Gustav Mahler: Nhà tư tưởng lớn của âm nhạc hậu lãng mạn

Lúc sinh thời, Gustav Mahler là một nhà chỉ huy dàn nhạc và opera tài năng khác thường. Ngày nay, ông được công nhận là một nhà soạn nhạc lớn, người đã đưa truyền thống giao hưởng Đức đến giới hạn hợp lý của nó lẫn là người tiền bối của những phá vỡ mang tính cách mạng của Arnold Schoenberg với toàn bộ truyền thống âm nhạc có điệu tính phương Tây. Tài năng sáng tác nổi bật của ông chỉ tập trung ở hai hình thức là lied (ca khúc nghệ thuật Đức) và giao hưởng, đồng thời việc ông thường xuyên kết hợp các yếu tố thanh nhạc vào sáng tác giao hưởng đã đem lại thành quả trọn vẹn cho một quá trình bắt đầu từ bản Giao hưởng No. 9 của Beethoven. Trong Das Lied von der Erde (Bài ca trái đất), ông đã hòa trộn hai hình thức thành một bản giao hưởng – ca khúc.

Gustav Mahler là nhà tư tưởng lớn cuối cùng của âm nhạc hậu Lãng mạn, tuy nhiên lúc sinh thời, ông được xem là một nhà chỉ huy hơn là một nhà soạn nhạc. Người sáng tác ra những bản giao hưởng đồ sộ, lạ kỳ này chỉ được chấp nhận nhờ một sự sùng bái sau đó. Ông sinh ngày 7 tháng 7 năm 1880 trong một gia đình trung lưu tại Kaliste, một thị trấn Bohemia nhỏ trên biên giới với Moravia. Vào Nhạc viện Vienna năm 1875, Mahler học các môn piano, hòa âm và sáng tác trong một môi trường bảo thủ về âm nhạc. Tuy nhiên ông đã trở thành người ủng hộ Wagner và Bruckner mà về sau ông chỉ huy tác phẩm của cả hai nhà soạn nhạc này. Ông cũng trở thành một thành viên của nhóm người quan tâm đến chủ nghĩa xã hội, triết học Nietzsche và trào lưu Liên Đức. Khoảng năm 1880, ông bắt đầu chỉ huy và cũng viết tác phẩm thành thục đầu tiên, Das klagende Lied (Bài ca than thở).
Sự nghiệp chỉ huy của Mahler thăng tiến nhanh, ông chuyển từ Kassel tới Prague rồi đến Leipzig và Budapest, nhận được cả sự kính nể lớn lao lẫn xem thường hoàn toàn từ phía các nhạc công vì những buổi diễn tập đòi hỏi cao và chủ nghĩa cầu toàn của ông. Năm 1897 ông trở thành giám đốc âm nhạc của Nhà hát opera hoàng gia Vienna và một năm sau thành giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Vienna. Sự nghiệp chỉ huy của Mahler chỉ cho phép ông sáng tác vào những mùa hè, trong một loạt các “lều sáng tác” ông dựng ở những vùng thôn quê đẹp như tranh. Mahler hoàn thành bản giao hưởng đầu tiên năm 1888 nhưng thính giả đã hoàn toàn không hiểu. Ông dành thời gian cho những bản giao hưởng (đều là tác phẩm quy mô lớn) và những liên khúc. Phần đông công chúng Vienna lúc đó không thể hiểu được âm nhạc của Mahler nhưng ông đón nhận phản ứng của họ một cách bình thản, tiên đoán một cách chính xác rằng “Thời đại của tôi rồi sẽ đến.” Trong lúc ấy, các cách thức độc đoán của ông trên cương vị chỉ huy đã khiến các nhạc công xa lánh. Năm 1901, sức ép của báo chí và các nhạc công là lý do chính buộc ông từ chức chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Ông kết hôn với một sinh viên sáng tác trẻ, Alma Schindler, vào năm 1902. Chẳng bao lâu họ sinh hạ được hai người con gái. Đến năm 1907, Mahler ngày càng xa cách Vienna, chỉ huy các tác phẩm của chính mình và do đó từ chức cả ở nhà hát opera. Ngay sau khi Mahler nhận vị trí chỉ huy chính của Nhà hát Metropolitan ở New York và chỉ trước khi rời Vienna, cô con gái cả mới lên bốn tuổi của ông đã mất vì bệnh sốt phát ban và bạch hầu. Tệ hơn thế, ông còn phát hiện ra mình mắc bệnh van tim.
Tại New York, ông gây ấn tượng bằng tầm cỡ tài năng và mau chóng giành được sự hoan nghênh của khán giả. Năm 1909 ông trở thành chỉ huy của Dàn nhạc giao hưởng New York mà ông cảm thấy thoải mái hơn so với việc chỉ huy các tác phẩm opera cho đến thời điểm đó. Năm tiếp theo, ông đã thu được thắng lợi trong lần đầu công diễn bản Giao hưởng No. 8 còn gọi là “Giao hưởng Một ngàn” ở Munich. “Hãy hình dung vũ trụ bắt đầu ca hát và ngân vang, không còn là giọng của con người mà là những hành tinh và những mặt trờI đang quay” – Mahler viết như thế về “Giao hưởng Một ngàn”. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã lên kế hoạch công diễn kiệt tác đồ sộ nhất này của Mahler đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ dự án Mahler cycle” (Chùm tác phẩm của Mahler) được triển khai từ năm 2007 đến năm 2011, kỉ niệm 100 năm ngày mất của Mahler.
Mặc dầu thành công về mặt sự nghiệp song đời tư của Mahler lại phải chịu thêm một tai họa khác khi cuộc hôn nhân của ông với Alma bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề.
Ông khởi thảo bản giao hưởng số 10 vào năm 1910 (mà không hoàn thành được) và chỉ huy buổi hòa nhạc cuối cùng của mìmh tại New York năm 1911. Kiệt sức và ốm nặng, Mahler quay về Vienna, nơi ông qua đời ngày 18 tháng 5 năm 1911.
Tài năng sáng tác nổi bật của
Mahler chỉ tập trung ở hai hình thức là lied và giao hưởng. Trong Das Lied von der Erde (Bài ca trái đất), ông đã hòa trộn hai hình thức trên thành một  bản giao hưởng – ca khúc lớn, mặc dù bề ngoài nó có vẻ như một bộ 6 ca khúc với phần đệm của dàn nhạc. Tác phẩm này chính là bản giao hưởng thứ 9 của Mahler. Mahler là một người rất mê tín. Sau khi đã viết được 8 bản giao hưởng, ông rất e sợ vì tiếp theo sẽ là bản thứ 9. Ông thấy rằng trong số những người tiền bối nổi tiếng của mình, Beethoven không vượt qua được con số này và Bruckner cũng vậy. Nỗi e sợ của Mahler càng tồi tệ hơn khi ông khám phá ra rằng hai tác giả giao hưởng lớn khác là Schubert và Dvorak cũng là nạn nhân của cùng một giới hạn (9 bản giao hưởng) mà việc xuất bản lộn xộn vào thời kỳ đó đã bỏ sót một số tác phẩm của họ và che giấu sự thật này. Để xoa dịu nỗi e sợ của mình, ông không đánh số bản giao hưởng tiếp theo mà gọi là “Một bản giao hưởng cho Tenor, Contralto (hoặc Baritone) và dàn nhạc”. Khi nghĩ rằng nguy hiểm đã qua, Mahler lại tiếp tục đánh số bản giao hưởng tiếp sau đó là Symphony No. 9. Tuy nhiên có vẻ như định mệnh không dễ bị đánh lừa, ông đã qua đời khi đang soạn Giao hưởng No. 10.
Das Lied von der Erde (Bài ca trái đất) tiêu biểu cho sự tinh tế và cô đọng của phương tiện và cách biểu hiện của “Giao hưởng Một ngàn”. Trong “Bài ca trái đất”, cũng lại là phong cách đối âm phương Đông chiếm ưu thế nhưng cấu trúc mỏng hơn khiến nó có vẻ như dễ cảm nhận hơn. Cả tính chất thân tình và riêng tư hơn nhiều trong cách viết là lời đáp trực tiếp cho những mơ màng riêng tư của các bài thơ cổ Trung Hoa hơn là một sự chuyển dịch lớn về phong cách.
“Bài ca trái đất” là một tổng thể giao hưởng hợp nhất, vì 6 ca khúc được tổ chức thành 4 phần tương tự như các chương giao hưởng. Ngôn ngữ hòa âm và diễn cảm của Mahler mạnh mẽ đến mức ông có thể tạo ra một hiệu quả lũy tiến hợp nhất những ca khúc này thành một thực thể ngữ nghĩa và nghệ thuật độc đáo.
Ca khúc đầu tiên với lời thơ của Lý Bạch, Das Trinklied vom Jammer der Erde (Bài ca nâng cốc vì nỗi sầu muộn của trái đất), là một sự kết hợp giữa ca khúc phổ thơ và hình thức sonata. Nó có thể đứng độc lập không chỉ ở hình thức mà còn ở thách thức của nỗi sầu muộn u tối không khoan nhượng khi phải đối mặt với cái chết. Đoạn mở đầu nhìn chung là mạnh mẽ tương phản với đoạn trung tâm nhẹ nhõm lâng lâng, nhưng rốt cuộc lên đến cực điểm trong một gợi nhắc rú rít mang tính định mệnh về số phận Con Người.

Der Einsame im Herbst (Kẻ cô độc mùa thu) là ca khúc thứ 2, phổ từ thơ của Trương Kế (có tài liệu cho rằng đây là bài thơ của Trương Tịch). Ca khúc với nội dung cam chịu này gợi lên những màn sương mù mùa thu khi thi nhân đau buồn vì mất đi mùa hè và cuộc sống. Cấu trúc mỏng và các dòng lệch hướng đã nắm bắt một cách hoàn hảo nỗi cô đơn cay đắng.
Von der Jugend (Tuổi thanh xuân) với lời thơ của Lý Bạch là ca khúc thứ 3 trong “Bài Ca trái đất”. Ca khúc này và 2 ca khúc tiếp theo chứa đựng phần scherzo của cấu trúc giao hưởng. Cả 3 ca khúc đều ngắn, giọng điệu sáng sủa hơn và mang tâm trạng luyến tiếc quá khứ. Tại đây, những kỉ niệm về những người trẻ tuổi đang cùng thưởng thức trà đã được nắm bắt bằng những dòng quãng tám nhẹ nhàng và uyển chuyển, gợi lên cái thơ ngây và thái độ vô tư lự của tuổi trẻ.
Ca khúc thứ 4, Von der Schönheit (Về mỹ nhân), với thơ Lý Bạch là một cảnh lãng mạn. Sự thơ ngây quý phái của các thiếu nữ được mô tả bằng khúc Andante cảm động một cách tinh tế. Khi có sự xuất hiện của các chàng kị mã, dàn nhạc bất ngờ bùng nổ, trong khi giọng hát mau chóng bắt vào một giai điệu hồi hộp, khắc họa một cách hiệu quả trái tim rung động của các thiếu nữ.
Ca khúc tiếp theo là
Der Trunkene im Frühling (Gã say ngày xuân) với lời thơ của Lý Bạch. Mặc dù có một đoạn trung tâm đầy khao khát nhưng ca khúc này lại chủ yếu mang tính hài hước ở việc gợi lên cảnh thiên nhiên và sự quay cuồng say sưa của một gã trẻ tuổi. Tại đây, Mahler đã sử dụng một loạt hiệu ứng hòa âm và dàn nhạc lạ lùng.
Ca khúc cuối cùng, Der Abschied (Ly biệt) có lời ca được ghép từ hai bài thơ của Mạnh Hạo Nhiên và Vương Duy. Bài đầu tiên mô tả một nhân vật cô đơn đang chờ đợi một người bạn đến để nói lời ly biệt, bài thứ hai chính là lời ly biệt. Đây là chương dài nhất của tác phẩm. Mahler cho bắt đầu mỗi bài thơ bằng một đoạn dàn nhạc dài và cũng làm cho chương nhạc này mang tính chất hòa âm phương Đông nhất. Bài thứ nhất đầy khao khát và ai oán, được lặp lại phần nào sau khi giọng hát bắt vào. Bài thứ hai là một hành khúc tang lễ cảm động, lên đến đỉnh điểm bi kịch lớn lao. Ở khổ thơ cuối cùng, khi thi nhân nhìn lại cuộc đời, Mahler đã soạn một đoạn coda mở rộng và mang tính cam chịu.
Mahler là m
ột nhân vật kỳ lạ cả ở khía cạnh con người lẫn khía nghệ sĩ, một nhà chỉ huy tài năng khác thường và được hoan nghênh khắp mọi nơi nhưng tài năng trong lĩnh vực sáng tác chưa bao giờ được công nhận đầy đủ. Thậm chí rất lâu sau khi ông mất, những tác phẩm của ông bị coi là tài liệu bổ sung về một người mà nghề nghiệp thực sự là biểu diễn tác phẩm của người khác. Các nhà chỉ huy như Bruno Walter, Otto Klemperer, Willem Mengelberg và Maurice Abravanel… đã gìn giữ cho di sản của Mahler. Giờ đây, Mahler nằm trong số những tác giả giao hưởng được ghi âm nhiều nhất. Việc ông thường xuyên kết hợp các yếu tố thanh nhạc vào sáng tác giao hưởng đã đem lại thành quả trọn vẹn cho một quá trình bắt đầu từ bản Giao hưởng No. 9 của Beethoven, minh chứng rằng âm nhạc của ông có cội rễ chắc chắn nằm trong truyền thống giao hưởng Đức.

 

Gã say ngày xuân

 Thơ: Lý Bạch
Dịch sang tiếng Pháp từ nguyên tác tiếng Trung: Marquis D’Hervey-Saint-Denys
Dịch sang tiếng Đức từ bản dịch tiếng Pháp:Hans Bethge (Mahler sử dụng bản dịch này)

Nếu đời chỉ là mơ,
Sao sầu đau đến thế?
Ta rót uống cả ngày,
Uống tới khi không thể!

Khi không thể uống thêm,
Lòng dạ đã đầy cả,
Lảo đảo tới thềm nhà
Đánh giấc say thật hả!

Tỉnh giấc, lắng nghe nào!
Giữa hoa chim hót chào
Hỏi chim xuân đấy ư–
Với ta như giấc mơ.

Chim ríu ran: “Xuân đây!
Trong đêm xuân đã tới”
Ta căng tai nghe ngóng
Tiếng chim hót vang lừng!

Ta rót thêm cốc đầy
Uống cạn đáy rồi hát
Cho tới khi trăng lên
Sáng soi bầu trời đêm!

Và khi không thể hát
Ta tiếp tục ngủ thôi
Với ta xuân nghĩa gì?
Mặc ta uống say nhè!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)