Đọc “Nghệ thuật và Tài năng” của Đào Mai Trang
Chúng tôi từng qua thời ăn tập thể, ngủ tập thể, làm tập thể và hát tập thể, nên rất dị ứng với tập thể. Nhất là những gì do hội đồng nghệ thuật lựa chọn – một thứ tập thể khác, bên cạnh đó là những cuốn sách do tập thể tác giả biên soạn, hoặc viết dưới góc độ tập thể. May mắn thay cuốn sách của Đào Mai Trang hoàn toàn là một công việc và cái nhìn cá nhân, nó hay hay dở cũng thuộc về cá nhân, vì thế rất đáng đọc.
Cho đến nay, tôi cũng không thực sự hiểu tại sao những cuốn sách biên soạn dưới góc độ và quan điểm cá nhân lại có giá trị, mặc dù như vậy luôn là phiến diện, theo một góc độ, một cá tính. Người ta ca ngợi cuốn Lịch sử Nghệ thuật thế giới của Alpatov hơn rất nhiều công trình cũng mang tên đó của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Liên Xô, do rất nhiều giáo sư, tiến sỹ biên soạn. Có lẽ, nhận thức cá nhân là nhận thức tự do, ít nhất là như vậy, không có bạn ngủ cùng giường để thỏa hiệp.
Khi cầm cuốn sách Nghệ thuật và Tài năng, người ta dễ lầm tưởng đó là công trình viết về Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, nhưng cũng không phải. Đào Mai Trang đã khéo léo phê bình cả cái cơ chế giáo dục, quản lý và hoạt động nghệ thuật hiện tại, những ví dụ dẫn ra được lấy từ các nghệ sỹ đương đại bởi vì họ va chạm rõ nhất với cơ chế nói trên, va chạm đến mức, cơ chế ấy rất lúng túng.
Đào Mai Trang hiện là biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Chị cũng viết nhiều bài về mỹ thuật và nghệ thuật đương đại cho nhiều tờ báo khác ở trong nước với bút danh của chị: Đào Mai Trang, Phong Vân, Chi Mai, Hoàng An Đông. |
Bốn bình diện xã hội của nghệ thuật mà Trang đề cập: giáo dục, quản lý, hội đoàn và thị trường cũng là vấn đề chung của mọi nền nghệ thuật, nhưng ở Việt Nam, người ta thấy cả bốn vấn đề này đều bất lợi cho nghệ thuật.
Về giáo dục, chương trình của các trường mỹ thuật rất cũ kỹ, không thay đổi được bao nhiêu so với năm 1925, khi người Pháp thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Về quản lý, mọi triển lãm và trưng bày đều phải xin phép, nhưng các cơ quan quản lý với thói quen các loại hình mỹ thuật cũ (điêu khắc, hội họa, đồ họa) hoàn toàn không biết xét duyệt sắp đặt, trình diễn, video art và hơn nữa là đa phương tiện như thế nào. Qua giai đoạn phủ nhận, thì người ta đưa Cục Nghệ thuật Biểu diễn vào duyệt performance, Cục Điện ảnh vào duyệt video art. Khi cuốn sách này được xuất bản, ngay lập tức trên website Soi.com.vn, đã có người thắc mắc tại sao Đào Mai Trang lại đề cập hành lang pháp lý cho hình thức nghệ thuật, một vấn đề vốn chỉ nên dành cho thị trường, bản quyền. Trên thực tế thì va chạm đầu tiên của Nghệ thuật Đương đại với quy chế là vấn đề các hình thức mới, như trên đã nói, làm cho nhà quản lý không biết xét duyệt như thế nào. Những bộ phim do họa sỹ quay bị đùn đẩy giữa điện ảnh và mỹ thuật, không ai muốn chịu trách nhiệm cả. Những nghệ sỹ làm trình diễn thì nói rằng việc đó chỉ biết và có hình thức khi thực hiện, chứ họ không thể múa may trước nhà kiểm duyệt được. Trình diễn của nghệ sỹ thị giác không phải là diễn viên đóng theo một kịch bản nào đó có trước.
Hội đoàn nghệ thuật là nơi các nghệ sỹ có thể nhờ cậy về việc xã hội hóa nghệ thuật, nhưng bấy lâu nay nó làm nhiệm vụ văn nghệ quần chúng, khiến những người thành danh đôi chút là muốn xa lánh. Số tiền Nhà nước đầu tư cho văn nghệ sỹ thông qua các hội nghệ thuật có xu hướng chia đều, xé nhỏ, kết quả Nhà nước chẳng được gì, mà sáng tác cũng vớ vẩn. Đã hình thành hai luồng chính thống và ngoài chính thống trong hoạt động nghệ thuật. Các địa chỉ nghệ thuật, các nhóm nghệ thuật, các gallery phi lợi nhuận… tuy không chính thống, nhưng có chiều hướng lấn át, và được bên ngoài quan tâm, đầu tư, mời mọc triển lãm, workshop. Một thứ Embassy art – nghệ thuật đại sứ quán – hình thành, ban đầu do các nghệ sỹ trẻ và đương đại thiếu nơi trưng bày và không được ủng hộ, tìm đến các nhà văn hóa nước ngoài và đại sứ quán. Khái niệm Embassy art được đăng trên nhiều báo tiếng Anh những năm 2010, hay người ta gọi cách khác những thứ nghệ thuật mới ở Việt Nam là Nghệ thuật phương Tây ngoại diên.
Về thị trường nghệ thuật, sau thời kỳ Đổi mới, với tình trạng tăng giá và vi phạm bản quyền thoải mái, nghệ thuật Việt Nam lâm vào cảnh đói kém như hiện nay, trong khi một thị trường chính thức vẫn chưa hình thành.
Tất cả những vấn đề trên đã được đặt ra trong hơn 20 năm qua, được công bố trên báo chí và hội thảo, nay Đào Mai Trang tóm lại trong ít trang sách ở các khía cạnh chính. Mọi nghệ sỹ Việt Nam đều từng va chạm với bốn bình diện đó theo cách khác nhau và họ tưởng là ở nước ngoài thì nghệ sỹ không có va chạm như vậy, có lẽ Đào Mai Trang cũng không ngoại lệ. Về giáo dục nghệ thuật, không riêng ở Việt Nam, ở nước ngoài không ít trường công cũng cũ kỹ với nghệ thuật, tuy nhiên bù lại họ có hệ thống trường tư mạnh hơn, bởi nếu những trường này không tự chủ động thay đổi thì sẽ không có người học. Ở nước ta, hệ thống trường công nếu muốn thay đổi chương trình thì mất rất nhiều thời gian trình tấu các bộ phê duyệt. Nhưng mặt khác, về bản chất, người nghệ sỹ không nên phụ thuộc vào nền giáo dục, bởi nền giáo dục nào cũng sinh ra và không sinh ra nghệ sỹ. Về bình diện quản lý, các nước ngoài XHCN hầu hết không có cơ chế xét duyệt văn nghệ, nhưng họ có cách quản lý riêng để giữ gìn đạo đức xã hội và có khu vực thử nghiệm cho những hình thức quá khích. Về bình diện hội đoàn thì họ hoàn toàn không được Nhà nước bao cấp, việc lập hội là tự do và không có nhiều ý nghĩa với hoạt động nghệ thuật. Về bình diện thị trường, các gallery chính là điểm tựa của thị trường nghệ thuật, gắn với sự gia nhập nghệ sỹ chuyên nghiệp chứng minh được thu nhập và đóng thuế, xếp hạng theo các thang bậc, v.v, là những điều nước ta sẽ phải mất từ hàng chục năm đến hàng trăm năm xây dựng. Các nghệ sỹ đương đại Việt Nam phải hiểu họ trở thành đương đại là vì hoàn cảnh Việt Nam như thế, chứ nếu có một hoàn cảnh nghệ thuật như phương Tây, chưa chắc họ đương đại ở chỗ nào. Điều đó có nghĩa nghệ thuật của họ là tiền phong trong một xã hội tụt hậu so với nhân loại.
Dù cuốn sách được coi là dày hay mỏng, cách viết của Trang vẫn là viết báo, không nhiều sự gia công nghiên cứu và thiếu hẳn cảm quan phân tích nghệ thuật. Cuối cùng, vượt lên trên các điều kiện xã hội, tác giả cũng nhận thấy vấn đề cốt lõi làm nên nghệ thuật là tài năng. Mà tài năng không chỉ là năng khiếu, kỹ năng thể hiện mà còn bao gồm cả học vấn, thái độ nhân văn và kỹ thuật thể hiện. Cũng giống như nhiều người, Đào Mai Trang bị mặc định Nghệ thuật Đương đại bao gồm các nghệ thuật mới: sắp đặt, trình diễn, video art và đa phương tiện nói chung. Đó chỉ là cách hiểu có tính hình thức nghệ thuật, điều này chẳng khác gì nghệ sỹ thì lựa chọn hội họa hay đồ họa, sơn dầu hay sơn mài. Thế nào là đương đại thì hiện có đến ba góc độ nhìn: Tất cả chúng ta đang sống và làm việc đều là đương đại; Chỉ những nghệ sỹ làm các nghệ thuật mới nói trên là đương đại; Ai phản ánh xã hội thực tại chân xác nhất người ấy là đương đại. Ở góc độ thứ ba, nhất là thực tại của một dân tộc, thì lại thường hay rơi vào mấy nghệ sỹ đầu râu tóc bạc – những người có thời gian và từng trải nghệ thuật để phản chiếu rõ nét cái xã hội mình.
Sau khi tập chân dung 12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam (Nxb Thế giới, 2010) được xuất bản1, tôi đã nghĩ đến việc sẽ viết riêng một cuốn sách khác về các nghệ sĩ trẻ hơn trong lĩnh vực này, những người sinh trong thập niên 1980 của thế kỷ XX vì trong năm 2010 ấy, họ đã bắt đầu hoặc chuẩn bị bước vào tuổi 30 – ngưỡng của sự trưởng thành về tri thức và nhân cách, dẫn đến sự trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật với những thành công, danh tiếng và danh vị riêng. Để thuận tiện cho việc quan sát, so sánh và suy ngẫm, tôi giới hạn độ tuổi của các nghệ sĩ được sinh ra trong giai đoạn 1980 – 1985… (Trích lời giới thiệu cuốn sách của tác giả Đào Mai Trang) |