấu, những quan trọng và có ý nghĩa hơn cả là chúng ta đã gặp lại được một thời đáng trân trọng, vừa mới qua đây thôi, mà sao thấy xa xôi là vậy. Thời đó, những người tử tế làm những việc tử tế như một lẽ đương nhiên. Kể cả khi không còn tiếng bom nữa, họ vẫn mang hết cuộc đời mình đi tìm cho ra di hại và đường đi của tội ác, của cái xấu trong lòng người. Như công trình của bác sĩ Hiền lần tìm cho ra đường đi của những viên bi trong cơ thể đồng loại, vứt bỏ đi, dành lấy phần lành mạnh cho mỗi người. Cô bác sĩ trẻ gắng bước ra khỏi lòng mẹ, vào cuộc chiến tranh mang cái tình mẫu tử để trao lại cho bé Hà, một nạn nhân của bom bi như một cử chỉ thách thức với cái ác, mang mầm sống vun trồng trên mọi mất mát, khổ đau. Có lẽ thông điệp của tác giả muốn gửi đến cho chúng ta là vậy. 

Ký họa chân dung tác giả Đỗ Phương Thảo (Họa sĩ Lưu Công Nhân)

Tôi có cái may mắn được nghe chính tác giả, chị Đỗ Phương Thảo đọc lần đầu tiên bản thảo cuốn tiểu thuyết này tại căn phòng của nhà thơ Đặng Đình Hưng, một chiều mùa đông rất lạnh năm 1985. Buổi đó, trong số khách mời có hai khuôn mặt gây ấn tượng mạnh cho tôi, một cậu thanh niên non nớt, là hai nhà thơ Trần Dần và Lê Đạt. Chắc hẳn những dòng văn bình dị của chị Thảo đã lay động đến cái phần sâu kín của hai bậc trưởng lão chuyên “luyện chữ” đến mức cầu kỳ này, mà khi những dòng cuối đã qua đi, một chút yên lặng rồi cả hai cùng nói “sao lại trong sáng thế!”.

Hà Nội, đầu tháng 4/2010

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)