Đọc “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của Tạ Đức

Cuốn “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức ngay sau khi ra đời đã tạo nên những dư luận trái chiều. Người thì cực lực phản đối, cho đó là “phản dân tộc” hay “ngụy khoa học”; người thì hết lời khen ngợi bởi sức đọc bao quát của tác giả và vấn đề rộng rãi và mới mẻ của cuốn sách.

Nhưng có thể thấy rằng: từ bối cảnh học thuật hiện tại, cuốn sách này là một phát ngôn lạc dòng. Nói lạc dòng, bởi lẽ, trong nhiều chục năm qua, chúng ta chỉ quen nghe một kiểu giọng, nghiên cứu khoa học theo những kiểu quy hoạch được chỉ định sẵn, và nhiều khi, thống nhất kết quả khoa học bằng tinh thần biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm từ số đông. Trong khi ấy, Tạ Đức hiện ra với thân phận của một người đứng bên rìa tất cả những hoạt động đó. Đam mê nghiên cứu nhưng lại bị gạt ra ngoài cơ chế cũng như các hoạt động khoa học của nhà nước. Được đào tạo cơ bản nhưng bị coi là nghiệp dư. Nhưng “tái ông thất mã”, trong rủi có may, sự lạc lõng của thân phận đã tạo nên sự tự do tuyệt đối để ông được làm tất cả những gì mình nghĩ và mình thích. Viết chẳng phải để giải ngân, sống chẳng phải để làm nhiệm vụ, làm khoa học không vì một mục đích gì khác, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu học thuật của bản thân. Vì thế, những kết luận mà ông đưa ra trong cuốn sách dày hơn 800 trang, có thể nói, là những kết luận lạc dòng, như chính cuộc đời ông vậy!

Trong khi, cả giới khoa học đã xác quyết, người Việt – người Mường là những cư dân bản địa, thì ông cho rằng tổ tiên trực tiếp của người Việt – người Mường là người Lạc Việt – người Phùng Nguyên, là dân di cư từ phương Bắc xuống.

Trong khi, ai cũng tin rằng văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn là văn hóa gốc thì ông lại cho rằng tổ tiên của họ là người Đản (Mon) cổ vốn sống ở vùng hạ lưu sông Mân (Phúc Kiến) hay có nguồn gốc từ văn hóa Dạ Lang (Thục), văn hóa Điền, Nam Việt (Nam Trung Hoa).

Trong khi, giới ngữ học (Nguyễn Tài Cẩn, Ferlus) xác định quê hương của tiếng Tiền Việt Mường là vùng miền núi từ Hà Tĩnh – Quảng Bình – Quảng Trị tới Trung Lào rồi sau đó mở rộng, di cư ra Bắc Bộ thì ông lại cho rằng tiếng Việt và tiếng Mường đã hình thành, phát triển và tiếp xúc với nhau ở Bắc Bộ. Và còn nhiều kết luận lạc dòng khác nữa…

Nhưng thiết nghĩ, phải tư duy lạc dòng mới có những kết quả ngược dòng, hay nói như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, nền học thuật ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại đang rất cần “một cái nhìn KHÁC”, cái nhìn khác ấy sẽ làm bớt đi cách suy nghĩ bầy đàn theo tâm lý đám đông hiện nay.

Để đưa ra được những kết luận như vậy, tác giả cuốn “Nguồn gốc Người Việt- Người Mường” đã sử dụng các hệ thống cứ liệu:

(1) cứ liệu khảo cổ học;
(2) cứ liệu dân tộc học, dân tục học;
(3) sử liệu thành văn;
(4) cứ liệu ngôn ngữ học;
(5) cứ liệu văn học/ văn hóa dân gian (huyền thoại, truyền thuyết…).

Để phản biện một kết luận khoa học, chỉ có một cách duy nhất là kiểm chứng các nguồn tư liệu gốc, thao tác trích dẫn, phương pháp nghiên cứu và lý thuyết nền tảng của công trình đó, chứ không thể chụp mũ, hay quy về phạm trù đạo đức – chính trị như trước nay một số người vẫn làm. Tuy nhiên, việc kiểm chứng toàn bộ cuốn sách, đối với tôi, cũng như nhiều người khác, là điều bất khả, bởi việc lần lại từng trích dẫn, đọc lại từng ấy sách (đủ loại Tây, Ta, Tàu) ở mọi lĩnh vực cũng sẽ mất quãng chục năm trời. Vì thế, bài viết này chỉ mang tính điểm xuyết với mức độ hiểu biết rất hạn chế của người viết.

1.    Về thao tác trích dẫn

Đọc toàn bộ cuốn sách, ai cũng có thể nhận thấy, tác giả Tạ Đức đã tham bác một nguồn tư liệu rộng lớn, chủ yếu của các học giả nổi tiếng và có uy tín cả trong lẫn ngoài nước ở các lĩnh vực: sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học,… Nhưng, điều đáng tiếc, như chính tác giả tự công nhận, là 50% nguồn tư liệu tham khảo, tác giả lại khai thác từ internet (Lời cảm ơn, trang 15).

Ví dụ: ở các trang 121, 136, trích baike.baidu.com, tác giả ghi là “Bách Độc” thực ra nên là “bách độ” (nếu đọc theo âm Hán Việt), đây là một trang kiểu google + wikipedia, cũng như hàng loạt các trang mạng khác ở các trang 25, 56, 57, 59, 62, 64, 67, 70, 71, 77, 79, 83, 85, 103, 108, 113, 117, 118, 121, 124, 127, 132, 136, 140, 141, 142, 143, 146, 148,… Dĩ nhiên trong đó có một số trang cơ sở dữ liệu khá tốt, như địa chỉ http://starling.rinet.ru của nhà Hán học, ngôn ngữ học người Nga Starostin.

Trong một công trình khoa học, việc trích dẫn những nguồn thông tin được lấy từ mạng là nên hạn chế. Tình trạng này không chỉ tồn tại ở cuốn sách của Tạ Đức mà khá phổ biến hiện nay trong giới Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Bởi lẽ, thông tin trên mạng (như wikipedia) là kiểu thông tin không nguồn gốc, có thể do bất kỳ ai đưa lên mà không phải chịu trách nhiệm khoa học về những thông tin đó.

Tất nhiên, với tư cách một nhà dân tộc học (hoặc nhân học), với tư cách một người làm nghiên cứu, tác giả vẫn có thể dùng các thông tin đó như những tư liệu khảo sát dưới sự kiểm soát bằng tri thức của chính tác giả. Và dĩ nhiên, tác giả phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những trích dẫn đó. Ví dụ, để chứng minh rằng Xích Quỷ là Quỷ Phương, tác giả đã trích dẫn một nguồn thông tin như trang 148 dưới đây:

 
Việc trích dẫn những nguồn thông tin từ một trang mạng du lịch sẽ làm phương hại đến hệ thống luận cứ và lập luận của tác giả.

Hay ở một đoạn khác, tác giả viết: “Các tác giả cuốn Trống Đông Sơn ở Việt Nam (1990: 51) gọi con vật ở vành trong mặt trống Yên Tập và ‘chim đứng’, nhưng thực ra đó cũng là rái cá. Nguyễn Việt (2010: 393) gọi con rái cá trên thạp Đào Thịnh là “thú mặt hổ đuôi cá sấu”. Giờ đây, nhờ Google, chúng ta có thể xác định được chính xác các loài thú lạ đó.” (tr.125).

Tác giả đã so sánh hình dáng con rái cá trên internet với con vật lạ trên thạp Đào Thịnh. Và các cứ liệu này được dùng để chứng minh rằng “rái cá” là vật tổ của người Đản kéo dài từ thời cổ cho đến tận thời Đinh Bộ Lĩnh.

Và dưới đây, chúng ta sẽ thấy dù trích dẫn thông tin từ mạng, hay trích dẫn nguồn hàn lâm thì việc kiểm định thông tin (giá trị hay không có giá trị) là quan trọng như thế nào.

2.    Tư liệu khảo cổ-sử liệu-ý kiến học thuật và cách trích dẫn

Để đi đến kết luận rằng người Việt có nguồn gốc từ người Đản (Quảng Đông), tác giả đã tiến hành so sánh các nguồn tư liệu với các bước lập luận như sau:

(1)    So sánh hình “thú lạ” trên trống Đông Sơn Phú Xuyên, thạp Đào Xá, trống Yên Tập (Hà Nam) với hình rái cá trên internet để kết luận đó là RÁI CÁ thời Đông Sơn.

(2)    Rái cá (giống như chim Cốc = chim Lạc) ở Phúc Kiến được thuần hóa để trở thành “trợ thủ giúp săn bắt cá” (dẫn Brandt 2005: 33, 34).

(3)    Suy ra, “địa bàn chính của cả hai tục trên [tục dùng rái cá và chim cốc để săn cá – TTD] là vùng ven biển Giang Tô, Chiết Giang, từ đó lan tỏa tới Nhật, Triều Tiên, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam”.

(4)    “Cũng như chim Lạc, rái cá được coi là vật tổ, đặc biệt của các cư dân sống bằng săn bắt thủy hải hải sản như người Đản” (tr.126).

(5)    “Đinh Bộ Lĩnh, một người gốc Đản Quảng Đông, theo truyền thuyết Việt, có bố là một con rái cá” (tr.126) (chứng cứ được nêu ở trang 521: người Đản coi “đàn bà và trẻ con người Đản là rái cá”)1. Tác giả trích K. Taylor (1983: 291-292): “Là con của Rái cá, Đinh Bộ Lĩnh có sứ mệnh làm vua, điều phù hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam…” (tr.127)

(6)    Kết luận: “chính ý nghĩa tâm linh của biểu tượng rái cá-cầy-chồn-chó trong tâm thức người Lạc Việc từ thời Đông Sơn đến thời Đinh-Lê-Lý, thời kỳ người Việt giành độc lập và phục hưng nước Đại Việt đã dẫn đến việc các nhà Nho Việt Nam, muộn nhất từ thời Lý, dùng chữ Lạc bộ Trãi để chỉ tổ tiên mình” (tr.128).

Tất cả các bước lập luận và cứ liệu vừa nêu ra nhằm để bắc cầu kết nối những khoảng siêu không gian, siêu thời gian, nối liền Lạc Việt với Đại Cồ Việt cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, và nối Lạc Việt với văn hóa người Đản (Giang Tô). Tác giả có thể trích ý kiến của K. Taylor – một học giả lớn và có ảnh hưởng sâu rộng đến giới học giả quốc tế về lịch sử Việt Nam. Nhưng thực tế, nhận định trên của Taylor cũng hầu như không có giá trị học thuật ở lĩnh vực sử học. Với hiểu biết của học sinh cấp một hiện nay, chẳng ai có thể chấp nhận một sự thực rằng: Đinh Bộ Lĩnh lại là con của rái cá, điều hoàn toàn trái với kiến thức về sinh vật học.

    Vấn đề ở đây là từ nguồn tư liệu nào mà Taylor tin rằng bố của Đinh Bộ Lĩnh là rái cá? Truyền thuyết mà Taylor sử dụng được chép trong sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1697- ?) biên soạn vào năm 17552. Nếu tính nhẩm, ta thấy thời gian cách nhau quãng 800 năm. Vậy thì, ai có thể dám chắc đó là huyền thoại của thế kỷ X nhưng đã được bảo lưu nguyên trong dân gian rồi được ghi chép lại vào thế kỷ XVIII? Và càng không thể đoan chắc tô tem rái cá nhà Đinh là bảo lưu từ tô tem rái cá của Đông Sơn, xa hơn là của người Đản!

Theo chúng tôi, câu chuyện “nguồn gốc rái cá của Đinh Bộ Lĩnh” chỉ là chuyện sáng tác văn học của người đời sau! Trong bài viết Đinh Bộ Lĩnh: huyền thoại và lịch sử3, dựa trên các sử liệu trong Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đảo (1115- 1184)4, Văn hiến Thông khảo của Mã Đoan Lâm (1254 – 1324)5, An Nam chí lược của Lê Trắc6, Tống sử7, và  Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi đã nhận định: cha của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ (Quyền Thứ sử Hoan châu kiêm Ngự Phiên Đô Đốc). Theo cách tính của Nguyễn Danh Phiệt, Đinh Công Trứ mất khi Đinh Bộ Lĩnh quãng từ 15 đến 20 tuổi8 và khi cha mất thì Đinh Bộ Lĩnh “nối cha giữ chức Thứ sử Hoan Châu và Ngự phiên Đô đốc” vào quãng năm 940 đến 9449.

Đây là một ví dụ điển hình cho thấy, việc sử dụng huyền thoại (một thể loại của văn học) để nghiên cứu lịch sử không phải lúc nào cũng có kết quả thực sự chắc chắn. Công thức {huyền thoại + hiện vật khảo cổ} trước nay vẫn là công thức ưa thích ở Việt Nam, trong khi công thức nghiêm cẩn hơn {sử liệu + hiện vật khảo cổ} đến nay vẫn còn đầy rẫy những chông gai thử thách. Việc coi huyền thoại có tính sử liệu, hoặc ít nhiều phản ánh một phần sự thực lịch sử nào đó khiến mọi giả thuyết khoa học luôn đứng chông chênh trên ranh giới giữa thực và hư, giữa sử học và văn học!

Trở lại với cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”, tác giả sử dụng công thức liên ngành: {huyền thoại + hiện vật khảo cổ + cứ liệu dân tộc học + sử liệu + cứ liệu ngôn ngữ học} để nghiên cứu hàng loạt đối tượng cụ thể khác. Ví dụ, chúng ta có thể thấy đẳng thức như sau: bông lau (biểu tượng thiên mệnh) + người cầm bông lau trên thạp Đào Thịnh, trống đồng Đông Sơn + các cô gái Swaziland cầm bông lau + nước Bông Lau (= nước Ư Việt) + Thánh Gióng giắt bông lau, suy ra bông lau = lông chim = biểu tượng tổ tiên mà lau/ lô (芦) là đồng với chim Lạc/ lộ (tr.297).

Một ví dụ khác, để chứng minh thế kỷ X có sự kết nối với thời Lạc Việt, tác giả cho rằng “chữ “cù/ cồ 瞿” trong tên nước Đại Cồ Việt có hai chữ Mục trên bộ Chuy trỏ loài chim lớn. Mà “Bộ Chuy cũng được dùng trong chữ Lạc chỉ Lạc Việt và chữ Hùng chỉ Vua Hùng. Điều đó cho thấy, từ Cồ và chữ Cồ đã được dùng có chủ ý và gắn với tín ngưỡng thờ chim tổ truyền thống của người Lạc Việt” (tr.296) giống như con chim thần vật tổ trong tên Đại Việt La Bình của Lưu Nham. Có thể thấy, tác giả đang quá say với thuyết totem để bắc những chiếc cầu siêu thời gian và siêu không gian như trên đã đề cập. Điều đáng nói ở đây, tác giả đã trích dẫn và phản biện lại ý kiến của bài “Khảo về Đại Cồ Việt: nước Việt- nước Phật giáo”10 nhưng chính ở điểm này, tôi thấy cách giải thích của ông nên được cân nhắc lại, bởi ông đã chọn một giả thuyết đã bị bác bỏ. Phương pháp văn tự học văn hóa (dùng việc phân tích văn tự để nghiên cứu văn hóa) là đáng quý, nhưng cũng nên cẩn trọng hơn.

3. Hiện tượng đồng quy

Trong nghiên cứu so sánh, việc đồng quy các hiện tượng văn hóa, hay đồng quy ngôn ngữ là việc hết sức mạo hiểm. Thế nhưng, trong công trình này, tác giả Tạ Đức đã tiến hành công thức truy nguyên đồng quy hàng loạt các hiện tượng về một chỉ số gốc.

Ví dụ, tên nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương (huyền thoại được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư) được tác giả coi là một biệt danh của Xuy Vưu (bề tôi thân cận của Đế Lai) tương ứng với Xuy Vưu là thủ lĩnh của người Cửu Lê trong thần thoại Trung Hoa11, tương ứng với Xi Vưu là ông tổ của người Mông, hay Xuy Vưu là ông tổ của người Hàn Quốc, và Xy Vưu là Thiên vương – vị thần hộ mệnh cho bóng đá Hàn Quốc (nguồn dẫn: http://vi.wikipedia.org/ Chi You) [trang 162]. Mặt khác, Xuy Vưu được đồng nhất với Viêm Đế, Xích Đế, Thần Nông, Xích Quỷ ông tổ huyền thoại của người Bách Việt xưa và của người Trung Quốc ngày nay. Tác giả cho rằng, “Có lẽ, đó là một tên gọi đã được dịch từ một tên gọi có nghĩa tương tự trong tiếng Bách Việt cổ.” (tr.163). Các đồng quy biểu tượng – danh xưng (trong các huyền thoại lập quốc, huyền thoại của các dân tộc đồng văn trên) lại được chứng minh bằng tài liệu khảo cổ học, đó là các hình tượng trên “trống đồng và mặt nạ đồng của người Bách Việt thuộc nước Xích Quỷ” (tr.163). Và cuối cùng, tác giả đi đến nhận định: “Đặc biệt, Thánh Gióng trong truyền thuyết Việt Nam chính là một hóa thân của Xuy Vưu – Thần chiến tranh – Thần bảo hộ của nước Xích Quỷ… Tóm lại, Xích Quỷ là tên gọi cho ông tổ, vị vua-thần của người Bách Việt xưa, từ đó trở thành tên nước cổ nhất của người Việt Nam trong truyền thuyết.” (TTD nhấn mạnh) (trang 163). Trong khi đó, từ những cứ liệu văn bản trong Thiền Uyển tập anh và nhiều tư liệu văn hiến khác, Nguyễn Thanh Tùng đã chứng minh rằng Thánh Gióng là một biểu tượng diễn hóa/ Việt hóa khá muộn (từ thế kỷ XIV-XV về sau) từ Xung thiên Thần Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Sóc Thiên Vương – mà biểu tượng gốc của vị thần này chính là Tỳ Sa Môn Thiên Vương – một vị thần hộ pháp – vị thần chiến tranh của Phật giáo được gây dựng trong chiến tranh chống Tống của Lê Hoàn12. Ở đây, một lần nữa, ta thấy ranh giới giữa nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu lịch sử tín ngưỡng là một việc cần phải được phân biệt rạch ròi, như Tạ Chí Đại Trường đã từng làm trong “Thần-người và đất Việt”.

Không những vậy, trong nhiều trang của cuốn chuyên luận, tác giả cũng đã tiến hành đồng quy nhiều hiện tượng ngôn ngữ, mà sự đồng quy nhiều khi lại dựa trên bề mặt ngữ âm.

Ví dụ 1: đẳng thức Việt = Di, cứ liệu ngữ âm đưa ra: “trong tiếng Bắc Kinh, rõ ràng Yi (Di) rất gần gũi với Yue (Việt)” (trang 137). Đó là một kiểu so sánh phi đoạn đại, và phi lịch đại. Làm sao có thể lấy sự cận âm của tiếng Trung thế kỷ XX-XXI để chứng minh hai ngữ tố ấy giống nhau/ là một ở thời điểm cách nay mấy nghìn năm?

Ví dụ 2: Việt = Lạc, cứ liệu đưa ra là Việt=Ya>La>Lạc và Ya>Va>Vat>Việt, Lava = Lạc Việt (trang 137).

Ví dụ 3: Việt = Lạc = Lý = Liêu = Lão = Lộ = Lái = Lai = Lôi = Lê = Thái (tr.137- 138).

Ví dụ 4: Việt = Giao = Dao = Keo = Táo = Đáo (trang 138)

Ví dụ 5: Việt = Vu = Âu = Ư = Cổ (trang 138).

Cộng tất cả các đẳng thức từ năm ví dụ trên, ta sẽ có một chuỗi dấu bằng, điều đó khiến không ít người cảm thấy hơi bất thường. Bởi cái gì đẹp quá nhiều khi chưa chắc đã phải là chân lý. Tất cả các đẳng thức trên được tác giả dẫn dụng cứ liệu từ các thư tịch cổ như Hán thư, Hậu Hán thư, Sử ký, Thượng thư, Thuyết văn giải tự,… nhưng tất cả các thông tin này đều không có chỉ số trích dẫn tư liệu! Còn những trích dẫn từ các học giả khác thì lại là trích theo kiểu đồng quy về dân tộc học, ví dụ: «người Đông Di cùng nguồn gốc với người Việt», «người Việt cũng gọi là người Di» [dẫn Lưu Nham (1998 : 150)], «tên Việt thường đi đôi với tên Di» [dẫn Đào Duy Anh (1957/2010 : 214)]… Vậy, tác giả đã dùng những cứ liệu dân tộc học để đưa ra những đẳng thức ngữ âm khá chông chênh. Và để chứng minh/ hay phản biện được những kết luận này thì cần phải có những thao tác phục nguyên (tái lập âm đọc cổ: reconstruction)13 một cách chuyên nghiệp, chứ chưa thể dựa trên những nét hao hao trên ký hiệu văn tự của âm Hán Việt hay phiên âm Latin ở thời điểm hiện tại.

Để viết cụ thể hơn về cuốn sách này có lẽ còn tốn thêm nhiều giấy mực nữa. Nhưng, việc duy danh vào những cái tên như Bách Việt (một cách gọi ôm đồm của người Hán cho rất nhiều dân tộc phi Hán ở phía Nam) để rồi nhập cái yếu tố Việt ngày nay vào một cộng đồng dao viễn tưởng tượng trong quá khứ là một trò chơi chữ nghĩa bất tận không bao giờ đi đến đích. Dầu sao, trong cuốn sách «Nguồn gốc người Việt – người Mường», tác giả Tạ Đức cũng đã làm hết sức mình với một tinh thần thuần túy vị khoa học, đó là điều rất đáng trân trọng trong bối cảnh hiện nay!

1 Tam đoạn luận mà tác giả đưa ra: (1) Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá + (2) người Đản coi rái cá là vật tổ, suy ra (3) Đinh Bộ Lĩnh là người gốc Đản.

2 Thuần Phủ Vũ Phương Đề. 1755. Công dư tiệp ký 公餘捷記. Trần Quý Nha tục biên. VHv.1324/1-2: 294 tr., 28 x 16. (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

3 Trần Trọng Dương. Đinh Bộ Lĩnh: huyền thoại và lịch sử. Tia sáng số 16- 20.8.2013. tr.36-38. Trần Trọng Dương. Đinh Bộ Lĩnh- loạn sứ quân: từ sử liệu đến sử thực. Tạp chí Nghiên Cứu và Phát triển. Huế. Số 01/2012.

4 (Tống) Lý Đảo. Tục tư trị thông giám trường biên. Đài Loan thương vụ. Đài Bắc Thị. Dân quốc 72. q.314-322

5 (Nguyên) Mã Đoan Lâm. Văn hiến thông khảo. Đài Loan thương vụ. Đài Bắc thị. Dân quốc 72. q.610-616.

6 Lê Trắc.( 1335). An Nam chí lược. Mạnh Nghị Trần Kinh Hòa dịch (1960, tb 2002). Nxb Thuận Hóa- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Huế. Tr.227.

7 (Nguyên) Thoát Thoát (soạn), Dương Gia Lạc (chủ biên). Tống sử. “Trung Quốc học thuật loại biên”. Đỉnh Văn Thư cục. Đài Bắc thị. Dân Quốc 69 (1980). Phần Liệt truyện. Q.488. p.14058.


8 Nguyễn Danh Phiệt. 1990. Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước. Nxb KHXH. H. tr.55.

9 Trần Trọng Dương. Đinh Bộ Lĩnh: huyền thoại và lịch sử. Tia sáng số 16- 20.8.2013. tr.36-38.

10 Trần Trọng Dương. Khảo về Đại Cồ Việt- nước Việt- nước Phật giáo. Tạp chí Hán Nôm số 02/2009.tr.53-75, 22.

11 Xem thêm kiến giải của học giả Trung Quốc về vấn đề này: Vương Minh Hà. (2009) Anh hùng tổ tiên dữ huynh đệ dân tộc (căn cơ lịch sử đích văn bản dữ tình cảnh). Trung Hoa thư cục. Bắc Kinh. P.169- 170.

12 Nguyễn Thanh Tùng. 2012. Giấc mơ Khuông Việt – nhìn từ giác độ lịch sử văn hóa. Tạp chí Nghiên Cứu và Phát triển. 11/2012.

13 Ví dụ, xin xem Shimizu Masaaki. (2010). A Phonological Reconstruction of 15th Century Vietnamese Using Chữ Nôm 字喃Materials. 2010 International Conference and Taiwanese Studies, National Cheng Kung University, Taiwan. Trần Trọng Dương. Từ nguyên của từ “Rái cá”. Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư. 08/2013.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)