GS. TS Nguyễn Văn Chính: Nhà dân tộc học “không ngồi ghế bành”
Thế giới trong "Tự sự dân tộc học" của GS. Nguyễn Văn Chính là nơi tồn tại những con người nhỏ bé vô danh bằng xương bằng thịt nhưng được phản chiếu qua cặp mắt của “người trong cuộc” chứ không phải cặp mắt của “người khác” – vừa thuần túy tò mò lại vừa có thể sẵn thiên kiến.
Nếu những trang sử là cánh cửa quan trọng để người ta nhìn về quá khứ của một cộng đồng, một quốc gia, nơi những bậc anh hùng và những tên tuổi kiệt xuất đều được lưu danh thiên cổ thì ở đâu, những phận người nhỏ bé, những người với sự tồn tại tưởng chừng bình thường của mình đã góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của cả xã hội, từ đời này qua đời khác?
Lâu nay, người ta vẫn nghĩ, chỉ văn chương mới có thể cất lên tiếng nói của người vô danh, giúp phơi sáng phận người khuất nẻo, như lời chia sẻ của nhà văn Mỹ gốc Chile Isabel Allende “Tôi yêu tiểu thuyết bởi trong tiểu thuyết, người ta có thể thâm nhập vào suy nghĩ của những người bé mọn, thất bại, nghèo hèn, phụ nữ, trẻ em, những người chưa từng được nhắc đến trong các cuốn sách sử”.
Khi ngưỡng mộ sức mạnh vô song này của văn chương, người ta có phần nuối tiếc là thế giới học thuật gần như không thể tiếp nhận nó bởi những dị biệt trong phương pháp, khuôn mẫu hay ước lệ khoa học… “Toán học và khoa học vô cùng trái ngược với những mơ hồ và mâu thuẫn của con người. Thế giới con người này không có gì tất định và logic cả. Con người làm tôi bối rối”, nhà vật lý Mỹ Alan Lightman từng chia sẻ trên Nature vào năm 2007 như vậy.
Theo dòng thời gian, không nhiều người biết rằng, ở một vài lĩnh vực học thuật đã hình thành một “vũ khí” mới, một cách thức đủ vượt qua được những đường biên của khuôn mẫu, ước lệ khoa học thông thường để giao hòa với văn chương. Ở đó, cái lưng vốn khoa học, lòng trắc ẩn, sự cảm thông và thấu hiểu đã hòa quyện để nhìn thấu mặt người, đặt những trải nghiệm và ứng xử mang tính cá nhân của mỗi người vào bối cảnh thời cuộc mà họ sống để tự nó bộc lộ nhiều ý nghĩa và hiểu biết rộng lớn hơn về văn hóa, xã hội – dân tộc học tự sự (autoethnography).
Cách tiếp cận mới mẻ đã đưa một phần trải nghiệm học thuật và văn hóa trong vòng hơn bốn thập niên của GS Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN), vào hơn 450 trang sách, mở ra một thế giới phong phú và đa dạng, Tự sự dân tộc học (NXB Hà Nội, 2023).
Phải chăng đó là một thế giới khác thế giới mà chúng ta đang sống?
Ở đâu, những phận người bé mọn?
Không có gì kích thích trí tưởng tượng hơn khái niệm đa vũ trụ, nơi ngoài vũ trụ màu nhiệm dung chứa Trái đất còn tồn tại vô số vũ trụ khác, những vũ trụ mà trong đó cũng có những hành tinh có sự sống. Tuy vậy có thể không cần phải mơ mộng về đa vũ trụ và nghĩ về khả năng xuất hiện những thế giới song song đó bởi ngay lúc này đây, chúng ta đã sống trong những thế giới song song rồi. Tại sao vậy? Hẳn ai cũng đặt câu hỏi đó mà không nghĩ rằng cuộc sống thường ngày với những mối quan hệ chồng chéo, những ràng buộc cơm áo và rất nhiều phức tạp khác đã phân định mình và những người khác vào các phạm vi sống nhỏ hẹp, riêng rẽ, những thế giới song song ngay trong lòng xã hội.
Các nhân vật trong Tự sự dân tộc học, ở các khung thời gian khác nhau, cũng tồn tại trong những thế giới song song với phần lớn người đọc cuốn sách này. Nhưng họ có gì đặc biệt để chúng ta phải đọc và tìm hiểu về họ? Ồ, nếu coi quay quắt đói nghèo, sự lề hóa, yếu thế, thậm chí thất thế… là những điểm “khác biệt” của thế giới ấy thì phần lớn họ đều thuộc về nó. Những người nông dân đồng bằng sông Hồng thuần hậu kinh qua nhiều đổi thay, mai một, đổ vỡ của truyền thống trong làng quê tưởng chừng yên ả; những cô gái Mông xinh đẹp, hồn nhiên, chân thật lớn lên trên cao nguyên đá, sớm phải gồng gánh gánh nặng gia đình và dễ bị rơi vào cảnh bị hành hạ, ngược đãi, tuyệt vọng; những phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số ngơ ngác sống trong sự bủa vây của quẫn bách, bệnh tật…
Vô số những phận người như vậy mà đôi khi chúng ta không biết đến sự tồn tại của họ. Chuyện ở làng Giao, Cụ Phó Huân kể về cụ Phó Huân sống ở “một làng nhỏ nằm trên con đường cấp phối nối Quán Gỏi bên đường Năm với ga Cẩm Giàng” chuyên trồng lúa và làm mộc khi nông nhàn. Cụ đã chứng kiến nhiều đổi thay của làng xã qua nhiều thời kỳ lịch sử quan trọng như thời Pháp thuộc, Nhật đảo chính, kháng chiến chống Mỹ và cũng nếm trải tác động của các chính sách như Cải cách ruộng đất, phong trào Tập thể hóa và Đổi mới. Sống “đói nghèo hãi lắm” nhưng cũng như muôn người khác, cụ Phó Huân “có cái mơ ước viển vông muốn được ở trong một ngôi nhà gạch khang trang tử tế”. Nếu ngược trở lại gần sáu thập niên trước, khi người nông dân còn “làm cho hợp tác xã ăn công điểm, cơm không đủ ăn, lấy gì xây nhà”, chúng ta mới hiểu vì sao cụ coi việc có “ngôi nhà gạch khang trang” là “mơ ước viển vông”.
Nhưng như bất cứ người thợ thủ công lành nghề nào, cụ Phó Huân có giải pháp của mình, đó là xin hợp tác ra ngoài làm tự do, “khăn gói lên Thái Nguyên làm thuê, ai thuê gì cũng làm” và áp dụng chiến lược năng nhặt chặt bị, tích tiểu thành đại, thậm chí cả mua nguyên vật liệu bớt xén từ công trình nhà nước (tư nhân lúc đó chưa được phép kinh doanh các mặt hàng này), sau bảy năm đủ để xây nhà. Cụ không ngờ hoàn thiện giấc mơ cũng là khởi điểm của bất hạnh: “khi ngôi nhà hai tầng được dựng lên giữa cái làng xơ xác đang đói nghèo quay quắt”, còn chưa kịp làm lễ mừng nhà mới thì cán bộ xã, huyện, tỉnh ập đến hỏi nguồn gốc của tiền, chứng từ nguyên vật liệu. Không lý giải được, cụ phải trả giá bằng ba năm tù. Dẫu được khoan hồng giảm án nhưng hai năm tù đã vĩnh viễn lấy đi một người thợ cả tinh anh, tự tin để trả lại một lão nông “vô hại, sống lay lắt cô đơn vì sợ tiếp xúc với người đời”. Thậm chí, khi nhận ra những thay đổi chóng mặt ở làng do vòng xoáy lô đề, cờ bạc, rượu chè, thái độ của các thế hệ sau với tiền bạc, học hành…, cụ âm thầm đau đớn đến mất ăn mất ngủ rồi đi đến quyết định đốt cả tập thơ chữ Hán từng treo trang trọng trong nhà “Ngày xưa làng tôi nghèo lắm. Nhưng có tôn ty trật tự đâu ra đấy chứ không bát nháo chí khươn như bây giờ”.
Bi kịch của người nông dân, từ bi kịch của cá nhân tự nhận “có cái số phải ở tù chứ có làm gì nên tội” trong những biến cố thời cuộc đến bi kịch của nhiều người khác trong cảnh xói mòn, biến dạng, đổi màu truyền thống chốn làng quê, đã hội tụ ở cụ Phó Huân.
Trong dòng chảy cuộc sống có vô số thân phận bên lề, không chỉ ở đâu đó giữa đồng bằng châu thổ mà còn có ở khắp nơi. Trên những rẻo cao, người phụ nữ Mông, vốn hứng chịu nhiều thiệt thòi khi “lấy chồng ở tuổi mười ba”, thất học, làm lụng cật lực nhưng vẫn đói nghèo, bệnh tật và phải hứng chịu bạo lực gia đình… Biết bao cô gái như vợ A Súa làm mẹ ở tuổi 16 “không có thời gian mà khóc nữa. Nhà có nương sắn và hai đám ruộng, đi nửa ngày mới đến” (Chuyện thường ngày ở bản); Dúa 17 tuổi có chồng sang Trung Quốc làm thuê, ở nhà nuôi hai con và ba đứa em chồng lít nhít bằng đôi bàn tay mà một đã cụt bốn ngón vì máy thái cỏ, “khóc suốt nhưng ngón tay không mọc lại được. Xin đi làm thuê kiếm tiền chả ai mượn, chỉ quanh quẩn đám nương ngô, đẻ con cho chồng đi làm thôi…”, trong khi “làm ngô chỉ đủ mấy chị em ăn, không đói nhưng con ốm thì chẳng biết nhờ ai. Bố chồng uống rượu nhiều lắm”… (Lấy chồng từ thuở mười ba).
Bế tắc và quẫn bách, nhiều người đã chọn cách bỏ nhà đi hoặc tìm đến cái chết bằng lá ngón như lời hát đẫm nước mắt trong tiếng kèn lá “Anh ơi! Lá thuốc độc đắng lắm/Chưa đưa lên môi đã thấy lòng quặn thắt…/Sống khổ lắm, chỉ vài cái lá ngón là thân xác này rữa tan”. Không cần thêm nhiều lý giải, tất cả hành động ấy tự nó đã nói lên rất nhiều điều về thân phận, nguồn cơn, suy nghĩ của họ.
Qua những ghi chép trên đường nghiên cứu ấy, không còn thấy sự tách bạch giữa trải nghiệm hay góc nhìn của người viết với nhân vật mà chỉ đọng lại sự đồng cảm sâu sắc giữa người trong cuộc, “đồng bệnh tương lân”.
Chính sự đồng cảm đã thấu ngóc ngách nguồn cơn nỗi thiệt thòi của phụ nữ và trẻ em miền núi (Tiếng gọi từ miền khát; Những cư dân lúa nước bất đắc dĩ; Tập tục, kiêng kỵ và thực hành y tế giáo dục ở địa phương, Mắt thấy tai nghe ở Tà Rụt…). Ở đó, có những đứa trẻ sống thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ giữa “ngôi nhà trống huếch…, trong nhà lạnh cũng như ngoài sân, gió qua kẽ tường lùa vào nhà, khô buốt”, “khi đến bữa thì mỗi đứa xúc lấy một bát mèn mén, đổ nước lã và rắc mấy hạt muối rồi xúc ăn”, “bỏ học làm rẫy ngô thay bố”, “nghỉ học vào mùa mưa”… Không gì quý giá hơn sinh mệnh nhưng ở đó, tai ương lại dư sức thách thức mọi kỹ năng sinh tồn: đi rừng vắt chui vào mũi; tắc ruột vì búi giun giữa giờ học trong “lớp học có 12 đứa nhưng học ở ba lớp khác nhau”; suy dinh dưỡng, sốt rét, sốt xuất huyết… “đôi chân bé xíu của đứa trẻ thõng thượt buông xuống. Có vẻ như nó không còn sức sống để điều khiển đôi chân nhỏ như hai cái que của nó theo ý muốn… Ốm mấy ngày rồi, giờ người nó cứ nhũn ra, không ăn không khóc… Mắt nó nhắm nghiền cam chịu”.
Từ chốn khuất nẻo, những con người ấy giờ được phơi sáng trong các câu chữ đầy ám ảnh.
Chuyện người, chuyện mình
“Mọi chân dung được vẽ bằng cảm xúc chính là chân dung của nghệ sĩ chứ không phải của nguyên mẫu”, nhà thơ Oscar Wilde từng nói như vậy. Quả vậy, dẫu có sự đồng biến thân phận giữa người kể và người được kể thì người ta vẫn có thể hình dung ra được một tác giả – người kể mà thành công trong học thuật đi kèm với nỗi chật vật của người đi tiên phong. Thật lạ lùng, chính cái cách tiếp cận của dân tộc học tự sự, một trong những phương pháp mà ông lựa chọn để làm nghề, lại là cách thấu tỏ ông hơn hết.
Bởi, tự sự dân tộc học cũng là tự sự với chính mình. Thế giới của GS. Nguyễn Văn Chính đã được mở ra bằng chính những dòng chảy ký ức kết nối những trải nghiệm cá nhân với mối quan tâm học thuật.
Có lẽ, mấy ai mường tượng ra cái dáng dấp ngày hôm nay của một nhà khoa học trong lĩnh vực nhân học phát triển, nghiên cứu về tộc người và bản sắc văn hóa lại ẩn chứa mối liên hệ chặt chẽ với cậu bé thuở đầu đời, sinh ra trong “một ngôi làng bên núi nhỏ…, cấp một đã biết giúp mẹ đánh ống, đánh suốt và đưa sợi lên khuôn vào cữ để lắp vào khung dệt”, lớn lên thì “ngày nào cũng dậy từ ba bốn giờ sáng, đi theo đám lực điền quai đê lấn biển cho hợp tác xã lấy gạo ăn”. Từ làng quê đến giảng đường đại học, một con đường tưởng chừng không xa lạ với nhiều nhà khoa học “sinh ra từ rơm rạ”, nhưng từ điều quen thuộc ấy, người ta lại càng thấm thía rằng, nhân cách mỗi người, những chọn lựa ứng xử của họ trước mỗi tình huống, trầm luân thời cuộc, đều được bắt nguồn từ thuở ấu thơ, làng quê và vòng tay mẹ. Kiến thức có thể sẽ được tiếp nhận, tích lũy không ngừng nghỉ qua quá trình học tập, nghiên cứu nhưng nền tảng văn hóa thì thành hình ngay từ khi người ta còn chưa có ý thức rõ rệt về nó. Nếu không sống trong bầu không khí Mẹ là quê hương, Ngày xưa đi học, Tôi người Hải Phòng…, hẳn ông sẽ có những ứng xử khác, trở thành người khác, đi con đường khác, có thể là “bắt đầu từ một vị trí lãnh đạo nho nhỏ… một nhân viên văn phòng kiểu office boy… một chức quan nhỏ ăn lộc triều đình”. Ông chia sẻ, nếu không biết “trân trọng cái tình quê mộc mạc… nếu không có nó làm hành trang, ai dám chắc mình thành người tử tế”.
Trong dòng tự sự, ông luôn tự nhận là mình gặp may mắn – may mắn vì trong chuyến đi làm việc đầu tiên ở nước ngoài được GS. Phan Huy Lê dẫn dắt và sau ân cần căn dặn “cậu là người đầu tiên ở miền Bắc, kể từ sau chiến tranh, được cử đi làm nghiên cứu sinh về KHXH ở một trường đại học danh tiếng ở phương Tây. Cố gắng học tốt để sau này về làm việc”; may mắn vì được người lãnh đạo như Hiệu trưởng Phan Hữu Dật khuyên nhủ khi nộp đơn xin thôi việc “làm một nhà nghiên cứu không bao giờ dễ. Nhưng tri thức anh vắt óc sản xuất ra là để cho đời, cho xã hội, cho thế hệ sau…”; may mắn vì “làm giảng viên ở ĐH Tổng hợp Hà Nội ngày ấy, dù gian khổ nhưng điều quan trọng nhất là vẫn có được không gian học thuật riêng, dù chật hẹp, để phát triển, để không thành con vẹt” (Sử học, hiện tại và quá khứ; Kiên trung với con đường đã chọn).
Trên thực tế, may mắn chỉ là chất xúc tác, điều quan trọng hơn là nỗ lực tự thân, chuẩn bị sẵn sàng hành trang kiến thức (để không bỏ lỡ cơ hội học hỏi) và sự khao khát vượt thoát những lối mòn học thuật có thể khiến nhà nghiên cứu trẻ “sớm nhụt chí, chỉ dám viết những bài tròn vo, không có chỗ cho tư duy độc lập và phản biện, thiếu tính sáng tạo, sớm bị cùn quằn và thui chột”. Suy nghĩ này, dường như là lẽ đương nhiên với hôm nay, khi các cuộc tranh luận học thuật giữa tiền bối – hậu bối đã khá cởi mở, nhưng mấy thập niên trước dễ bị khép vào tội chơi trội nên rút cục “bị dần cho tơi tả, bị thiểu số hóa, cho ra ngoài sân chơi”, bởi “Có lẽ giới KHXH của ta, trong đó có dân tộc học, đã quen đi trên một lối mòn khoa học, và kiên định đi trên lối mòn ấy mà quên mất khoa học cần không ngừng đổi mới để tìm kiếm điều mới mẻ, để không ngừng khám phá thế giới đời sống con người” (Ra ngõ gặp Thái Sơn).
Câu chuyện của GS. Nguyễn Văn Chính khiến người ta chợt nhớ đến nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh, người khiến tiến sĩ Stan BH Tan-Tangbau phải thốt lên “chỉ một tiếp xúc bé nhỏ mà Quyền Văn Minh có được với jazz trong bối cảnh toàn cầu ấy đã đủ để gieo những hạt giống phát triển cho jazz Việt thông qua đam mê âm nhạc, niềm tự hào không thể nghi ngờ vào bản sắc dân tộc và sự kiên tâm nhẫn nại của Minh” (Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội).
Với GS. Nguyễn Văn Chính, “cái tiếp xúc bé nhỏ” của một năm thực tập sau đại học về làng xã, nông dân và xã hội nông thôn châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á (ĐH Amsterdam) vào năm 1989 đã đặt ông vào bầu không khí học thuật cởi mở, nơi ông được va chạm và đón nhận những làn gió lý thuyết mới, những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu. Từ đó, nó trở thành cú hích cho những “may mắn” tiếp theo: nhận học bổng tiến sĩ tại ĐH Amsterdam vào năm 1997, sau tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Singapore vào năm 2002 để bước đầu trở thành một chuyên gia và xây dựng được mối quan hệ học thuật rộng rãi với các nhà nghiên cứu trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.
Nhưng ích gì may mắn, nếu như nó không được tiếp nối bằng lao động học thuật thực sự. Con đường nghiên cứu của ông được phát lộ qua những nhát cuốc khai phá nhân học phát triển và bồi đắp thêm những gì mà các bậc tiền bối đã đặt nền móng về tộc người, lịch sử tộc người bằng những cách tiếp cận mới và tầm nhìn rộng hơn của nhân học văn hóa. Nếu ở nhân học phát triển, ông quan tâm đến lao động trẻ em trong mối liên hệ với thất học, đói nghèo; di cư và tác động của di cư lên các nhóm xã hội; vốn văn hóa và mạng lưới xã hội như nguồn lực của cộng đồng thì “trong nghiên cứu về tộc người và bản sắc văn hóa, ông phát triển lý thuyết kiến tạo xã hội (social construction) và vận dụng vào giải thích văn hóa Việt Nam”.
Khi nhìn vào số lượng các công trình khoa học được công bố dưới dạng bài báo, báo cáo, chương sách… của ông, những người am hiểu đều có thể hình dung ra khối lượng công việc mà ông thực hiện trong hơn bốn thập niên. Bởi lẽ, đó là kết quả những đề tài được ông áp dụng phương pháp quen thuộc của người làm dân tộc học là điền dã. Nhà nghiên cứu phải đi thực địa ở các địa phương, sống cùng trong quãng thời gian dài từ hàng tháng đến nhiều năm để thâm nhập vào cuộc sống của người dân, quan sát và giải thích văn hóa cộng đồng như nó vốn có. Cái hay trong nghiên cứu dân tộc học là thực hiện nghiên cứu trong điều kiện như vậy sẽ giúp nhà khoa học có được những chia sẻ từ bên trong, từ suy nghĩ và trải nghiệm thực của người trong cuộc. Khi giải quyết được hai điểm khó bậc nhất của nghiên cứu định tính là làm sao để người ta trao gửi câu chuyện tâm phúc của mình và làm sao từ một điều đã biết, qua trò chuyện khám phá ra điều chưa biết, nhà nghiên cứu có thể tìm thấy những tầng sâu vỉa quặng của văn hóa. Những người không hiểu thì chỉ nghĩ những câu chuyện đó dài dòng, vu vơ, lê thê nhưng thực ra khi đã kể lại thì câu chuyện ẩn chứa những điều tâm phúc sâu sắc còn đọng lại trong tâm trí họ, GS. Nguyễn Văn Chính từng giải thích như vậy.
Đó cũng là lý do vì sao cụ Phó Huân có thể trao gửi, giãi bày điều “tưởng như đã được cất giấu sâu thẳm trong tim mà chưa có dịp kể với con cháu” trong ký ức về “thời kỳ Cải cách ruộng đất, thường được các tài liệu chính thống mô tả là ‘long trời lở đất’” (Cụ Phó Huân); hay thấy những người dân tộc thiểu số tưởng chừng vô cùng ngây ngô, lạc hậu, chỉ “lầm lũi đi, lầm lũi sống, chả khi nào thấy than vãn”, lại có cả một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, nhân văn và lịch lãm đến thế (Cuộc sống trên cao nguyên đá, Chuyện thường ngày ở bản, Thầy cúng…).
Nhưng có lẽ, để “không ngừng khám phá thế giới đời sống con người” thì không chỉ kiến thức, phương pháp hay sự kiên nhẫn mà còn cần cả một trái tim giàu lòng trắc ẩn và biết cảm thông “bởi người vô cảm, hời hợt thì không thể tìm được điều gì sâu sắc trong đó cả. Nhiều người nhìn xã hội mơ hồ nên hay bỏ qua [những điều như vậy]”.
Bởi chỉ có yêu và hiểu lắm mới thấy được thân phận từ “phiên chợ Tả Dìn Thàng… thằng bán chuối lại che ô cho chuối, mặc cho cái đầu đội mũ vải trơ ra cho mưa trút xuống” (Tiếng gọi từ miền khát), hay dù thoáng nhìn đã thấy đằng sau thái độ của bố mẹ thằng bé khi nó bị cấp cứu vì giun là sự chất phác và đói nghèo cùng cực “Bố A Sinh ngơ ngác, hai tay buông thõng, đờ đẫn không biết phải làm gì… bà mẹ cứ nghệt mặt ra, cái gì cũng ‘chi pâu’, không biết!” (Cô giáo cắm bản)… Có lẽ, nếu thờ ơ với thân phận thì khó có thể phát hiện ra khuôn mẫu bệnh tật điển hình từ trường hợp đau lòng được tình cờ phát hiện giữa giờ ngủ trưa ở Trung tâm Y tế Tà Rụt. “Mắt tôi như mờ đi… Đầu tiên, tôi yêu cầu bác sĩ cho xem lại sổ khám bệnh trong vòng hai năm qua, tất cả các báo cáo của trạm y tế các xã về tình trạng tử vong của sản phụ, trẻ sơ sinh và bệnh nhi từ năm tuổi trở xuống, sau đó lập bảng thống kê các loại bệnh tật mắc phải, tỉ lệ sống sót sau chữa trị… Bác sĩ nói ‘anh vào các làng để tìm hiểu thêm, sẽ có thể khám phá được nhiều điều chưa biết.’ Tôi nghe ông, lập tức viết một báo cáo cho Vụ trưởng Vụ Chính sách, Bộ Y tế và Văn phòng WHO tại Việt Nam, xin phép tập trung sâu hơn vào tình trạng tử vong của sản phụ, trẻ sơ sinh và chết yểu trước năm tuổi của trẻ…” (Mắt thấy tai nghe ở Tà Rụt).
***
Lịch sử ngành dân tộc học đã chứng kiến nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau, từ “dân tộc học ghế bành” (armchair anthropology), thuật ngữ chỉ việc nhà nghiên cứu không đi thực địa mà chỉ ngồi tổng hợp tài liệu, phỏng vấn các nhân vật được mời, đến “dân tộc học tham gia” (participant observation), thuật ngữ chỉ việc nhà nghiên cứu phải đi điền dã, tham gia vào đời sống họ nghiên cứu để thu thập dữ liệu và để hiểu văn hóa từ bên trong.
Nếu chiểu theo các khái niệm này thì trong suốt quá trình làm nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Văn Chính chưa khi nào là nhà dân tộc học ghế bành. Ông cũng chưa khi nào cho là mình thuộc nhóm “cây đa, cây đề” hay học giả tiếng tăm, dù giới học thuật quốc tế luôn tôn trọng ông, thậm chí Thai Research Fund (Quỹ Nghiên cứu KH Thái Lan) còn tài trợ hẳn một đề tài nghiên cứu về ông, với tư cách là một trí thức (public intellectual) Việt Nam và một học giả của Đông Nam Á.
Nhà dân tộc học không ngồi ghế bành, có lẽ, là danh xưng đẹp nhất mà mọi nhà dân tộc học đều cảm thấy tự hào. □