Hà Nội, một nơi “toàn cầu” hay “sống tốt”?

Michael Douglass, giáo sư tại ĐH Hawaii, người viết và hướng dẫn nhiều công trình nghiên cứu về đô thị Hà Nội, mới đây đã tham gia Hội thảo quốc tế “Hà Nội Thiên niên kỷ – Thành phố quá khứ và tương lai” với bài trao đổi “Thành phố toàn cầu hay thành phố sống tốt – lựa chọn nào cho Hà Nội”. Dưới đây là suy tư của một KTS cũng về chủ đề này.

 “Cỏ sườn đồi bên kia xanh hơn”

Sau nhiều năm đóng kín, cái hứng khởi mở ra bên ngoài, viễn cảnh các tòa nhà bóng nhoáng và các khu công nghiệp vuông vắn từ mẫu hình Singapore, Hàn Quốc… là ước ao của cả Hà Nội. Đây đó bắt đầu xuất hiện những khu biệt thự kề cận sân golf tường rào biệt lập, mô phỏng thiên đường có thật lọt giữa thành phố còn ngổn ngang bụi đường, nước thải và đường xá gồ ghề.

Khu đô thị Ciputra (còn gọi là KĐT Nam Thăng Long) xuất hiện sớm nhất, cho dù hình thức tầm thường và xa lạ… một thời là thang bậc giá trị của giai tầng mới với giá cao ngất ngưởng. Đến nay, còn trụ lại có vẻ chỉ là những chủ nhân ít cơ hội thay đổi. Có ông KTS, nhờ vị trí có ảnh hưởng nên sở hữu một ngôi nhà lớn, vị trí đẹp trong KĐT này, thế nhưng ông vẫn khóa cửa mà quay về căn nhà ít tiện nghi hơn nhiều ở khu phố cũ. Nhiều năm sau khi nghỉ hưu, ông vẫn không tiếc lời tán dương cái mô hình đô thị mới, nhưng chính ông lại không ở. Hoá ra Hà Nội cũ kỹ mới là nơi chốn quyến rũ đích thực.

Hiệu sách Hà nội –Huế – Sài Gòn mở rộng cửa cho tất cả những người yêu
văn hóa Hà Nội (ảnh trái) nhưng sau những năm 1990, nó bị phá đi
để xây văn phòng cho thuê, cửa đóng kín suốt ngày.
 

Vài năm nữa, có thể các bản sao chép “đô thị mới” nhan nhản bên ngoài vành đai 2,3 Hà Nội từ thiết kế sẽ thành hiện thực. Liệu nó có tạo ra sức hút mới cho Hà Nội mở rộng? Những tòa nhà cao tầng Hà Nội bắt đầu vào cuộc tranh đua chiều cao khu vực, những khu giải trí kiểu Disneyland hay khu phát triển công nghệ sinh học tân kỳ đã lớn tiếng hứa hẹn. Liệu những mô hình mới này có đủ lôi cuốn du khách bỏ Genting (Malaysia), Marinabay Sands (Singapore) để đến Hà Nội? Liệu các doanh nhân, chuyên gia công nghệ cao có coi Hà Nội là sự chọn lựa ưu tiên? Nếu viễn cảnh ấy có thật thì cũng còn không ít vấn đề. Nhưng tệ hơn nó không xảy ra như cam kết của các dự án chiếm đất, Hà Nội sẽ cuốn hút bên ngoài bằng giá trị nào và kinh tế Thủ đô sẽ lấy điểm tựa nào để mạnh lên đây?

Trở lại với chính mình?

Lại kể về ông KTS vốn ở bên kia sông, ngôi nhà ông tậu để ở trong phố cũ vốn là đất thôn Giáo Phường, Vân Hồ… Đầu TK20, nơi đây là những ngôi nhà nhỏ, ít năm sau có phố nhỏ chạy qua. Mùa Đông 1946, nhiều nhà khép cửa, ra vùng kháng chiến để lại sau lưng ngõ phố lẫn trong Hà Nội rực cháy. Sau chín năm, họ xuôi thuyền sông Hồng về phố, từ năm cửa ô, bộ đội cũng trùng trùng nhịp bước khải hoàn. Đầu những năm 60, dân phố cùng muôn vạn người Thủ đô gánh đất, trồng cây để biến nơi ao hồ lầy lội làng Vân Hồ thành Công viên Thống Nhất. Trên đường Cổ Ngư – Hồ Tây, trai gái kề vai đẩy xe đất bãi mà đắp đường Thanh Niên, Hà Nội khi ấy nghèo mà vui tươi tràn sức sống.

Những năm đạn bom ì ầm, đêm Hà Nội thắp sáng bởi rồng lửa thiêu cháy “pháo đài bay”. Thủ đô vượt lên gian khó mà kiêu hãnh. Những đứa trẻ từ các vùng quê sơ tán về phố, trong những căn buồng nhỏ chật chội, mỗi khi tối đến vẫn thắp sáng đèn dầu, học bài trên gác xép, nồi xoong bếp dầu để dưới gầm giường. Dẫu vậy, Hà Nội không ngừng nghỉ nạo vét sông Tô, hồ Xã Đàn, Thành Công, Thủ Lệ, công viên Tuổi trẻ… Nơi nào Hà Nội cũng thấm đẫm mồ hôi của nhiều thế hệ, có lẽ vì vậy nhiều bài thơ hay nhất, lời ca đẹp nhất về Hà Nội ra đời trong những năm tháng ấy.


Nụ cười nhà nông trên đê sông Đáy và dự án chung cư xa lạ
sẽ xây trên đồng ruộng phía Tây Hà Nội.
 

Những năm 2000, cuộc sống khá hơn đôi chút cùng lúc những giá trị đích thực của thành phố phai nhạt dần, Hà Nội hối hả du nhập những mô hình lai tạp từ bên ngoài, không kịp chọn lọc. Có thể nào sống tốt trong cái thành phố mà khoảng cách giữa cư dân với phố phường ngày một cách xa? Một ngày giật mình khi thấy nơi chốn thân quen không còn là của mình nữa: cái vườn đào rực rỡ đã bị san ủi để quây tường rào xây biệt thự. Công viên bị xắn dần từng miếng làm khách sạn nhà hàng, hồ ao lấp dần làm nhà để bán. Những đàn chim đậu trên ngọn cây cao vút đã bay đi, tiếng ve râm ran trưa hè đã thưa vắng. Cho dù đây đó có lời phàn nàn, nơi này nơi kia cũng có chỗ lắng nghe. Nhưng ở quy mô lớn hơn, cơ hội tham gia của cư dân đang bị thu hẹp. Nỗi lo về Hà Nội thoái biến lớn dần.

Trong thời khắc 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, diễn ra cuộc thảo luận với chủ đề “Thành phố toàn cầu hay thành phố sống tốt – lựa chọn nào cho Hà Nội”. Giống như nhiều thành phố châu Á đang phải đối mặt, Hà Nội đứng trước ngã rẽ để phát triển. Hà Nội sẽ tiến về phía trước theo mô hình sao chép vay mượn hay tiếp bước tiếp bằng chính đôi chân, khối óc và cảm xúc tích tụ từ những trải nghiệm bản thân?

KĐT xứ Đoài lấy Ciputra làm mẫu, còn mô hình KĐT Ciputra thì sao chép,
nhặt nhạnh đa quốc gia
(ảnh trái). Những đứa trẻ sân đình Đắc Sở, chúng sẽ
ở đâu trong khung cảnh không xác định địa chỉ văn hóa trên?
(ảnh phải).
 

Chỉ ít ngày nữa bản quy hoạch Hà Nội sẽ được công bố cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng còn đó câu hỏi: Rốt cuộc thì thành phố có làm ra để thành nơi sống tốt cho tất cả mọi người – hấp lực mạnh mẽ nhất mà Hà Nội đã từng có. Thành phố sẽ dành không gian nào để cư dân có thể gặp gỡ giao tiếp, bãi đất trống nào an toàn cho những đứa trẻ nô đùa, mặt nước nào cho những lứa đôi ngắm nhìn để trao lời hẹn ước, lối đi nào cho người già khoan thai thả bộ. Bởi lẽ bên cạnh những khu đô thị sang trọng, khu vui chơi giải trí sinh thái cao cấp, sân golf hào nhoáng la liệt quảng cáo… Hà Nội đang thiếu vắng khung cảnh bình dân, nơi đa số là những thị dân thu nhập chưa cao, họ có thể sống yên bình, hạnh phúc bởi những niềm vui giản dị, họ có thể hy vọng rằng mỗi ngày mới sẽ tốt đẹp hơn bởi chính họ có thể chủ động tham gia gây dựng nên điều tốt đẹp ấy – họ là những người vun đắp và gìn giữ bền vững hồn cốt của thành phố cổ xưa này.


Ảnh Nụ cười nhà nôngNhững đứa trẻ đình Đắc Sở là của tác giả bài viết.

Tác giả