Duy Tân- phong trào “hai trong một”

Năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, ông đã trao toàn bộ quyền điều hành nước Việt Nam non trẻ cho chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, người đã từng tham gia các phong trào Duy tân hồi đầu thế kỉ. Các phong trào yêu nước của nhà Nho chí sĩ khởi xướng chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử nhưng đó lại là một bước ngoặt quan trọng của lịch sử Việt Nam cận – hiện đại. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Trần Ngọc Vương (Đại học Quốc gia Hà Nội) về chủ đề này.

Thưa ông, kết thúc một bài viết về phong trào Đông Kinh nghĩa thục, Giáo sư Trần Đình Hượu có nói: “tập hồ sơ Duy Tân đã được lịch sử khép lại và đề lên đó hai chữ: “Miễn tố”. Vậy nhưng chúng ta vẫn cứ phải quay trở lại với Duy Tân, với Đông Kinh nghĩa thục và rộng hơn, với phong trào yêu nước của các nhà Nho đầu thế kỷ XX. Vậy chúng ta hãy bắt đầu ở điểm khởi đầu của nó. Tại sao Duy Tân?
Duy tân là một tất yếu. Sẽ không thể hình dung được vấn đề nếu không thấy được sự vô vọng của những nỗ lực tối đa của lớp nhà Nho hành đạo, nhà Nho trung nghĩa, những người nhân danh những giá trị cao quý nhất của quốc gia dân tộc cuối thế kỉ XIX. Đó là một tất yếu. Nếu không thấy hết được sự bế tắc về phương hướng, đường lối của giai đoạn cuối thế kỉ XIX thì không thể nhận thấy hết được tính cấp thiết phải có một con đường yêu nước kiểu khác, một hành xử kiểu khác. Chính những bế tắc của lịch sử, những khủng hoảng của lịch sử đã làm cho những người tìm tòi có một nghị lực hết sức ghê gớm trong chuyện đó.

Vậy thì những phong trào yêu nước đầu thế kỉ trước hết là cuộc tìm kiếm một con đường khác với lớp sĩ phu văn thân cuối thế kỉ XIX?

Đúng vậy. Cần phải thấy rằng những nỗ lực của những người như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng hay các phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX là ánh hồi quang của một hành xử đã đến lúc phải chấm dứt. Dẫu vậy, cũng phải thấy rằng quán tính lịch sử là hết sức lớn. Nó thể hiện ra ở Phan Bội Châu và những người yêu nước tuy có chí lớn nhưng tư duy chính trị không thể thay đổi được bao nhiêu.

Nhưng Phan Bội Châu là người có tiếp nhận các Tân thư.

Đúng, Phan Bội Châu có đọc Tân Thư. Ông chủ trương đấu tranh vũ trang là dựa trên một số những yếu tố mới hơn so với giai đoạn trước : dựa vào Tân thư, dựa vào tính toán (có phần ảo tưởng) hướng về những quốc gia “đồng chủng đồng văn” như Nhật Bản và Trung Quốc. Nhưng liệu những yếu tố đó có đủ làm nên một kiểu nhà yêu nước, nhà cách mạng kiểu mới hay không? Không hẳn. Cái học của Phan Bội Châu vẫn là cái học theo lối Chiến Quốc sách nghĩa là nặng về trí mưu, cái thuyết phục của ông khi bôn ba hải ngoại là theo lối biện sĩ. Hãy nhớ rằng một trong những nhân vật mà Phan Bội Châu đam mê suốt đời là Trương Lương. Nhưng cái mẫu hình ấy nặng phần mưu lược hơn phần một con người với khả năng hình thành nên một đường lối, một hệ vấn đề chặt chẽ, hệ thống. Tất cả chỉ là những “thủ đoạn”. Hơn thế nữa, cũng phải thấy rằng, Tân thư cũng chính là một yếu tố dễ gây ảo tưởng. Ảo tưởng rằng nó có thể giải quyết được mọi chuyện. Ở Việt Nam, Tân thư có thể gây nên một phong trào, một làn sóng, hay một lí tưởng, nhưng, hãy nhớ rằng, Tân thư thất bại ngay chính tại nơi nó được sinh ra, Trung Quốc. Không những thế, Phan Bội Châu lại tiếp nhận Tân thư chủ yếu ở phương diện dân tộc chủ nghĩa và những nhân cách được thể hiện qua Tân thư. Cái hạn chế của Phan Bội Châu chính là ở chỗ đó.

Vậy thì có thể thấy, cho đến Phan Bội Châu, những đòi hỏi của lịch sử vẫn chưa tìm được lời giải đáp đầy đủ?
Đúng vậy. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, lịch sử đặt ra một nhiệm vụ kép: chủ quyền dân tộc và tiến bộ xã hội. Con đường của Phan Bội Châu chỉ là một đáp án cho vế thứ nhất. Thế nên nó bất toàn và bộc lộ những hạn chế. Phan Châu Trinh nhận thấy được điều đó. Ông cũng đọc Tân thư nhưng ông cảm được cái nội dung dân chủ trong tân thư. Trực giác của ông về vấn đề tiến hóa xã hội của ông mạnh hơn Phan Bội Châu. Cái cao cả của Phan Bội Châu và được cộng hưởng bởi số đông là ý thức về vấn đề dân tộc. Cái cao cả của Phan Châu Trinh là ông biết có nghệ thuật chờ đợi và chịu được những mặt trái, đúng ra, cái khó khăn của sự chờ đợi, ông giải quyết được vấn đề tâm thế lịch sử, thuyết phục được những người đang còn bầu máu nóng hiểu được rằng là không thể chết một cách vô nghĩa. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tinh thần “thiết huyết” kiểu Phan Bội Châu, tinh thần ấy vẫn được những nhà cách mạng lớp sau, đặc biệt là những người cộng sản kế tục. Hãy nhớ rằng nếu không có sự tác động bằng máu thì chủ nghĩa thực dân còn lâu mới có thể sụp đổ. Vấn đề là chỉ máu thôi, không đủ. Và con đường của Phan Châu Trinh chính là một sự bổ sung cho con đường yêu nước kiểu thiết huyết của Phan Bội Châu.
Hơn nữa, cũng phải thấy, cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nền chính trị của nước Pháp bị giao động giữa đế chế và cộng hòa. Trong những chính sách liên quan đến thuộc địa, họ bị giằng co giữa một chủ nghĩa thực dân triệt để và tinh thần cộng hòa, cánh tả tinh thần xã hội chủ nghĩa. Ngay cả những người Pháp sang Đông Dương cũng có nhiều thành phần: những kẻ phiêu lưu, những thương nhân, giới sĩ quan hải quân và cả những trí thức. Và nhiều người trong số những “ông quan thuộc địa” đó không dễ gì từ bỏ những lí tưởng cộng hòa của mình. Các nhân vật của lịch sử rơi vào tình huống bi kịch là vừa muốn giải quyết dứt thuộc địa và sau đó khai thác trên tinh thần chủ nghĩa đế quốc, mặt khác là sự lôi kéo của chủ nghĩa nhân văn. Đó là cơ hội để những người như Phan Châu Trinh xướng lên con đường Duy tân.

Có vẻ như chúng ta đang làm một sự so sánh.

Không hoàn toàn như vậy. Đúng ra là một đối chiếu. Tôi đã nói đến cái khác biệt giữa Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đồng thời cũng chính là hai dòng chủ lưu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Không nên tuyệt đối hóa một trong hai khuynh hướng. Tôi đã nói “thiết huyết” cũng có vai trò lịch sử của nó và Phan Châu Trinh cũng có những hạn chế lịch sử của ông. Suy cho cùng, cái mà các ông xuất phát đều chỉ là Tân thư. Vậy thì dù cách mà các ông tiếp nhận tân thư có thể khác nhau nhưng các ông cùng bị Tân thư quy định. Đừng nghĩ rằng cả Phan Châu Trinh có viễn kiến quá sáng suốt, quá xa. Đành rằng đối với vấn đề dân chủ hóa, ông sáng suốt hơn những người cùng thế hệ nhưng mọi điều với ông cũng chỉ là những trực giác, ông giải bài toán thời đại trên cơ sở những điều ông có chứ không phải trên cơ sở những cái mà lịch sử đòi hỏi.

Như vậy, có thể thấy rằng cuộc phong trào yêu nước hồi đầu thế kỷ XX là một phong trào “hai trong một”.
Đúng vậy. Nó là một phong trào yêu nước nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng xã hội. Cuộc cách mạng hồi đầu thế kỉ không chỉ giải quyết các vấn đề của tồn tại dân tộc mà cả các vấn đề về tồn tại xã hội. Duy tân đã trở thành khẩu hiệu chung của cả thời đại. Đầu thế kỉ này không chỉ có cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn có một phong trào cách mạng văn hóa với nội dung tự phản tỉnh xã hội hết sức mạnh mẽ. Hàng loạt yếu tố của xã hội dân sự đã hình thành cùng với giai đoạn này: các hội đoàn có tính tự nguyện và sự tham gia của nó vào mọi mặt của đời sống xã hội, kể cả các hoạt động chính trị, một phong trào dân chủ hóa, sự khởi đầu của trào lưu nữ quyền… Hãy nhớ rằng, cho đến nay, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đặt ra từ thời Duy tân.

Như vậy, rõ ràng, phong trào yêu nước hồi đầu thế kỉ là một phong trào phức tạp về chủ trương. Ngoài ra, hình như còn có cả tính phức tạp về khu vực địa lí?

Điều đó có. Có thể thấy nổi lên mấy khu vực chủ yếu: vùng Nghệ Tĩnh, đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và Nam Ngãi. Nhìn lại thì thấy địa phương phức tạp nhất là Nghệ Tĩnh. Ở Nghệ Tĩnh vẫn có cả khuynh hướng ôn hòa như Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế lẫn khuynh hướng “thiết huyết”. Tất nhiên, thiết huyết ở Nghệ Tĩnh là khuynh hướng chính. Nét đặc biệt của khu vực này là tính quyết liệt. Hơn nữa, đây lại là địa phương có truyền thống khoa bảng và công hầu mà không một địa phương nào có được. Chính vì vậy, tính cách cực đoan của phong trào yêu nước ở khu vực này là rất cao. Nam Ngãi cũng có nét nào đó giống với Nghệ Tĩnh nhưng không thể có được điểm tựa vào truyền thống như ở Nghệ Tĩnh. Ở Nam Bộ và Bắc Bộ tính chất mềm dẻo của các khuynh hướng cao hơn. Ở hai khu vực này, phong trào yêu nước không mang tính “thuần Nho” như ở Nghệ Tĩnh. Sự tham gia của các nhân vật tân học phi Nho giáo cũng nhiều hơn. Ở miền Bắc, màu sắc cách mạng văn hóa với các hoạt động văn hóa xã hội gần như là chủ lưu. Trong khi đó ở miền Nam, là hệ quả của đường lối cai trị của các chúa Nguyễn, tính chất thực dụng lại rất cao. Chính vì vậy, những hoạt động Duy tân gắn với phát triển thương mại cũng thành công hơn ở miền Nam. Tất nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh lại là những khác biệt địa phương này là có nhưng không nên tuyệt đối. Hơn nữa, đây là sự khác biệt về đường lối chứ không phải là về tinh thần yêu nước.

Ta đã nói đến bản chất và tính phức tạp của Duy tân, vậy theo ông, hạn chế lịch sử của phong trào này là gì?
Đó chính là tính khả thi. Ngay cả Phan Châu Trinh cũng thế thôi. Như trên tôi đã nói, tất cả họ đều bị giới hạn bởi Tân thư. Cả khuynh hướng “thiết huyết” lẫn con đường Duy tân đều không khả thi. Mà tôi lại phải nhấn mạnh lại là bản thân Tân thư, dù có được tiếp nhận đầy đủ đi chăng nữa, cũng không đủ để hình thành nên một hệ tư tưởng. Toàn bộ diễn biến xã hội Việt Nam truyền thống và sự cai trị của triều Nguyễn là ngược với tiến bộ xã hội chính vì vậy những trí thức sinh ra từ cái xã hội đó dù sao, vẫn khó mà có thể hiểu được Tân thư. Hiểu biết của họ về một mô hình xã hội cao hơn xã hội chuyên chế phương Đông là hạn chế. Hơn nữa, dân chủ hóa cũng là một quá trình đòi hỏi phải có một vận động xã hội lâu dài với cuộc đấu tranh liên tục giữa người dân và chính quyền. Nó không phải là cái có thể một sớm một chiều có thể diễn ra được, đặc biệt là trong xã hội thuộc địa. Nói một cách hình ảnh thì những phong trào này đã đặt ra vấn đề nhưng không thể giải quyết được vấn đề. Đúng ra là những hệ vấn đề. Ý thức được điều này rất quan trọng cho việc đánh giá các nhân vật lịch sử. Đừng nên tuyệt đối hóa một chiều họ để rồi sẽ dẫn đến bất công trong đánh giá hoặc đề cao quá mức, duy tâm và duy ý chí.

Ta hãy nói đến tính liên tục từ Duy tân, Đông du đến những phong trào yêu nước giải phóng dân tộc tiếp theo. Có hay không tính liên tục này.
Chúng ta hãy lưu ý đến một loạt chi tiết. Hãy nhớ lại mối quan hệ đặc biệt giữa Nguyễn Ái Quốc và Phan Châu Trinh trong giai đoạn ở Pháp trong những năm 1910. Hãy nhớ rằng khi Nguyễn Ái Quốc trở về Trung Quốc, giữa Phan Bội Châu và ông đã có những trao đổi thư từ và trong một bức thư mà cho đến nay vẫn còn trong văn khố ở Aix en Provence (Pháp), Phan Bội Châu gần như đã gửi gắm lại toàn bộ sứ mạng “bảo quốc tồn chủng” cho Nguyễn Ái Quốc. Và cũng hãy nhớ lại mối quan hệ cực kì gắn bó của nhiều yếu nhân trong Quốc dân Đảng với Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu thành lập. Vậy thì tính liên tục từ Duy tân, Đông du đến những phong trào giải phóng dân tộc tiếp theo là không thể phủ nhận.

Nhưng họ đã tiếp nhận được gì từ những bậc tiền bối?
Tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc gần như một hằng số. Và cả cái truyền thống “thiết huyết” kiểu Phan Bội Châu. Vấn đề là họ đã phát huy điều đó như thế nào. Không thể phủ nhận Việt Nam Quốc dân Đảng từ cuối những năm 20 cho đến Cách mạng tháng tám là một Đảng phái có tinh thần dân tộc. Tinh thần ấy đã thể hiện tất cả sức mạnh và vẻ đẹp trong khởi nghĩa Yên Bái. Sau Yên Bái, tinh thần dân tộc vẫn được duy trì nhưng trước hết, Quốc dân Đảng không có được một thiên tài chính trị như Hồ Chí Minh. Thứ hai, Quốc dân Đảng không đủ khả năng tìm ra một sự kết hợp giữa tinh thần dân tộc với một lí thuyết cách mạng tiên tiến của thời đại để trở thành một cương lĩnh vừa phù hợp với nền tảng văn hóa Việt Nam vừa đáp ứng được những yêu cầu cách mạng như những người cộng sản. Sự mềm dẻo, khả năng ứng biến và khả năng luôn luôn tự điều chỉnh là một nét độc đáo của thiên tài Hồ Chí Minh. Người đã kết hợp được một cách hết sức mềm dẻo chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng cộng sản và đó hoàn toàn không phải là một con đường bằng phẳng. Ông đã bảo vệ được sự kết hợp này ngay cả trong những giai đoạn phức tạp nhất của phong trào cộng sản quốc tế.

Như vậy có thể nói thắng lợi của những người Cộng sản năm 1945 là một kế tục sáng tạo những nhà Nho yêu nước đầu thế kỉ?

Đúng vậy.

Xin được cảm ơn ông.

PV.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)