Grace Bumbry – Venus đen của sân khấu opera

Nhà phê bình nghệ thuật Claudia Cassidy đã từng nói “Tôi chưa từng nghe thấy giọng hát mới nào thú vị hơn giọng hát của Grace Bumbry đang bay vút qua đường chân trời. Đây là một giọng hát lộng lẫy và nhờ ân sủng của các vị thần, người ta đã có cơ hội được nghe vẻ đẹp trọn vẹn nhất của nó”. Vậy mà ngày 7/5 vừa qua, chúng ta vĩnh viễn mất giọng hát đó.

Grace Bumbry mới chia tay chúng ta vào ngày 7/5/2023.

Dường như được sinh ra để phá vỡ mọi rào cản, Grace Bumbry cùng với Leontyne Price, Shirley Verrett tạo nên một thế hệ ca sĩ da đen đầu tiên chiếm lĩnh được những vị trí hàng đầu tại các nhà hát opera danh tiếng. Và những người hâm hộ Richard Wagner sẽ luôn nhớ rằng Bumrby là ca sĩ da màu đầu tiên xuất hiện tại liên hoan Bayreuth, thánh đường âm nhạc của Wagner khi năm 1961, bà hát trong Venus (Tannhäuser) bất chấp sự hoài nghi và phản đối của giới truyền thông Đức cũng như những người cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc.

Vượt khỏi rào cản chủng tộc

Grace Ann Melzia Bumbry sinh ngày 4/1/1937 tại St. Louis, Missouri. Cô là người con thứ ba và là con gái duy nhất của ông Benjamin, một nhân viên vận chuyển hàng hóa ngành đường sắt và bà Melzia, một giáo viên. Bumbry cho biết mẹ của mình sở hữu tài năng đặc biệt và lẽ ra có thể trở thành một ca sĩ tuyệt vời nếu hoàn cảnh sống của bà khác đi: “Mẹ tôi đã truyền nguồn năng lượng bị kìm nén từ tài năng nghệ thuật của bà sang tôi”. Cha mẹ Grace hướng những đứa con của mình vào âm nhạc và luôn nhắc nhở rằng sự tự tin, đó là tất cả! Vốn được cha mẹ cho học piano một cách bài bản từ năm lên 7 tuổi, Bumbry nhớ lại mình từng phải “biểu diễn Chopin cho các quý bà trong các bữa tiệc trà vào Chủ nhật” nhưng dàn hợp xướng mới là tâm điểm trong cuộc sống của cô bé. Grace luôn nỗ lực để ca hát bất cứ khi nào có thể và khiến những khá giả phải trầm trồ thán phục khi có một buổi biểu diễn vào tuổi 11. Theo học tại Sumner, trường trung học đầu tiên ở phía tây sông Mississippi dành cho người Mỹ gốc Phi, Grace may mắn được học tập dưới sự hướng dẫn của Kenneth Billups, một thầy giáo tận tâm, người luôn cố gắng điều chỉnh các bài giảng của mình sao cho phù hợp nhất với giọng hát còn đang phát triển của cô học trò nhỏ đồng thời kiềm chế khi cô bé muốn đốt cháy giai đoạn.

Năm 16 tuổi, cha mẹ cho Grace tham dự một chương trình hòa nhạc của Marian Anderson tại St. Louis và điều này đã thay đổi cuộc đời cô mãi mãi. Năm 1990, Bumbry nhớ lại: “Tôi biết mình phải trở thành ca sĩ. Tôi học piano từ năm 7 đến 15 tuổi nhưng tôi muốn… nghiêm túc muốn trở thành một ca sĩ nhạc cổ điển”. Cùng với đó, những buổi biểu diễn của Vladimir Golschmann cùng St. Louis Symphony ngày càng tiếp thêm cảm hứng cho cô. Năm 1954, đài phát thanh St. Louis KMOX tổ chức một cuộc thi tài năng dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Billups đã đề nghị cô học trò của mình tham gia và Grace đã giành giải nhất. Phần thưởng rất phong phú gồm 1.000 USD, một chuyến đi miễn phí tới New York và học bổng trị giá 1.000 USD tại St. Louis Institute of Music. Tuy nhiên, khóa học tại đây đã xối cho gia đình Bumbry một gáo nước lạnh. Họ phải đối mặt với một thực tế xấu xí rằng tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn đang hiện hữu tại St. Louis. Mặc dù vẫn được theo học nhưng Grace phải vào một lớp riêng thay vì ngồi cùng với những bạn học da trắng. Bumbry nhớ lại: “Thực tế rất đau lòng. Nhưng khi nó xảy ra, tôi vẫn nghĩ, mình là người chiến thắng. Không gì có thể thay đổi điều đó. Tài năng của tôi vượt trội. Tất cả 500 thí sinh bọn tôi biểu diễn sau một tấm màn. Các giám khảo không muốn bị ngoại hình hay phong cách ảnh hưởng. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn có định kiến”. Như một sự xoa dịu nhà Bumbry, cô được mời tham gia hát trong chương trình Hướng đạo sinh tài năng của Arthur Godfrey được truyền hình toàn quốc. Godfrey, vốn rất yêu thích opera, đã rơi nước mắt khi nghe Grace hát O don fatale (Don Carlo, Giuseppe Verdi): “Một ngày nào đó tên của cô ấy sẽ trở thành một trong những người nổi tiếng nhất trong thế giới âm nhạc. Đẹp! Tuyệt đẹp!”. Và đó không phải là quan điểm của riêng Godfrey. Rất nhiều đề xuất học bổng đã được gửi tới Grace ngay sau đó. Cũng trong giai đoạn này, Grace đã được gặp thần tượng Anderson khi bà đến biểu diễn tại St. Louis. Ấn tượng trước tài năng của cô gái trẻ, Anderson đã giới thiệu Grace với người tổ chức biểu diễn của mình, ông bầu đầy quyền năng Sol Hurok.

Bất chấp việc trở nên nổi tiếng qua âm nhạc Wagner, chưa bao giờ Bumbry coi mình là một ca sĩ hát Wagner (Wagnerian) mà chính các vở opera của Verdi mới là “trái tim và linh hồn” của mình.

Chỉ dừng lại ở Boston trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó, Bumbry đã chuyển tới Northwestern University, Chicago, theo học các buổi master class với huyền thoại Lotte Lehmann, người có tác động mạnh mẽ nhất trong việc đào tạo thanh nhạc của Bumbry. Chính Lehmann đã động viên cô chuyển đến học tại Music Academy of the West, Santa Barbara, California. Lehmann tuyên bố: “Cô ấy là phát hiện của tôi. Cô ấy sẽ thành công như Marian Anderson”. Từ dự định ban đầu chỉ học tại đây trong mùa hè năm 1955, cuối cùng Bumbry đã gắn bó với Music Academy of the West trong ba năm rưỡi với rất nhiều bộ môn như thanh nhạc, lý thuyết âm nhạc, piano và sau đó mở rộng sang cả nghiên cứu ngôn ngữ và diễn xuất. Trong nhiều năm sau đó, Lehmann vẫn là người cố vấn cho Bumbry. Ngoài Lehmann, Bumbry còn theo học với Armand Tokatyan, người đã phân loại giọng hát của cô là soprano kịch tính. Trong khi đó, Lehmann nhất quyết cho rằng đó là mezzo-soprano và cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai người diễn ra không có hồi kết cho đến khi Tokatyan qua đời vào năm 1960. Năm 1958, cùng với Martina Arroyo, Bumbry đã giành chiến thắng tại Metropolitan Opera National Council Auditions, một cuộc thi do Metropolitan Opera tổ chức hằng năm nhằm phát hiện, hỗ trợ và quảng bá các ngôi sao opera trẻ. Bumbry đã dùng số tiền thưởng này để tới Paris mùa hè năm đó để theo học hát mélodie cùng chuyên gia Pierre Bernac cũng như tiếp tục tham dự các lớp master class của Lehmann tại Wigmore Hall, London. Sau khó học, Bumbry đã có được buổi biểu diễn đầu tiên tại châu Âu. Telegraph đã khen ngợi: “Trong phần cuối chương trình, cô ấy đã hát tuyệt vời một số ca khúc tôn giáo của người da đen, vẻ đẹp của giọng hát và sự chân thành trong cách diễn giải đã tạo nên một trải nghiệm đầy cảm xúc”.

Trên sân khấu Bayreuth

Dưới sự giới thiệu của Jacqueline Kennedy và đại sứ quán Mỹ tại Pháp, Bumbry đã được Paris Opéra mời thử giọng và vào tháng 3/1960, cô có vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp opera của mình, Amneris (Aida, Verdi) đồng thời trở thành ca sĩ da màu đầu tiên xuất hiện tại đây. Ngay lập tức, tài năng của Bumbry được các nhà hát opera tại châu Âu chú ý. Covent Garden ngỏ ý muốn hợp tác với cô nhưng cuối cùng Bumbry đã ký hợp đồng với Basel Opera vốn ít nổi tiếng hơn. Tại đây, trong ba năm, Bumbry đã làm quen với cách một vở opera được dàn dựng ra sao và mở rộng danh mục biểu diễn của mình với các vai chính trong Don Carlo, Carmen (Georges Bizet) hay Samson et Dalila (Camille Saint-Saëns).

Năm 1961, tình cờ Bumbry có mặt tại Cologne đúng dịp Wolfgang Sawallisch đang tìm kiếm một ca sĩ cho vai Venus cho buổi biểu diễn Tannhäuser sắp tới tại Bayreuth. Ngay sau khi Bumbry thử giọng, Sawallisch đã bị chinh phục và cô được giới thiệu với Wieland Wagner, giám đốc của liên hoan đồng thời là cháu nội của nhà soạn nhạc.

Wieland đã nung nấu những dự định về một Venus lý tưởng trong một sản phẩm tiên phong, có tính cách mạng. Ông muốn ở Venus phải có được sự pha trộn tao nhã giữa bí ẩn và vẻ gợi tình, người kiểm soát được kẻ lãng du Tannhäuser. Bumbry hội tụ đầy đủ các yếu tố này. Bất chấp việc trước đó chỉ các ca sĩ da trắng mới hát Venus, Wieland đã quyết định lựa chọn cô. Ngay lập tức Bayreuth nhận tới tấp những lời phản đối: “Nếu Richard Wagner biết được điều này, ông ấy sẽ tự chôn mình. Tại sao Venus lại có màu đen?” hay thậm chí gay gắt hơn: “Một sự ô nhục về văn hóa!”. Wieland đương nhiên biết được rằng ông nội mình là một người khét tiếng về phân biệt chủng tộc và bài Do Thái đến nỗi những người lính da đen khi giải phóng các thành phố trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai đã diễu hành qua các con phố trong trang phục các vở opera của Wagner để mỉa mai. Ông quyết tâm phá bỏ sự kỳ thị của người Aryan (Chủng tộc thượng đẳng) vẫn còn đang đeo bám Bayreuth.

Grace Bumbry cho rằng các vở opera của Verdi mới là “trái tim và linh hồn” của mình.

Đáp trả lại mọi chỉ trích, Wieland cho biết: “Ông nội tôi viết cho màu của giọng hát, không phải màu của da” và “Tôi sẽ mời các nghệ sĩ da đen, da nâu, da vàng nếu tôi cảm thấy họ phù hợp để biểu diễn. Khi tôi nghe Grace Bumbry, tôi biết đó là người phù hợp hoàn hảo cho Venus. Ông nội hẳn sẽ rất vui mừng”. Bỏ ngoài tai tất cả những thị phi, Bumbry chỉ tập trung vào vai diễn của mình. Sự tin tưởng của Wieland, Sawallisch và những nỗ lực cô đã không hề uổng phí và được đền đáp xứng đáng. Tháng 7/1961, trong bộ trang phục màu vàng lộng lẫy, Bumbry đã hóa thân vào Venus với vẻ rạng rỡ đầy tự tin trong đêm khai mạc mùa diễn. Đó là một sự xuất hiện khó phai mờ trong tâm trí những người tham dự. Tấm màn nhung khép lại trong những tiếng vỗ tay như sấm kéo dài suốt 30 phút và Bumbry được gọi ra chào khán giả tới 42 lần. Trở thành ca sĩ da đen đầu tiên xuất hiện tại đây, Bumbry đã thay đổi lịch sử. Tất cả đều hiểu được rằng một ngôi sao opera mới đã ra đời.

Giờ đây, Hurok đã chìa bàn tay mình ra với “Venus đen”, biệt danh mới của Bumbry. Ông ký với cô một hợp đồng năm năm, trị giá 250.000 USD, một con số rất lớn vào thời điểm đó. Hurok chịu trách nhiệm trong việc tổ chức để Bumbry ghi âm, xuất hiện trên truyền hình, tham gia các chương trình hòa nhạc và opera. Chuyến lưu diễn của Bumbry vào cuối năm 1962 đã biến cô trở thành một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất tại Mỹ. Kéo dài trong chín tuần, bao gồm lần đầu tiên xuất hiện của cô tại Carnegie Hall cũng như 25 buổi biểu diễn tại 21 thành phố, trong đó, Bumbry đã có lần trở về St. Louis đầy cảm xúc. Cô hát trong khán phòng chật cứng với 3.000 khán giả, chính là nơi mà Anderson đã giúp cô lựa chọn con đường của mình tám năm về trước. Trong nhiều năm, Bumbry mới lại được tận hưởng một lễ Giáng sinh vui vẻ bên gia đình. Cô quay trở lại Sumner và có cuộc gặp đầy cảm động với người thầy giáo cũ Billups. Năm 1963 là thời điểm quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của Bumbry. Ngày 6/4/1963, cô ra mắt khán giả Covent Garden trong Eboli (Don Carlo). Ngày 16/11/1963, với Venus, Bumbry lần đầu tiên hát trong một vở opera trên nước Mỹ tại Lyric Opera of Chicago. Cũng trong năm này, cô cưới Erwin Jaeckel, tenor sinh ra tại Ba Lan. Sau khi kết hôn, Jaeckel từ bỏ sự nghiệp của mình và trở thành người quản lý cho Bumbry. Họ chung sống với nhau cho đến khi li dị vào năm 1972. Hai người không có con và Bumbry không bao giờ kết hôn nữa.

Một sự nghiệp rực rỡ

Sự nghiệp của Bumbry có sự thăng tiến mạnh mẽ trong thập niên 1960. Bà nhanh chóng gặt hái thành công ở mọi nơi mình đặt chân đến. Bất chấp việc trở nên nổi tiếng qua âm nhạc Wagner, chưa bao giờ Bumbry coi mình là một ca sĩ hát Wagner (Wagnerian) mà chính các vở opera của Verdi mới là “trái tim và linh hồn” của mình. Bà đã hát trong tất cả những vai quan trọng nhất dành cho mezzo-soprano của Verdi như Eboli, Amneris, Azucena “Il trovatore”, Ulrica “Un ballo in maschera” hay Lady Macbeth “Macbeth”. Ngoài ra, không thể không kể đến những vai mezzo-soprano nổi bật khác như Dalila, Carmen, Santuzza (Cavalleria rusticana, Pietro Mascagni) và Adalgisa (Norma, Vincenzo Bellini). Ngày 19/4/1964, Bumbry lần đầu hát tại Vienna State Opera trong Eboli. Cũng với vai này, Metropolitan Opera đón chào sự xuất hiện của bà vào ngày 7/10/1965 bên cạnh những tên tuổi khác như Bruno Prevedi, Raina Kabaivanska và Ettore Bastianini. Irving Kolodin đã nhận xét trên Saturday Review: “Cô đã hát “Bài hát chiếc màn che” một cách tuyệt vời với màu sắc nhẹ nhàng vốn không hề dễ dàng cho giọng mezzo-soprano và cũng sở hữu đầy đủ âm vực để biến O don fatale thành một trải nghiệm kịch tính hơn là một bài luyện cho giọng hát nhanh nhẹn”. Ngày 14/5/1966, cô vào vai Amneris trong buổi ra mắt tại La Scala. Bất chấp việc trở thành một ngôi sao hàng đầu, Bumbry vẫn vấp phải những định kiến về chủng tộc. Tại lần đóng chung trong La Gioconda (Amilcare Ponchielli), bạn diễn Layla Gençer từ chối nói chuyện với bà. Đạo diễn Lotfi Mansouri ghi lại trong hồi ký của mình rằng Gencer nói với ông: “Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi lớn lên không bao giờ nói chuyện với những người đầy tớ da đen của mình”. Năm 1967, Bumbry vào vai chính trong bộ phim opera Carmen dưới sự chỉ huy của Herbert von Karajan cùng với Jon Vickers, Justino Díaz và Mirella Freni.

Thập niên 70 đánh dấu sự chuyển mình đầy bất ngờ của Bumbry, khi đang ở đỉnh cao danh vọng, chiếm lĩnh những nhà hát opera danh giá nhất bằng chất giọng mezzo-soprano đầy cá tính của mình, bà bất ngờ chuyển sang hát những vai dành cho giọng soprano, gây bất ngờ không chỉ cho khán giả, những nhà phê bình âm nhạc mà còn với cả người chồng Jaeckel của mình. Sự khởi đầu cho một hành trình mới đầy bất trắc này là Salome (Salome, Richard Strauss) tại Covent Garden vào ngày 12/6/1970 dưới sự chỉ huy của Georg Solti. Tự tin với khả năng của mình để xử lý thách thức này, Bumbry tinh quái hứa hẹn với khán giả rằng trong phần cuối của trích đoạn “Điệu nhảy với bảy chiếc màn che” mình sẽ cởi bỏ toàn bộ bảy tấm màn che, chỉ để lại “trang sức và nước hoa”. Và bà đã thực hiện đúng lời hứa của mình, các đồ trang sức được hóa thành bộ bikini nhỏ. Đó là một cảm giác tuyệt vời. Bumbry nhớ lại: “Covent Garden chưa bao giờ cho thuê nhiều ống nhòm như vậy. Khi tôi bắt đầu khiêu vũ, mọi thứ khác trên sân khấu đều dừng lại và tôi có thể thấy toàn bộ ống nhòm giương lên”. Sự mở rộng từ mezzo-soprano đến soprano cuối cùng lại hợp lý một cách đáng kinh ngạc. Bumbry đã thêm vào kịch mục của mình những vai diễn mới như Tosca (Tosca, Puccini), Norma (Norma, Bellini), Leonora (La forza del destinoIl trovatore, Verdi) và nhiều cái tên khác nữa, trong đó có cả Turandot (Turandot, Puccini) một trong những vai diễn khắc nghiệt nhất dành cho soprano.

Bumbry sở hữu một giọng hát trong trẻo, vang vọng, được đặt dưới sự kiểm soát hoàn hảo. Trên sân khấu, Bumbry mê hoặc khán giả bằng khí chất bốc lửa và sự kịch tính mãnh liệt. Có một nền tảng kỹ thuật rất tốt, bà không cần một chút nỗ lực nào để hạ thấp cao độ từ những nốt cao rực rỡ xuống giọng ngực cộng hưởng tuyệt đẹp như Alan Rich của New York Times đã nhận xét. Còn Irving Lowens đánh giá trên Washington Evening Star: “Phong phú, linh hoạt và mạnh mẽ một cách đáng kinh ngạc. Âm vực thấp lộng lẫy gợi nhớ đến Marian Anderson, những nốt cao ấn tượng giống với Conchita Supervia huyền thoại, việc hoàn toàn hòa mình vào âm nhạc tương đồng với Lotte Lehmann. Với tôi, sự kết hợp các phẩm chất đó chỉ có thể ở Grace Bumbry”. Những năm sau đó, Bumbry liên tục trên sân khấu trong cả các vai diễn dành cho hai loại giọng. Giải thích cho quyết định của mình, bà cho biết: “Miễn là tôi có khả năng từ thiên nhiên, tôi chỉ đơn giản là làm những gì mà nhiều người khác ở thế kỷ 19 đã làm trước tôi. Tôi không nghĩ những ca sĩ như Grisi, Pasta, Malibran và một số người khác từng lo lắng về việc mình thuộc về một danh mục cụ thể”. Cùng với “đối thủ” Verrett, Bumbry sở hữu những sự tương đồng kỳ lạ đáng kinh ngạc: là người Mỹ gốc Phi, đều xuất phát là mezzo-soprano và chuyển sang những vai soprano vào thập niên 70” và tạo nên một niềm kiêu hãnh lớn lao cho những người có xuất thân như họ. Không chỉ xuất hiện trên sân khấu opera, vốn là học trò của Lehmann, đương thời là ca sĩ hát ca khúc thính phòng không đối thủ, Bumbry cũng đã nhiều lần tổ chức các recital, mang đến cảm giác “chân thực và truyền thống”.

Trong thập niên 1980, Bumbry vẫn cống hiến một cách miệt mài. Ngày 6/2/1985, cùng với giọng bass-baritone da màu Simon Estes, Bumbry đã hát trong Porgy and Bess (George Gershwin) khi vở opera nói về những người da đen và cuộc sống của họ lần đầu tiên được dàn dựng tại Metropolitan Opera. Bumbry chính thức tuyên bố giã từ sân khấu opera sau màn trình diễn vai diễn mới Klytemnestra (Elektra, Richard Strauss) tại Lyon vào năm 1997. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục cống hiến cho âm nhạc qua việc giảng dạy các lớp master class, làm giám khảo cho một số cuộc thi và hát trong một số recital. Năm 2009, Bumbry là một trong năm người được vinh danh tại lễ trao giải Kennedy Center Honors, dành cho những cá nhân hoặc tổ chức có cống hiến to lớn cho nền văn hóa Mỹ. Bất ngờ, năm 2010, Bumbry quay trở lại sân khấu opera khi hát vai chính trong Treemonisha, tác phẩm của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Phi Scott Joplin tại Théâtre du Châtelet, Paris. Buổi biểu diễn chính thức cuối cùng của bà diễn ra tại Vienna State Opera với vai Nữ bá tước (Con đầm pích, Peter Ilyich Tchaikovsky) vào ngày 30/1/2013. Bumbry lý giải cho quyết định của mình: “Chúa đã ban cho tôi tài năng tuyệt vời này và tại sao tôi lại không tận hưởng nó? Không làm như vậy thực sự sẽ là một tội lỗi. Được trao tài năng là một trách nhiệm lớn. Đó không chỉ là tạo ra những âm thanh đẹp đẽ mà còn là một nghĩa vụ”. Ngày 20/10/2022, trong chuyến bay từ Vienna, nơi Bumbry định cư tới New York, bà đã bị đột quỵ. Kể từ đó, sức khỏe của bà giảm sút đáng kể. Bumbry qua đời vào ngày 7/5/2023 tại Vienna vì những chứng bệnh liên quan ở tuổi 86. Mang trong mình niềm kiêu hãnh, bất chấp những rào cản và định kiến, Bumbry đã nỗ lực vượt qua tất cả để cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho sự đam mê ca hát của mình. Và bà đã chiến thắng, đạt được những thành tựu to lớn, trở thành biểu tượng của một thế hệ, đại diện cho tầng lớp người Mỹ gốc Phi vốn bị coi thường và khinh rẻ nhưng đã không ngừng cố gắng vươn lên để chạm tới đỉnh cao. Thế giới vẫn luôn còn đó một Venus đen, khiêm tốn nhưng lộng lẫy, bình dị mà rực rỡ.□

Nguồn:

https://gracebumbry.com/biography/

https://www.theguardian.com/music/2023/may/08/grace-bumbry-obituary

https://www.telegraph.co.uk/obituaries/2023/05/08/grace-bumbry-opera-black-obituary-death-singer-soprano/

Tác giả