Hành trình tìm kiếm dấu tích Pharaoh nổi loạn

Pharaoh Akhenaten là một vị vua đặc biệt trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Ông là người khước từ truyền thống đa thần giáo trước đó để xây dựng tôn giáo độc thần và sau đó bị xóa tên trong lịch sử Ai Cập vì bị coi là kẻ nổi loạn trong suốt mấy thiên niên kỷ. Các nhà khảo cổ học đã lần tìm những dấu vết bí ẩn về ông và đô thành mà ông xây dựng.


Bức tranh khắc Akhenaten, Nefertiti và ba người con gái dưới ánh sáng của thần mặt trời Aten. 

Vào mùa xuân năm 2014, tôi và vợ, Leslie, cùng sống ở Cairo hơn hai năm trong vai trò là phóng viên nước ngoài của Mỹ, đã phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Mùa hè trước đó, Mohamed Morsi, Tổng thống đầu tiên được bầu cử dân chủ, đã bị buộc tội, lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự và lực lượng an ninh đã tàn sát hơn 1.000 người ủng hộ Morsi tại thủ đô, theo ước tính của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Vào thời điểm đó, hai cô con gái sinh đôi của chúng tôi tên là Ariel và Natasha mới được ba tuổi. Leslie và tôi phải đối diện với câu hỏi: Liệu có thể tiếp tục ở lại hay rời đi?

Chúng tôi đã luôn có ý định dành ít nhất năm năm ở Ai Cập. Năm năm là con số tối thiểu, bởi chúng ta đều biết lịch sử của đất nước này phong phú như thế nào. Cuối cùng, chúng tôi quyết định vẫn theo kế hoạch cũ để khám phá nền văn hóa này. Mua chiếc xe mới chính là một phần của quyết tâm đó để tìm dấu vết những nền văn minh cổ xưa giữa các sa mạc mênh mông. Với tốc độ 120km/h bên trong chiếc xe mát rượi vì điều hòa, thật khó để tưởng tượng những hành trình xa xưa trên sa mạc. 

Năm 1868, một người Anh tên Edward Henry Palmer đã viết trong nhật ký của mình: “Thứ Hai – đi bộ sáu giờ; nhìn thấy hai con bọ cánh cứng và một con quạ”. Annie Quibell đã viết vào năm 1925: “Không phải là sức nóng, không phải là ánh sáng chói lọi, cũng không phải là bão cát, cũng không phải là sự cô độc khiến cho chuyến đi trở nên ngột ngạt sau một khoảng thời gian; mà chính là sự chết chóc hoàn toàn và tiếng hú của gió”. Đối với các du khách trong quá khứ, cảnh quan nơi đây thật khô khốc tàn bạo. Nhưng thực ra sự cô độc trên sa mạc thường giúp làm sáng tỏ tâm trí. “Có một cái gì đó lớn lao và cao siêu trong sự im lặng và cô đơn của những đồng bằng đang cháy nắng này”, Giáo sư Robert Curzon đã viết vào năm 1833. Một thế kỷ sau, Robin Fedden lại so sánh cảnh quan này với sự thuần khiết của một quốc gia nằm chìm trong tuyết. Arthur Weigall, nhà Ai Cập học, người viết nhiều về địa điểm khảo cổ vào đầu thế kỷ 20 từng nói: “Sa mạc là không gian giúp hít thở của thế giới, và do đó chỉ ở nơi đây, người ta mới thực sự thở và sống”.

Đô thị cổ bí ẩn giữa sa mạc

Khoảng năm 1346 trước Công nguyên, ở Thượng Ai Cập, Pharaoh Akhenaten đã xây dựng một thủ đô hoàn toàn mới trên một thềm sa mạc không hề có người ở trước đây, bên một bờ sông phía Đông. Vị pharaoh trẻ tuổi muốn một vùng đất không bị ảnh hưởng bởi lịch sử hoặc nghi lễ nào trước đó. 

Trong vòng vài năm, thành phố sa mạc Amarna đã trở thành nơi sinh sống của khoảng 30.000 người. Cung điện, đền thờ và các tòa nhà chính phủ được xây dựng với một tốc độ đáng kinh ngạc. Chúng được xây dựng trên quy mô cực lớn: chỉ riêng đền thờ thần Aten vĩ đại đã dài nửa dặm. Nhiều xưởng sản xuất hàng thủ công cho hoàng gia đến mức chúng trông giống như một dạng công xưởng-thị trấn. 


Bức tượng Nefertiti trong bảo tàng Berlin. 

Nhưng Akhenaten không chỉ muốn một cung điện trên sa mạc, ông còn muốn sáng tác văn chương. Bài thơ dài của ông, hiện được gọi là Bài thánh ca Aten – được sáng tác để tôn vinh vị thần Ra – thần Mặt trời. Về mọi mặt, bài thơ này mang tính cách mạng. Chúng được viết bằng một ngôn ngữ thông tục hơn các văn bản truyền thống của Ai Cập, và tôn vinh thế giới tự nhiên:

Toàn bộ vùng đất đang hăng say làm việc, 
Tất cả muông thú đều hài lòng với thức ăn của chúng, 
Cây và thực vật đang đâm chồi nảy lộc, 
Đàn chim bay về tổ.

Bài thánh ca về Aten có một số điểm tương đồng về hình ảnh và khái niệm với Thi thiên 104 (Psalm 104), và một số học giả đã đưa ra giả thuyết rằng các nhà thơ Israel có thể đã bị ảnh hưởng bởi bài thơ Akhenaten. Điều đáng chú ý nhất là việc bài thánh ca chỉ tôn thờ một mình thần Aten. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cá nhân đã tiến một bước tới chủ nghĩa độc thần: “Với một vị thần duy nhất, không hề có người thứ hai bên cạnh bạn; bạn tạo ra Trái đất như bạn muốn”.

Bài thánh ca tuyệt vời của Akhenaten và các văn bản khác của ông mô tả ranh giới của thành phố rộng lớn này nhưng không hề đề cập đến một chi tiết quan trọng: không có nước uống được. Cây trồng không thể phát triển ở đây. Nhà Ai Cập học Barry Kemp cho rằng nước giếng quá mặn để uống và người dân buộc phải lấy nước từ sông Nile. Kemp cho biết: “Rủi ro của việc trở thành một người cai trị có quyền lực tuyệt đối là việc không ai dám nói với bạn rằng những gì bạn vừa tuyên bố không phải là một ý tưởng tốt”.

Trong một lần lái xe đến Amarna, tôi đã ghé qua khu vực Đền Lớn Aten ngay sau khi Kemp tìm thấy một mảnh của bức tượng Akhenaten bị hỏng. Nhóm của Kemp đang khai quật phần phía trước ngôi đền thì bắt gặp mảnh vỡ nhô lên trên đất cát. Phần tượng từ đầu gối trở xuống của nhà vua, và phần đầu gối đã từng bị cắt phá “chứ không phải là vô tình bị hư hỏng”, Kemp cho biết. 

Kemp đã hơn 70 tuổi và ông đã làm việc tại Amarna từ năm 1977. Ngay từ đầu, ông đã bị cuốn hút vào ý tưởng về một thành phố trên sa mạc. Suốt nhiều năm trước nhiều nhà Ai Cập học thường tập trung chủ yếu vào hoàng gia và giới thượng lưu. Nhưng đến khi ông theo học ở Đại học Liverpool, lĩnh vực khảo cổ học đã thay đổi, chuyển hướng sang đi theo những dấu vết về cuộc sống thường ngày. Amarna là khu di tích hoàn hảo cho xu hướng đó như vậy. Thành phố đã có người ở trong 12 năm, và sau đó, không lâu sau cái chết của Akhenaten vào khoảng năm 1336 trước Công nguyên, nó đã bị bỏ hoang hoàn toàn vì không có nước.


Bức tượng Akhenaten. 

Khi Kemp bắt đầu khai quật tại khu di tích, ông đã là giáo sư tại Đại học Cambridge. Cuối cùng, ông quyết định nghỉ hưu để tập trung công việc này, ông nhận được sự tài trợ bởi các khoản đóng góp tư nhân cho Dự án Amarna do chính ông sáng lập. Trong nhiều thập kỷ, ông đã khai quật tỉ mỉ các phần của thành phố, hy vọng rằng những di tích nhỏ trong cuộc sống hằng ngày sẽ trả lời những câu hỏi lớn hơn: Thành phố được xây dựng như thế nào, với kế hoạch ra sao? Đường phố, nhà cửa và các tòa nhà công cộng nói gì về Ai Cập cổ đại?

Ngay cả sau từng ấy thời gian khai quật, Kemp vẫn bất ngờ trước một số khám phá mỗi mùa khai quật. Ví dụ như gần đây, ông đã xác định được rằng ngôi đền lớn Aten đã bị phá hủy hoàn toàn và được xây dựng lại vào khoảng năm thứ 12 của triều đại Akhenaten. Đây là những gì đã xảy ra với bức tượng của nhà vua với đôi chân bị gãy: những người thợ phải đập vỡ hình và sử dụng các mảnh như lõi cứng, hoặc chất độn để tạo ra một bức tượng mới. Akhenaten thường xuyên thay đổi suy nghĩ về hình ảnh của mình, và rõ ràng ông đã quyết định rằng bức tượng này, giống như toàn bộ ngôi đền, không còn phù hợp với tầm nhìn mới của ông. 

Người Ai Cập cổ đại hiếm khi tự giải thích cho những gì mình làm. Họ không bao giờ cho biết lý do tại sao xây dựng theo hình dạng của kim tự tháp, hoặc những những di tích tượng trưng cho cái gì. Chúng ta không biết cách họ di chuyển những khối đá nặng hai tấn lên độ cao hơn 120 mét. Ngay cả những truyền thống xã hội cơ bản vẫn là một bí ẩn. Các hình minh họa trên các bức tường lăng mộ cung cấp chi tiết phong phú về cách thực hành tang lễ, nhưng chúng ta thiếu một nguồn tư liệu tương tự về các nghi lễ trong đám cưới. Trong 3.000 năm lịch sử Ai Cập, không có bằng chứng trực tiếp về bất kỳ lễ cưới nào từng diễn ra.

Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, người thời đó để lại rất nhiều bình luận về các sự kiện chính trị và xã hội. “Nhưng điều tương tự không xảy ra ở Ai Cập cổ đại”, Kemp nói. “Bạn phải suy luận rất nhiều. Thật khó để nói có bao nhiêu người ủng hộ Akhenaten. Có phải ông hoàn toàn không nổi tiếng? Hay ông thực sự nổi tiếng và rồi bị triều đại sau lật đổ, xóa tên trong lịch sử?”

Bí ẩn Pharaoh Akhenaten

Thiếu nguồn thông tin, chúng ta khó có thể tránh khỏi việc khai thác trí tưởng tượng. Năm 1905, nhà Ai Cập học James Henry Breasted đã mô tả Akhenaten là “quân vương đầu tiên trong lịch sử loài người”, bởi vì nhà vua nổi bật quá mức, chống lại các khuôn mẫu trong quá khứ ở Ai Cập. Dominic Montserrat, tác giả của  cuốn “Akhenaten: Lịch sử, Ảo tưởng và Ai Cập cổ đại” lưu ý rằng nhà vua đã trở thành một “biểu tượng hơn là một con người”. Trong suốt thế kỷ 20, vị vua cổ đại lại được miêu tả theo nhiều cách khác nhau: một người theo Đạo Thiên chúa, một nhà bảo vệ môi trường yêu chuộng hòa bình, một người đồng tính luyến ái và một nhà độc tài toàn trị. Hình ảnh của ông được cả Đức quốc xã và phong trào lấy châu Phi làm trung tâm (Afrocentric) đón nhận. Đức quốc xã đã kết nối Aten với truyền thống thờ cúng Mặt trời của người Aryan và họ thậm chí còn tự thuyết phục rằng Akhenaten là một phần của dòng dõi Aryan. Ngược lại, các nhà tư tưởng da đen đã tôn vinh nhà vua với cái tên là Black Blackataten, một biểu tượng của quyền lực và thiên tài châu Phi. Thomas Mann, Naguib Mahfouz, Frida Kahlo và Philip Glass đều có sử dụng hình ảnh của Akhenaten trong các tác phẩm của họ. Nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud đã rất hào hứng với các cuộc khai quật Amarna trong những năm 1930 và ông đã viết: “Nếu tôi là triệu phú, tôi sẽ tài trợ cho việc tiếp tục các cuộc khai quật này”.

Nhưng sau đó đã xuất hiện nhận định có căn cứ hơn: Ông thuộc triều đại thứ 18, khoảng giữa thế kỷ 16 trước Công nguyên, đã vươn lên nắm quyền trong cuộc xung đột với Hyksos, một nhóm từ phía Đông Địa Trung Hải đã giành quyền kiểm soát đồng bằng. Cuộc đấu tranh này cũng thúc đẩy triều đại thứ 18 trở thành triều đại cầm quyền đầu tiên với một đội quân thường trực có sự kiểm soát quân sự kéo dài từ Sudan đến Syria ngày nay. Nhưng ngay cả khi đế chế phát triển, các vị vua vẫn thắt chặt, củng cố quyền lực gia đình, từ chối cho phép con gái kết hôn ngoài gia tộc. Vua thường kết hôn với con gái của mình hoặc anh em trai kết hôn với chị em gái. Pharaoh Amenhotep kết hôn với em gái của mình và họ có cha mẹ chung, ông bà chung và cả cụ cố chung: ba thế hệ hôn nhân anh chị em. 
Dưới thời kỳ của Akhenaten, đức tin truyền thống của người Ai Cập đã bị tước bỏ triệt để: ông muốn chuyển từ đa thần giáo sang độc thần. Trong những ngôi mộ mà các quan chức đặt làm cho bản thân trên các vách đá phía sau Amarna không có nhắc gì đến thần Osiris hay thế giới bên kia truyền thống. Akhenaten đã có những ngôi đền được xây dựng không có mái, và các nghi lễ thần Mặt trời có lẽ đã nóng đến mức tàn nhẫn. Vua Assyria đã viết một bức thư giận dữ: “Tại sao các sứ giả của tôi phải đứng dưới nắng Mặt trời và bị chết nắng?”.

Akhenaten cũng đã đi tiên phong trong các kỹ thuật chính trị vẫn còn hiệu quả cho đến ngày nay. Một số khẩu hiệu của các nhà cách mạng chính trị hiện đại đã lặp lại cách mà Akhenaten từng đưa ra công luận để biện minh cho sự thay đổi mạnh mẽ mà mình đặt ra, tương tự các khẩu hiệu như “Khiến nước Mỹ mạnh trở lại” (Make America Great Again), hoặc ông cho xây dựng Ban công cung điện cho phép người ủng hộ, giống như Hitler trên quảng trường Heldenplatz. Ở thành phố mới Akhenaten, các quan chức đã dựng lên các đền thờ trong vườn với hình ảnh của cặp vợ chồng hoàng gia, giống như cách mà bức chân dung của Hosni Mubarak được treo trong các văn phòng của các quan chức.

Nhưng chúng ta không biết được rằng người Ai Cập đương thời nghĩ gì về những điều này. Akhenaten đột ngột qua đời, vào năm thứ 17 dưới triều đại của ông. Thành phố vẫn đang được xây dựng; lăng vua vua còn dang dở. Đồ vật gia truyền mà ông chọn để chôn cất là một chiếc bát đá 1.000 năm tuổi được khắc tên của vị pharaoh đã xây dựng tượng nhân sư vĩ đại. 

Cuộc cách mạng mà Akhenaten tạo ra gần như sụp đổ ngay lập tức. Hai năm sau cái chết của Akhenaten, ngai vàng trao cho người con trai duy nhất của ông, Tutankhamun, chỉ chưa đầy 10 tuổi. Và nhà vua trẻ đã tuyên bố: “miền đất đã gặp nạn; các vị thần đã từ bỏ vùng đất này.” Ngay sau đó, người Ai Cập đã rời bỏ thành phố trên sa mạc của họ.


Khu khai quật ở Amarna.

Nhưng chưa đầy một thập kỷ trị vì, Tutankhamun cũng đột ngột qua đời, sau khi đã kết hôn với chị gái cùng cha khác mẹ của mình và hai đứa con duy nhất của họ đều chết non – cuối cùng, hôn nhân cận huyết đã chấm dứt triều đại của gia đình. Sau khi một vị vua khác cai trị trong một thời gian ngắn, Horemheb, người đứng đầu quân đội, tuyên bố mình là pharaoh – đây có thể là cuộc đảo chính quân sự đầu tiên trong lịch sử.

Horemheb đã tuyên bố một “thời phục hưng” mới. Đây cũng là một phần của chính trị tiền sử; hơn hai thiên niên kỷ sau đó, khi Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) lên nắm quyền sau một cuộc cách mạng, họ đã tự xưng là Al-Nahda, từ tiếng Ả Rập cho phục hưng. Nhưng sự phục hưng của Horemheb đáng quên hơn là đáng nhớ. Nhà vua mới bắt đầu dỡ bỏ các đền thờ và cung điện Amarna, và những người kế vị của ông đã đẩy nhanh sự hủy diệt. Họ đã cử công nhân đến Amarna để phá hủy mọi bức tượng của Akhenaten và Nefertiti mà họ có thể tìm thấy. Chiếc quan tài của vua bị đập vỡ; tên hoàng gia đã bị xóa sạch khỏi chữ khắc. Akhenaten được nhắc tới như kẻ tội đồ và tên nổi loạn. Chiến dịch này thành công đến nỗi cái tên và hình ảnh Akhenaten biến mất khỏi lịch sử trong suốt 31 thế kỷ sau đó.

Vào thời điểm tên của ông được các nhà khảo cổ nước ngoài khám phá lại, vào giữa thế kỷ 19, thế giới đã biết đến “vị vua nổi loạn”. Trong thời đại của các phong trào cách mạng, mọi người đều muốn sử dụng hình ảnh của Akhenaten. Nếu ai đó muốn ủng hộ cho chủ nghĩa môi trường, hoặc quyền của người đồng tính, hoặc chủ nghĩa phát xít, hoặc bình đẳng chủng tộc hoặc một số vấn đề khác, anh ta có thể sử dụng hình ảnh của vị vua này như là biểu tượng và bằng chứng cho thấy những ý tưởng đó bắt nguồn từ thời cổ đại. 

Tuy nhiên, điều hấp dẫn là ngay cả những chiến dịch quy mô cũng không thể phá hủy ký ức về Akhenaten. Ramesses Đại đế đã tháo dỡ nhiều đền thờ và cung điện Amarna hơn bất kỳ triều đại nào khác, và ông đã sử dụng các khối đá mà ngày nay được gọi là Talatat cho các đền thờ của mình. Nhiều khối đá Amarna đã được khắc rất đẹp, và Ramesses đã đặt chúng sâu vào nền móng của các công trình của ông, như một cách chôn vùi công trình của vị vua dị giáo Akhenaten. Nhưng qua hàng thiên niên kỷ, các đền thờ của Ramesses Đại đế đã dần bị dỡ bỏ, cho đến khi chỉ còn lại nền móng. 

“Điều trớ trêu là những gì Ramesses nghĩ có thể che giấu giờ dần dần bị phơi bày. Làm thế nào bạn có thể che giấu nó tốt hơn là đặt nó trong móng của một ngôi đền? Nhờ đó chúng ta lại biết nhiều về các đền thờ Akhenaten, hơn là về Ramesses”, Raymond Johnson, một nhà Ai Cập học, người chỉ đạo trung tâm nghiên cứu của Đại học Chicago ở Luxor, nói. □

Minh Châu lược dịch
https://www.theguardian.com/news/2019/apr/26/ancient-egypt-amarna-akhenaten-rebel-king-arab-spring-revolution

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)