Già làng mến khách

Khả năng tiếp chuyện hay nhất của già làng đây thực ra lại không ở trong lời chữ, mà ở trong phong thái của mình. Luôn luôn đĩnh đạc, đầy sức sống, thong dung, cử chỉ gợi mở, dẫn dắt, giọng nói từ tốn, truyền cảm, lượn khúc, nhấn huyệt. Ông học được ở đâu ra các kĩ năng truyền thông tinh tế này nhỉ, hay là chỉ tự học mà ra, như là ông Gia Cát Lượng ngày xưa vừa tự cày ruộng vừa tự học nên mình?

Mùa Xuân Hà Nội năm nay thật là đẹp, theo cách tôi cảm thụ trực quan với tầm nhìn ngắn. Với các nhà khoa học ưu ái sinh thái thì mùa xuân này bị quá đẹp: khô ráo và ấm áp đến kì thường, ấy thực ra là mối lo.

Đang mải cà phê chuyện trò với bạn bè, chắc tôi cũng đang hơi hăng quá, anh bạn vong niên quí mến vỗ vỗ vai “hượm đã, này, có già làng này muốn nhắn mấy câu đây nhé”. Đầu (không) dây kia, giọng nói ấm áp quen thuộc “anh khỏe khoắn chứ, cố gắng mấy ngày tới bay lên đây nhé, hội làng cà phê, quyết được ngay để kịp sắp xếp…”. Ừ, mà mình cũng chẳng có việc gì bị đôn thúc lúc này… “vâng, vui quá, sẽ bay ạ.”

***

BMT là ba chữ viết tắt tên của thành phố, ba chữ mà ai ai cũng nhất trí, nhưng ngay tại sân bay mấy tấm biển trên biển dưới đã cãi vã lẫn nhau hồn nhiên, những “Buôn Mê Thuột”,”Ban Mê Thuột”, “Buôn Ma Thuột”… Tôi chưa tìm ra tấm biển “Ban Ma Thuột” cho điền đủ bảng tuần hoàn 2 mũ 2 của Buôn/Ban/Mê/Ma. Sân bay nhỏ nhắn nhưng khang trang, không còn giống như cái sân thóc hợp tác xã ngày nào tôi cùng các anh chị bên dân tộc học hạ cánh, hạ cánh mà cứ như suýt rụng cánh.

“Đây rồi, xe vào đến làng cà phê ạ”, cô bạn đón khách nở nụ cười “chao ôi”… Tôi rất ngại ngắm người đẹp, sợ nhỡ bị hiểu nhầm (càng không sao). Nào, bách bộ xuyên làng, phải vào sâu hơn, sâu hơn nữa, đến cuối làng, qua cầu đá, vào hang đá… Già làng… đây rồi, đang tiếp khách, vồn vã đứng lên tay bắt mặt mừng chúng tôi. Bàn khách được nới rộng ra, khách cũ khách mới quên hết cả ai cũ ai mới.

Suốt mấy ngày đêm khách khứa ở làng này, tôi mới hiểu ra tình cảnh này là hằng suốt, cứ từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya. May mà già làng này còn trẻ, khỏe, minh mẫn, và lại mê say tiếp khách nữa chứ. Nhiều chủ đề trong các cuộc chuyện thuộc loại gay cấn, phải nghĩ ngợi, phải phân tích, phải bàn thảo rạc người. 

Và tôi nhận ra, già làng đây là người có khả năng tiếp khách siêu việt, có lẽ là nhất xứ Việt. Ông này rồi sẽ đến lúc nên làm bộ trưởng ngoại giao một lúc xem sao, tại sao không? Tôi liên tưởng mãi đến cái chức vụ có lẽ là nhàn nhất xứ Việt một thời ngày xưa, chức vụ bộ trưởng ngoại giao: có khi cả năm trời bộ trưởng ngoại giao không thấy ra nước ngoài lần nào thì phải.

Vừa tiếp khách, đôi khi chủ động thuyết trình, già làng vẫn tiếp tục các công việc “riêng” của mình, cả những việc liên quan đến việc quản trị cho chạy cái làng cà phê đích thực, cái làng rộng lớn hơn rất nhiều chính cái làng này. Chưa hết, đôi lúc già làng lại làm tour trả lời phỏng vấn, thu tiếng, thu hình… tại chỗ. Chiếc smartphone trong tay ông hoạt động không nghỉ, vậy mà hễ ai dừng chuyện, thì già làng lại giục “anh cứ nói tiếp, tôi đang nghe mà”, và rồi lại tiếp tục vào lại cuộc chuyện sít sao như không từng bị gián đoạn.

Khả năng tiếp chuyện hay nhất của già làng đây thực ra lại không ở trong lời chữ, mà ở trong phong thái của mình. Luôn luôn đĩnh đạc, đầy sức sống, thong dung, cử chỉ gợi mở, dẫn dắt, giọng nói từ tốn, truyền cảm, lượn khúc, nhấn huyệt. Ông học được ở đâu ra các kĩ năng truyền thông tinh tế này nhỉ, hay là chỉ tự học mà ra, như là ông Gia Cát Lượng ngày xưa vừa tự cày ruộng vừa tự học nên mình?

***

Các sinh hoạt ẩm thực, văn hóa, vũ hội ở ngôi làng cà phê vượt ra xa các nếp mòn hội nghị hội thảo cổ truyền theo thể thức “ai tham ăn thì tham luận”.
Lời nói được sử dụng hãn hữu, vừa xíu đủ.  

Không cần khua phát “dân tộc”, hãy thưởng thức âm, nhạc, vũ, điệu, trang phục, con người, món ăn. Không cần ồn ào “quốc tế”, các vị khách thế giới, cùng các nhóm các cô gái trong trang phục và kiểu cách Ethiopia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… phục vụ cà phê Ethiopia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… cho chúng ta được thưởng thức đầy đủ sắc, hương, tình, vị.

Làng cà phê này là nhân tố tham gia rất chủ đạo cho ngày Lễ hội Cà phê tại trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột. Lễ hội này có lẽ là lễ hội quần chúng sáng tạo bậc nhất ở xứ Việt. Bạn có đoàn voi uy phong diễu hành, mà cũng có đoàn xe ngựa kéo quyền quí. Bạn có đoàn xe bọ cạp sưu tầm tự nguyện kéo về từ mọi nơi trên đất nước, mà cũng có đoàn thiếu niên trai gái đạp xe đạp vô tư yêu kiều diễu trên quảng trường. Bạn có đủ các dân tộc cao nguyên nhảy múa, mà cũng có các vũ nữ hóa trang và nhảy múa theo kiểu các cường quốc cà phê.
  
Bạn có người dân, mà cũng có các nhân viên công sở diễu hành.
 
Bạn có lời chúc của quan chức địa phương, mà cũng có lời chúc của quan chức khách xứ nước ngoài…

Bạn còn mong có sự cải thiện nào khác ư? Kể cũng có. Bộ máy an ninh làm việc vất vả, nhưng mặt mũi của các vị nên vui tươi tham gia ngày hội, đây là ngày hội của cả các vị nữa chứ; các quan chức địa phương đọc diễn văn dưới trời nắng gắt, từ sau các thư kí nên soạn diễn văn thật ngắn thôi, và các quan chức nên thật tươi tắn, tham gia vui chơi cùng lễ hội… Quảng trường là nơi tiếp đón khách muôn nơi, lại kê mô hình cái xe tăng… Mà thôi, đã góp ý, không nên góp nhiều quá một lúc…

Được già làng mời lên xe ngựa kéo để diễu hành qua quảng trường, tôi xin được làm người dân dưới hè phố để thưởng thức cho được đầy đủ quang cảnh buổi diễu hành của dân chúng. Từ hè phố này, tôi mơ ước Hà Nội có ngày học tập được Buôn Mê Thuột để làm lễ hội dân chúng cho chính mình. Để quảng trường Nhà hát Thành phố Hà Nội trở thành nơi người dân dung dị gửi gắm tấm lòng mình, và trưng phô tấm lòng mình trong một cuộc đời nhiều niềm vui hồn nhiên hơn, thật bụng hơn.

***

Các hoạt động lễ hội đan kín, tôi cảm phục người bạn già làng của mình về năng lực phi thường trong việc tiếp đãi khách. Đúng là mấy ông thanh niên cưới vợ mới tiếp khách một buổi mà đã phờ phạc, không ăn thua gì… Mà tiếp đãi khách ở đây không chỉ là uống cà phê và nói chuyện suốt ngày đêm đơn thuần… còn phải lo đến đủ cả ăn, cả ở, cả đi lại, cả giải trí cho các quí vị… đủ chuyện.

Cuối cùng thì những ngày lễ hội cũng trôi qua, giờ từ biệt đã điểm. Không muốn phiền nhiễu gì hơn, đồ đạc đã soạn xong, tôi nhắn SMS “cảm ơn anh nhiều quá, thật là một dịp hiếm vui, nhiều phát hiện, nhiều kỉ niệm, thêm bè bạn. Đến giờ ra sân bay rồi, hẹn gặp lại à.”

Điện thoại nổ chuông tức thì. “Xin lỗi anh, tôi trót bận quá những ngày qua, chúng mình chuyện trò như thế, nhưng vẫn chưa thỏa à. Anh ráng ở lại thêm đi nhé, đổi vé xong, chúng ta còn trò chuyện được hết chiều, thâu đêm suốt sáng ở miền quê đồi núi tịnh lặng. Được chứ anh?”

Tôi mỉm cười gửi lại “Được chứ còn gì.”

Lại SMS. “Tôi qua đón anh ngay bây giờ. Sẵn đồ, ta đi luôn. Đặng Lê Nguyên Vũ.”
 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)