Giải thưởng văn học: Sự kiện hay giá trị ?

Nếu một hôm đẹp trời, có ai đó giao cho ta cầm trịch một giải thưởng văn chương ở xứ này, cho ta toàn quyền tự quyết trong việc phát giải, thì phản ứng đầu tiên của ta sẽ là gì? Từ chối? Hay hăng hái nhận lấy trọng trách và sau đó đi mua một bộ giáp sắt cùng nón bảo hiểm, mặc vào mọi lúc mọi nơi để chuẩn bị hứng đá dư luận?


1.Hội Nhà văn Hà Nội cuối cùng phải thu hồi giải thưởng đã trao cho tập thơ Sẹo độc lập (Nhã Nam & NXB Lao động, 2014) của Phan Huyền Thư và sau đó công khai xin lỗi công chúng văn học bởi trong tập thơ này có một bài bị tố là đạo thơ, tác giả không đủ cơ sở chứng minh được tác quyền thuộc về mình.

Đúng sai trong chuyện tác quyền bài thơ Bạch lộ, có lẽ không cần thiết phải bàn nữa. Nhưng hãy cùng mổ xẻ động thái từ Hội Nhà văn Hà Nội.

Việc thu hồi giải thưởng, xin lỗi người đọc có thể xem là cần thiết, minh bạch và thành khẩn trong bối cảnh áp lực của dư luận đang tăng cao, nhằm vào “thương hiệu” của một giải văn chương bấy lâu được xem là có chút “cá tính” trong loạt các giải văn chương đều đều tầm tầm tính từ trung ương tới địa phương.

Từ lâu, nền tảng phê bình, thẩm quyền học thuật – nhân tố chính làm nên danh giá hay uy tín các giải thưởng – thiếu vắng trầm trọng, dẫn đến mức độ thuyết phục và sự khả tín của các giải thưởng không cao.

Việc gắn trách nhiệm liên đới uy tín của tổ chức trao giải với giá trị tác phẩm được trao phải đặt trong sự soi xét, giám sát khắt khe của công chúng, học giới – đó là điều quyết định giúp giải thưởng đứng được. Chuyện đứng ra nhận lỗi và xin lỗi trong trường hợp này là việc cần, để thấy rằng, giải thưởng không phải là sự ban phát một chiều của những người có quyền năng ngự sử văn đàn, không cần đến sự tương tác nào với đời sống và muốn trao cho ai, trao ra sao thì trao. Thực tế cho thấy, gần đây cũng có những tranh cãi nặng nề về bản quyền, tác quyền đối với sách được trao giải, nhưng ban tổ chức giải thưởng sau đó đã lờ đi cho xong chuyện và hậu quả nhãn tiền là uy tín của giải thưởng dần dần giảm sút nghiêm trọng.

Mỗi giải thưởng, suy cho cùng, là một hình thức khẳng định, bảo chứng hay “đóng chuẩn” giá trị cho tác phẩm theo một hệ thống giá trị riêng. Tất nhiên, trên thế giới cũng có những giải thưởng làm điều ngược lại: trao cho những tác phẩm kỳ quái, những tác phẩm tệ – nhưng ngay cả trong trường hợp này, hội đồng giám khảo hay ban tổ chức giải thưởng cũng phải đưa ra được một hệ tiêu chí thuyết phục về học thuật để minh chứng cho tính kỳ quái hay yếu kém giá trị của tác phẩm được trao.

Như vậy, giải thưởng là câu chuyện giá trị. Việc công khai xác định giá trị là điều quan trọng bậc nhất đảm bảo tính công minh của giải thưởng. Và bao giờ cũng thế, phía sau câu chuyện giá trị là hệ thống phê bình. Điều hiển nhiên, những giải thưởng lớn và lâu đời, ngoài khuynh hướng xét giải được xác lập một cách khá ổn định từ trước, thì việc đảm bảo gìn giữ uy tín giải thưởng một cách ổn định thường nhờ vào sự bổ sung liên tục những tên tuổi phê bình uy tín, có quyền năng về học thuật. Những nhà phê bình cầm trịch trong các giải thưởng sẽ lấy chính tên tuổi, sự nghiệp, sự tín nhiệm của đại chúng để đưa ra quan điểm đánh giá, xét chọn tác phẩm, tác giả thật tường minh. Xa hơn, họ chịu trách nhiệm học thuật với cộng đồng viết, đọc sau mỗi quyết định có tính “sinh sát” của mình.

Tuy nhiên, không thể có giải thưởng nào đáp ứng hết mọi nhu cầu về giá trị, thỏa mãn hết mọi đòi hỏi học thuật. Đó là lý do mà chúng ta vẫn nói với nhau rằng, tôi thích những tác phẩm vào giải Man Booker hơn Nobel, anh lại thích Goncourt hơn Pulitzer, kẻ khác lại thích IMPAC Dublin hơn giải PEN… Cho dù vậy, thì trên cái khung chung của hệ thống giá trị nêu ra, giải thưởng danh giá phải có sự thuyết phục về mặt học thuật và sau đó là trình bày với công chúng một hệ quy chiếu khác biệt để cho thấy tính đóng góp và nghĩa lý tồn tại của nó trong đời sống văn học.


2. Trong xã hội công nghệ thông tin, câu chuyện một tập thơ đoạt giải có câu thơ “đã từng xuất hiện” trong một bài thơ của tác giả khác nhanh chóng được “search” ra và lập tức nổ ra cuộc tranh cãi; một bài thơ cũng trong tập thơ đoạt giải có nhiều câu từ đã từng xuất hiện trong một bài thơ của tác giả khác cũng được nhanh chóng lần ra. Về kỹ thuật, người đọc có thể kiểm tra tác quyền. Nhưng xa hơn, họ cũng có thể có những phản hồi khác thuộc về giá trị toàn bộ tác phẩm, bút pháp tác giả, đóng góp nghệ thuật. Nhưng rất tiếc, trong các sự kiện lùm xùm gần đây xoay quanh các giải thưởng, những cuộc tranh luận giá trị, học thuật ít diễn ra. Có lẽ bởi mối quan tâm, chờ đợi của công chúng với văn chương trong nước nói chung và với các giải thưởng văn học chỉ nằm ở tính bề mặt sự kiện và không đủ lớn.

Rất tiếc, trong các sự kiện lùm xùm gần đây xoay quanh các giải thưởng, những cuộc tranh luận giá trị, học thuật ít diễn ra. Có lẽ bởi mối quan tâm, chờ đợi của công chúng với văn chương trong nước nói chung và với các giải thưởng văn học chỉ nằm ở tính bề mặt sự kiện và không đủ lớn.

Lỗi không nằm ở công chúng. Phải nhận thấy điều này: văn chương trong nước từ lâu đã không còn đủ sức hấp dẫn người đọc ngay trên chính lãnh địa thị trường của mình. Nói xa hơn, những gì công chúng chờ đợi ở đời sống văn chương có lẽ nằm đâu đó ngầm ẩn bên dưới, bên ngoài cái thực tế của bối cảnh văn nghệ công khai nhưng đầy rẫy những giới hạn và khiếm khuyết này. Vì thế những giải thưởng, được sinh ra cũng chỉ để yếu ớt khua động bề mặt thông tin vốn yên ắng, chứ không đủ khuấy động hay tuyên dương những tầng sâu thuộc về giá trị. Bên cạnh đó, từ lâu, nền tảng phê bình, thẩm quyền học thuật – nhân tố chính làm nên danh giá hay uy tín các giải thưởng – thì thiếu vắng trầm trọng, dẫn đến mức độ thuyết phục và sự khả tín của các giải thưởng không cao. Giải thưởng hầu hết thuộc về các tổ chức hội nghề nghiệp do Nhà nước quản lý nên cũng không thể trông chờ ở tính độc lập trong khuynh hướng để có thể tạo ra sự đa dạng. Hãy nhìn vào các giải thưởng tạm coi là “được quan tâm” hiện nay, dễ dàng nhận thấy tình trạng “quanh quẩn” – có thể mượn ý thơ Huy Cận để nói một cách đầy đủ nhất: “Đời tẻ nhạt như tàu không đổi chuyến”, “Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu/ Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người”.

Các giải thưởng cùng “tông”, cùng “gu” bởi cùng ban giám khảo, cùng tiêu chí, chưa nói, nếu xét đến các giải thưởng thường niên tầm tầm của các tổ chức văn nghệ địa phương thì giải thưởng ở ta nhiều vô kể.

Đời sống sáng tạo nghèo nàn, phải đạo, đời sống phê bình sáng tạo nhàm chán và không gian học thuật tẻ nhạt thì bới đâu ra những giải thưởng danh giá bây giờ? Câu chuyện những giải thưởng sách ở ta không tạo ra cú hích nào về thị trường hay tạo ra những cú sốc nào cho đời sống phê bình, học thuật hoàn toàn dễ hiểu.

Suy cho cùng, sự èo uột của các giải thưởng sách cũng là thứ phản ánh khá rõ bức tranh đời sống học thuật và sáng tạo.

3. Những nỗ lực bảo vệ “uy tín” của một giải thưởng để ứng phó với làn sóng “phản hồi” của công chúng được xem là cần thiết. Nhưng đó là sự cần thiết ở phương diện truyền thông, khi mà những trao đổi tranh luận cũng dừng lại ở phương diện truyền thông, chỉ cần vài thao tác kỹ thuật là người ta có thể nhảy vào cuộc để “nói” chuyện sách vở. Bản thân giải thưởng có màu quốc doanh không tạo ra được cú sốc nào về thẩm mỹ, nhận thức hay văn hóa nên thật khó mơ đến những cuộc tranh cãi sôi nổi để giải quyết vấn đề giá trị, học thuật. Trên thị trường, đời sống của những cuốn sách được tôn vinh vẫn không có gì thay đổi – tuổi thọ sách vẫn chẳng khác nào sữa chua (theo cách nói hài hước của Frédéric Badré trong cuốn Tương lai văn học); những tác giả, ngoài một chút huy hoàng phù phiếm trong buổi lễ trao giải, tên tuổi được nhắc đến trong vài ba bản tin qua loa thì cũng chẳng vì vậy mà lên đẳng cấp trong những tác phẩm về sau.

Người ta đón nhận những bản công bố giải một cách hời hợt để rồi quên. Ai mà chẳng hiểu rằng, nếu là giải thưởng thường niên, thì yên tâm đi, năm sau, cứ đến ngày đến giờ, thể nào mà chẳng lại được trao.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)