Đôi lời về “Phạm Phú Thứ toàn tập”

Khi cầm bộ sách này trong tay thì hình ảnh nhà nho yêu nước Phạm Phú Thứ không còn bị khuất lấp trong lớp sương mù thời gian mà hiện ra rờ rỡ, rõ ràng trước mắt chúng ta với một tâm thế mới.

Phạm Phú Thứ (1821-1882), hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, người xã Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay là xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam – một xứ sở địa linh nhân kiệt – là người bẩm tính thông minh, nổi tiếng học giỏi, đỗ đầu các khoa, làm quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn dưới hai đời vua Thiệu Trị, Tự Đức.

Trước đây qua “Tây hành nhật ký” (Nhật ký đi Tây) và một số bài thơ, bản tấu lẻ tẻ mà các nhà nghiên cứu tiếp cận được, Phạm Phú Thứ chỉ được biết đến và đánh giá là một vị quan thanh liêm, chính trực, yêu nước, có tư tưởng canh tân, đã nhiều lần dâng tấu, sớ trình bày về hiện tình đất nước, can ngăn vua bớt các thú vui để chăm lo triều chính… Ít ai biết rằng ngoài Giá Viên biệt lục (đã được NXB Đà Nẵng xuất bản năm 1999 dưới tên gọi Nhật ký đi Tây), cụ còn là tác giả của bộ sách đồ sộ Giá Viên toàn tập (gồm 27 quyển thơ – văn). Như một duyên may, năm nay, 15 năm sau khi in Nhật ký đi Tây, NXB Đà Nẵng lại tiếp tục cho ra mắt PHẠM PHÚ THỨ TOÀN TẬP (dày 2.620 trang) trong đó công bố toàn bộ bản dịch Việt ngữ hai bộ Giá Viên toàn tập và  Giá Viên biệt lục của cụ. Đây có lẽ là niềm may mắn của cụ và cũng là cho cả thế hệ hậu sinh bởi khi cầm bộ sách này trong tay thì hình ảnh cụ Phạm không còn bị khuất lấp trong lớp sương mù thời gian mà hiện ra rờ rỡ, rõ ràng trước mắt chúng ta với một tâm thế mới.

Qua hàng trăm thư khải, tấu biểu trong phần Văn của Giá Viên toàn tập, chặng đường làm quan hơn bốn chục năm với muôn nỗi vui buồn của cụ như đang trải dài trước mắt chúng ta. Đọc sách mà như đang đọc những trang bút ký, đang đọc những trang chính sử nước nhà viết rất súc tích cô đọng, với các chứng liệu chính xác giúp chúng ta khám phá thêm những suy nghĩ, hành động “trong triều ngoài quận” ở thời điểm nóng hổi của lịch sử nước nhà hơn 150 năm trước. Thời điểm mà hôm nay nhìn lại, chúng ta mới hiểu có lẽ là thời điểm khó khăn nhất từ trước tới đó, khi lần đầu tiên nước Việt Nam nhỏ bé, đói nghèo, phải đối đầu trực diện với một kẻ thù khác ta về màu da, xa lạ về tập tục và hơn hẳn về phương diện quân sự.

Say hoa, yêu nguyệt, mê đắm cảnh đẹp nước non, cảm xúc dồi dào, ngôn ngữ phong phú… Có thể nói gần ngàn bài thơ trong phần Thơ của Giá Viên toàn tập là ngần ấy bức họa, có động có tĩnh, có sự lung linh của màu sắc, có sự réo rắt của âm thanh… dẫn thẳng vào thẳm sâu tâm hồn người đọc. Chắc chắn phải rất hiểu, thậm chí phải rất phục văn tài của cụ Phạm, nên ông vua hay thơ như Tự Đức mới phê trên bức họa truyền thần cụ Trúc Đường bốn chữ THƯƠNG SƠN CAO ĐỆ (Học trò giỏi của Thương Sơn). Và sau này, chính vua Tự Đức cũng “bất giác tiếc thương chảy nước mắt” khi hay tin “viên chức văn học, biện luận đứng đầu sĩ phu Quảng Nam, ngày thường ai cũng thấy rõ” tạ thế. Nếu thơ là tấm gương phản chiếu chiều sâu tâm hồn và tính cách con người, thì đọc thơ cụ Phạm rồi đọc những lời Tựa, Bạt của các vị tiến sĩ ta, Tàu trong quyển Thủ bộ sách này, có lẽ chúng ta khỏi cần bàn thêm về văn tài cũng như nhân cách của cụ.

Với hàng trăm tư liệu chính trị, lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng, xác đáng và chân thực, chất chứa tư tưởng cải cách sâu sắc về đủ mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, ngoại giao… PHẠM PHÚ THỨ TOÀN TẬP chắc chắn sẽ có ích cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa học. Từ bộ Toàn tập này, có thể khai thác rất nhiều sử liệu thành văn quý giá để làm sáng tỏ thêm một giai đoạn lịch sử nước nhà đầy biến động trên mọi phương diện, để thấy ở Phạm Phú Thứ bề nổi trội, sự đóng góp tư duy thời đại sâu sắc. So sánh trong mối quan hệ giữa các nhà cải cách cùng thời sẽ thấy rõ nét đặc thù riêng một nhà lập ngôn của xứ Quảng vốn được coi là có truyền thống về tư tưởng duy tân. Lịch sử đã chứng minh tư tưởng duy tân ấy đã được nối dài từ Phạm Phú Thứ đến phong trào Duy Tân của chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và rồi từ xứ Quảng lan tỏa khắp cả nước, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX và cả trong công cuộc đổi mới và hội nhập thế giới hiện nay.

Cầm bộ sách PHẠM PHÚ THỨ TOÀN TẬP trên tay, chúng ta phải cảm ơn các vị thức giả cùng thời cụ Phạm đã cùng gia đình, con cháu và cả các bậc đường quan của tình Quảng Nam với tấm lòng trọng thị kính ái Trúc Đường tiên sinh, ra sức thu thập, sắp xếp lại số di cảo của cụ, quyên tiền khắc bản in để lưu giữ cho đời một khối lượng trước tác hết sức đồ sộ, phong phú. Nghĩa cử ấy, tấm lòng ấy đáng trân trọng biết bao để hôm nay chúng ta có nguyên bộ Toàn tập với ngót 2.000 trang chữ Hán. PHẠM PHÚ THỨ TOÀN TẬP có lẽ là một toàn tập thơ văn hiếm thấy trong lịch sử thư tịch nước nhà của một vị nho sĩ yêu nước.

Hơn bốn chục năm làm quan, Phạm Phú Thứ một đời cúc cung tận tụy vì nước vì dân, đủ nêu gương sáng cho mọi thế hệ noi theo, thiết nghĩ chúng ta phải tri ân cho đúng tầm vóc của cụ trong lịch sử. Việc NXB Đà Nẵng cho ra đời bộ sách PHẠM PHÚ THỨ TOÀN TẬP hôm nay chính là một cách trị ân trân trọng và văn hóa vị quan ưu tú của đất Quảng.



* PGS.TS (Viện Sử học)

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)