ERIK SATIE: Một đời lập dị

Erik Satie (1866-1925) được các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc ngợi ca vì đã có công mở đường tới chủ nghĩa tối giản trong âm nhạc cổ điển từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Các sáng tác cho piano của ông, nổi tiếng nhất là tổ khúc Gymnopédies (1888) và tổ khúc Gnossiennes (1893), đóng vai trò lĩnh xướng cho các thử nghiệm của giới soạn nhạc trong suốt thế kỷ 20. Việc Satie yêu thích sự lặp lại trong giai điệu và thay đổi về hòa âm đã giúp hình thành nền tảng cho trường phái New York (bao gồm Cage, Feldman, Wolff...) và trường phái tối giản Bờ Tây (bao gồm Terry Riley, Steve Reich). Thậm chí có thể thấy các cấu trúc tác phẩm của ông như A-B-A-B-C-B trong mọi thể loại, từ nhạc jazz thời kỳ đầu đến nhạc pop đương đại. Dù âm nhạc của ông sống vượt thời gian, được yêu thích cho đến tận ngày nay nhưng rất ít người hâm mộ biết về những nét lập dị trong cá tính của ông và càng ít biết hơn đến một số tác phẩm đã khiến ông trở nên “khét tiếng” trong đội ngũ những người đương thời ở Paris hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.


Chân dung Erik Satie do Suzanne Valadon, mối tình duy nhất trong đời của ông, vẽ năm 1893.

1. Tác phẩm có motif lặp lại 840 lần

Đó là Vexations (Những phiền hà, 1893), tác phẩm chứa một tiết nhạc bè trầm duy nhất được đệm bằng những hợp âm ở quãng trên nó. Tác phẩm được cho rằng viết cho đàn phím nhưng bản tổng phổ không chỉ rõ là dành cho nhạc cụ nào. Phía trên khuông nhạc có lời chỉ dẫn như sau: “Để chơi motif [nhạc tố] này 840 lần liên tiếp, mỗi người cần chuẩn bị sẵn sàng, trong sự im lặng thẳm sâu nhất, bằng sự bất động trang trọng.”

Vexations chỉ được biểu diễn trọn vẹn một vài lần. Nổi tiếng nhất là buổi công diễn lần đầu ở New York năm 1963 dưới sự chỉ huy của John Cage.

2. Sáng lập tôn giáo của riêng mình

Những năm 1891-1892, Satie được mời sáng tác cho một giáo phái thần bí do Joséphin Péladan, bạn thân của ông, sáng lập. Sáng tác thời kỳ này của ông ảnh hưởng mạnh mẽ đến tác phẩm của Olivier Messiaen và các nhà soạn nhạc thần bí khác.
Sau khi mối quan hệ cá nhân với Péladan đổ vỡ, Satie tự sáng lập một giáo phái thần bí của riêng mình vào năm 1893 mà cho đến nay, ông vẫn là tín đồ duy nhất.

3. Duy một mối tình

Trong thời gian làm nghệ sĩ piano dự bị tại hộp đêm Le Chat Noir (Con mèo đen) năm 21 tuổi, Erik Satie đã gặp Suzanne Valadon1, cô gái sống trong căn hộ liền kề với căn hộ của ông. Ngay sau lần gặp vào một đêm tháng giêng năm 1893, Satie đã cầu hôn Valadon. Sáu tháng sau đó, họ đã vẽ chân dung nhau và cùng thả thuyền đồ chơi ở Vườn Luxembourg trong khi Satie ngày một dấn sâu hơn vào những thử nghiệm hậu âm điệu (post-tonality).

Suzanne Valadon đột ngột bỏ Satie trong lúc ông đang soạn Vexations. Satie nói rằng sau khi Valadon bỏ đi thì “chẳng còn gì ngoài nỗi cô đơn lạnh lẽo tràn ngập cái đầu trống rỗng”. Đây là mối tình sâu sắc lãng mạn duy nhất mà Satie từng có.

4. Bị bạn bè gọi là Ông Nghèo và luôn mang theo búa để tự vệ

Đến năm 1900, Debussy và Ravel đã rất nổi danh, kèm theo là thành công về tài chính. Trong khi đó, Satie vẫn là một kẻ ngoài cuộc nghèo khó, tiếp tục thể nghiệm ở các hộp đêm và nhà hát tiên phong.

Satie chuyển tới sống tại một khu công nghiệp tồi tàn ở ngoại ô Paris và phải cuốc bộ vài dặm đến các điểm biểu diễn. Người ta thường thấy ông vung vẩy chiếc búa trên đường về nhà, chiếc búa mà ông bảo là mang theo để tự vệ. Cho đến cuối đời, ngay cả khi đã nổi danh hơn, ông vẫn đi đi về về theo lối đó khi vào trung tâm thành phố.

5. 40 tuổi mới tốt nghiệp trường nhạc

Tháng 12/1881, khi mới theo học ở Nhạc viện Paris, Satie bị thầy hướng dẫn Émile Descombes gắn mác “sinh viên lười nhất nhạc viện”. Dù nổi tiếng có trực giác sáng tác nhưng Satie thiếu khả năng thị tấu và các kỹ thuật cần thiết để qua được các lớp đàn phím trung cấp.
Còn chính trong khoảng thời gian bị giảng viên thỉnh giảng Georges Mathias gọi là “vô dụng”, Satie đã sáng tác một vài trong số những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của mình, gồm cả Les Gymnopédies mà tính phức tạp hàn lâm của nó được thay thế bằng sự giản dị và sự nhẫn nại kiểu thiền. Năm 1905, ở tuổi 39, Satie trở lại trường nhạc học tiếp về lý thuyết và kỹ thuật cùng với các sinh viên bằng nửa tuổi mình. Ông tốt nghiệp với kết quả xuất sắc nhất lớp vào năm sau đó.

6. Làm nghệ thuật liên ngành từ khi nó chưa được gọi tên

Năm 1917, Satie công diễn lần đầu tác phẩm Parade, một vở ballet tổng hòa trong đó cả nhạc sống, vũ điệu, thi ca, nghệ thuật thị giác, thiết kế sân khấu và thời trang. Nhiều người xem đây là tác phẩm đầu tiên được biểu diễn để vượt thoát khỏi những khuôn mẫu kiểu Wagner về trình diễn hòa nhạc.

Parade cũng nổi bật bởi đội ngũ chuyên nghiệp thực hiện nó – thi sĩ/nghệ sĩ Jean Cocteau viết lời và Pablo Picasso thiết kế sân khấu. Trong khi được nhiều người thuộc giới nghệ sĩ Pháp thời đó ca ngợi, buổi công diễn ra mắt vẫn kết thúc bằng một vụ náo loạn bên ngoài phòng hòa nhạc. Satie còn bị kiện ra tòa do dùng lời lẽ xúc phạm nhà phê bình Jean Poueigh, người đã nhận xét không hay về vở diễn, và phải vào khám tám ngày.

7. Chế độ ăn kỳ quái

Chẳng còn lời nào để nói về đề tài đã được chính Erik Satie nói đến trong Hồi ức của một kẻ mất trí nhớ (1912):

“Đồ ăn của tôi chỉ bao gồm những thực phẩm màu trắng: trứng, đường, xương sườn, mỡ động vật chết, thịt bê, muối, dừa, thịt gà nấu trong nước trắng, hoa quả mốc, cơm, củ cải, xúc xích ướp long não, bánh bao, pho mát (những loại màu trắng), salad trộn kem tươi và một số loại cá nhất định (bỏ da). Tôi đun rượu lên và uống lạnh sau khi pha với nước ép hoa vãn anh. Tôi ăn rất ngon miệng nhưng chưa bao giờ nói chuyện trong khi ăn vì sợ bị nghẹn.”

8. Chưa bao giờ tự coi mình là nhà soạn nhạc hay nhạc công

Không rõ lý do chính xác vì sao nhưng Satie thấy thuật ngữ “phonometrographer” (tạm dịch: nhà khảo âm, với nghĩa đo và chép lại âm thanh) phù hợp để chỉ nghề nghiệp của mình:

“Mọi người sẽ nói với bạn rằng tôi không phải là nhạc công. Đúng rồi. Ngay khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi đã xếp mình vào dạng phonometrographer. Công việc của tôi hoàn toàn mang tính khảo sát âm thanh. Hãy nghe các tác phẩm Fils des Etoiles, Trois Morceaux en Forme d’une Poire, En Habit de Cheval hoặc Sarabandes của tôi – rành rành là các ý tưởng âm nhạc không đóng bất cứ vai trò nào trong việc sáng tác chúng. Khoa học là yếu tố chủ yếu… Tôi nghĩ tôi có thể tuyên bố rằng âm vị học quan trọng hơn âm nhạc. Nó đa dạng hơn. Lợi ích về tài chính cũng lớn hơn, tôi hàm ơn nó vô cùng. Ở bất kỳ sự kiện nào, với một chiếc máy motodynaphone [dùng để đo và chép lại âm thanh], thậm chí một phonometrologist thiếu kinh nghiệm cũng có thể dễ dàng ghi được nhiều âm thanh hơn nhạc sĩ lành nghề nhất trong cùng một thời gian. Đây chính là cách để tôi có thể viết [nhạc] rất khỏe. Và vì thế tương lai nằm ở công nghệ khảo âm.” (Hồi ký của một kẻ mất trí nhớ, 1912)

Đó là những lời huyên thuyên của một nghệ sĩ say rượu hay một tiên đoán uyên thâm về tương lai của âm nhạc?

9. Sáng tạo ra “nhạc nền” trước khi nó được thừa nhận

Đặt ra khái niệm âm nhạc nội thất, Satie hàm ý một trải nghiệm hòa nhạc nơi khán giả cố ý phớt lờ những người biểu diễn. Âm nhạc “như giấy dán tường”, khán giả không chủ ý nghe trong khi nhóm biểu diễn ngồi rải rác khắp khán phòng.
Năm 1902, Satie và nhóm biểu diễn của ông ra mắt âm nhạc nội thất trong một phòng trưng bày nghệ thuật ở Paris. Trước đó, ông đã năn nỉ khán giả của mình lờ đi, coi như không có màn biểu diễn sắp tới. Bất chấp nỗ lực của ông, khán giả vẫn trật tự một cách lịch sự khi buổi biểu diễn bắt đầu.

Các khái niệm về nhạc ambient [thể loại nhạc có thể gợi nên cảm giác về “bầu không khí”, tạo ra nhiều cấp độ về chú ý khi nghe mà không cần bất cứ sự thúc ép nào], tác phẩm sắp đặt âm thanh và ngay cả muzak [một nhánh của nhạc nền, thường được chơi ở các cửa hàng bán lẻ] hay nhạc hành lang đều bắt rễ từ âm nhạc giấy dán tường của Satie. Chúng ta đã chứng kiến âm nhạc nội thất đi từ một buổi biểu diễn thể nghiệm đến một hiện tượng tất yếu dù chúng ta có thừa nhận nó hay không.

10. Cuộc sống thường ngày không bình thường

“Tôi dậy lúc 7:18; lấy cảm hứng từ 10:23 đến 11:47. Tôi ăn trưa lúc 12:11 và rời khỏi bàn ăn lúc 12:14. Một chuyến đi lành mạnh trên lưng ngựa vòng quanh lãnh địa của tôi từ 1:19 đến 2:53 chiều. Một đợt lấy cảm hứng khác từ 3:12 đến 04:07. Từ 4:27 đến 6:47 chiều làm các việc khác nhau (đấu kiếm, ngẫm nghĩ, bất động, thăm viếng, trầm tư, luyện tay, bơi lội, v.v)”

“Bữa tối được phục vụ lúc 07:16 và kết thúc lúc 07:20. Từ 8:09 đến 9:59 tối đọc giao hưởng (thành tiếng). Tôi thường đi ngủ lúc 10:37 đêm. Mỗi tuần một lần, tôi thức dậy với một cú giật mình lúc 03:19 (thứ Ba).”

“Tôi thở một cách chú tâm (mỗi lần một chút). Tôi rất hiếm khi khiêu vũ. Khi đi bộ, tôi ép chặt tay hai bên sườn và đều đặn nhìn lại phía sau.”

“Biểu cảm của tôi rất nghiêm túc; khi tôi cười to thì đó không phải là cố ý và tôi luôn xin lỗi một cách lịch sự nhất.”

“Tôi ngủ mà chỉ nhắm một mắt, rất sâu giấc. Giường của tôi hình tròn, với một cái lỗ để đưa đầu qua. Mỗi giờ một lần, người đầy tớ lấy nhiệt kế của tôi ra và cặp cho tôi một cái khác.”

“Bác sĩ của tôi luôn bảo tôi hút thuốc. Một phần lời khuyên của ông vẫn được lưu truyền: ‘Nhả khói đi, anh bạn; nếu anh không nhả thì người khác sẽ nhả’.”

11. Những chiếc ô

Khi Satie qua đời, bạn bè và gia đình ông mới bước vào căn hộ nơi không ai lui tới đã nhiều năm của ông và phát hiện có hơn 100 chiếc ô chồng chất hỗn loạn giữa những vật dụng khác.

Ngọc Anh dịch
———
Tác giả bài viết là nhạc công, nghệ sĩ âm thanh, người sáng lập start-up phi lợi nhuận Sonic Arts For All!, hiện sống ở New York.
1 Suzanne Valadon (1865-1938): người mẫu và họa sĩ người Pháp, là nữ họa sĩ đầu tiên được nhận vào Hội mỹ thuật Quốc gia Pháp.

 

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)