Gánh đừng để rơi…

Hình thế bản đồ Việt Nam khiến nhiều người liên tưởng tới dáng dấp một người nông dân gánh lúa. Hai thúng lúa trĩu nặng là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, chiếc đòn gánh là dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Nhạc sĩ Phạm Duy, trong một ca khúc cực kỳ trữ tình, bay bổng về đời sống cần lao của đôi uyên ương trong xã hội nông nghiệp, có đoạn ca từ đỉnh cao của diễm tình thôn dã: “Hỡi anh gánh gạo trên đường/ Gạo Nam, gạo Bắc, đòn miền Trung, gánh đừng để rơi / Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi” (Vợ chồng quê). Đỉnh cao là ở chỗ, ông nhạc sĩ đã tạc dựng đời sống lao động rất đỗi bình dị của người nông dân Việt truyền thống lên dáng nước non, đầy màu sắc sử thi nhưng vẫn giữ được cái tâm tình thong dong bay bổng, chỉ có ở cái thời người ta còn tìm thấy sự yên thân, lạc nghiệp trong xã hội nông thôn thanh bình.

Nhưng sẽ ra sao, khi cô thôn nữ dịu dàng năm xưa từng nhắn tình lang đừng “đứt gánh giữa đàng” giờ đây đang đỏ mắt tăng ca trong một xí nghiệp có quy mô hàng chục ngàn công nhân với một quy trình lao động khép kín nơi thành phố nhộn nhịp nào đó?

Hỏi ngẩn ngơ như thế, vì rất có thể, ngày nay, cô tình nương thẹn thùng kia đã nằm trong dòng chảy của hiện tượng nữ hóa di cư từ thôn quê ra đô thị, vốn là xu hướng chính trong gần ba thập niên đầu Đổi mới1 do sự giảm cầu lao động trong các họat động sản xuất nông nghiệp ở nông thôn và sự gia tăng các cơ hội việc làm, cơ hội cải thiện đời sống tại các thành phố, khu công nghiệp.

Lý tưởng mà nói, “gánh đừng để rơi” vẫn là câu nhắc nhở và ủi an luôn ngân lên thống thiết trong tâm trí những nhà nông còn sót lại trong một xã hội chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp truyền thống sang “công nghiệp hóa hiện đại hóa”. Họ đã bước sang chuyến tàu khác của lịch sử nhưng tâm trí vẫn còn hoài nhớ những sân ga với bao ân tình và nề nếp cũ.

Năm 2013, Phạm Duy mất. Vị nhạc sĩ duy mỹ của nền tân nhạc Việt Nam chưa kịp update vào chùm tác phẩm mới của mình một hình tượng mới, thay cho “gạo Nam gạo Bắc, đòn miền Trung”. Cũng có thể trong những năm tháng cuối đời, vì sức khỏe, ông không có dịp lặn lội đến những bến xe khách dọc các khu công nghiệp để nhận lại người quen năm nào, là những chàng, nàng trong ca khúc Vợ chồng quê bây giờ không còn gánh thóc nữa, mà tay xách nách mang những ba lô nặng nề kéo nhau lên phố tìm cơ hội đổi đời.

Chiếc đòn gánh dẻo dai không còn đánh nhịp trên vai người nông dân. Đôi mắt thanh xuân đong bằng biết bao nhiệt huyết, niềm tin vào đời sống năm nào được thay bằng ánh mắt xa vắng tha hương hiu hắt. Họ rũ bỏ giấc mơ quen thuộc của bao thế hệ, là được sống và chết yên thân trên chính mảnh đất quê nhà để dò dẫm đi vào canh bạc cuộc đời, canh bạc thời đại.

Tâm thức gánh phai nhạt. Đô thị hóa không chỉ là sức ép trước mặt phải đối diện, mà thúc đuổi từ phía sau lưng họ. Những phên giậu ngàn năm đóng kín mở bung, thất thủ. Bờ xôi ruộng mật thành sân golf, khu công nghiệp, dự án bất động sản. Nếp sống phố phường xâm nhiễm và chi phối những quan hệ hành xử thường ngày giữa người với người. Làng quê bình yên trở thành một phiên bản của thứ đô thị nháp, chưa nói, nó cũng là nơi đón về vô vàn phế phẩm từ đô thị, sự tha hóa của con người trong những nỗ lực hội nhập bất thành.

Ra đi là một cách thế tồn tại.

Từ đó, chiếc balô sẽ theo trai gái quê bước vào những cuộc viễn du về phía ánh sáng đô thị. Cuộc dịch chuyển từ văn minh tre nứa nông nghiệp hiện thân nơi chiếc đòn gánh mềm dẻo mà uyển chuyển khỏe mạnh sang những chiếc balô trĩu nặng tâm tình tha phương có lẽ là biểu trưng của bước trở mình lớn lao trong cấu trúc xã hội, cơ cấu lao động, từ nền tảng truyền thống sang lao động công nghiệp phổ thông tự do, từ tâm thức “mạch sống khơi trên luống cày” sang chế độ làm công ăn lương đầy bấp bênh…

Một hôm nào đó, trên phố, ở cột đèn đỏ, ta giật mình nhìn quanh. Cái nhân quần hỗn độn xung quanh đang đồng dạng trong một tư thế quen thuộc: mông cưỡi xe, vai mang balô, mắt dáo dác lượn lách trong đám đông để lao về phía trước. Chiếc balô đã dính chặt với hai vai, đi cùng với thân phận anh chàng, cô nàng nhập cư đô thị tự bao giờ. Nó có mặt ở khắp nơi. Bất cứ thời tiết nào, mưa hay nắng. Bất cứ không gian nào, sang trọng trong những văn phòng tập đoàn hay chốn công trình bụi bặm. Balô khoác vai người trẻ đến công sở, trường học. Balô khoác vai người già đến bệnh viện. Balô khoác vai người công nhân đến công xưởng…

Khắp nơi, ta balô.

Khác anh nông dân chỉ quàng gánh khi có việc đồng áng cần đến sức vóc gánh vác, người đô thị mang balô theo một thứ thói quen, vô thức. Người ta mang khi trong balô có thứ để đựng và mang hờ ngay cả khi bên trong trống rỗng chẳng có gì. Người ta mang balô vì thấy cần thiết nhưng mang theo cả khi không có dịp gì để phải dùng đến. Thậm chí, nó, chiếc balô trở thành một thứ trang sức từ trường học ra đường phố, từ công sở lên sàn diễn catwalk.

Người ta có cảm giác hữu ích, đỡ thừa thãi hơn trong đô thị bộn bề khi mang vác một thứ gì đó trên vai.

Sâu bên dưới thói quen, hay lời giải thích về sự tiện dụng của chiếc balô, với người Việt, đó còn là sức sống dai dẳng của tâm thức gánh gồng bước ra từ xã hội thuần nông trong quá khứ.

Chiếc quang gánh của chàng trai lực điền đã để rơi trong làn sóng đô thị hóa, nó chuyển hóa sang chiếc balô gọn gàng hơn nhưng chứa đựng nhiều ưu tư khó giãi bày hơn. Trong cuộc chuyển đổi này, lời hát “gánh đừng để rơi” đã là dĩ vãng của tháng năm cũ thân thương nhưng vô vọng vãn hồi.

Trong chừng nửa thế kỷ tới, người Việt về già có lẽ sẽ ít bị mắc chứng lưng còng dấu hỏi như các bậc tiền nhân một đời tần tảo gồng gánh, mà sẽ chuyển sang đau thần kinh tọa chỉ vì sức nặng của những chiếc balô hằng ngày đè nặng truyền trọng lực theo phương thẳng đứng lên cột sống.

Cho dù biết, mỗi hình thức của sự mang vác có một nỗi thống khổ riêng. Nhưng nỗi thống khổ của chiếc balô thì hình như khó thi vị hóa hơn nhiều so với chiếc đòn gánh.

Làm sao có thể tình tứ bay bổng được khi hình dung bản đồ đất nước thời bây giờ hao hao dáng một kẻ khuỵu chân vì chiếc túi balô đầy căng đeo ôm trước bụng?!

Về mặt tạo hình mà nói, hình ảnh đó rất khó để thành nhạc, thành thơ. 



1 Theo Tổng cục Thống kê, trong Tổng điều tra dân số 2009 – Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)