Gustav Mahler – lời tiên tri của chủ nghĩa hiện đại và hậu – hiện đại

Gustav Mahler (1860–1911) là nhà soạn nhạc và chỉ huy người Áo-Bohemian với những tác phẩm đánh dấu sự phát triển tới đỉnh cao của nhạc giao hưởng thời kỳ hậu-lãng mạn và là người không chỉ có nhiều ảnh hưởng đối với các nhạc sỹ của thế kỷ XX, mà từ những năm 1960, ông đã có mặt trong văn hóa Pop.

Ông sinh ở Kaliště (tiếng Đức là Kalischt, nay thuộc Cộng hòa Séc), được cha mẹ cho học piano từ lúc sáu tuổi. Năm 15 tuổi ông đi học tại Nhạc viện Vienna, được thụ giáo các bậc thầy tài giỏi. Ba năm sau ông theo học Đại học Vienna. Ở đây ngoài âm nhạc ông còn theo học lịch sử và triết học (Các nhạc sỹ Việt Nam của tôi ơi, muốn viết được cái gì để đời thì cũng nên theo chân Mahler mà đi học những thứ ấy đi chứ). Tác phẩm đầu tiên của ông ra đời tại đây năm 1878, đó là một bản cantata mang tên Das klagende Lied (Tạm dịch: Lời than van). Sao mới đầu đời mà đã than khóc vậy? Xuất phát điểm của thiên tài phải chăng chính là NỖI ĐAU? Từ năm 1880 ông trở thành trợ lý chỉ huy tại Bad Hall. Sau đó ông chỉ huy nhiều vở nhạc kịch ở nhiều thành phố trung tâm châu Âu: ở Ljubljana năm 1881, Olomouc năm 1882, Vienna và Kassel năm 1883, ở Prague năm 1885, Leipzig năm 1886 và Budapest năm 1888. Năm 1887 ông trở nên nổi danh sau khi chỉ huy vở Der Ring des Nibelungen (Vòng tròn Nibelung) của Wagner. Năm sau đó đem lại cho ông cả những thành công về tài chính sau khi dàn dựng vở Die drei Pintos (Ba con ngựa khoang) của Carl Maria von Weber. Còn thiên tài Brahms rất ấn tượng với tài chỉ huy của ông trong việc dựng vở Don Giovanni của Mozart. Từ 1891 đến 1897 ông chỉ huy tại Nhà hát Opera Hamburg.

Một cảnh trong vở Der Ring des Nibelungen

Trong có mấy năm, từ 1883 đến 1896, ông vừa ngồi sửa bản Giao hưởng số 1 (trình diễn lần đầu năm 1889) vừa viết bản Giao hưởng số 2, phác thảo bản Giao hưởng số 3 và viết phần lớn tập ca khúc nghệ thuật Lieder aus “Des Knaben Wunderhorn” (Những bài ca từ “Tiếng tù và thần diệu của chàng trai”) dựa trên các bài thơ dân gian. Ở tuổi 37 ông trở thành Giám đốc của Nhà hát Opera Hoàng gia Vienna – vị trí có thanh thế nhất, “vương giả” nhất trong ngành âm nhạc của đế chế Áo khi đó. Nhờ những nỗ lực trong nhạc kịch, Vienna đã trở thành trung tâm nhạc kịch nổi tiếng toàn thế giới trong những thập kỷ sau đó. Mahler làm ở Nhà hát mỗi năm chín tháng nên ông chỉ còn mùa hè để sáng tác. Những năm này ông đã viết các bản giao hưởng số 5, 6, 7, 8 và nhiều tác phẩm khác tại vùng hồ Wörthersee. Năm 1902 ông lập gia đình với Alma Schindler trẻ hơn ông 20 tuổi. Họ có hai con gái, đứa đầu chết vì bệnh bạch hầu khi mới năm tuổi vào năm 1907.
Cái chết của cô con gái đã làm Mahler đắm chìm trong đau khổ. Chưa hết, cùng năm đó ông phát hiện tim mình bị bệnh viêm màng trong, một căn bệnh ghê gớm không cho phép ông hoạt động hay làm việc nhiều. Đã thế ở nhà hát lại mọc ra nhiều kẻ thù. Và ông tuyên bố nghỉ hưu ngay năm đó.
Âm nhạc của Mahler gặp phải sự chống đối dữ dội của giới phê bình. Họ cho rằng các bản giao hưởng của ông có sự “trà trộn bừa bãi” giữa truyền thống và những chủ đề tạp nham. Việc ông đặt cạnh nhau các loại văn hóa từ rất cao xa tới bình dân cùng với các đặc tính khác nhau của các sắc tộc thiểu số làm cho các nhà phê bình bảo thủ bị xúc phạm. Lúc ấy là thời mà các tổ chức của quần chúng lao động mọc lên khắp nơi, dẫn đến những cuộc bạo động xô xát giữa các nhóm người Đức, Séc, Hung, Do Thái ở đế quốc Áo – Hung. Tuy nhiên Mahler luôn có rất nhiều người hâm mộ nhiệt thành. Càng về cuối đời công chúng của ông càng đông đảo, nhất là sau khi ông công diễn bản Giao hưởng số 2 tại Munich vào năm 1900 (và sau đó tại Vienna năm 1907), rồi bản Giao hưởng số 3 ở Krefeld năm 1902, đặc biệt nhất là bản Giao hưởng số 8 hoành tráng ở Munich năm 1910.
Ngay sau khi ông rời bỏ Nhà hát Opera Vienna người Mỹ lập tức đã chìa tay ra mời. Và ông đã nhận lời chỉ huy Nhà hát Opera Metropolitan ở New York từ 1908 đến 1910. Tại đây ông trở nên vô cùng nổi tiếng với công chúng và cả giới phê bình, nhưng lại gặp thái độ ghẻ lạnh của ban lãnh đạo nhà hát. Rã rời trở về châu Âu, lại thêm cuộc hôn nhân đang rất khủng hoảng, ông đã phải đến gặp Sigmund Freud vào năm 1910 vì bị suy sụp thần kinh. Freud đã giúp được ông gượng dậy.
Sau đó Dàn nhạc Giao hưởng New York lại mời ông ký hợp đồng, ông lại cùng gia đình sang Mỹ làm việc từ 1910 đến 1911. Tại đây ông đã hoàn thành Das Lied von der Erde (Bài ca Trái đất) và bản Giao hưởng số 9, tác phẩm cuối cùng được hoàn thiện của ông. Tháng hai năm 1911 ông bị ốm nặng vì bệnh nhiễm chuỗi cầu khuẩn máu. Ông yêu cầu được đưa về Vienna và qua đời tại đây ngày 18.5.1911 với bản Giao hưởng số 10 đang viết dở. Từ cuối cùng ông thốt lên là “Mozartl” (Tạm dịch: “Thưa Mozart bé nhỏ”). Trước đó ông đã yêu cầu được chôn bên cạnh con gái với một đám tang lặng lẽ. Một ngày sau khi ông mất một cơn bão lớn nổi lên với những trận mưa xối xả làm người ta nghĩ rằng đám tang không thể tổ chức được. Thế nhưng, một đám đông khổng lồ đã, đúng như ý nguyện của ông, đi theo ông trong lặng lẽ. Và ngay khoảnh khắc hạ quan tài thì Mặt trời ló ra khỏi mây. Thế đấy! Trời cũng biết khóc thương cho những thiên tài?
Mahler là người cuối cùng trong thế hệ các nhạc sỹ Trường phái Vienna đầu tiên với những Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Schumann, Mendelssohn cho tới các nhà lãng mạn như Bruckner và Brahms. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất tới ông chính là Wagner.

Bản giao hưởng số 5

Giao hưởng và ca khúc nghệ thuật là hai thể loại chủ yếu trong sáng tác của Mahler. “Tinh thần ca khúc” luôn có trong tác phẩm của ông. Cái này thì ông học theo Schubert và Schumann, nhưng khác với hai ông, Mahler không sử dụng piano để đệm mà dùng đến cả dàn nhạc. (Do bị thất tình trong quan hệ với một ca sỹ ở Kassel, ông đã nảy hứng mà viết phần ca từ thật tuyệt cho bài Lieder eines fahrenden Gesellen (Những bài ca về một người du hý) về một người tình bị tình phụ lang thang đơn độc khắp hành tinh). Còn trong các bản giao hưởng, Mahler kết hợp các ý tưởng của chủ nghĩa lãng mạn và các giai điệu của dân ca và dân vũ của người nông dân Áo dựa trên sự phát huy khả năng của cả dàn nhạc giao hưởng. Kết quả là ông đã mở mang, thậm chí đập bỏ lối hiểu thông thường về thể loại giao hưởng trong khi ông thám hiểm những con đường để mở rộng nhạc của mình. Ông đã có lần nhận định rằng giao hưởng cần phải là “tất cả thế giới”. Tất nhiên, ông đã gặp nhiều khó khăn trong việc trình diễn được tác phẩm của mình (dàn nhạc nào muốn dựng các tác phẩm của ông đều rất dũng cảm và có đẳng cấp cao mới dám làm, trình diễn nhạc của ông người ta không thể đoán biết được nốt tiếp sau sẽ là nốt gì), và ông thường xuyên phải viết đi viết lại các chi tiết cho đến khi hài lòng với hiệu quả của tác phẩm.
Trong chuyến lưu diễn ở Phần Lan năm 1907 Mahler đã nói: “Giao hưởng cần phải như thế giới này: nó phải ôm vào lòng mình tất cả.” Mang triết lý này vào hiện thực ông đã đưa thể loại giao hưởng đến một tầm phát triển mới về nghệ thuật. Tăng cường phạm vi các tương phản trong các phần của một bản giao hưởng đã mở rộng mọi mặt của nó (với thời lượng 95 phút, bản Giao hưởng số 3 gồm 6 chương là bản giao hưởng dài nhất trên đời; buổi công diễn ra mắt bản Giao hưởng số 8 có tới một nghìn diễn viên, vì thế người ta đã đặt tên cho bản này là “Bản Giao hưởng 1000”). Các giọng ca và dàn hợp xướng (với ca từ lấy từ dân ca, thơ dân gian, văn học Trung Quốc, Nietzsche, Goethe, thần/huyền thoại Thiên chúa giáo Lã Mã thời Trung cổ) đã đưa ra nội dung có tính triết học và tự truyện.
Mahler có ảnh hưởng ghê gớm. Nhạc sỹ Áo Arnold Schoenberg (1874–1951) phong ông là “thánh”: “một tấm gương của những tấm gương, quên mình cống hiến cho nghệ thuật, rộng lòng với các nhạc sỹ trẻ và bị đối xử tệ bạc nhất”. Alban Maria Johannes Berg (1885–1935), một nhạc sỹ Áo khác, hoàn toàn bị ảnh hưởng của âm nhạc Mahler. Ông này coi bản Giao hưởng số 6 mang tên Bi thương của Mahler là “bản số 6 duy nhất, cho dù trên đời đã có bản Đồng quê”1. Còn nhạc sỹ Áo Anton Webern (1883–1945) thì ngoài việc đứng ra chỉ huy nhiều bản giao hưởng của Mahler, các tác phẩm của ông này đều có Mahler. Ảnh hưởng toàn diện và mạnh mẽ của Mahler tới các nhạc sỹ đại tài sau này là Benjamin Britten (1913–1976, nhạc sỹ Anh) và Dmitri Shostakovich (1906 – 1975, nhạc sỹ Nga). Ảnh hưởng của Mahler ở Mỹ có tên nhạc sỹ Aaron Copland (1900–1990), người đã phát triển cái gọi là “âm thanh Mỹ đích thực”.
Nhưng trong những nhạc sỹ hàng đầu cũng có người ghét ông. Họ thường cho rằng những mục tiêu sáng tạo của ông không tương thích một cách quá khích tuy vẫn công nhận “trình độ kỹ thuật” của ông. Nhạc sỹ Nga Igor Stravinsky (1882–1971) danh tiếng đã gọi ông chệch đi theo tiếng Pháp là “malheur” (nghĩa là “tai họa”). Nhạc sỹ Anh Ralph Vaughan Williams, OM (1872–1958), người từng được Hoàng gia Anh trao Order of Merit (Huân chương Thành tựu, người được trao tặng sẽ được mang hai chữ OM sau tên gọi của mình), mô tả ông là “một bản sao có thể chấp nhận được của một nhà soạn nhạc”2. Thế nhưng, vào cuối thế kỷ XX thì những sáng tạo âm nhạc có một không hai của ông đã trở thành xương thịt của Modernism (chủ nghĩa Hiện đại); những đặc tính rất “choáng” trong âm nhạc của ông như là sự gián cách cực đoan và bất ngờ, thiên hướng parody (giễu nhại), trích dẫn (của người khác và cả của mình) cùng với việc đặt cạnh nhau những phong cách cả “cực cao” lẫn “cực thấp” thì đã thành những đặc tính nổi bật của Post-modernism (chủ nghĩa Hậu-hiện đại).

Ngoài sự ảnh hưởng tới các “cao thủ” như Shostakovich, Britten và Copland, Mahler còn có ảnh hưởng tới Richard Strauss, Havergal Brian, Kurt Weill, Leonard Bernstein, Ngài Malcolm Arnold, Luciano Berio, Alfred Schnittke, Alexander von Zemlinsky, và trong những người còn sống phải kể đến Uri Caine (nhạc sỹ Mỹ, 1956~).
Những khó khăn trong việc chấp nhận các tác phẩm của ông đã làm Mahler phải thốt lên: “Thời của tôi sẽ đến”. Cái “thời” đó là giữa thế kỷ XX. Vào năm 1956 tất cả các tác phẩm của ông đã được phát hành trên đĩa nhựa. Được sự truyền bá của nhiều nhạc sỹ tài danh, các tác phẩm của ông đã chiếm trọn trái tim của một thế hệ thính giả đang khát khao một làn sóng mới trong cuộc thám hiểm âm nhạc. Vào cuối thế kỷ XX, nhờ có những phương pháp mới nhiều nhạc sỹ nảy ra ý định muốn viết tiếp bản Giao hưởng số 10, trong đó có nhạc sỹ người Anh Deryck Cooke (1919–1976).
Dù được coi là người viết nhạc “khó”, từ những năm 1960 ông đã có mặt trong văn hóa pop. Mahler được coi là hiện thân của nhân vật Gustav von Aschenbach trong một tác phẩm của văn hào đoạt Nobel người Đức Thomas Mann. Năm 1974 đạo diễn người Anh Ken Russell đã làm bộ phim Mahler với diễn viên nổi tiếng Robert Powell đóng vai Mahler. Nhà soạn kịch người Anh Ronald Harwood đã viết vở Mahler’s Conversion (Cuộc cải đạo của Mahler) vảo năm 2001. Nhạc Mahler đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim và các chương trình truyền hình. Nhạc của ông thường được dùng để biểu tả một nhân vật đang trong cơn bấn loạn hoặc một người có tính cách Bohemian. Ở Anh, những nốt nhạc đầu tiên trong chương hai của bản Giao hưởng số 7 suốt nhiều năm qua đã trở nên quen thuộc trong đoạn phim quảng cáo dầu nhờn Castrol GTX trên truyền hình. Bài hát “Ladies Who Lunch” trong bộ phim ca nhạc Company đã tham chiếu nhạc của ông. Chương II của bản Giao hưởng số 1 được dùng trong phim Star Trek: Voyager, phần “Counterpoint” (Đối âm) – tất nhiên, cách sử dụng đối âm của Mahler đã được đưa ra bàn luận ở phần này. Trong loạt phim truyền hình của Nhật Kekkon Dekinai Otoko nhân vật chính Shinsuke Kuwano đã chơi chương cuối của bản Giao hưởng số 5 liên tục trong căn hộ của mình.
Bản Giao hưởng số 6 cung La thứ của Mahler mang tên Bi thương. Mahler sáng tác tác phẩm này trong suốt mùa hè năm 1903 đến năm 1904 và chính thức hoàn thành tác phẩm vào ngày 1 tháng 5 năm 1905 (cách đây chẵn 103 năm). Ông cũng chính là người chỉ huy trong lần ra mắt tác phẩm lần đầu tiên vào ngày 27 tháng 5 năm 1906 tại Essen (Đức). Bản giao hưởng này gồm 4 chương: Allegro energico, ma non troppo; Scherzo; Andante moderato và chương kết: Allegro moderato – Allegro energico. Các chỉ huy thường vẫn tráo thứ tự của hai chương giữa cho nhau. Khác với các bản số 2, 3, 4 và 8 bản số 6 không có phần hợp xướng. Phần cuối của Bi thương bị ngắt bởi ba nhát búa, thể hiện ba đòn của định mệnh giáng vào ông: cái chết của cô con gái lớn, căn bệnh tim khủng khiếp và việc ông bị bắt buộc từ chức ở Nhà hát Opera Vienna. Đã có lúc Mahler loại bỏ ba nhát búa này ra khỏi tác phẩm nhưng người ta vẫn đưa chúng ra biểu diễn. Cách kết của bản này có thể nói là “hung bạo” nhất trong âm nhạc.
Sau khi nghe Nhà hát Giao hưởng Việt Nam trình diễn bản giao hưởng này, tôi xin ghi lại đây phần note-taking của mình như một lời kết:
Những thanh âm xót xa thăm thẳm như Tchaikovsky. Bi tráng như Beethoven. Tinh tế, hồn nhiên, tươi mới như Mozart. Loạn nhưng rất trật tự. Man man. Tiếng sáo Thiên đường. Tiếng tù và âm u Địa ngục. Vô vọng vì đầy khát vọng. Khắc khoải lủng lẳng. Vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa quá. Những vật lộn. Bải hoải. Co giật. Loạn chiêu. Chán nản. Hết hơi. Hồi sinh. Hưng phấn. Thăng hoa. Lại rơi vào trầm uất. Phân hủy. Bốc hơi. Hùng tráng. Chiến thắng. Vũ trụ ca… Nghe đâu đây những giai điệu như từ Tây Tạng, Hàn Mặc Tử, Huy Cận (cũ), Chế Lan Viên (xưa), truyện cổ tích…
—————————————-
1 Đồng quê là tên bản Giao hưởng số 6 của L. Beethoven.
2 Nguyên văn: “a tolerable imitation of a composer”.

Tác giả