Góp chuyện hậu hiện đại*

Từ "hậu hiện đại" (postmodern) xuất hiện lần đầu trong cuốn Hoàn cảnh Hậu hiện đại (La Condition Postmoderne) của Jean-Francois Lyotard và được ông định nghĩa ở đó là "thái độ hoài nghi đối với mọi lý giải lớn." Nói ngắn gọn, một lý giải lớn (grand narrative) là một tập hợp các mệnh đề được coi là đúng và được sử dụng để biện minh cũng như làm cơ sở tri thức luận và ý thức hệ cho một hoặc nhiều tập hợp các mệnh đề khác.

Ví dụ, lý giải lớn của khoa học tự nhiên là giả thiết rằng có tồn tại một thế giới khách quan, độc lập với chủ thể quan sát, và hoạt động có quy tắc.

 Điêu khắc công cộng hiện đại, Chicago, Mỹ- Anish Kapoor – Cloud Gat
Điêu khắc công cộng hiện đại, Chicago, Mỹ- Anish Kapoor – Cloud Gat

Một ví dụ gần gũi hơn có lẽ là câu chuyện về sự tốt đẹp và tính đúng đắn của nền kinh tế thị trường (theo định hướng xã hội chủ nghĩa). Đó cũng có thể coi là một lý giải lớn, được kể và tin để biện minh cho nhiều diễn biến trong xã hội chúng ta. Con người hậu hiện đại nghi ngờ những lý giải lớn như vậy. Họ tìm đến những “câu chuyện nhỏ” (petits récits). Họ muốn thay thế một quan điểm chung bằng vô vàn những quan điểm riêng khác nhau, trong đó không cái nào đúng hơn cái nào. Như vậy, việc trong số những “quan điểm riêng” này có những quan điểm cho rằng một cái bệ xí là một tác phẩm nghệ thuật, hay vài phút im lặng là một tác phẩm âm nhạc, có lẽ không phải là quá khó hiểu. Nội dung của các khái niệm như “đẹp” hay “nghệ thuật” trở thành vấn đề định nghĩa. Tác phẩm không mang giá trị tự thân nữa. Trường mỹ thuật (school of fine arts) trở thành trường nghệ thuật (art school). Mỹ thuật đã mất phần mỹ, chỉ còn phần thuật theo nghĩa thủ thuật. Các “nghệ sĩ” thi nhau tìm cái riêng, cái độc đáo. Những người đọc nhiều nói giỏi thì làm nghệ thuật ý niệm, điển hình là Duchamp và John Cage như ta đã thấy. Ai vẫn thích tạo tác khéo léo thì thành nghệ sỹ sắp đặt, sử dụng những vật liệu ưa thích nhất của mình. Ai ưa trình diễn thì tất nhiên là sẽ trình diễn. Số này ngày càng nhiều. Những người sống trong các tầng văn hóa đường phố hoặc thế giới ngầm thì làm nghệ thuật bình dân, thường có khuynh hướng dân túy. Những ai có biết hoặc học vẽ hẳn hoi như Georg Baselitz thì khai thác kỹ năng hội họa của mình theo hướng tân biểu hiện, như tác phẩm nổi tiếng của ông vẽ lem nhem một người đứng cầm dương vật dài ngoẵng của mình. Những người mê kỹ thuật thông tin thì làm nghệ thuật đa phương tiện. Ai thích video thì làm nghệ thuật video.

Điêu khắc công cộng hiện đại, Chicago, Mỹ- Anish Kapoor – Cloud Gat

Phần lớn sẽ đi đến chỗ kết hợp tất cả thành như một thứ đồ chơi khổng lồ vừa có đèn đóm vừa có hình ảnh âm thanh lập lòe phụ họa với nhau. Còn những ai có khiếu ẩn dụ và thích lợi dụng những gì sẵn có, thì làm nghệ thuật vay mượn, nghĩa là cóp nhặt những vật phẩm hoặc tác phẩm của người ta rồi ghép nối thành một cái gì đó của mình, kiểu như lấy ảnh chụp Mao Trạch Đông rồi biến báo gạch xóa đi một tí chẳng hạn, kệ cho ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, tự gọi đó là nghệ thuật “vừa chỉ trích vừa đồng lõa”. Hơn nữa, tuyệt đại đa số những người trong giới nghệ thuật đều tin rằng hễ đã là nghệ thuật là phải lạ phải mới – một sản phẩm tâm lý tuyệt luân của văn hóa quảng cáo và tiêu thụ, được nuôi dưỡng bởi thị trường nghệ thuật tinh vi có thể biến mọi thứ vô nghĩa nhất thành vàng dựa trên cái có thể gọi là “hội chứng vua cởi truồng”.
Cũng như mọi giai đoạn lịch sử trước đây, nghệ thuật hậu hiện đại có những đại diện may mắn có được cả thiên bẩm tư duy lẫn năng lực sáng tạo thật sự. Chẳng hạn như Anish Kapoor, nhà điêu khắc Ấn Độ học và làm việc tại Luân Đôn.

Bảo tàng nghệ thuật Hirshhorn, Washington DC, Mỹ- Frank Stella, Pagosa Springs, 1960

Những tác phẩm của ông không cần lời giải thích mà vẫn làm hiển lộ được cái đẹp và cái lớn lao trong cái tưởng như là hư ảo và hỗn loạn của hiện hữu. Gọi những người như Kapoor là hậu hiện đại là gọi theo nghĩa thời gian, tức theo nghĩa đơn giản là “sau hiện đại”. Nếu hiểu hậu hiện đại như vậy, ta có thể nói một trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại nữa vẫn được kể đến là nghệ thuật hiện thực cổ điển (classic realism), đang phát triển mạnh ở Mỹ. Đơn giản là vì sau thời kỳ nghệ thuật hiện đại, khởi nguồn với Cezanne, Picasso và tiếp nối bởi những đại diện như Jackson Pollock, Barnett Newman, Robert Rauschenberg, Andy Warhol, Frank Stella…, người ta lại chán ngán mọi thứ trừu tượng bảo sao nên vậy và muốn trở về với lối mắt nhìn tay vẽ chân thực ngày xưa. Một đại diện của trào lưu này là họa sỹ Na-uy Odd Nerdrum, với những bức tranh sơn dầu có lối nhìn và kỹ thuật cổ điển của Rembrandt và Ingre, nhưng đề cập đến những chủ đề mang đậm tính hoài nghi và phê phán điển hình của thái độ đương thời. Hiện có 11 trường tại Mỹ và hai trường tại Ý đang hoạt động như những trung tâm mỹ thuật hiện thực cổ điển, đào tạo kỹ năng theo phương pháp như trường Mỹ thuật Đông dương của Tardier tại Hà Nội ngày xưa, và tuyệt đối không chịu dính dáng gì đến mọi hình thức vẽ bằng

Vô đề – nghệ thuật hiện đại- Anish Kapoor 

mồm. Trong triết học, một trong những người phê phán chủ nghĩa hậu hiện đại có tiếng nhất là Juergen Habermas. Ông cho rằng những giả thiết hoài nghi của chủ nghĩa này mang tính mâu thuẫn của các mệnh đề tự chỉ. Nói một cách hết sức nôm na, nếu hậu hiện đại nghi ngờ mọi lý giải lớn, thì nó không thể nghi ngờ cái giả thiết rằng mọi lý giải lớn đều đáng nghi ngờ, và vì giả thiết này bản thân là một lý giải lớn, ta suy ra là hậu hiện đại không nghi ngờ mọi lý giải lớn, tức phủ định của giả thiết đầu tiên. Ta gặp lại ở đây mâu thuẫn của Epimenides. Ngoài Habermas, nhiều nhà khoa học tự nhiên cũng phê phán chủ nghĩa hậu hiện đại. Một ví dụ là Richard Dawkins. Ông đã và đang lên tiếng về những quái trạng trong giới khoa học xuất hiện và tồn tại dưới chiêu bài hậu hiện đại. Trái ngược với tư tưởng của Lyotard cho rằng chỉ có những sự thật mảnh lẻ có thể tìm thấy ở những “câu chuyện nhỏ”, khoa học tự nhiên vẫn tìm cách thay thế những quy luật riêng lẻ bằng những quy luật tổng thể hơn, với hy vọng một lúc nào đấy sẽ tìm ra cái gọi là Lý thuyết Thống nhất Lớn (Grand Unification Theory),

Tổng hợp, 327 x 335,5 x 10,1 cm- Frank Stella, Effingham I, 1967

giải thích được toàn bộ thế giới. Lịch sử nghệ thuật phương Tây hình như đang chững lại trong một giai đoạn hỗn độn, không còn đủ sức tiếp nối cái logic song hành với lịch sử khoa học như trước đây.

 

—————————

 

 

 

 

 

 

 

 *Tham luận đọc tại Hội thảo Khoa học “Nghệ thuật Việt Namtrong bối cảnh toàn cầu hoá” của Viện Mỹ thuật- Trường ĐH Mỹ thuật Việt

 

Ở Việt nam, thái độ hậu hiện đại của Lyotard hình như đang được coi là đích đến sáng giá của nghệ thuật, bắt nguồn từ tâm lý hoài nghi đích thực và được khích lệ mạnh mẽ bởi mong muốn nhanh chóng hội nhập với thế giới. Cũng phải nói rằng tâm lý hoài nghi ấy phần lớn là học được của phương Tây, và cái thế giới ta muốn hội nhập ấy cũng là thế giới phương Tây, hoặc những giá trị đã được phương Tây chấp nhận và tán thưởng. Xã hội nhỏ yếu thừa hưởng những vấn đề và noi theo các giá trị của xã hội lớn mạnh là chuyện bình thường. Còn thừa hưởng và noi theo như thế nào và như thế có phải là số phận hay không thì lại là chuyện khác. Nhất là trong nghệ thuật.

Tác giả