Edvard Grieg

“Những nhạc sỹ như Bach hay Beethoven đã tạo dựng nên những đền đài vĩ đại của nghệ thuật. Còn tôi, tôi chỉ muốn xây những căn nhà cho người dân của tôi ở, và họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái vì được sống trong chính ngôi nhà của mình”.

Câu nói của Edvard Grieg cũng mộc mạc và dung dị như chính âm nhạc của ông- Nhà soạn nhạc Na Uy đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, được yêu thích trên toàn thế giới như: Concerto cho Piano giọng La thứ, Tổ khúc giao hưởng Peer Gynt, Sonata cho Violin và Piano, Tổ khúc Holberg, tiểu phẩm cho dàn nhạc mang tên Mùa xuân cuối cùng….
Edvard Grieg sinh ngày 15 tháng 6 năm 1843 ở Bergen, Na Uy. Sự nghiệp của Grieg bắt đầu từ mùa thu năm 1858, khi mới 15 tuổi, cậu đến học âm nhạc ở nhạc viện Leipzic. Thầy giáo của cậu, E.F. Wenzel là một trong những nhà sư phạm âm nhạc danh tiếng nhất châu Âu. Bốn năm sau, cậu rời nhạc viện, chính thức trở thành nhạc công và nhà soạn nhạc. Sau đó, Grieg sống ở Copenhagen, được sự chỉ bảo và khuyến khích của nhà soạn nhạc Đan Mạch nổi tiếng Niels W. Gade, Grieg đã sáng tác một bản giao hưởng đầu tay. Tác phẩm được trình diễn vài lần, nhưng sau này Grieg đã không chấp nhận nó, ông đã viết vào tổng phổ của bản giao hưởng là: “Đừng bao giờ trình diễn”. Tuy nhiên, vài năm sau, bản giao hưởng lại được trình diễn, và về sau nó còn được thu âm nữa. Harald Herresthal, giáo sư thuộc viện hàn lâm âm nhạc Oslo viết rằng: “Chẳng có gì phải ngượng ngùng về tác phẩm này cả, nó đem lại cho thính giả ngày nay một cái nhìn rộng hơn về quá trình phát triển âm nhạc và nghệ thuật của Grieg”.

 
Ngôi nhà của Edvard Grieg

Bản giao hưởng này đã đánh dấu sự phát triển về kỹ năng và kỹ thuật sáng tác của Grieg. Những tác phẩm tiếp theo, bản Sonata cho Piano và Sonata cho Violin và Piano Op.8 viết năm 1865 đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao và chúng cũng được xếp vào danh sách các tác phẩm nổi bật của Grieg.
Ban đầu, Grieg còn chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Đức, nhưng ý thức dân tộc đã lớn dần trong ông, và ông nhận ra rằng, cần phải phát triển một phong cách âm nhạc điển hình của Na Uy. Ở Copenhagen, Grieg đã gặp người đồng hương Rikard Nordraak (1842-1866), một nhà soạn nhạc theo chủ nghĩa yêu nước, sử dụng âm nhạc dân gian Na Uy là chất liệu chính để sáng tác. Tuy Nordraak không đạt đến trình độ như Grieg nhưng đã mở ra một con đường đầy triển vọng cho sự phát triển âm nhạc dân tộc.
Khi Grieg định cư ở Christiania (bây giờ là Oslo) năm 1866, ông cũng chịu ảnh hưởng của Otto Winter Hjelm (1837-1931), nhà soạn nhạc này đã thấy rõ được phương pháp để biến những giai điệu dân tộc thành âm nhạc ở trình độ cao. Cũng cần phải nhắc đến một nhân vật nữa, đó là Ludvig Mathias Lindeman, người này có cả một bộ sưu tập các giai điệu dân gian Na Uy, đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển âm nhạc của Grieg.
Với mong muốn được sống như một nhạc sỹ ở Na Uy, ban đầu, Grieg chủ yếu là chơi piano và dạy nhạc ở Oslo. Chỉ vào thời gian nghỉ hè, Grieg mới sáng tác, nhưng vào những năm này, ông đã bộc lộ một khả năng làm việc rất say mê. Mùa thu năm 1868, Grieg hoàn thành tác phẩm trứ danh đầu tiên của ông, bản Concerto cho Piano giọng La thứ. Tác phẩm này nổi tiếng đến mức, có những lúc nó còn đại diện cho cả đất nước Na Uy. Mặc dù vẫn mang khuôn mẫu và hình thức chung của âm nhạc châu Âu, nhưng Grieg đã rất thành công khi đưa vào bản Concerto những yếu tố của âm nhạc dân gian Na Uy cùng với những hình ảnh đặc trưng về thiên nhiên và con người Na Uy qua cái nhìn trìu mến của nhà soạn nhạc. Phong cách của ông đã trở nên đồng nhất với tâm hồn âm nhạc Na Uy.

“Âm nhạc của Grieg giàu chất thương cảm đắm đuối, mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên Na Uy, khi thì ảm đạm, khiêm nhường, khi thì hùng vĩ, tráng lệ, có một sức quyến rũ không tả xiết, và luôn tìm thấy trong mỗi chúng ta một lời đáp đồng tình nồng nhiệt”.
P. Tchaikovsky

Tài năng và cảm hứng sáng tác của Grieg được lớn lên qua những hình ảnh, âm thanh của phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người xung quanh ông. Người viết tiểu sử đầu tiên của Grieg, Aimer Gronvold đã kể rằng Grieg có một căn lều gỗ ở gần vịnh Lofthus, ông vẫn đến sống ở đó vào mùa hè, đôi khi cả mùa đông nữa, để tìm kiếm sự yên tĩnh và thanh bình phục vụ cho công việc sáng tác. Giữa cái sân khấu hùng vĩ và khoáng đạt của tự nhiên, Grieg đặt một cây đàn piano và bàn viết, ông chơi nhạc giữa núi rừng, giữa muông thú, âm nhạc của ông đến từ những tình cảm sâu sắc nhất về làng quê nông thôn Na Uy. Gronvold đã kết luận rằng “Có một mối quan hệ thắm thiết và không giải thích được giữa những mảnh đất Grieg đã sống và âm nhạc mà ông tạo ra”. Khi nghe nhạc của Grieg, ta có thể cảm nhận thấy những ánh nắng ấm áp, những hơi thở tươi mát của làn nước trong xanh, sự ẩn hiện của những dòng sông băng lấp lánh, vẻ hùng vĩ của những dãy núi đá dựng đứng và cuộc sống thanh bình, êm ả bên bờ vịnh của mảnh đất miền Tây Na Uy, nơi Grieg đã sinh ra và suốt đời yêu mến nó.
Đằng sau hình ảnh lãng mạn và thanh thản về một nhà soạn nhạc, trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Grieg cũng phải luôn luôn phấn đấu, làm việc miệt mài, cật lực, chịu đựng khó khăn và vượt qua những thất bại. Hồi còn học ở Đức, ông đã phải chống chọi với căn bệnh viêm màng phổi nghiêm trọng và dai dẳng. Vào những năm 1860, ông đã vừa làm nhạc trưởng, vừa dạy nhạc, vừa biểu diễn để kiếm sống và gánh vác gia đình. Sự lo toan về kinh tế chỉ chấm dứt khi ông được chính phủ Na Uy trợ cấp suốt đời, giúp ông chuyên tâm sáng tác. Việc từ chối đi theo trường phái Mendelssohn, được coi là trường phái lãng mạn chính thống, để đi theo khuynh hướng dân tộc cũng đã gây cho Grieg những khó khăn trên con đường khẳng định tiếng nói âm nhạc của mình. Ban đầu, âm nhạc của ông tỏ ra lạc lõng và thiếu chính thống trong môi trường âm nhạc châu Âu. Âm nhạc của ông được nhìn nhận là đơn giản, cho nên 10 tuyển tập các tiểu phẩm trữ tình viết cho piano của ông bấy giờ đã chỉ được người châu Âu ưa thích như những tác phẩm biểu diễn ở nhà. Cũng có thể coi là một niềm an ủi đối với Grieg khi người ta gọi ông là “Chopin của Bắc Âu”. Có lẽ bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của Grieg là khi Henrik Ibsen mời ông viết nhạc cho vở “Peer Gynt”. Đây không phải là công việc dễ dàng đối với Grieg, nhưng phần âm nhạc mà ông viết nên đã trở thành tác phẩm nổi bật nhất trong những năm 1870.

Grieg đã vẽ tranh với những nốt nhạc, ông vẽ con người, cảnh vật, và những tâm hồn Na Uy. Trong Tổ khúc Peer Gynt bất hủ, Grieg đã nắm bắt được ánh ban mai của mặt trời, sự than khóc của cái chết, và hình ảnh của một buổi đi săn trong “Hang động của Vua Núi”. Các tác phẩm của ông chứa đựng cái mà ngày người ta gọi là “những giai điệu”. Khi Grieg và vợ ông, Nina, dạo qua những con phố ở Bergen, những đứa trẻ đi theo họ ở đằng sau, chúng huýt sáo những giai điệu này, để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với một nhà soạn nhạc vĩ đại. Trong những thế kỷ sau này, chắc chắn những bản nhạc của Grieg sẽ vẫn tiếp tục được người ta huýt sáo và ngân nga cũng như được trình diễn bởi những dàn nhạc danh tiếng trên toàn thế giới.

Năm 1874, Grieg được nhận giải thưởng trợ cấp để chuyên tâm sáng tác, ông trở về nhà ở Bergen. Không còn phải lo toan về kinh tế, Grieg tiếp tục hoàn thiện và nâng cao trình độ sáng tác của mình. Hai tác phẩm đầy tham vọng là Ballad giọng Sol thứ cho piano và tứ tấu đàn dây được sáng tác vào thời gian này đã phản ánh sự quyết tâm của Grieg, muốn đạt đến sự hoàn hảo cả về hình thức lẫn nội dung. Trong những năm sau này, Grieg sáng tác chậm dần. Những tác phẩm cuối cùng của ông là những Vũ khúc Na Uy cho piano song tấu và tổ khúc Holberg nổi tiếng viết cho đàn dây. Từ 1880 đến 1882, Grieg chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Bergen, nhưng sau này, ông đã từ bỏ tất cả những chức vụ của mình.
Grieg đã có dự định tham dự Festival âm nhạc rất có uy tín ở Leeds, nhưng ông mất đột ngột vì bệnh tim vào ngày 4 tháng 9 năm 1907 tại quê nhà.

Ngọc Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)