Gặp Bến lạ một chiều nâu αlfa

Trong số ít ỏi những tập thơ tôi thường nghĩ đến, và đọc lại vu vơ mỗi khi… không còn gì đọc hay không muốn tìm gì mới để đọc, Bến lạ của Đặng Đình Hưng có một vị trí đặc biệt. Đôi khi tôi nhìn giá sách, và nghĩ, nếu chỉ được mang một cuốn cho một chuyến đi xa dài ngày, có thể đó là Bến lạ.

Không hẳn là vì tôi đắm đuối cuốn sách. Mà có lẽ vì nó thường làm tôi phấn khích.

Chào tôi đi, tôi đang ghé bến lạ một chiều nâu αlfa đây!

Mọi cuộc đi đều làm phấn khích, nhất là phập phồng hi vọng được tới một bến lạ, trong một chiều nâu αlfa, bằng những bước chân Mêta.

Nhưng tôi chưa bao giờ tìm biết thực sự điều gì làm mình phấn khích, tôi thích được viết một cái gì đó về tập/bài thơ này, mà vẫn không biết có gì phía sau tấm gương chữ, hay đó chỉ là cái phấn khích tự thân tôi được khơi gợi bởi đôi từ ngữ?

Gạt ra ngoài những hiểu biết mơ hồ về cuộc đời nhà thơ mà tiểu sử được viết lại thật ít ỏi, những ẩn ức quá khứ mà người đọc luôn dễ đoán lầm, nhất là suy đoán qua ngôn từ… Gạt ra ngoài nỗi ngóng đợi những tập thơ, nhạc, họa khác của Đặng Đình Hưng – có phải cũng là những “cơn thể ngiệm”  chưa xuất diện. Cái đợi hao phí của kẻ không biết quý giá cái đã có, đang có. Cái đợi ngẩn ngơ về toàn cục và chung cục [thi ca] ở thì tương lai. Mà ai là kẻ biết? Đặng Đình Hưng đã gieo rồi, trên khoảnh đất của ông: cái hạt giống của không biết. Cái hạt giống ấy, không cầu một cây tri thức sum suê, mà cầu ở cái không-tri-thức. Vậy nó có thể cầu ở điều gì? Ở cảm giác chăng? Chẳng hạn, một trong những câu thơ hay nhất với tôi:

Tôi đã bưng
Nhẹ thôi
    /một nong nghiêng cơn mưa ở trên lưng αlfa cõng đôi Uynh đơ toa… tôi cõng fạt αlfa.

Tôi thường đọc thấy một nỗi tuyệt vọng, thấm tận da, lạnh buốt, một cô đơn lầm lụi trong mênh mông, sự chịu đựng an nhiên, những ngược đời hữu lý, những hạt mưa bay, một nong nghiêng mưa, một thành quả đau thương, những thanh bằng buông thả, một thơ thới trò chơi con trẻ… Thơ Đặng Đình Hưng nói nhiều về cảm giác, sủng ái cảm giác toàn thân, cả Định Mệnh cũng mang cái lưng Ni-lông – Các-tông sột soạt) nhưng không phải lúc nào cũng đạt độ cảm giác – da thịt đến chữ nghĩa, chữ nghĩa như chạm vào và buốt da thịt, như, chẳng hạn câu thơ trên. Đó là những giây phút “nhập”– thấy mà Đặng Đình Hưng khắc trong không gian Ô Mai:

Anh thường ngồi jờ dài, chẳng nghĩ. Chỉ cảm. Cảm bằng da. Da của mắt –bàn tay- chủ yếu là lưng. Tới mức toàn thân gắn hẳn vào không khí, đồ vật, tường, buồng. Rầm rì một cái chợ không lời dưới chân, anh rầm rì vỗ theo. Toàn thân, một con sông trôi, xô đẩy những cảm jác, những sực chợt. Một cơn mưa hình záng. Những hạt hột vỗ vỗ. Anh gọi đó là “nhập” – thấy.

Từ lâu, tôi giữ được cho mình sự vui thích tự nhiên trước những cái có vẻ ngoài không thói thường, để không bao giờ đặt câu hỏi: Thế này (mà) là… à? Nó xa lạ với chúng ta làm sao! Trái lại, tôi có một hân hoan: Những kẻ lạ này gần gụi với tâm hồn tôi làm sao! Và tôi vồ lấy mà cắn trộm đôi miếng, sau khi đã xoay xoay ngắm nghía quả lạ, dù chẳng biết mình có cắn phải quả táo của bà phù thủy!

Tôi ghé Bến lạ cắn một quả vả và những kỳ lạ màu xanh chưa chín ngọn đèn chín rũ của lần đầu gặp gỡ những khoảng cách là… lạ αlfa – Mêga.

Đọc Bến lạ, đôi khi cũng được cắn một miếng thòm thèm.

Cái gì đáng kể nhất ở thơ Đặng Đình Hưng? Những thể nghiệm hình thức như cách dùng từ, tạo câu, lắp ghép hình ảnh, cách chính tả, gieo vần, ngắt nhịp, phối thanh cho câu thơ văn xuôi, những khoảng trống mở nghĩa… đều trở nên dễ phân tích hay có thể cắt nghĩa theo cách này hoặc hay cách khác một cách duy lí. Hơn thế nữa, những sự cắt nghĩa đó dễ thành cái khuôn cứng, dễ dàng đem ra “đóng bánh” cho nhiều người, lại cũng dễ dàng gây ra cái cảm giác người này “bắt chước” “học tập” hay “đi ra” từ người kia. Ắt là không tránh được những so sánh với Trần Dần. Nhưng đọc thơ, đôi khi, tôi nhất quyết giữ lại cái quyền không so sánh. Chỉ những tiếng rì rầm dưới chân và sự trôi dạt của nội tâm là không dễ nắm bắt, như thể chúng ta chỉ giữ lại được nước, mà không giữ lại được hạt mưa, chỉ ngửi được hơi khói thuốc mà không sao giữ được làn khói cứ khoanh vòng. So với Ô mai – dù sự mời gọi thể nghiệm có vẻ như trực tiếp hơn, dễ diễn giải hơn nhưng lại “văn xuôi” hơn, mỗi lần đọc lại Bến lạ là mỗi lần tôi được khơi ra, như thể tôi nhìn những mẫu tự cổ xưa, những biểu tượng khắc trên hang động. Tôi tìm được một cách giải thích lúc nào đó, và lại quên đi, và lại bất ngờ đến một lấp ló mới.

Sự trôi dạt nội tâm của Bến lạ – như hành trình của các bài thơ – là một kí ức trượt nghĩa liên tục trong ngôn từ. Tôi cho rằng Bến lạ ít chạm địa hạt vô thức với cái tôi chiều sâu với những cơn mộng– thế giới vô thức ắt dẫn tới một cấu trúc ngôn từ “lạ” hơn, sâu hơn, mà nhiều hơn là những khuôn diện biến hóa của cái tôi trong hành trình cuộc đời, một thế giới kí ức được lạ hóa liên tục, nhiều cấp độ. Một cấu trúc ngôn từ lạ hóa hiện thực để tạo ra một hiện thực phi thực mà tâm điểm là KÍ ỨC.

Chừng như ngẫu nhiên, Bến lạ cho tôi cái thú được thưởng thức những bức họa của dòng nghệ thuật Ngây Thơ (Naïve art) và nghệ thuật Nguyên Thủy (primitive art), nơi các nghệ sĩ, bằng con mắt – (như thể) ngây thơ, trẻ con hay như con người hồng hoang lần đầu phát hiện ra sự thật của mình, bất chấp các nguyên lý khoa học của cách tạo hình, phối cảnh, luật xa gần, quy tắc ánh sáng, độ sâu… Bức tranh The sleeping Gypsy của Henri Rousseau với tôi vẫn khơi gợi cảm giác lạ lùng và mới mẻ, không phải chỉ bởi hình ảnh cô gái Digan nằm ngủ bên cây đàn, con sư tử hiền lành đang nhìn cô, đuôi vểnh lên như một nốt nhạc, và tất cả tắm đẫm trong ánh sáng trăng tròn huyền ảo, tắm đẫm trong tiếng nhạc, như một giấc mơ, một huyền thoại… mà còn bởi vì tất cả vẻ thơ ngây đầy kĩ lưỡng trong bút pháp của bức tranh, điều làm cho suốt một thời gian dài, Rousseau bị coi như “trẻ con”. Người nghệ sĩ khi thao tác theo con mắt thơ ngây đã trở thành kẻ bước ra từ huyền thoại và lần đầu ngắm nhìn thế giới.

Đi tới Bến lạ – là đi về với kí ức, là lật mở những trang tiềm thức. Không ngẫu nhiên, Bến lạ dệt nên một thế giới tuổi thơ rất quen. Một gương mặt bé thơ biến hóa trong hầu khắp câu, từ: cơn mưa tu lơ khơ xanh đỏ con sập sành, bọ ngựa, cõng đi chơi, quả mít nứt, miếng ngon đậy lồng bàn, tìm chơi với cái nút chat… Thậm chí, cả trong nỗi đau:

hễ mưa, một cái túi to
tôi ra đường vồ sẹo

Đặng Đình Hưng đưa ta trở về với điểm khởi đầu, khi biết lẫy, biết cười, thôi bú, “trở về lên 1” với cái gối vỏ đỗ rồi đi một mạch đến cuối cuộc đời với món đau thương nguội phải hâm lên: “tôi trở về lên 1, những hạt đỗ trắng, đen rơi quanh cái gối gỗ đầu jường xuống sàn và mọc mầm, kệ tồ tồ đứa bé cứ việc đái zầm đêm đau thương không để cách đêm phải hâm lên mới zùng được.” Không gian bé thơ trong Bến lạ có một sức khơi cảm đặc biệt. Bờ này là hiện thực (bến), một nhón gót chân lên đã là phi thực (lạ): Con chim  α lfa đứng đầu nhà Mêta, miếng ngon α lfa đậy lồng bàn…. Chữ là vật chất – hiện thực, nhưng cuộc chơi với từng chữ cái đã là một hành trình đầy thử thách. Đặng Đình Hưng khơi gợi khả năng tưởng tượng mãnh liệt từ hình thù các chữ cái, cách điệu hóa cấu trúc hình học của chữ như biểu tượng của cuộc đời:

Từ góc nhọn A, tôi đi ghềnh V ghê sợ nhất.
Thực ra, cứ đến I, tôi nhớ lộn về.
Người ta bảo nơi chân trời chấm hết, có YZ.

Nỗi cô đơn và cả sự hiểm nguy khi nhón gót trên những chiều zài không kilômét của kí tự không phải ai cũng (may mắn) được trải nghiệm. Kẻ rối loạn tâm thần, kẻ bệnh và kẻ làm thơ có nhiều điểm tương đồng, lại may mắn thêm được đôi mắt bé thơ.

Đặng Đình Hưng làm nổi màu, nổi khối ngôn từ, giỡn chơi với các số tuổi, tính năm tính tháng, cả những ngày tháng đã biết, cả những ngày tháng chưa biết. Bến lạ viết cuối những năm 1970 – khi nhà thơ ngoài 50 – đã nghĩ về tuổi lên 1, tuổi 40, tuổi 50, và cả 80, 91. Mùi dục nổi lên với yếm nồng, phấn tắm. Đau đớn nổi lên, với những vết sẹo, những lưỡi dao cạo, với thảng thốt tiềm thức trộn hòa tiên liệu:

    hình như,
    91 cược, cuộc
    tôi chưa hề 91 lần được

Bên trong cái nong hình záng là một thế giới lạ. Ngay trong các chi tiết thường nhật là một thế giới lạ. Ngay trong cái gầm giường cũng là một thế giới lạ. Vậy mà vẫn phấp phỏng đợi một bến lạ ở cuộc đi cuối, một chia biệt để trở về:

Hôm qua, tôi ghé αlfa
αlfa không có nhà
Ồ gặp nhau rồi, sao vẫn cứ li
một nắm hột khuya rắc vào bến lạ
Đời jì

Sao cứ đi đi, những cái vali cứ về Bến lạ!

Bến lạ đến bây giờ, có thể trở thành một biểu tượng, một điển tích mới liên tục: nó mời mọc những cơn (thèm) thể ngiệm mới, nó được bổ sung và tái tạo nghĩa bất tận. Dù là kẻ làm thơ hay kẻ soi lại kí ức để giải mã thơ, mặt hễ soi gương cứ là một bản zạo đầu.
Kẻ tuân phục định mệnh cũng là kẻ cưỡng lại Định Mệnh bằng cách leo lên lưng nó mà đi chởi, đi chơi (chữ dùng của Trần Dần):

Chào tôi đi, tôi đang ghé bến lạ một chiều nâu αlfa đây

Đi theo những ghềnh thác của các kí tự ắt được một phiêu lưu, ít nhất.

Với suy nghĩ nghệ thuật đồng nghĩa với khám phá, sáng tạo, tự do để kiếm tìm không chỉ cái đẹp mà bắt buộc phải là cái đẹp – khác lạ, họa sĩ Lê Thiết Cương cùng một số nghệ sĩ khác sẽ tổ chức đêm nhạc-thơ Bến lạ tại Trung tâm Văn hóa Pháp – 24 Tràng Tiền, Hà Nội, tối 13/04 tới.

Dựa trên tác phẩm thơ – văn xuôi Bến lạ của nhà thơ Đặng Đình Hưng (NXB Văn nghệ TP HCM – 1991), nhạc sỹ Phan Nam đã viết cho các nhạc cụ trống, guitar, nhị, piano những đoạn nhạc ngắn như một kiểu đối thoại với Bến lạ.

Về đêm thơ-nhạc này, người chỉ đạo nghệ thuật – họa sĩ Lê Thiết Cương nói: “Chúng tôi, cùng chung ý nghĩ muốn tìm đến cái mới, tìm tòi một cách biểu đạt khác cho sự kết hợp thi ca với âm nhạc. Thơ không nhất thiết minh họa cho nhạc và ngược lại nhạc không nhất thiết là phổ thơ như mọi người đang làm.”

Các nghệ sĩ tham gia chương trình:

Phan Nam (bộ gõ); Nguyễn Tất Long (Tap dance); Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Tuấn Nam (guitar); Nhã Uyên, Hoa Phương Chi (giọng đọc); Tuấn Hùng (nhị); Nguyễn Tuấn Nam (piano)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)