Gây dựng thị trường nghệ thuật ở Việt Nam

Không phải là một chuyên gia về kinh tế nghệ thuật hay thị trường nghệ thuật (TTNT) nên những ý kiến của tôi chỉ là những trải nghiệm cá nhân trong cuộc và cảm nhận từ các góc độ khác nhau. Không chỉ riêng việc mua bán ở các gallery và đấu giá, ở đây tôi xin nhìn nhận TTNT là tất cả mọi việc chi tiền mua bán sử dụng tác phẩm.

Không có truyền thống

Một khác biệt căn bản giữa Việt Nam và các nước trong Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là không có hội họa truyền thống (trừ một vài tranh chân dung để thờ.) Trí thức Khổng học và Phật giáo ở Việt Nam không vẽ tranh, không thực hành thư pháp. Điêu khắc phát triển mạnh nhưng hoàn toàn là điêu khắc tôn giáo hoặc gắn với kiến trúc công cộng.

Ở Việt Nam trước TK 20 có thể nói không có văn hóa đô thị nên không có lớp nhà giàu đô thị. Cũng không có tầng lớp quý tộc. Thiếu hai thành phần đủ tiền bạc và có nhu cầu tinh thần-thẩm mỹ này tất không có việc lưu giữ, truyền bá, mua bán tác phẩm nghệ thuật. Tất nhiên cũng không có lớp nghệ sĩ sáng tác cho thị trường.

Có việc ngoạn cổ, chơi đồ cổ song rất nhỏ lẻ và không mang tính thị trường (đến nay vẫn trong tình trạng chợ đen, phi pháp). Hơn nữa, việc buôn bán đồ cổ này không gắn với việc ‘chơi tranh tượng’.

Manh nha sưu tập và thị trường nhỏ lẻ

Việc sưu tầm nghệ thuật bắt đầu từ việc khảo cổ, nghiên cứu của người Pháp với các sưu tập của Viện Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội, Sài Gòn và Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, cũng như việc mua hay thu các tác phẩm nghệ thuật mang về Pháp (sưu tập Bảo tàng Guimet). Đến nay, đó vẫn là những sưu tập đồ sộ và có uy tín nhất. Trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo ra 145 nghệ sĩ có tên, vẽ tranh, làm tượng độc lập trong một môi trường văn hóa đô thị thực dân bừng nở vào giữa TK 20. Lớp nhà giàu thành phố và các ông Tây thực dân là những người đầu tiên treo tranh, đặt tượng trong nhà mình. Nguyễn Gia Trí từng nhận được hợp đồng vẽ tranh cho một số người và có lẽ ông là người đầu tiên sống bằng ‘bán tranh’. Cho đến năm 1975, miền Bắc Việt Nam chỉ biết đến duy nhất một nhà sưu tập-người mua tranh là ông Đức Minh ở Hà Nội. Cũng không có gallery thương mại nghệ thuật nào ngoài cửa hàng Souvenir Du Vietnam của Tổng cục Du lịch ở Hà Nội, nơi vài nghệ sĩ có thể bán tranh lụa, khay đĩa sơn mài… như quà lưu niệm. Tất nhiên cũng có một vài người yêu nghệ thuật, thân quen giao du với nghệ sĩ và lưu giữ được một số tác phẩm của họ bằng nhiều con đường khác nhau nhưng không phải bằng mua bán, thí dụ ông cà phê Lâm, ông giáo Đạm, ông Trường, ông Bổng hay ông Bảo Khánh sau này.

Những năm 1990: Bùng nổ gallery rồi nhanh chóng tàn lụi

Triển lãm Uncorked Soul (Tâm Hồn Bộc Bạch) bày tranh tượng Việt Nam lần đầu tiên ở Gallery Plum Blossom Hongkong năm 1991 là thành công thương mại đột phá, giới thiệu mỹ thuật Việt Nam với thị trường ‘thế giới tự do’. Tranh của Bùi Xuân Phái, Bửu Chỉ, Nguyễn Quân, Trần Trọng Vũ v.v… bán với giá 3.000-4.500 USD, ngang mức của các họa sĩ ‘Hậu Thiên An Môn’ đang đình đám của Trung Quốc lúc đó. Thị trường và người yêu nghệ thuật, giới sưu tầm nước ngoài bất ngờ phát hiện ra Doimoi Painting của Việt Nam. Khi đó ở Việt Nam bán tranh còn là chuyện khó tin. Nhiều người cho rằng đó là chiêu trò, âm mưu diễn biến hòa bình (Họ mua tranh của tôi để trả công cho việc làm gián điệp!). Chỉ trong vài năm đã xuất hiện mấy gallery chuyên bán tranh Việt Nam ở Hongkong, Singapore. Báo chí nói Hà Nội và TP.HCM có tới hàng trăm cửa hàng bán tranh mà chủ là người Việt Nam cũng như người nước ngoài sống ở Việt Nam. Tổng thống Bill Clinton tới thăm Việt Nam cũng nhắc đến việc giờ đây giao lưu văn hóa tốt đẹp và người ta có thể mua tranh của Đỗ Quang Em… Khách nước ngoài đổ xô vào mua tranh trong một thời gian ngắn khiến cho nhiều họa sĩ có thể sống bằng bán tranh hoặc thử vận may của mình ở thị trường. Khái niệm ‘nghệ sĩ độc lập’ ra đời bao hàm nghĩa sống được bằng thị trường, không phải làm công chức nhà nước như trước nữa. Tuy giá tranh thật rẻ, chỉ vài chục, vài trăm USD, tác giả có giá 1.000-2.000 USD rất hiếm, song so với mức GDP 100USD/người [năm 1990] và mua một nền đất, xây một căn nhà phố chỉ tốn vài ‘cây vàng’ tức vài ngàn ‘đô’ thì vẫn là một sự cất cánh của thị trường và một mức thu nhập quá sức tưởng tượng!

Cho đến khoảng 1997-1998, nhiều triển lãm quy mô lớn, chất lượng tốt được tổ chức ở nhiều nơi từ Hongkong, Singapore tới Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp, Na Uy, Hoa Kỳ, Úc… khiến Doimoi Art càng thêm uy tín. Một số bảo tàng châu Á, Úc, Mỹ, Âu bắt đầu mua tranh. Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) và Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka ở Nhật đã có bộ sưu tập khá lớn và tốt. Tranh Việt Nam cũng có mặt ở các Biennale và vài nhà đấu giá.

Gây dựng thị trường nghệ thuật chính là gây dựng một lối sống thẩm mỹ, một cộng đồng sở thích và một thái độ ứng xử văn hóa, thậm chí một trách nhiệm văn hóa.

Nhưng lửa rơm chóng tàn. Chỉ hai năm sau triển lãm Uncorked Soul, bà Tuyết Nguyệt, nhân vật uy quyền trong TTNT Hongkong, đã than phiền họ lừa bán cho bà tranh Bùi Xuân Phái giả. Một người Hàn Quốc tố mua phải cả lô tranh ‘Phái giả’ tới 200.000 USD. Một nhà đấu giá lớn bị kiện vì bán tranh Phái giả. Cho đến nay, ít ai dám mua tranh của họa sĩ này nữa. Không dừng ở việc làm giả các bậc thầy, các họa sĩ khác dù trẻ mấy mà bán chạy là lập tức có hàng nhái, hàng giả. Thậm chí các tác giả cũng tự chép lại tranh đã bán của mình bán lần hai lần ba… với giá ngày càng rẻ hơn. Ông Mc Guinness, chủ Gallery Plum Blossoms, lần thứ hai đến Hà Nội đã phải kêu lên rằng: Hai năm trước tôi phải đi tìm những thứ mình thích, nay mọi thứ đó tràn ngập các cửa hàng rồi. Tôi không cần phát hiện gì nữa! Điều kỳ lạ là một số họa sĩ bán chạy liên tục sản xuất cùng một thứ tranh suốt 20 năm và vẫn bán được đều đều. Cùng với việc làm nhái và sao chép, xuất hiện các dòng tranh ăn khách như phố hoa, thiếu nữ áo dài, nữ sinh đi xe đạp, thiếu nữ sơn mài cổ, tĩnh vật đồ dân gian kiểu cực thực, phong cảnh nông thôn sông nước kiểu thơ ngây hay trẻ em chơi kiểu dân gian-lập thể… Tất cả là sự hư hỏng-không chuyên nghiệp của chủ gallery và họa sĩ. Một họa sĩ trẻ kể tại triển lãm của mình rằng: Sau mấy năm làm công, vẽ tranh các thiếu nữ dân tộc thiểu số và chép tranh cho một gallery thành công nhất, có cả cửa hàng ở London, anh đã có tiền lập xưởng ở Hải Phòng để sáng tác cho riêng mình. Anh tự hứa không chép hay vẽ thuê ‘tranh chợ’ nữa. Một số tác giả khác thì đi hai chân: Thí dụ vẽ trừu tượng theo ý mình để ‘chơi’ vì không bán được, đồng thời vẽ tranh thiếu nữ theo đặt hàng của gallery lấy tiền ‘nuôi các cháu’. Thực tế đó đã đẩy TTNT mới manh nha trở về hàng lưu niệm, du lịch. Tình trạng ‘thương mại hóa’, du lịch hóa kéo doanh số và giá tranh tụt lùi và làm nản lòng giới sưu tập nước ngoài khá đông đảo và hào hứng đầu những năm 1990. Họ quay lưng với Doimoi Art và Vietnamese Art nói chung.

Đến đầu những năm 2000, số lượng các gallery co lại trông thấy. Hầu hết các gallery làm nghệ thuật ‘thật’ đều đóng cửa hoặc chuyển sang tranh chợ, tranh lưu niệm du lịch giá rẻ. Một số gallery có quỹ nước ngoài tài trợ hoặc do người nước ngoài làm chủ còn cầm cự được nhưng không còn vai trò phát hiện hay quảng bá nghệ thuật như trước nữa. Nghệ thuật đương đại bắt đầu bán được tác phẩm song không nhiều và tùy thuộc vào các curator và các mối liên kết với nước ngoài. Dưới mắt giới am tường và TTNT quốc tế thì đại diện cho nghệ thuật Việt Nam hiện nay không còn tác giả ‘thuần túy hay đích thực’ ở Việt Nam như thời Đổi mới về trước nữa mà ít nhiều đều có yếu tố ngoại – dù sống ở trong hay ngoài nước. Điều đó nhân danh toàn cầu hóa, kết nối nghệ thuật song thực tế làm xói mòn bản sắc hấp dẫn của nghệ thuật Việt Nam. Tài trợ ngoại – curator ngoại – hoạt động ngoại cũng như embassy art trong một môi trường ‘văn hóa lai’ có nhiều mặt tốt nhưng cũng có mặt tối của nó, tác động tiêu cực tới thị trường cũng như sự sáng tạo nghệ thuật ‘bản địa’. Hầu hết các tác phẩm đương đại của tác giả ‘địa phương’ hay Việt kiều được mua bán sưu tập ở nước ngoài đều xa lạ, không được biết tới, hoặc ‘không ai hiểu’ ở trong nước. Đó là sự phát triển hay sự méo mó của thị trường!

Người mua tranh có quyết định không?

Tôi đã bán gần 400 tranh, tượng (phần lớn trong thập niên 1990), trong đó hơn 90% bán cho bảo tàng, sưu tập và khách vãng lai nước ngoài. Gần đây ông Thomas Craig ở TP.HCM nói gallery của ông có 25% khách hàng là người Việt. Đó thật là một thành công rất đáng mừng. Mua tranh, sưu tập treo tranh trong nhà, trao đổi mua bán tác phẩm nghệ thuật là một phong cách sống chưa có tiền lệ, chưa có truyền thống ở Việt Nam. Gây dựng TTNT chính là gây dựng một lối sống thẩm mỹ, một cộng đồng sở thích và một thái độ ứng xử văn hóa, thậm chí một trách nhiệm văn hóa cho lớp trung lưu bậc cao và nhà giàu. Có máu sưu tầm và có truyền thống buôn bán nghệ thuật nên người Trung Quốc giàu lên là đổ ngay tiền vào nghệ thuật. Thị trường nội địa bùng nổ chóng mặt áp đặt mặt bằng giá cả và giá trị cũng như khuynh hướng lên TTNT quốc tế. Từ tình trạng bị thị trường ngoại chi phối, họ đã đảo ngược dòng chảy. Thị trường nội địa của nghệ thuật Indonesia hay Thái Lan cũng đang biến chuyển theo chiều hướng đó. Các nhà sưu tập, nhà buôn tranh bản địa nắm thế chủ động. Sự định mức giá mua bán cao hay thấp, cũng như xác định giá trị nghệ thuật, ‘thứ bậc’ nghệ thuật dần dần không còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài nữa. Một nhà sưu tập tranh của tôi, người Hà Lan sống ở Jakarta, an ủi: Anh phải chờ ba thế hệ nữa mới có giới sưu tập và thị trường trong nước. Kinh nghiệm Indonesia là thế hệ thứ nhất giải phóng thuộc địa, cướp chính quyền, thế hệ thứ hai củng cố chính quyền; thế hệ thứ ba làm giàu và cho con cái đi học; thế hệ thứ tư giàu và có học mới sưu tập và bảo trợ nghệ thuật. Quả thật sau khi mở cửa, người ta giàu lên, thị trường được kích hoạt, tôi đã nghĩ các sưu tập tư nhân vốn có ở Việt Nam sẽ cất cánh, mở rộng hòa nhịp và cạnh tranh với người nước ngoài vào mua bán. Nhưng thực sự là tất cả các sưu tập này đều đã bị xóa sổ, do ‘bán đổ bán tháo’ các tác phẩm từng lưu giữ được trong thời đói kém. Không ít các kiệt tác, báu vật đã đội nón ra đi với cái giá mà bây giờ mới thấy là ‘quá bèo’. Tất nhiên cũng xuất hiện những nhà sưu tập mới nhưng chưa đủ sức bù đắp các sưu tập đã mất đi!

Khối tiền lớn nhất mà người Việt Nam bỏ ra mua nghệ thuật là tiền thuế chi từ ngân sách nhà nước.

Cần hình thành một cộng đồng có nhu cầu mỹ thuật, tiếp cận được nghệ thuật trước hết để trang trí cho các bất động sản cao cấp của họ, thay vì mua các bản chép và đồ lưu niệm. Người giàu đi du lịch, mua sắm đồ xa xỉ, tham gia các lớp học giao tiếp ứng xử cho ‘quý phái’, tập chơi đàn piano và nghe nhạc cổ điển…, sao không có các CLB nghệ thuật dành cho họ. Cũng cần các CLB cho các nhà sưu tập tiềm năng khởi sự. Thuyết phục lớp mới giàu tiêu dùng nghệ thuật là một quá trình giáo dục nghệ thuật, phát triển văn hóa gian nan. Đã có vài lần tôi được ‘đại gia’ mời tư vấn về việc mở gallery, mua bán tranh tượng làm sưu tập song việc nhắm vào lợi nhuận trước mắt, không tự tin trong thẩm định nghệ thuật, không ý thức được trách nhiệm văn hóa, và không biết cách gây dựng, vận hành công việc một cách chuyên nghiệp khiến việc hình thành bảo tàng, sưu tập tư nhân của họ bất thành hoặc chỉ mang tính nhỏ lẻ, ăn xổi. Có lẽ cần có sự hỗ trợ của nhà nước về pháp lý, chủ trương và sự hỗ trợ của các nhà thương mại nghệ thuật chuyên nghiệp về chuyên môn. Thiết chế nhà nước cũng chưa trao trách nhiệm văn hóa cho họ nên không kích hoạt được thị trường này.

Sau sự phát hiện ra nghệ thuật Việt Nam những năm 1990-2000, tôi nghĩ việc chỉ có thị trường nghiệp dư của người nước ngoài và khách du lịch trong một thời gian dài không phải không có tác động tiêu cực tới sáng tạo nghệ thuật. Với nghệ thuật trong kinh tế thị trường thì thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước là yếu tố quyết định thành công văn hóa chứ không phải doanh số hay mức độ nổi tiếng ở bên ngoài.

Nghệ thuật quốc doanh: Nhà nước vẫn là nhà tài trợ, nhà đầu tư lớn nhất

Khối tiền lớn nhất mà người Việt Nam bỏ ra mua nghệ thuật là tiền thuế chi từ ngân sách nhà nước. 20 năm qua, Việt Nam làm khoảng 400 tượng đài giá từ vài chục đến vài trăm tỷ và sẽ còn liên tục có nhiều tượng đài mới ra đời. Nhân danh giáo dục truyền thống, tôn vinh cha ông, phục vụ tuyên truyền, số tiền khổng lồ này được hợp thức nhờ chính trị hơn là vì văn hóa nghệ thuật. Nghệ thuật Việt Nam vẫn chính thức nằm trong hệ thống tuyên giáo: Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý. Những nghệ sĩ giàu nhất là những người trúng các hợp đồng nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Bên cạnh đó là các hợp đồng sáng tác cho các công sở, trụ sở và việc tuyên truyền ở các cấp cũng mang lại thu nhập cho một số nghệ sĩ. Nạn dịch với hàng vạn con sư tử đá ngoại lai cho thấy sự méo mó kỳ lạ của thị trường này.

Nước ta có một hệ thống bảo tàng, nhà văn hóa dày đặc và hoang vắng. Tuy nhiên không thấy có việc mua nghệ thuật cho các thiết chế văn hóa này trong khi không phải không có ngân sách.

So với ngân sách khổng lồ trên thì tiền chi cho các hội hoạt động (tài trợ triển lãm và đầu tư sáng tác) cũng như cho hai Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội và TP.HCM là quá nhỏ bé. Nhìn vào các tác phẩm được mua (chủ yếu qua hệ thống các triển lãm từ khu vực địa phương lên toàn quốc) thì thấy chất lượng cũng tương đương các tác phẩm đặt hàng.

Nước ta có một hệ thống bảo tàng, nhà văn hóa dày đặc và hoang vắng. Tuy nhiên không thấy có việc mua nghệ thuật cho các thiết chế văn hóa này trong khi không phải không có ngân sách.

Một TTNT mới nổi trong nước là nghệ thuật tâm linh với sự bùng phát của mỹ thuật cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và giải trí. Cũng như ở mảng nghệ thuật nhà nước, chất lượng ở thị trường tiềm năng này là chuyện rất khó bàn.

Bán tranh ra nước ngoài, tham gia giao lưu quốc tế cũng như với các sứ quán, nhà văn hóa nước ngoài ở Việt Nam, tôi thấy họ có các quỹ nhà nước, quỹ phi chính phủ, quỹ của các công ty lớn. Các quỹ này vừa tài trợ các sự kiện, hoạt động nghệ thuật cho nghệ sĩ vừa tham gia TTNT với bộ sưu tập, gallery mua bán tác phẩm, thậm chí có các bảo tàng mở cửa cho công chúng xem. Với họ, nghệ thuật vừa là trách nhiệm văn hóa vừa là một kênh đầu tư. Một cách gây dựng TTNT và vận hành nghệ thuật đáng tham khảo.Tóm lại, dù TTNT nội địa đang là một bức tranh xộc xệch, hỗn độn và xỉn màu song gây dựng TTNT nội địa nên là một mục tiêu chiến lược trong phát triển văn hóa ở nước ta.

————————————————————–

Bài viết có tham khảo sách của các tác giả Nguyễn Thế Anh; Phan Cẩm Thượng; Lương Xuân Đoàn; J. F. Lyotard; M. Mc Arthur; Thomas Yeo; Nora Taylor; N.Kraevskaia; Collin J.; Clive J. Chriestie; T. Smith; J. Clark và một số tài liệu khác.

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)