Đọc “Những kiến trúc sư bạn tôi”*: Những cuộc đời xứng đáng được biết đến

KTS Trần Trọng Chi, tác giả cuốn sách “Những kiến trúc sư bạn tôi”*, cho biết mục đích viết sách này là để ghi lại thành quả lao động của những người như những hạt cát cần cù đã góp được chút đỉnh tài năng và công sức vào việc xây đắp gương mặt văn hóa đất nước, với tư cách là KTS… Trong mắt tôi, họ là những tài năng kiến trúc của một thời… Mỗi người như hạt cát nằm bên bờ biển… (Chắc chắn sẽ có một ngày) sóng cuốn cát ra thật xa bờ không để lại dấu vết gì. Như vậy cũng có điều đáng tiếc cho cộng đồng nếu không ai được biết gì về họ.

Đúng thế, tại sao lại không kể cho công chúng biết về tác giả của những tòa nhà hoặc tượng đài tạo dựng nên những hình ảnh và giá trị văn hóa vật thể của một giai đoạn lịch sử dân tộc ta từng trải qua?

Tấm lòng với bạn bè và ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp

Hai phần ba số trang là các câu chuyện kể về cuộc đời và sự nghiệp của mười KTS Việt Nam thuộc thế hệ hoạt động vào nửa sau thế kỷ XX, còn lại là các bài viết về nghề kiến trúc.

Tên sách cho thấy đây là sách viết về các KTS bạn của tác giả. Điểm độc đáo là ở chỗ sách chủ yếu viết về những đồng nghiệp đang sống, đang làm việc. Điều đó khiến cho Những kiến trúc sư bạn tôi có vẻ như một bản độc thoại giữa rừng sách vinh danh người đã khuất đang bày đầy ở các hiệu sách.

Viết về người đang sống, nhất là đồng nghiệp của mình, là việc rất khó. Dĩ nhiên chẳng tác giả nào chê trách các nhân vật bạn mình, nhưng viết về họ như thế nào để tránh khả năng bị thiên hạ cho là “bốc thơm” nhau, quả thực không dễ, nhất là khi trong xã hội còn khá thịnh hành thói đố kị với những người được vinh danh.

Trước hết, người viết phải xuất phát từ động cơ trong sáng, như vậy mới xác định đúng mục tiêu nhắm đến và đủ tự tin vượt qua những phản ứng trái chiều của dư luận, nếu có. Thứ hai, phải hiểu biết sâu sắc về con người và sự nghiệp của nhân vật mình đưa vào sách. Thứ ba, phải có đủ độ chín về chuyên nghề đề cập tới cũng như về nghiệp vụ cầm bút; lời văn phải đúng mực, tư liệu phải chính xác.

Nếu không đủ các điều kiện đó, rất có thể tác giả lại làm hại chính nhân vật mình muốn viết.

Trong Lời bạt cuối sách, KTS Hoàng Đạo Kính tâm sự: Lâu nay tôi vẫn trăn trở một điều: vì sao giới KTS ta ít nói, thậm chí né tránh nói về thành công của các đồng nghiệp và về sự nghiệp của họ? Vì sao chúng ta chỉ hào hiệp buông những lời ca ngợi khi con người đã nằm xuống…. Trần Trọng Chi đã can trường và nỗ lực nhận về mình việc bù đắp cái phần thiếu khuyết ấy trong nền kiến trúc bằng chữ viết… Ở anh, ta nhận ra đâu đó nơi sâu thẳm ẩn chứa một tấm lòng thiết tha với bạn bè và một ý thức trách nhiệm đặc biệt với nghề nghiệp.

Trần Trọng Chi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Moskva năm 1963, từng tham gia nhiều công trình thiết kế kiến trúc, kể cả Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh, có may mắn cộng tác với nhiều KTS thế hệ cũ và mới, tiếp xúc với một số “trưởng lão” như KTS Nguyễn Cao Luyện, Huỳnh Tấn Phát, từng vài lần được Chủ tịch nước Trường Chinh vời đến trao đổi riêng về kiến trúc. Anh cũng là tác giả ba cuốn sách lịch sử kiến trúc thế giới và Việt Nam. Với bề dày cuộc sống như vậy, anh có đủ tư liệu và tư cách để viết về các nhân vật của mình.

Theo thói quen nghề nghiệp của một KTS, tác giả cẩn trọng lựa chọn từng câu chữ, một nửa số bài viết đi viết lại trong nhiều năm, gọt giũa rất công phu. Giọng văn kể chuyện lúc nghiêm chỉnh, lúc dí dỏm, lúc đầy tình cảm. Nhiều chi tiết vui vui có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc sống cán bộ ta những năm chống Mỹ. Chẳng hạn đám cưới của công chúa con Chủ tịch nước hay lời phán ngây ngô của mấy vị quan chức. Bạn đọc sẽ xúc động khi đọc bài thơ tác giả làm sau lần viếng mộ KTS Đặng Tố Tuấn ngày giỗ đầu, bốn câu trong bài đã được gia đình tang chủ khắc lên bia đá đặt trước mộ.

Mỗi nhân vật trong sách là một tài năng, một cá tính, có những cuộc đời và thân phận khác nhau. Có người là con nhà nòi, thừa kế năng khiếu bẩm sinh. Có người vì lý lịch “xấu” mà ba nổi bảy chìm, may nhờ có tài nên mới thoát hiểm. Có người chỉ vì mê sáng tạo cái mới mà bị các thế lực bảo thủ trù dập, dù có bố sinh thời làm “to” nhất nhì nước… Cái chung nhất của họ là ý thức nghề nghiệp, họ say mê miệt mài lao động với ước mong làm cho đất nước ngày một đẹp hơn. Họ đã để lại một số kiến trúc, tượng đài có tác dụng tạo dựng hình ảnh thời đại, làm đẹp cảnh quan, thu hút du khách, mang lại lợi ích kinh tế du lịch, như khách sạn Công đoàn Bãi Cháy (Quảng Ninh), Nhà Điên (Đà Lạt), Đài Liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội)… Ba trong số mười KTS nói trên đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật. Cá tính, thân phận, thành tựu nghề nghiệp của họ đáng được mọi người biết tới.

Nỗi niềm vai trò của KTS

Tác giả nhấn mạnh: kiến trúc nghệ thuật tổ chức không gian-môi trường sống cho con người và cộng đồng. Khoa đào tạo KTS đầu tiên ở nước ta có từ năm 1925, đặt tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, như vậy KTS thuộc diện nghệ sĩ. Những bức ký họa của các KTS in trong sách cho thấy họ thực sự là những họa sĩ có trái tim biết rung động trước cái đẹp. KTS lao động với niềm say mê làm ra tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn riêng. Nếu người công chức, kỹ sư, hết giờ làm việc có thể yên trí về nhà thì các KTS ngày đêm vùi đầu tìm tòi sáng tạo, thay hết bản vẽ này đến bản vẽ khác, sửa hết mô hình này đến mô hình khác. Họ không chịu làm ra tác phẩm dở. Đó là vì thơ văn dở, tranh dở có thể không đọc không xem, nhưng tác phẩm kiến trúc dở hoặc phá hỏng cảnh quan thì đập vào mắt công chúng, đời này sang đời khác hứng lấy lời chê bai. 

Tác giả cũng mạnh dạn nhận xét phê bình một số công tác và tác phẩm kiến trúc. Rõ ràng phải có tấm lòng yêu nghề tha thiết và trình độ nghiệp vụ nhất định thì mới dám đụng tới lĩnh vực nhiều người ngại nói này, bởi lẽ nó động chạm tới các cấp lãnh đạo duyệt công trình.

Giới KTS cũng như công chúng đều chưa hài lòng với kiến trúc của Hà Nội hiện nay. Kiến trúc trước hết là quy hoạch, nhưng thủ đô ta xây dựng chẳng biết theo quy hoạch nào. Chắp vá nham nhở, lộn xộn, tủn mủn, mất hài hòa, chỉ vì chạy theo lợi ích trước mắt hoặc lợi ích cục bộ… Sao ta không học Paris, đưa hết nhà cao tầng ra một khu ngoại ô, giữ nguyên nội thành như cũ? Các KTS có trách nhiệm như thế nào trong việc đó? Đọc sách này, bạn có thể hiểu ra ở đây có nhiều nguyên nhân. Ở ta, lãnh đạo là khách hàng, là người giao nhiệm vụ cho KTS làm hàng theo yêu cầu của họ, nhưng vì có quyền chi tiền nên lãnh đạo ở ta tự cho mình quyền được quyết tất cả, chưa tôn trọng đúng mức vai trò của KTS. Quy hoạch là ý chí của lãnh đạo… Tiếng nói nghề nghiệp của chúng ta, của Hội KTS đối với xã hội và với lãnh đạo chưa là cái gì… KTS chưa được trao quyền đúng như vị trí họ cần phải có trong lịch sử nghề kiến trúc cũng như theo thông lệ quốc tế… – tác giả viết.

Không ít lần Hội KTS thất bại khi can thiệp đòi dừng các dự án kiến trúc như trụ sở UBNDTP Hà Nội, Cung Văn hóa lao động v.v… Khi bàn về thiết kế tòa nhà Khoa Tiếng Pháp của trường đại học nọ, phía Pháp (người bỏ tiền) và KTS Việt Nam đều thấy nên làm mái ngói, nhưng lãnh đạo phía ta nhất định đòi làm mái bằng. Dường như một số nhà lãnh đạo cho rằng nếu mình không nêu ra ý kiến gì có tính quyết định, – dù là ý kiến rất ngô nghê về chuyên môn, – thì tức là để mất vai trò lãnh đạo!

Còn ở nước ngoài thì sao? KTS bậc thầy thế giới Mies van der Rohe từng nói Tôi không bao giờ bàn bạc với khách hàng về kiến trúc, nghĩa là KTS quyết định tất, ai muốn chỉ đạo họ thì họ bỏ đi ngay. Ngay ở Liên Xô cũ, vai trò của KTS được đánh giá rất cao, KTS trưởng thành phố có quyền lực như một ông vua con.

Ở ta cũng có những nhà lãnh đạo biết tôn trọng vai trò của KTS. Không có Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì không có đài liệt sĩ Bắc Sơn, không có Chủ tịch tỉnh Trần Trung Nhật thì không có đài tưởng niệm Tuyên Quang – KTS Lê Hiệp, tác giả hai đài liệt sĩ này từng nói.

Tác giả sách cũng đề cập tới vấn đề ta hiện đang đào tạo KTS với quy mô đáng ngại. Riêng hai trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và TPHCM cùng ĐH Xây dựng hằng năm cho ra lò khoảng 1.300 KTS, nếu kể cả trường dân lập thì còn nhiều nữa. Giáo viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng phải gồng mình lên vì quá tải. Giáo dục chạy theo số lượng chắc chắn sẽ hạ thấp chất lượng đào tạo. Có trường áp dụng lối truyền nghề kiến trúc từ xa: trò gửi phác thảo qua mail, thầy trả bài cũng qua mail. Các phần mềm autocad, photoshop,… đang thay thế dần tư duy sáng tạo và tay vẽ của KTS. Thậm chí có sinh viên copy các bản vẽ công trình nhan nhản trên mạng đưa vào bài làm của mình mà thầy vẫn cho qua.

Kiến trúc cũng như nhiều lĩnh vực xây dựng khác còn tồn tại lắm chuyện đáng bàn. Một cuốn sách không thể đề cập mọi vấn đề. Nhưng những lời tâm huyết của một KTS ở tuổi xưa nay hiếm rất đáng để chúng ta cùng suy ngẫm, chia sẻ.

* Nhà xuất bản Mỹ thuật, tác giả: KTS Trần Trọng Chi. Sách bìa cứng, trình bày trang nhã, dày 320 trang in trên giấy tốt khổ 20,5 x 23,5, được minh họa bởi hơn 300 tranh ảnh đen trắng và màu.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)