Fanfiction của fan, do fan và vì fan

Trước khi chính thức được xuất bản, 50 Sắc thái vốn là một tác phẩm fanfiction của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Twilight - Chạng vạng (tác giả Stephenie Meyer). Vậy fanfiction là gì? Liệu đây chỉ là những sản phẩm giải trí rẻ tiền hay còn có giá trị sáng tạo nào khác?


Mấy ai biết được tác phẩm cực kì ăn khách 50 Sắc thái chính là fanfic của bộ tiểu thuyết cũng gây bão không kém là Twilight – Chạng vạng? Ảnh: Empire.com

Một sản phẩm tất yếu từ văn hóa hâm mộ (fan culture)

 

Fanfiction hay Fanfic là một khái niệm chỉ các sáng tác dựa trên các nhân vật giả tưởng trong các tác phẩm hư cấu (tiểu thuyết, phim ảnh, trò chơi điện tử, kịch…) được yêu thích, do fan (người hâm mộ) của các tác phẩm đó tạo ra. Hiện nay, fanfic đã mở rộng hơn, không chỉ về các nhân vật giả tưởng mà còn cả những người nổi tiếng, đặc biệt là thành viên các nhóm nhạc, diễn viên…

Fanfiction lần đầu được nhắc tới trong các ấn bản vào năm 1939. Khái niệm này cũng xuất hiện trong cuốn Bách khoa toàn thư Fancyclopedia (1944) về các hoạt động và sáng tạo của fandom (cộng đồng người hâm mộ của một tác phẩm hay nghệ sĩ, người nổi tiếng bất kỳ). Fanfic bắt đầu phổ biến rộng rãi từ những năm 60, nhờ hoạt động mạnh mẽ của fandom Star Trek, một thương hiệu phim khoa học viễn tưởng đình đám của Mỹ, với dấu mốc là cuốn tạp chí do fan tự sản xuất (fanzine) mang tên Spockanalia* (1967).

Hiểu một cách đơn giản, fanfic đặt các nhân vật quen thuộc vào một kịch bản khác, có thể tiếp nối câu chuyện trong tác phẩm gốc hoặc kể mới hoàn toàn. Như trường hợp của 50 Sắc thái, trước khi được xuất bản với tư cách một tác phẩm độc lập, đó là fanfic về cô Bella Swan (sau đổi tên thành Anastasia “Ana” Steele) và anh Edward Cullen (sau đổi tên thành Christian Grey), hai nhân vật chính của tiểu thuyết Chạng vạng. Nhưng trong câu chuyện này, anh Edward không còn là ma cà rồng mà hóa một vị CEO trẻ tuổi, tài giỏi, giàu có, đẹp trai, còn Bella không còn là học sinh cấp 3 mà đã thành một cô phóng viên. Bộ sách được đánh giá là giữ nguyên tới 89% phiên bản fanfic ban đầu.

Năm 2011, tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết gợi tình 50 Sắc thái (Xám – Đen – Tự do) ra mắt, tạo nên một làn sóng dữ dội với nhiều tranh cãi trái chiều về chất lượng. Tính tới 2021, bộ tiểu thuyết này đã bán được hơn 165 triệu bản trên toàn thế giới, dịch ra 52 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Bộ sách cũng được chuyển thể thành ba phần phim điện ảnh cùng tên. Cơn sốt này đã giúp E.L.James bỏ túi tới 95 triệu USD trong vỏn vẹn một năm, trở thành một trong những tác giả có thu nhập cao nhất năm đó.

Đối với fanfic, một tác phẩm khi đến với công chúng, nó không còn chỉ thuộc về tác giả, các nhân vật hư cấu sẽ tự phát triển đời sống riêng. Động lực thúc đẩy tạo ra các sản phẩm này chủ yếu tới từ việc người đọc, người xem chưa thỏa mãn với tác phẩm gốc. Tác phẩm kết thúc rồi mà người hâm mộ vẫn tha thiết muốn được tiếp tục đắm chìm trong thế giới ấy. Hoặc khán giả không đồng tình với cái kết của tác phẩm, bất đồng với cách tác giả phát triển nhân vật. Hay đơn giản hơn là họ quá yêu thích một nhân vật nào đó mà thấy thời lượng, hành trình của nhân vật đó chưa đủ, chưa xứng. Một tác giả, một ekip sản xuất, dù xuất sắc tới đâu cũng sẽ gặp giới hạn nhất định, về khả năng, sức lực, kinh phí đầu tư… và thậm chí cả hứng thú với chính đứa con tinh thần của họ. Trái lại, fanfic là hoạt động sáng tạo tập thể của cộng đồng người hâm mộ, sôi nổi và dài hơi.

Sáng tác fanfic thuận tiện ở chỗ được đi đường tắt; mượn những nhân vật hay, những thế giới đã được tạo dựng chi tiết, xây trên nền những cảm xúc gắn bó sâu sắc sẵn có của người đọc với các nhân vật quen thuộc. Fanfic có thể bám sát tính cách, đặc điểm của các nhân vật gốc, hoặc biến đổi hoàn toàn, còn trùng mỗi… cái tên; cả các sự kiện đã diễn ra trong tác phẩm gốc, cũng có thể giữ nguyên hoặc thay đổi. Những đặc điểm, sự kiện gốc, các mối quan hệ được tác giả hay nhà sản xuất công nhận được gọi là canon.  Những thay đổi khác trong fanfic được gọi là non-canon hoặc fanon.

Định dạng phổ biến nhất của fanfic là văn viết, có độ dài từ vài câu cho tới cả bộ tiểu thuyết, thường được đăng tải, chia sẻ miễn phí trên mạng (kể từ khi bùng nổ internet). Ngoài ra còn có một số biến thể khác như tranh vẽ – fanart, truyện tranh, hoạt hình, video, podfic (kịch truyền thanh). Fanfic phong phú với đủ thể loại: tâm lý tình cảm, giật gân, trinh thám, viễn tưởng… cái gì cũng có. Những người viết fanfic cũng trải dài từ dân không chuyên cho tới những người sáng tác chuyên nghiệp, ai cũng có thể tham gia.

Những sân chơi lớn nhất của cộng đồng fanfic có thể kể đến trang fanfiction.net, được thành lập từ 15/10/1998, với hơn 12 triệu thành viên và hàng triệu tác phẩm ở 40 thứ tiếng; Archive of Our Own (AO3) với hơn 4,4 triệu thành viên và gần 9 triệu tác phẩm. Bên cạnh đó, những nền tảng mạng xã hội dành cho cộng đồng thích viết lách nói chung như Wattpad, Commaful, Tumblr, Quotev, Kindle Worlds… cũng phổ biến với fanfic.


Tạp chí Spockanalia do fan của bộ phim Star Trek xuất bản. Ảnh: https://www.worthpoint.com/ 

Điểm khó và nhập nhằng của fanfic là vấn đề bản quyền và cảm xúc, quan điểm của tác giả gốc, nhất là khi một fanfic được xuất bản “chính ngạch” như một tác phẩm nguyên bản. Với những tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ, trở thành public domain thì ai cũng có thể khai thác. Trường hợp còn lại, phần lớn fanfic là miễn phí, nên về lý khó có thể xử phạt tội vi phạm bản quyền. Hầu hết fanfic muốn xuất bản đều phải thay đổi, sửa chữa các chi tiết liên quan tới tác phẩm gốc ban đầu. Một số tác giả, nhà xuất bản thẳng thừng tuyên bố không muốn fan sáng tác fanfic từ các tác phẩm của họ và cộng đồng fanfic nhìn chung tôn trọng điều này. Trên fanfiction.net có hẳn danh sách các tác giả và NXB như vậy để các thành viên tránh. Nếu vi phạm sẽ bị xóa bài.

Ngoài ra, Doujinshi (fanfic dưới dạng truyện tranh) là một trường hợp đặc biệt. Trong quá khứ đã từng có những vụ kiện tụng tranh chấp về các sản phẩm Doujinshi. Hiện tại, Doujinshi được bán hợp pháp ở Nhật, tuy nhiên hạn chế chỉ được bán ở các hội chợ ngắn ngày, không được xuất hiện trên truyền thông chính thống cũng như xuất bản rộng rãi.

 

Hai mặt của FANFICTION

 

Fanfic, về bản chất không khác với phương thức sáng tác retell là bao, kể lại những câu chuyện quen thuộc với bối cảnh mới (gọi là AU/alternative universe, vũ trụ thay thế), với nhiều cú bẻ lái mới… Ngay trong giới sáng tác chuyên nghiệp, việc “xào nấu” lại những ý tưởng, nhân vật không hiếm và thường nằm ở ranh giới mong manh, khó phân định rạch ròi là lấy cảm hứng hay đạo nhái, nhất là trong thời kỳ chưa có luật bản quyền chặt chẽ. Đại văn hào Shakespeare đã viết vở kịch kinh điển Romeo và Juliet (1597) dựa trên sườn một bài thơ dài tới 3.020 câu (1562) của thi sĩ người Anh tên Arthur Brooke. Bài thơ này lại được dựa trên một bản dịch tiếng Pháp của một truyện tiếng Ý của nhà văn Matteo Bandello. Rất là… vòng vèo!


Comicket – hội chợ chuyên bán các Doujinshi. Ảnh: https://manga.tokyo/

Một nhân vật văn học kinh điển có thể coi có rất nhiều “fanfic” chất lượng, chính là thám tử Sherlock Holmes của nhà văn Arthur Conan Doyle. Nổi bật phải kể đến phiên bản phim truyền hình Sherlock (2010) do đài BBC sản xuất. Đặt trong bối cảnh thế kỷ 21, Sherlock Holmes không còn chỉ là một quý ông người Anh lịch lãm mà có thêm những nét tính cách lập dị, khác thường. Biên kịch đã nhặt nhạnh nhiều chi tiết tiêu biểu của các vụ án nổi tiếng trong tiểu thuyết gốc rồi biến tấu cho phù hợp thời hiện đại. Ví dụ, vụ án A study in scarlet trở thành tập mở đầu A study in pink, cách thức gây án vẫn là cho nạn nhân chọn một trong hai viên thuốc, một có độc một không nhưng hoàn cảnh và động cơ phạm tội đã thay đổi. Trong một buổi giao lưu ở Comic-con (18/7/2013), hai biên kịch của phim – Steven Moffat và Mark Gatiss đã thẳng thắn trả lời người hâm mộ rằng: “Chúng tôi viết fanfic mà”; “Nguyên cái phim này là fanfic đấy!”Phim Elementary (2012-2019) của đài CBS cũng có ý tưởng tương tự nhưng không thành công bằng; trong phim bác sĩ Watson được đổi thành một phụ nữ gốc Á. Disney cũng có một phiên bản Sherlock Holmes hóa chuột cực kỳ đáng yêu trong bộ phim hoạt hình Thám tử Chuột vĩ đại – The Great Mouse Detective (1986).

Dễ dàng thấy tác dụng tích cực lớn nhất của fanfic, cũng giống như phương pháp kể lại hay lấy cảm hứng, là kéo dài sức sống của tác phẩm gốc. Nguyên mẫu Sherlock Holmes của Conan Doyle vẫn luôn hay, nhưng Sherlock của BBC lại có thể tiếp cận những nhóm khán giả mới. Vị thám tử này sẽ còn được nhiều thế hệ khán giả về sau biết đến và yêu mến nhờ những phiên bản biến tấu đa dạng. Tương tự, các sáng tác fanfic phi lợi nhuận, không chuyên, tạo ra những cuộc đối thoại không ngừng xoay quanh các nhân vật; nuôi dưỡng cảm xúc, duy trì sự yêu thích của các fan hâm mộ ngay cả khi tác phẩm gốc đã kết thúc từ lâu.  Đọc đi đọc lại, xem đi xem lại tác phẩm gốc cũng là một cách, nhưng trải nghiệm sẽ khó được như lần đầu tiên. Có thêm cái mới luôn tạo ra hứng thú nhất định.

Điểm mạnh nhất đồng thời là vùng xám nhạy cảm của fanfic là không có giới hạn nào cả. Các tác phẩm “chính thống” trên thị trường ít nhất cũng đã qua vài bộ lọc, kiểm soát, đánh giá chất lượng chuyên môn, cân nhắc nội dung… của các đơn vị phát hành. Nhưng fanfic phần lớn là miễn phí thì gần như không có rào cản gì. Mặt tích cực, fanfic có tự do tuyệt đối để thỏa sức sáng tạo, giải trí triệt để. Có những câu chuyện đáng yêu như mối quan hệ giữa cái áo khoác của Sherlock và chiếc gậy chống của bác sĩ Watson (phiên bản Sherlock BBC); hoặc các nhân vật có thể “du hành” khắp không gian, thời gian, thậm chí bay sang cả vũ trụ của các tác phẩm khác; các nhân vật trong manga Nhật Bản – Naruto đi đến Hogwarts học làm phù thủy chẳng hạn (còn gọi là crossover – thế giới giao thoa). Fanfic cũng tạo ra các nhân vật nguyên bản (OC/ original character), tham gia vào câu chuyện cùng những nhân vật gốc.


Series Shelock (2010) đình đám của BBC cũng chính là một tác phẩm fanfic. Ảnh: PBS.  

Fanfic phần nào bù đắp những thiếu hụt ở tác phẩm gốc và thị trường sách hay phim ảnh nói chung, thỏa mãn trí tưởng tượng và cả những “thú vui tội lỗi” của người hâm mộ. Ví dụ như việc ghép đôi các nhân vật (ship/shipping, còn được gọi vui là “đẩy thuyền” các cặp đôi), tạo ra các OTP/one true pairing (chân ái, nhất định thuộc về nhau), hoặc thay đổi giới tính, xu hướng tính dục, thậm chí cả giống loài của nhân vật gốc. Tuy không có con số thống kê cụ thể nhưng ấn tượng phổ biến về fanfic là thể loại tâm lý tình cảm, yêu đương, gợi tình cho tới khiêu dâm chiếm ưu thế. Nhu cầu muốn “đẩy thuyền” của fan rất cao. Ngoài ra, thống kê của trang fanfiction.net cho thấy có 80% thành viên là nữ. Con số này cũng hợp lý với khảo sát của tổ chức Romance Writers of America năm 2021, chỉ có 18% độc giả nam đọc sách thể loại tình cảm. Không riêng fanfic, các tác phẩm tâm lý tình cảm vẫn nghiêng về đối tượng nữ giới hơn.

Trên nhiều diễn đàn bàn luận về vấn đề này, có những ý kiến cho rằng vẫn còn thiếu các tác phẩm chính thống đem tới đủ sự đa dạng và chiều sâu. Ví dụ như tình cảm đồng giới, hay tạo ra những lựa chọn không quen thuộc: Hermione Granger không cưới người bạn thân từ thời đi học Ron Weasley mà lại có mối tình sóng gió với “kẻ thù” một thời Draco Malfoy chẳng hạn.

Quay lại với 50 Sắc thái, trước khi được xuất bản, tác phẩm này đã gây sốt trên fanfiction.net, với hàng chục nghìn bình luận. Dù chất lượng chuyên môn không được đánh giá cao nhưng tác phẩm lại gặt hái nhiều thành công về doanh thu do nội dung phần nào đánh trúng ẩn ức của một bộ phận không nhỏ độc giả và khán giả, nhất là nữ giới. Theo phân tích của nhà văn – nhà hoạt động nữ quyền Jaclyn Friedman (tác giả cuốn sách What You Really Really Want: The Smart Girl’s Shame-Free Guide to Sex & Safety/ Điều bạn thật sự muốn: Cẩm nang hướng dẫn tình dục an toàn – không xấu hổ dành cho những cô gái thông minh), đó là ẩn ức về việc nắm thế chủ động trong tình dục. Trước giờ, phần lớn các tác phẩm gợi tình, gợi dục đều nhắm tới nam giới và nam giới trong câu chuyện nắm quyền. Thế giới fanfic phần nào khỏa lấp chênh lệch trong việc thể hiện những mộng tưởng hết sức bản năng này, không chỉ riêng với 50 Sắc thái. Có lẽ lý do vì fanfic gần như không thông qua bộ lọc nào, không bị ảnh hưởng mấy bởi thiên kiến của thị trường (phải đạt tiêu chí này, tiêu chí kia để bán được sản phẩm). Các tác giả thường chỉ viết theo bản năng, trước nhất để thỏa mãn cá nhân họ.

Mặt khác, fanfic chủ yếu do người hâm mộ không chuyên sáng tác tự phát, không có biên tập, định hướng, nên chất lượng mặt bằng chung tương đối thấp. Ngay cả những fanfic đã may mắn được xuất bản thành một tác phẩm nguyên bản cũng ít được đánh giá cao về chuyên môn. Nghiêm trọng hơn, vì không có giới hạn, hệ thống sàng lọc mỏng và sơ sài, fanfic và cộng đồng đọc và sáng tác fanfic có thể đi quá xa, trở nên độc hại, méo mó. Fanfic xuất hiện cả những nội dung như loạn luân, ấu dâm, khiêu dâm trẻ em, bạo hành, cưỡng bức… đủ mọi tội lỗi bệnh hoạn trên đời được lãng mạn hóa. Về lâu về dài, tiếp xúc nhiều với những nội dung lệch lạc như vậy có thể tác động xấu tới nhận thức của độc giả, nhất là khi họ quá chìm đắm vào thế giới tưởng tượng mà xa rời thực tế.

Bên cạnh đó, fanfic dựa trên người thật cũng khá nhạy cảm. Bộ sách After (tác giả Anna Todd) vốn là fanfic về nhóm nhạc One Direction, với nhân vật chính là ca sĩ Harry Styles. Fanfic này khi đăng tải trên Wattpad đã thu hút tới sáu triệu bình luận. Bộ sách sau đó được Netflix chuyển thể thành phim. Mặc dù Harry Styles không đưa ra bất kỳ bình luận gì, tác phẩm này đã khiến rất nhiều fan của anh nổi giận. Họ cho rằng những tưởng tượng dựa trên nghệ sĩ yêu thích của họ lại tạo nên một nhân vật với nhiều nét tính cách tiêu cực là một sự xúc phạm.

Đây cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, liệu fanfic có thiếu tôn trọng các tác phẩm gốc và những người nổi tiếng trở thành nhân vật chính trong các fanfic? Nhiều tác giả và NXB từ chối fanfic cũng do họ cảm thấy những thứ chất lượng kém như vậy, sử dụng bừa bãi các nhân vật, đem lại hình ảnh méo mó về tác phẩm của họ. Fanfic sẽ gây hại nghiêm trọng nếu những người viết và độc giả không phân biệt rạch ròi được thực tế và hư cấu, phá vỡ những ranh giới đạo đức và luật pháp. Có những trường hợp cá biệt còn lầm tưởng những gì viết về ngôi sao đó trong fanfic là dựa trên sự thật. Các trang fanfic lớn có giới hạn độ tuổi đăng ký từ 18 trở lên, có hệ thống phân loại, rating rõ ràng và tương đối chi tiết, nhưng đây vẫn chỉ là những chiếc khóa lỏng. Phòng tuyến mạnh nhất chính là nhận thức và đạo đức của chính người đọc; tránh xa, không ủng hộ fanfic độc hại. Fanfic cũng giống như bất kỳ hình thức giải trí nào, nếu không có sự chọn lọc và điều độ đều gây ra tác dụng tiêu cực.

 

Tạm kết

 

Đọc hay xem fanfic là một lựa chọn cá nhân. Nếu bạn coi fanfic là một hành động báng bổ với tác phẩm gốc, hãy đơn giản không đọc chúng. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác công bằng mà nói, tác phẩm phải truyền cảm hứng tới mức độ nào mới sản sinh ra được fanfic. Những lệch lạc, sai trái phát sinh là điều cần quyết liệt loại bỏ. Nhưng chúng cũng không làm thay đổi bản chất gốc rễ của fanfic là sự ngưỡng mộ, say mê đối với tác phẩm gốc, như một lời khen gửi tới các tác giả, tuy rằng không phải ai cũng muốn nhận. □

 

——

*Spock: nhân vật trong Star Trek

Tác giả

(Visited 107 times, 1 visits today)