Goncourt 2010: Giữa Bản đồ và lãnh thổ

Đã ngấp nghé giải Goncourt từ lâu nhưng mãi đến năm nay, La carte et le territoire (Bản đồ và lãnh thổ), một cuốn tiểu thuyết độc đáo về cả nội dung lẫn hình thức của Michel Houellebecq mới đoạt giải thưởng văn học lâu đời và danh giá nhất dành cho các nhà văn viết bằng tiếng Pháp này.

Trong số các nhà văn Pháp đương đại, Michel Houellebecq có lẽ là tác giả được độc giả yêu thích văn chương ở Việt Nam biết đến nhiều nhất bởi không những hai tác phẩm của ông đã được chuyển dịch sang tiếng Việt, đó là Mở rộng phạm vi đấu tranh (Thuận dịch), và Hạt cơ bản (Cao Việt Dũng dịch), mà còn vì đây là một nhà văn gây nhiều tranh cãi không những tại Pháp và không chỉ trong lĩnh vực văn chương.

Ông đã ngấp nghé giải Goncourt từ lâu nhưng chưa có cơ duyên. Năm nay, La carte et le territoire (Bản đồ và lãnh thổ), một cuốn tiểu thuyết độc đáo về cả nội dung lẫn hình thức của ông, đã đoạt giải Goncourt, giải thưởng văn học lâu đời và danh giá nhất dành cho các nhà văn viết bằng tiếng Pháp.

Là một tiểu thuyết cận viễn tưởng, câu chuyện xảy ra vào năm 2016, thời điểm mà Philippe Sollers đã chết, Jean-Pierre Pernaut không còn dẫn chương trình thời sự lúc 13 giờ vì đã thú nhận mình là kẻ đồng tính. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jed Martin. Thời còn là sinh viên Trường Mỹ thuật Paris, công việc đầu tiên của Jed là “chụp ảnh một cách có hệ thống các đồ vật được chế tạo trên thế giới”, “lập danh mục đầy đủ các chế tạo của con người vào thời kỳ công nghiệp”.

Công việc tiếp theo mà Jed phải làm là chụp các bản đồ đường sá Michelin để triển lãm, một cuộc triển lãm lấy câu “Bản đồ thú vị hơn lãnh thổ” làm khẩu hiệu. Phải công nhận rằng với những công việc tỏ ra tầm thường đó, Jed đã có một chút tiếng tăm. Tuy nhiên, hắn sớm lâm vào một cuộc sống tối tăm, đầy hoang mang và lo sợ khi bước vào con đường hội họa. Không giống các họa sĩ khác, hắn chỉ vẽ người, vẽ đàn ông và đàn bà với những cảnh đời khác nhau. Khi hắn đang chuẩn bị triển lãm tranh, khi hắn đang có cơ hội trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới thì có người bày cho hắn đi nhờ Houellebecq, hiện đang ở Ai-len, viết lời tựa cho tập catalogue cho hắn.

Jed sang Ai-len gặp Houellebecq, giờ chỉ còn là một “cụ rùa ốm yếu”, “không thối bằng một xác chết”. Jed vẽ chân dung nhà văn nổi tiếng thế giới đó. Hắn những muốn đó là bức tranh cuối cùng của hắn. Khi hắn tặng bức chân dung đó cho Houellebecq cũng là lúc một bi kịch kinh khủng, tàn khốc xảy ra. Nạn nhân của tội ác tày trời này không phải ai khác, đó chính là Houellebecq. Nhà văn nổi tiếng này bị sát hại một cách man rợ: hung thủ đã dùng một lưỡi dao laser đắt tiền được sử dụng trong đại phẫu và khéo léo cắt đầu của nạn nhân. Kỹ thuật laser cho phép quá trình cắt cổ không chảy ra máu. Sau đó, hung thủ đã băm vằm Houellebecq ra thành từng mảnh thịt nhỏ đến nỗi quan tài của nhà văn này chỉ nhỏ bằng quan tài dành cho trẻ em.

Việc mai táng được thực hiện theo đúng ước nguyện của nạn nhân: “Lễ tang được cử hành vào thứ hai tới. Nhà văn đã có những chỉ dẫn cực kỳ cụ thể về chủ đề này. Ông đã viết bản hướng dẫn và đưa cho công chứng viên và kèm theo một khoản tiền để trang trải việc chôn cất. Ông không muốn hỏa thiêu mà mong được chôn theo kiểu truyền thống. “Tôi mong rằng xương của tôi bị giòi bọ đục khoét”, ông nói rõ. Ông còn viết một cách trịnh trọng trên tờ hóa đơn: “Tôi luôn có quan hệ rất tốt với bộ xương của mình, và tôi vui mừng nếu xương của tôi có thể rũ khỏi thịt da gò bó của nó.” Quá trình điều tra vụ án làm hé lộ nhiều vấn đề về nghệ thuật, tình yêu và cái chết qua hai cách nhìn của Jed Martin (cái tên của nhân vật này gợi nhớ Martin Heiddeger) và viên cảnh sát điều tra Jasselin.

Một trong những điểm trội của tiểu thuyết này, đó là tính kỹ thuật. Tính kỹ thuật thể hiện trước tiên trong phong cách kể chuyện rất Pérec, theo kiểu La vie mode d’emploi. Nếu như trong tiểu thuyết của Pérec, họa sĩ Serge Valène cố gắng vẽ nên một bức tranh khổng lồ bằng hàng trăm mảnh ghép khác nhau, những mảnh ghép này là những mảnh đời của những người cư ngụ trong một chung cư tại Paris thì Bản đồ và lãnh thổ của Houellebecq cũng xuất phát từ điểm nhìn của họa sĩ Jed Martin. Những hoạt cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, công nghệ… lần lượt diễn ra trong mắt của tay họa sĩ này.

Tính kỹ thuật cũng được thể hiện trong việc Houellbecq đưa vào tác phẩm những sáng chế hiện đại nhất của con người: máy đun nước, máy chụp hình, xe hơi, laser,… Nghệ thuật miêu tả trong tiểu thuyết này cũng đầy tính kỹ thuật, chẳng hạn như đoạn miêu tả cuộc hội đàm giữa Bill Gates và Steve Jobs về tương lai của tin học, đoạn miêu tả Jed Martin chụp hình các bản đồ Michelin, đoạn miêu tả vụ sát hại nhân vật nhà văn Houellebecq…

Đặc biệt, qua tiểu thuyết này, Houellebecq thể hiện mình là một con ma nét và nghệ thuật tiểu thuyết của ông không thể thoát khỏi sự tác động bất khả kháng của internet. Điều này thể hiện ở việc ông gần như cắt nội dung từ từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia và dán vào tác phẩm của mình, đoạn mô tả con ruồi và đoạn nói về thành phố Beauvais.

Qua tiểu thuyết, chúng ta cũng thấy được tham vọng vẽ nên bức tranh toàn cục về thế giới đương đại của Michel Houellebecq. Ông muốn cho người đọc hiểu rõ hơn về tấn trò đời trong một xã hội mà đời sống tình cảm và tình dục của con người càng ngày càng bị tha hóa, càng ngày càng trở nên nghèo nàn. Ông không ngại đưa vào tác phẩm những nhân vật có máu mặt trong giới truyền thông, văn học, giới doanh nghiệp hay chính trị gia như Julien Lepers, Frédéric Beigbeder, Jean-Pierre Pernaut, Patrick Le Lay, François Pinault hay François Mitterrand, Bill Gates, Steve Jobs… Ông đả kích giới văn nghệ, giới kinh doanh cũng như giới báo chí. Ông cũng mỉa mai chính mình, mô tả mình là một nhà văn bợm rượu, suy nhược, cô đơn, bí ẩn, già nua, xấu xí.

Bản đồ và lãnh thổ của Michel Houellebecq không chỉ gây nhiều tranh cãi về việc ông có đạo văn wikipedia hay không mà còn liên quan đến nghệ thuật tiểu thuyết và sứ mệnh văn chương. Tahar Ben Jelloun là một trong những người công kích kịch liệt tác phẩm này. Ông viết: “Tiểu thuyết này có gì mới chứ? Một vài đoạn tầm phào về thân phận con người, một lối viết giả tạo như đang cố hoàn thành một bản vẽ, một câu chuyện có sự hiện diện của những nhân vật có thật kết hợp với những nhân vật sáng tạo, một cuốn sách quảng cáo các sản phẩm tiêu thụ và là thông điệp cuối cùng của một nhà văn tưởng mình vượt lên tất thảy mọi quy luật, một nhà văn muôn đời bị nguyền rủa và không ai hiểu, một nhà văn không biết yêu đời và những con đường dẫn tới hạnh phúc là gì.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng Houellebecq là một nhà văn người yêu cũng nhiều và kẻ ghét cũng lắm, đặc biệt là những người hồi giáo như Tahar Ben Jelloun. Và thực tế cho thấy rằng, ban giám khảo, giới phê bình cũng như bạn đọc tại Pháp đánh giá rất cao tác phẩm mới này của Houellebecq, điều này được thể hiện ở sự thống nhất trong ban giảm khảo về việc trao giải cho nhà văn, và đặc biệt, gần hai trăm nghìn bản đã đến tay người đọc.

Michel Houellebecq, tên thật là Michel Thomas, sinh ngày 26/2/1958 tại La Réunion. Bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ, ông được ông ngoại nuôi dạy. Thời trung học, ông tỏ ra là một học sinh đặc biệt thông minh, sắc sảo, được bạn bè mệnh danh là Einstein. Năm 1988, ông tốt nghiệp đại học nông nghiệp.

Houellebecq khởi đầu sự nghiệp văn chương từ năm 1994 với tiểu thuyết Mở rộng phạm vi đấu tranh. Năm 1998, ông xuất bản cuốn Hạt cơ bản và với cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra 25 thứ tiếng này, ông đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Tiểu thuyết thứ ba của ông có tựa đề Thềm lục địa nói về du lịch tình dục được xuất bản năm 2001.

Năm 2005, cuốn Khả năng của một hòn đảo của ông suýt được trao giải Goncourt, nhưng dù sao cũng đoạt giải Interallié.

Năm 2010, cuốn Bản đồ và lãnh thổ của ông đã được in 130.000 bản và đã đoạt giải văn học danh giá nhất nước Pháp.


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)