Hai mô hình vận hành lý thuyết trong phê bình văn học Việt Nam

Quan sát tình trạng phê bình văn học hiện nay, có thể mô hình hóa thành hai kiểu: lý thuyết từ trên xuống và lý thuyết từ dưới lên; trong đó kiểu đầu là tư duy diễn dịch (deductive), mang tính áp đặt và có phần bảo thủ, còn kiểu sau là tư duy quy nạp (inductive), có tính dân chủ và sáng tạo. Tuy nhiên, hai mô hình này không loại trừ nhau, mà bổ sung cho nhau. Trong đời một nhà nghiên cứu, ai cũng phải vận dụng cả hai mô hình, nhưng vẫn có một mô hình làm chủ đạo, cái tạo nên bộ mặt riêng.

Trong phê bình văn học, chủ yếu là phê bình học thuật, nói riêng và các khoa học xã hội và nhân văn1 nói chung ở Việt Nam, cũng như ở một số nước vùng lõm khác, việc tiếp thu lý thuyết nước ngoài đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đành rằng, lý thuyết nào, xét cho cùng, cũng đều xuất phát từ sự bức thiết của thực tiễn văn học, đôi khi là một thực tiễn rất cụ thể, nhưng một khi lý thuyết hội đủ các điều kiện để trở thành lý thuyết, thì nó không chỉ soi sáng cho chính cái thực tế xuất thân ấy, mà còn, với tính khái quát cao của nó, sáng soi cho cả những thực tiễn khác. Huống chi Việt Nam lại không có truyền thống lý thuyết, mà nguyên nhân – hậu quả là không có triết học lý niệm và các tôn giáo lớn, bản địa. Tiếp thu lý thuyết văn học nước ngoài, vì vậy, là một bù đắp sống còn cho phát triển, đặc biệt ở vào những thời kỳ khủng hoảng giá trị. Nhưng tiếp thu, nhất là vận hành, như thế nào mới là điều quan trọng. Quan sát tình trạng phê bình văn học hiện nay, có thể mô hình hóa thành hai kiểu: 1) lý thuyết từ trên xuống và 2) lý thuyết từ dưới lên.


Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristote (384 – 322 trước Công nguyên) thích dùng phương pháp diễn dịch.

Mô hình I: lý thuyết từ trên xuống đặt lý thuyết là tính thứ nhất và mặc nhiên thừa nhận tính đúng đắn của nó mà không cần phải phê phán, kiểm sai. Như vậy, trong trường hợp này, lý thuyết được sử dụng như một tiên đề để tìm hiểu, khám phá, diễn giải tác phẩm. Nhờ có bộ công cụ mới này (quan niệm, phạm trù, phương pháp…), công việc phê bình tác phẩm đạt được những chất lượng mới, ở những cấp độ cao hơn, hoặc sâu hơn trước đó. Có thể thấy điều này, trong phê bình văn học, qua việc vận hành các lý thuyết tiểu sử học, văn hóa – lịch sử, xã hội học và, phần nào, phân tâm học Freud trước 1945 và phong cách học, thi pháp học, cấu trúc luận, văn hóa học và phân tâm học Jung và Lacan sau 1986.

Lối tiếp cận “lý thuyết từ trên xuống”, như vậy, ít nhất có hai đóng góp quan trọng. Một là, lý giải được những tác phẩm có mã nghệ thuật mới và làm mới được những tác phẩm đã bị cách đọc cũ làm cho thành nhàm chán. Hai là, cùng lúc giới thiệu được những lý thuyết và phương pháp mới, tức có đóng góp về phương pháp nghiên cứu, hoặc mô hình tư duy. Bởi lẽ, các công trình phê bình loại này, trước khi đi vào phân tích tác phẩm cụ thể, thường có phần trình bày lý thuyết và phương pháp hoặc riêng rẽ, hoặc xen kẽ. Người đọc, nhất là các nhà phê bình thông minh, có thể nhận lấy phương pháp này, để rồi tự mình dùng nó đi sâu vào những tác phẩm khác. Lối truyền bá, dù là “vô hình trung”, lý thuyết thông qua thực hành phê bình này xem ra có vẻ hợp với tâm thức tiếp nhận Việt Nam.

Tuy nhiên, lối phê bình này, trên thực tế, cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Trước hết, nó dễ làm nghèo tác phẩm. Lấy những nguyên lý cho trước soi vào tác phẩm, nhà phê bình thường có khuynh hướng cắt gọt tác phẩm cho vừa với khuôn khổ lý thuyết. Thế là một thực tiễn nghệ thuật sống động, phong phú, đa chiều trở thành một thứ tiêu bản nhằm minh họa thêm cho cái nguyên lý một chiều đã được khẳng định trước. Phê bình như vậy là thiếu đi cái cân (sự công bằng trung thực với tác phẩm) và ngọn lửa (sự say mê, xúc động khi tiếp xúc với tác phẩm). Kiểu “phê bình nguyên lý” này, rõ ràng, chẳng những làm nghèo tác phẩm, mà cũng không làm giàu gì cho chính cái nguyên lý mà nó thờ phụng.

Nhiều năm qua, nhất là ở giai đoạn tiền Đổi mới, phê bình xã hội học thường rơi vào phê bình nguyên lý. Căn nguyên lý thuyết của nó chủ yếu từ phê bình chính thống Nga – Xô Viết. Sự tiếp thu nó theo kiểu tự nguyện một cách cưỡng bức hay cưỡng bức một cách tự nguyện đã dần dà tự động đi vào vô thức, bởi thế các nhà phê bình Việt Nam bấy giờ gần như không có ý thức gì về lý thuyết và phương pháp. Họ viết, như trong mơ, rằng tác phẩm này tốt vì đã phản ánh được những mâu thuẫn cơ bản của thời đại, còn tác phẩm kia tồi vì thiếu tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc. Phê bình xã hội học, vì thế, trở thành phê bình nội dung, phê bình cái xã hội được phản ánh trong tác phẩm. Mà nội dung xã hội, trong sự hình dung chính thống và chính thức, là một cái gì đó sêm sêm, nên các công trình phê bình cũng sêm sêm nhau không kém.

Mô hình II: lý thuyết từ dưới lên đặt tác phẩm là trung tâm nghiên cứu. Trước khi bước vào tác phẩm, mọi lý thuyết đều phải tạm gác lại ở ngoài thềm. Nhà phê bình, vì thế, phải có trực giác nghệ thuật để biết được tác phẩm có hay không, thậm chí hay ở chỗ nào. Nhưng nàng thơ lại thường không “hớ hênh ra (cho) lắm kẻ dòm”, mà thường ẩn kín trong sự mã hóa, hoặc trong ngụy trang của những ham muốn vô thức. Nhiệm vụ của phê bình, vì thế, là làm cái đẹp hiển thị. Chính lúc này phê bình mới cần đến lý thuyết và các phương pháp khoa học để hình thức hóa, hoặc hữu thức hóa cái đẹp. Nhà phê bình, vì vậy, phải có hiểu biết lý thuyết, càng nhiều lý thuyết càng tốt, và, quan trọng hơn, phải nhuần nhuyễn đến mức có thể tạo ra sự nhạy cảm lý thuyết. Nhờ thế, anh ta có thể tìm ngay ra được một lý thuyết phù hợp cho tác phẩm. Tuy vậy, trong hoàn cảnh Việt Nam, có lẽ tốt hơn cả, khi phân tích, diễn giải tác phẩm, nên chọn một phương pháp làm chủ đạo, còn các phương pháp khác là bổ trợ. Lý thuyết, như thế, là cái đến sau, luận chứng cho trực giác nghệ thuật, hoặc một xoắn luyến giữa chúng trên hành trình nhà phê bình thám mã và giải mã tác phẩm.


Jacques Lacan (1901 –1981), nhà phân tâm học gây tranh cãi nhất kể từ sau Sigmund Freud.

Đến đây, xin mở ngoặc nói thêm là: để vận hành tốt lý thuyết nước ngoài, nhất là những thủ pháp/ phương pháp của nó, vào xử lý những hiện tượng của văn học Việt Nam, thì phải hiểu sâu kinh lịch của nó: tư tưởng triết học à tư tưởng mỹ học à tư tưởng phê bình văn học à phương pháp/ thủ pháp nghiên cứu. Muốn tránh tình trạng “ăn non”, “ngắt ngọn” hoặc “múa tay trong bị”, ngược lại có thể tung hoành các chiêu thức từ hữu đến vô, nhà phê bình Việt Nam phải làm một hành trình ngược lại: phương pháp/ thủ pháp à tư tưởng phê bình Việt Nam à tư tưởng mỹ học à tư tưởng triết học. Như vậy, sử dụng một phương pháp phê bình, nhất là sự đổi mới một hệ hình nghiên cứu, không phải chỉ là chuyện kỹ thuật, mà là đổi mới một cái nhìn nghệ thuật, một cái nhìn thế giới. Còn như đứng chân ở một quan niệm triết học này, mà tay lại với hái một hệ pháp kia, thì chỉ là sự “ăn gian”, và tất nhiên là không mang lại mấy kết quả. Với phê bình văn học Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ, người nào đi xa hơn trong chuyến “hành hương về nguồn” này thì người ấy thành công hơn.

Hai mô hình, I và II, còn khác nhau ở phương pháp tư duy. “Lý thuyết từ trên xuống” là tư duy diễn dịch (deductive), mang tính áp đặt và có phần bảo thủ. Còn “Lý thuyết từ dưới lên” là tư duy quy nạp (inductive), có tính dân chủ và sáng tạo, nhất là quy nạp đầy đủ (complete induction). Các triết gia, như Aristote chẳng hạn, thích dùng phương pháp diễn dịch, còn nhà khoa học, ưa suy từ trên những dữ liệu thực tế, thì thích dùng phương pháp quy nạp. Tuy vậy, các chính trị gia, nhất là các nhà thuyết khách thì cũng hay dùng phương pháp quy nạp, nhưng thường là quy nạp không đầy đủ (incomplete induction).

Ở Việt Nam, mô hình I có một truyền thống lâu bền. Sống kẹp giữa nền văn minh Hoa Hạ, lại phấn đấu “không mệt mỏi” suốt “một trường kỳ lịch sử” để trở nên giống Trung Hoa về phương diện văn hóa (cho khỏi mang tiếng Nam man), cha ông chúng ta đã mặc nhiên coi những Khổng Tử, Đổng Trọng Thư, Chu Hy, Trình Di, Trình Hạo… là thầy, là “sư biểu”, coi lời họ, hoặc sách vở họ viết ra, đều là những chân lý hiển nhiên, là “kinh” là “luận”, chỉ việc tiếp thu không bàn cãi. Chả thế mà gần hai nghìn năm tiếp Nho giáo, mà chúng ta chỉ nhận cho mình cái phần hình nhi hạ (các nghi thức, quy tắc ứng dụng, thực hành), chứ không phải hình nhi thượng (phần lý luận, triết lý), nên không hề có học thuật, trường phái (họa chăng chỉ có bè phái), vì thế các tranh luận rút cuộc chỉ là lý sự chữ nghĩa theo lối tầm chương trích cú. Phương pháp diễn dịch, bởi vậy, với người Việt, là một cái gì đó xuất tính tự nhiên. Nó trở thành một lối học, mà đến thời hiện đại vẫn còn là, hoặc mới trở nên là, một đường lối giáo dục chính thức.

Mô hình II, ở Việt Nam, có tính hiện đại. Hẳn nó chỉ xuất hiện, hoặc được ý thức đầy đủ, khi chúng ta tiếp xúc với luận lý học và khoa học thực nghiệm phương Tây. Hiện nay, nó vẫn còn chưa trở thành một nét đậm, một nhịp mạnh trong các nghiên cứu xã hội và nhân văn. Với phê bình văn học, việc đánh giá tác phẩm xuất phát từ những phương pháp phân tích văn bản, hẹp hơn ngôn ngữ văn bản, cũng mới chỉ có gần đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh của văn hóa hậu hiện đại, các đại tự sự, hoặc các lý thuyết lớn, bị hoài nghi, thậm chí bị bác bỏ, phải nhường “mặt tiền” cho những tiểu tự sự, những sự thật tương đối, những lý thuyết ngoại vi, thì mô hình lý thuyết từ dưới lên có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Tuy có những khác biệt, nhưng hai mô hình này: lý thuyết từ trên xưống và lý thuyết từ dưới lên, không loại trừ nhau, mà bổ sung cho nhau. Trong đời một nhà nghiên cứu, ai cũng phải vận dụng cả hai mô hình, nhưng vẫn có một mô hình làm chủ đạo, cái tạo nên bộ mặt riêng. Dù vậy, với tính cách là giả thuyết làm việc, các mô hình này, xét đến cùng, không phải là sự thật tuyệt đối, mà chỉ là khí cụ tư duy, nhằm nhận diện một thực tiễn nhòe (nhoẹt), hỗn tạp.
————-
1 Lịch sử khoa học đã phải rất lâu thì khoa học xã hội mới tách ra khỏi khoa học tự nhiên, rồi khoa học nhân văn ra khỏi khoa học xã hội. Đến nay, khoa học nhân văn, khoa học nghiên cứu về con người, đã trở thành một thứ cơ sở mới cho cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên. Vậy mà không hiểu sao cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn to nhất của nước ta tại chỉ gọi là Viện Khoa học xã hội, mà không cần đến nhân văn?!

Tác giả

(Visited 61 times, 1 visits today)