George Szell, người muốn tạo dàn nhạc không ai sánh kịp

Nhạc trưởng George Szell luôn được giới mộ điệu đánh giá là một trong những nhạc trưởng tài năng nhất thế kỷ 20.

Nhạc trưởng George Szell. Nguồn: georgeszell.com

Di sản của ông để lại được nhắc đến nhiều nhất là quãng thời gian 24 năm là Giám đốc âm nhạc của Cleveland Orchestra, Szell đã tỉ mỉ nhào nặn Cleveland Orchestra thành một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới. Tiếp quản dàn nhạc từ năm 1946, ông đã gắn bó với Cleveland Orchestra cho đến khi qua đời vào năm 1970 và dạy cho mỗi nhạc công trong dàn nhạc chú ý đến từng chi tiết nhỏ của âm thanh. Là một nghệ sĩ piano tài ba, Szell luôn chuẩn bị cẩn thận trước mỗi buổi tập, thuộc lòng tác phẩm sẽ biểu diễn đến nỗi có thể chơi nó trên piano mà không cần nhìn vào tổng phổ. Mối bận tâm lớn nhất của ông là sự phân nhịp, tính rõ ràng, trạng thái cân bằng và cấu trúc của tác phẩm. Quan điểm của ông, một dàn nhạc giao hưởng được coi là một tứ tấu đàn dây mở rộng, họ phải “lắng nghe nhau, không chỉ chơi phần của mình theo nhịp điệu mà phải theo âm nhạc”.

Là người hâm mộ Arturo Toscanini với phương châm “Các quý ông, hãy là người dân chủ trong đời sống nhưng hãy là nhà quý tộc trong nghệ thuật”, cách điều hành dàn nhạc của Szell cũng giống như vị tiền bối đáng kính trọng này. Szell luôn là một người độc tài trong công việc của mình. Ông kiểm soát mọi thứ trong dàn nhạc và cả ở phòng hòa nhạc. Khi ông đứng trên bục chỉ huy, với dáng người cao, thẳng đứng, ở ông toát ra một khí chất uy nghiêm, oai vệ như một vị tướng. Và để đáp lại, dàn nhạc dưới đũa chỉ huy của Szell đã tạo ra những âm thanh tinh tế, chuẩn xác, rõ ràng về cấu trúc và giàu chi tiết. Mối quan hệ chặt chẽ của ông với Cleveland Orchestra là hiện thân rõ ràng cho chủ nghĩa lý tưởng của Szell, tạo ra một tổ hợp nghệ thuật cao nhất, đáp ứng mục tiêu mà chính bản thân ông đã đề ra là tạo thành một dàn nhạc “không ai sánh kịp”.

Một “Mozart mới”

George Szell (György Széll) sinh ra tại Budapest vào ngày 9/7/1897 trong một gia đình có người cha là một doanh nhân người Hungary còn mẹ cậu là người Slovakia. Tuy nhiên, cậu bé lại lớn lên ở Vienna. Ngay từ khi lên 4 tuổi, George đã thể hiện năng khiếu cho công việc của cuộc đời mình khi cậu chứng kiến mẹ mình chơi đàn và mỗi lần bà chơi sai, George lại chạm tay mình vào cổ tay bà. Và khi 7 tuổi, cậu bé có thể ngay lập tức viết ra các giai điệu chỉ sau một lần nghe chúng. Nhận ra tài năng thiên bẩm của con trai mình, gia đình đã cho George học piano. Ban đầu, cậu bé được giới thiệu với Theodor Leschetizky, nghệ sĩ piano, nhà soạn nhạc danh tiếng lúc bấy giờ nhưng ông đã từ chối dạy cậu, ông tỏ ra không hào hứng với những thần đồng. Thầy giáo của cậu là Richard Robert, một học trò khác của Robert sau này cũng trở nên rất nổi tiếng là nghệ sĩ piano Rudolf Serkin. Hai người đã trở thành những người bạn thân thiết và họ đã biểu diễn cùng nhau rất nhiều. Sau này, George theo học sáng tác với Max Rager và Eusebius Mandyczewski, người từng là bạn của Johannes Brahms.

Khi lên 11 tuổi, George đã có những chuyến biểu diễn tại Vienna và London với tư cách nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc. Ngay lập tức, báo chí đã gọi cậu là “Mozart mới”. Và những năm sau đó, cậu thường xuyên đi biểu diễn với cả hai vai trò này trên khắp châu Âu. Ít ai biết rằng, việc chỉ huy dàn nhạc đến với George một cách hết sức tình cờ. Khi chưa đầy 17 tuổi, trong khi đi chơi cùng gia đình tại Bad Kissingen, Đức, tình cờ đó cũng là nơi Vienna Symphony Orchestra đang tập luyện cho buổi biểu diễn, nhạc trưởng Martin Sporr bị chấn thương ở tay và không thể tiếp tục chỉ huy dàn nhạc. Thể hiện khả năng đọc tổng phổ xuất sắc, George có thể chơi trên piano ngay cả những tác phẩm dành cho dàn nhạc phức tạp nhất, dàn nhạc đã mời cậu là người thay thế. Như Szell sau này nhớ lại, chương trình có bảy tác phẩm, trong đó có concerto piano số 5 “Hoàng đế” của Ludwig van Beethoven, Till Eulenspiegels lustige Streiche của Richard Strauss và một tác phẩm được chính cậu sáng tác năm 14 tuổi. Và kể từ đó, công việc chỉ huy dàn nhạc đã trở thành niềm yêu thích của George. Một năm sau, George xuất hiện cùng Berlin Philharmonic trong cả vai trò: nghệ sĩ piano, nhạc trưởng và nhà soạn nhạc.

“Có một ranh giới rất mong manh giữa trong sáng và lạnh lùng, giữa sự kìm nén cảm xúc và dữ dội. Tồn tại nhiều sắc thái ấm áp khác nhau – từ sự ấm áp thuần khiết của Mozart đến sự gợi cảm của Tchaikovsky, từ niềm đam mê cao quý của Fidelio đến niềm đam mê cuồng nhiệt của Salome”. (George Szell).

Năm 1915, Szell được nhận vào làm việc tại Nhà hát opera hoàng gia Berlin (nay là Berlin State Opera). Tại đây, anh gặp gỡ và trở nên thân thiết với Richard Strauss. Như sau này Szell thú nhận, các kỹ năng chỉ huy dàn nhạc, sử dụng đũa chỉ huy, cách tạo ra âm thanh trong suốt, nhẹ nhàng của Cleveland Orchestra của mình đều chịu ảnh hưởng của R. Strauss. Còn bản thân nhà soạn nhạc thì cho biết mình đã có thể qua đời trong hạnh phúc khi thấy rằng đã có một người có thể chỉ huy các tác phẩm âm nhạc của mình một cách tốt như vậy. Năm 1917, Szell thay thế Otto Klemperer để trở thành chỉ huy tại Strasbourg Municipal Theater. Và sau đó là các công việc tại Darmstadt và Dusseldorf. Từ năm 1924-1929, Szell quay trở lại Berlin State Opera với tư cách nhạc trưởng chính cũng như chỉ huy tại Berlin Broadcasting Company Orchestra. Ngoài ra, anh cũng nhận được lời mời biểu diễn trên khắp châu Âu. Dàn nhạc đầu tiên tại Mỹ mà Szell chỉ huy là St. Louis Symphony Orchestra vào năm 1930. Kể từ đó, anh nhiều lần thực hiện các chuyến biểu diễn của mình bên ngoài châu Âu. Năm 1939, trên đường trở về quê nhà từ Úc, Szell nhận thấy điều này là không thể do cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra. Anh quyết định dừng chân tại New York và một chương mới trong sự nghiệp sẽ mở ra trước mắt Szell.

Szell ra mắt khán giả New York vào ngày 1/3/1941 với tư cách nhạc trưởng khách mời của NBC Symphony Orchestra. Sau đó là hàng loạt chuyến lưu diễn tại các thành phố Boston, New York, Philadelphia, Chicago, Los Angeles, Detroit và Cleveland. Buổi biểu diễn đầu tiên của Szell với Metropolitan Opera là vào ngày 9/12/1942 trong Salome (R. Strauss). Szell sẽ còn gắn bó với nhà hát này trong gần 100 đêm diễn sau đó, bất chấp sự xung khắc to lớn giữa ông và vị tổng giám đốc Rudolf Bing đầy quyền lực. Szell cũng là khách mời thường xuyên của New York Philharmonic kể từ khi ông ra mắt dàn nhạc với tư cách nhạc trưởng vào ngày 4/7/1943. Bên cạnh công việc biểu diễn, Szell cũng tham gia giảng dạy sáng tác, phối khí và lý thuyết âm nhạc tại Mannes School of Music.

Left to Right: Frederick Funkhouser (viola), Tom Brennand (viola), Edward Ormond (viola), Abraham Skernick (viola); Negative in file

Mở ra một triều đại ở Cleveland Orchestra

Năm 1946, Cleveland Orchestra mà Szell đã từng có cơ hội công tác trước đó, thông báo Szell trở thành giám đốc âm nhạc tiếp theo của dàn nhạc (cũng trong năm này Szell trở thành công dân Mỹ), thay thế cho Erich Leinsdorf, người đã nộp đơn xin từ chức tháng 12/1945. Mặc dù là một dàn nhạc danh tiếng, nhưng tình hình Cleveland Orchestra lúc đó không được tốt đẹp cho lắm. Nhiều thành viên dàn nhạc đã tham gia quân ngũ và đến những nơi khác. Bản thân Leinsdorf cũng có một khoảng thời gian gia nhập quân đội dẫn đến hoạt động của dàn nhạc bị ảnh hưởng đáng kể. Khi nhận tin Szell được bổ nhiệm, nhiều người tin rằng ông sẽ đi theo con đường của Artur Rodziński trước đó, coi Cleveland Orchestra chỉ là bàn đạp để rồi trở thành giám đốc âm nhạc của New York Philharmonic. Nhưng bản thân Szell không nghĩ vậy, ông đưa ra yêu cầu và lời hứa với dàn nhạc: nếu được trao toàn quyền kiểm soát về nghệ thuật, ông sẽ biến dàn nhạc trở thành “không ai sánh kịp”. Ban giám đốc đồng ý và Szell đã giữ lời hứa của mình.

Công việc đầu tiên Szell làm ngay sau khi nắm quyền tại Cleveland Orchestra là chỉnh đốn lại dàn nhạc. Ông đã sa thải 12 trong số 84 nhạc công còn lại của dàn nhạc, trong số đó có cả những người là bè trưởng. Szell luôn có những ý tưởng dài hạn. Từ ngày đầu tiên của tuần tập luyện trước mùa diễn cho đến buổi hòa nhạc cuối cùng, ông có một kế hoạch tổng thể và đặt ra các mục tiêu cho dàn nhạc để cùng nhau đạt được. Szell lặp đi lặp lại điều này trong nhiều năm để chúng trở thành ý thức, thói quen ăn sâu vào từng nhạc công trong dàn nhạc. Dưới sự dẫn dắt của ông, trình độ dàn nhạc ngày càng được nâng cao, hoàn thiện về mặt kỹ thuật, đồng nhất về cảm xúc và tạo ra được đúng thứ âm nhạc mà Szell mong muốn. Szell cho biết quan điểm âm nhạc của mình: “Trong năm yếu tố quan trọng nhất của âm nhạc, bốn yếu tố đầu tiên là nhịp điệu, sau đó là tất cả mọi thứ khác”. Ông cũng rất chú trọng đến việc phân câu trong các đoạn nhạc: “Anh phải lấy hơi ở đó, âm nhạc phải lấy hơi từ đó. Nhạc công bộ hơi phải làm điều đó. Anh phải làm điều đó vì đó là cách mà âm nhạc hoạt động. Vì vậy, phải lấy hơi thở đúng chỗ”. Trên thực tế, phong cách độc tài của Szell ban đầu cũng vấp phải sự phản kháng từ phía những nhạc công nhưng qua thời gian, họ hiểu rằng những điều ông làm đều vì lợi ích của dàn nhạc nên cuối cùng họ đã thỏa hiệp và cùng nhau, họ tạo ra rất nhiều điều tốt đẹp. Vóc người của Szell cao hơn 1m8, dáng đi thẳng đứng, nghiêm trang của ông cũng tạo thành giai thoại tại Severance Hall, phòng hòa nhạc của Cleveland Orchestra: “Khi George Szell bước vào Severance Hall, các cây cột đứng thẳng hơn một chút”.

“Thế giới âm nhạc sẽ luôn nhớ tới một George Szell độc đoán, sâu sắc, người sở hữu tai nhạc hoàn hảo và kỹ thuật trôi chảy, bậc thầy của nhịp điệu, sự cân bằng và kết cấu, người sáng tạo ra cấu trúc của âm thanh”. (Nhà phê bình âm nhạc Harold C. Schonberg).

Một trong những thay đổi mang tính cách mạng mà Szell mang đến cho Cleveland Orchestra là đại tu lại âm thanh của Severance Hall. Năm 1953, Leopold Stokowski nói với Szell: “Tôi ước gì anh có một phòng hòa nhạc với âm thanh tương xứng với các tác phẩm nghệ thuật của anh… Trong phòng, âm thanh nghe khô khốc và buồn tẻ”. Szell đã thuyết phục Hiệp hội nghệ thuật âm nhạc (đơn vị quản lý dàn nhạc) bỏ ra số tiền một triệu USD để thuê giáo sư Robert Shankland chủ trì việc tái tạo âm thanh cho phòng hòa nhạc. Và cuối cùng, vào mùa diễn 1958-1959, Cleveland Orchestra đã có một phòng hòa nhạc tương xứng với trình độ của họ. Szell đã trở thành vị vua tại Cleveland Orchestra, ở ông toát ra quyền uy tối thượng. Nghệ sĩ double bass Martin Flowerman, người gắn bó 40 năm với dàn nhạc cho biết: “Szell đã điều hành cả bốn tầng của phòng hòa nhạc. Từ việc chỉ đạo đội vệ sinh lau nhà cho đến đặt mua loại bút chì nào cho thư viện, lời nói của Szell là lời cuối cùng. Ai được để râu và ai không được để râu. Sau khi ông qua đời vào năm 1970, đã có ba thành viên của dàn nhạc bắt đầu nuôi râu trở lại”. Có thể nói, các thành viên trong dàn nhạc kính trọng ông, sợ hãi ông hơn là quý mến ông. Szell luôn áp đặt ý chí của mình lên người khác và thẳng thắn bộc lộ quan điểm của mình một cách cứng rắn, không nhân nhượng. Khi được New York Philharmonic hỏi ý kiến của ông về chất lượng phòng hòa nhạc mới của họ ở Lincoln Center, Szell cho biết: “Hãy đập nó đi và xây dựng lại. Phòng hòa nhạc là một sự sỉ nhục đối với âm nhạc”.

Trong nhiệm kỳ của Szell, Cleveland Orchestra đã giành được những hợp đồng ghi âm quan trọng, được mời tới biểu diễn trên khắp nước Mỹ và châu Âu, các nhạc công có được nguồn thu nhập đáng kể và uy tín của dàn nhạc thì cao hơn bao giờ hết. Trình độ của dàn nhạc đã được công nhận là hàng đầu thế giới. Năm 1957, dàn nhạc thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên tại châu Âu và chuyến thứ hai diễn ra vào năm 1965 khi Cleveland Orchestra trở thành dàn nhạc của Mỹ đầu tiên được mời tham dự ra mắt ba lễ hội âm nhạc lớn là Salzburg, Lucerne và Edinburgh. Trọng tâm âm nhạc của Szell là các bậc thầy thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn như Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Brahms, Dvorak, Bruckner, Mahler hay Wagner. Sự quan tâm của ông với âm nhạc đương đại là khá hạn chế mặc dù ông ủng hộ Samuel Barber và William Walton. Mặc dù Szell tuyên bố ông tôn trọng các nhà soạn nhạc, nhưng ông cũng sẵn sàng sửa tổng phổ của họ nếu như ông cảm thấy điều đó là cần thiết cho âm nhạc. Trong bản giao hưởng số 9 “Great” của Schubert, Szell đã thêm horn vào một số đoạn. Còn trong bản giao hưởng số 8 “Bỏ dở”, Szell đã sửa một số nốt nhạc trong tổng phổ của nhà soạn nhạc. Các tác phẩm âm nhạc dưới đũa chỉ huy của Szell đôi khi bị các nhà phê bình chê bai là lạnh lùng, thiếu cảm xúc. Đáp lại việc Donald Vroon, biên tập viên của American Record Guide cho rằng trong các tác phẩm Mozart của ông thiếu đi sự ấm áp, Szell cho biết: “Có một ranh giới rất mong manh giữa trong sáng và lạnh lùng, giữa sự kìm nén cảm xúc và dữ dội. Tồn tại nhiều sắc thái ấm áp khác nhau – từ sự ấm áp thuần khiết của Mozart đến sự gợi cảm của Tchaikovsky, từ niềm đam mê cao quý của Fidelio đến niềm đam mê cuồng nhiệt của Salome. Tôi không thể đổ sốt sô cô la lên măng tây”.

George Szell với ba người học việc (trái sang phải) Stephen Portman, Michael Charry, và James Levine. Nguồn: georgeszell.com

Bậc thầy của nhịp điệu

Mặc dù được coi là một người độc tài và bảo thủ, nhưng đôi khi, Szell lại thể hiện sự rộng lượng và bao dung. Trong buổi dàn dựng lần đầu cùng với nghệ sĩ piano trẻ lập dị Glenn Gould, họ đã xung khắc dữ dội về quan điểm nghệ thuật dẫn đến việc không thể tiếp tục làm việc cùng nhau. Tuy nhiên, Szell vẫn mời Gould biểu diễn cùng dàn nhạc với những nhạc trưởng khác. Sau buổi biểu diễn của Gould trong một bản piano concerto của Beethoven, Szell đã thốt lên: “Cậu nhóc này là một thiên tài”. Để tạo thêm màu sắc phong phú trong danh mục biểu diễn của dàn nhạc, Szell đã mời Pierre Boulez, lúc đó đang là một nhà soạn nhạc, nhạc trưởng tiên phong gây tranh cãi tới cộng tác với dàn nhạc trong một hợp đồng có thời hạn năm năm. Kể từ khi Szell gắn bó mình với công việc chỉ huy dàn nhạc, ông hầu như ngưng hẳn việc sáng tác. Ông cũng gần như không còn biểu diễn piano, chỉ sử dụng nhạc cụ này trong việc dàn dựng tác phẩm. Năm 1967, cùng với concertmaster của Cleveland Orchestra, Rafael Druian, ông thu âm bốn bản violin sonata của Mozart và vẫn khiến khán giả choáng váng về kĩ năng chơi piano điêu luyện của mình. Ngay từ mùa diễn 1955-1956, Szell nhận ra sự cần thiết của một ngôi nhà mùa hè cho dàn nhạc của mình. Trong suốt mùa hè, dàn nhạc rất ít biểu diễn, thỉnh thoảng tổ chức các buổi hòa nhạc tại Public Hall, trung tâm Cleveland hay tại sân vận động Cleveland, trước các trận đấu của đội bóng chày Cleveland Indians. Ngày 19/7/1968, mong muốn của Szell đã trở thành hiện thực, Szell đã chỉ huy dàn nhạc chơi bản giao hưởng số 9 của Beethoven, khánh thành Trung tâm âm nhạc Blossom, cách Cleveland khoảng 25 dặm (hơn 40 cây số) về phía Nam. Mặc dù rất bận rộn với công việc tại Cleveland nhưng Szell vẫn luôn luôn duy trì sự cộng tác chặt chẽ với nhiều dàn nhạc tại châu Âu như Concertgebouw Orchestra, Vienna Philharmonic, Berlin Philharmonic hay London Symphony Orchestra.

Những buổi biểu diễn cuối cùng của Szell với Cleveland Orchestra diễn ra vào tháng 5/1970 khi ông cùng dàn nhạc có chuyến lưu diễn tại vùng Viễn Đông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau khi trở về nước, sức khỏe của ông suy yếu đáng kể về căn bệnh ung thư xương. Szell qua đời vào ngày 30/7/1970 ở tuổi 73. Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Harold C. Schonberg đã viết trên New York Times: “Thế giới âm nhạc sẽ luôn nhớ tới một George Szell độc đoán, sâu sắc, người sở hữu tai nhạc hoàn hảo và kỹ thuật trôi chảy, bậc thầy của nhịp điệu, sự cân bằng và kết cấu, người sáng tạo ra cấu trúc của âm thanh”.

Mặc dù qua đời nhưng dấu ấn của Szell lên đời sống âm nhạc của Cleveland Orchestra vẫn vô cùng to lớn. Như nhạc trưởng David Loebel con trai của Kurt Loebel, người chơi trong bè violin 1 của dàn nhạc trong hơn 30 năm cho biết không phải ngẫu nhiên mà một số lượng lớn bất thường con cái của các thành viên trong dàn nhạc sau này đều trở thành nhạc sĩ. Còn Christoph von Dohnányi, Giám đốc âm nhạc của Cleveland Orchestra từ 1984-2002 trong chuyến lưu diễn cùng dàn nhạc vào cuối những năm 1980 đã nhận xét: “Chúng tôi đã tổ chức một buổi hòa nhạc tuyệt vời và George Szell nhận được đánh giá tuyệt vời”. Năm 2011, Michael Charry, người từng có 10 năm làm trợ lý nhạc trưởng cho Szell tại Cleveland Orchestra đã cho xuất bản cuốn sách George Szell: Một cuộc đời cho âm nhạc, hé lộ nhiều thông tin thú vị xung quanh cuộc sống bên trong và ngoài âm nhạc của Szell. Ví dụ như ông rất thích nấu ăn và hay vào bếp chế biến những món ăn mà mình ưa thích. Szell cũng rất thích tự mình lái xe cho đến tận những năm tháng cuối đời. Ngoài ra, cuốn sách cho biết thêm một số điều liên quan đến tính độc đoán, thích ra lệnh và đôi khi tàn nhẫn của một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất thế kỷ 20.□

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn: https://www.nytimes.com/1970/07/31/archives/george-szell-conductor-is-dead-george-szell-of-cleveland-orchestra.html

http://clevelandartsprize.org/awardees/george_szell.html

https://www.clevelandorchestra.com/discover/archives/stories/still-second-to-none/

https://www.npr.org/2012/07/07/156219408/remembering-george-szell-powerhouse-conductor

Tác giả