Hành trình tư tưởng của Tolstoi nhìn từ hôm nay (Kỳ VI)

Tolstoi, như đã nói, bị khiển trách nhiều về tội vô chính phủ quá khích và những lời khiển trách ấy sắc bén đến mức công luận, bị ấn tượng bởi chúng, ít khi thấy cần thiết tìm hiểu sâu những chủ kiến của Tolstoi, nhận ra bản chất đặc thù của chúng và xem xét trong chúng có gì là hợp lý hợp tình hay không.

Trong khi ấy thì chính Tolstoi từng xin mọi người đừng tiếp cận với chủ nghĩa vô chính phủ nơi ông như đã quen tiếp cận với chủ nghĩa vô chính phủ cổ điển của Godwin, Proudhon, Bakunin, Kropotkin mà ông quý trọng, nhưng nhìn thấy nhiều nhược điểm không thể chấp nhận ở nó.

Chủ nghĩa vô chính phủ của Tolstoi cũng mang tính tôn giáo luận, thượng đế luận rõ rệt. Nó xuất phát từ một chân lý tôn giáo được diễn đạt rõ ràng và mạnh mẽ hơn cả trong đạo Kitô: tất cả mọi người đều là con của Thượng Đế, là anh em của nhau, bình đẳng tuyệt đối với nhau, cho nên giữa họ không được có quan hệ thống trị – phục tùng, và nếu các quan hệ ấy đã xuất hiện thì phải hết sức làm sao xóa bỏ chúng bởi vì chúng đi ngược lại ý chí của Thượng Đế.

Chủ nghĩa vô chính phủ của Tolstoi chỉ là một biểu hiện cụ thể của một lập trường tư tưởng chung và nhất quán – không thừa nhận quyền lực của con người bất kỳ trong lĩnh vực nào: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, v.v… Sở dĩ nhà tư tưởng tôn giáo Tolstoi kiên quyết gạt bỏ giáo hội và giới tăng sĩ, là bởi vì trong thực tế đó là một cấp quyền lực tước bỏ hay hạn chế tự do lương tâm của con người, ngăn cản con người giao tiếp thẳng với Thượng Đế, tiếp thụ những mệnh lệnh của Thượng Đế (mà Tolstoi thường gọi không chỉ là người Cha mà còn là ông Chủ của tất cả chúng ta và tất cả chúng ta phải làm việc cho Chủ ấy – đạo đức học lao động thẩm thấu cả thần học của nhà văn Nga) qua tiếng nói của lương tâm và trí tuệ mình. Đã tuân phục Thượng Đế, thì con người không được tuân phục đồng loại, không được hành động theo mệnh lệnh của bất kỳ ai trong nhân loại.

Ở đây có một khía cạnh quan trọng mà Tolstoi luôn luôn nhấn mạnh: không chỉ những kẻ thống trị, những kẻ ra lệnh có tội trước Thượng Đế mà cả những người phục tùng, những người tuân lệnh cũng có tội. Tất nhiên, tội của những kẻ ra lệnh, những kẻ sử dụng quyền lực để bắt người khác làm theo ý chí của mình nặng hơn tội của những người phục tùng chúng, nhưng nặng nhẹ thì tội vẫn là tội và không thể được chấp nhận. Tự do và nhân phẩm của con người – con và người làm việc cho Thượng Đế(1) – là ở chỗ con người chỉ chấp nhận quyền lực của Thượng Đế và ngoài ra không chấp nhận một quyền lực nào khác, trong đó có quyền lực tưởng chừng tất yếu và có lợi cho mọi người – quyền lực nhà nước.

Không đi sâu xem xét những quan điểm phủ định của Tolstoi về nhà nước / chính phủ, so sánh chúng với những luận điểm tuy có những nét khác nhau nhưng đều khẳng định của các nhà tư tưởng châu Âu thời mới từ Machiavelli đến Spencer, chỉ cần nói rằng Tolstoi am hiểu, nhưng không đồng tình với chúng.

Ông không chia sẻ tí nào cả thuyết “khế ước xã hội” của Rousseau. Ông cũng không cho là cần thiết lắm phải khảo cứu thật sâu và đa diện lịch sử hình thành và phát triển của nhà nước, như Kropotkin đã làm, bởi vì theo ông, cho dù nguồn gốc và lịch sử của nhà nước có là thế nào đi nữa, thì trong hiện tại vẫn chỉ có thể có một ý kiến đúng đắn về nhà nước – nó là cái họa lớn và ngày càng to lớn hơn cho mọi người, mọi nhân dân / dân tộc và cả loài người.

Trong thái độ đối với nhà nước, Tolstoi gần gũi với một triết gia cùng thời mà ông không ưa thích tí nào – Nietzsche (rất có thể bởi vì cả hai đều là những nghệ sĩ lớn, viết theo linh tính nhiều hơn là lý tính). Như ta biết, Nietzsche gọi nhà nước là “con quát vật máu lạnh”, dửng dưng tuyệt đối với mọi tình cảm và lý tưởng của con người và chỉ biết chăm lo cho sự tồn tại và bành trướng của mình. Y như Nietzsche, Tolstoi quan niệm nhà nước là môi trường hoạt động của những kẻ vô tài thất đức nhất trong xã hội, những kẻ không có khả năng và không muốn làm những công việc tử tế. Song khác với Nietzsche, Tolstoi đồng thời nhấn mạnh: ngay từ đầu những kẻ thiết lập chính quyền nhà nước là những kẻ đã lười lao động lại gian ác, cho nên chúng đã dùng đủ mọi mánh khóe và cả bạo lực trực tiếp để áp đặt quyền lực của mình cho những người lao động luôn luôn bận rộn với công việc đấu tranh với thiên nhiên để nuôi sống mình và gia đình của mình (Xem bài “Về ý nghĩa của cách mạng Nga” được đưa vào sách này).

Ta sẽ không bàn, Tolstoi có chuẩn xác hay không với quan niệm đơn giản như thế về bản chất của nhà nước và quyền lực nhà nước (ông luôn luôn nói: mọi chân lý đều giản dị, ở đâu có sự rắc rối phức tạp – ở đó không có chân lý và lẽ phải). Và cũng vị tất cần thiết, để bênh vực Tolstoi và minh oan cho ông, nhắc đến những tội ác trời không dung đất không tha của các kiểu nhà nước độc tài trong một thế kỷ qua, từ ngày ông ra đi. Hãy trở lại với tư tưởng của ông về tội lỗi tương hỗ của những kẻ thống trị và những người bị thống trị. Với những kẻ thống trị thì xem ra sự việc đã rõ. Nhưng tội lỗi của những người bị thống trị thì ở đâu, theo Tolstoi?

Thứ nhất, ở việc họ đã thừa nhận quyền lực của những kẻ thống trị, và một khi đã thừa nhận thì xem là nghĩa vụ của mình phục tùng nó, hệ quả là đã để cho nó biến mình thành những công cụ thực hiện ý chí của nó. Thứ hai, bị cám dỗ và mua chuộc bởi cái quyền lực ấy, nhiều người trong họ hợp tác với nó, can dự vào hoạt động của nó và trong thực tế trở thành những kẻ đồng lõa với nó. Thứ ba, khi không chịu đựng được quyền lực ấy, thì họ nổi dậy lật đổ nó, lấy bạo lực chống lại bạo lực, đi ngược lại điều răn của Chúa để rốt cuộc chuốc lấy một chính quyền còn bạo hành hơn, tàn ác, bất nhân và toàn trị hơn, như lịch sử loài người cho thấy.

Đọc Tolstoi, không thể không thấy ông rất nhất quán trong lập trường vô chính phủ tôn giáo luận, hay nói sát hơn, Kitô luận của mình. Lên án nhà nước quân chủ chuyên chế, như ở nước ông và các nước phương Đông khác (đáng để ý là Tolstoi quy nước Nga về phương Đông!), ông đồng thời, khác hẳn với phe “thân phương Tây” càng ngày càng phát huy ảnh hưởng trong xã hội Nga, không gửi gắm một tí hy vọng nào vào các nền dân chủ tư sản hay đại chúng của phương Tây. Chúng vẫn là những hình thức thực hiện quyền lực của những người này đối với những người kia, mà mọi quyền lực đều không tách rời với bạo lực và cưỡng bức và mâu thuẫn không thể dung hợp với bản chất và sứ mệnh của con người như là những người con tự do của Thượng Đế. Tự do của con người trước hết là tự do khỏi quyền lực của nhà nước. Muốn có tự do thì con người phải biết sống không có nhà nước và không cần đến nhà nước. Và Tolstoi hoàn toàn tin loài người có thể sống như thế và đây là nội dung cơ bản của cái “đề án” mà Tolstoi kiên trì khuyến nghị mọi người. Nhưng nhà nước, vì lợi ích sinh tồn, sẽ không buông thả các thần dân hay công dân của mình, sẽ không dừng lại trước bất kỳ cái gì để giữ họ dưới sự điều khiển và trong vòng cương tỏa của mình – cái đó Tolstoi cũng quá biết và ông kiến nghị hẳn một chương trình hành động hướng tới xóa bỏ hoàn toàn nhà nước (chính phủ) và mọi quyền lực của con người đối với con người.

*
* *

Cái chương trình ấy được biết đến dưới tên thuyết “không kháng cự” (non – resistance) hay “không chống lại cái ác bằng vũ lực”, thời nay gọi ngắn gọn là thuyết phi bạo lực (non – violence). Ở châu Âu và phương Tây nó có nguồn gốc trong đạo Kitô, ở phương Đông – trong những học thuyết tôn giáo – triết học rất cổ xưa của Ấn Độ và Trung Quốc. Tolstoi đã tự đến với thuyết này trong quá trình tìm tòi chân lý và đã tìm thấy chỗ dựa cho những xác tín mới của mình trong những lời dạy của Kitô được diễn đạt tập trung trong bài giảng trên núi nổi tiếng.

Lần đầu tiên ông trình bày học thuyết không chống lại cái ác bằng vũ lực của mình trong sách “Tín ngưỡng của tôi” (1882-1884). Sau khi sách này được dịch ra các Âu ngữ, những độc giả Mỹ (gia đình Garrison và những người khác) đã cho Tolstoi biết ở Hoa Kỳ có một trào lưu tư tưởng gần gũi với ông, khởi đầu từ những năm 30 thế kỷ XIX, và gửi cho ông những tác phẩm của hai nhà chủ xướng và lãnh đạo trào lưu ấy, không mấy được biết đến ngay ở nước Mỹ – William L. Garrison (1805-1879) và Adin Ballou (1803-1890) trong sách “Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta” (1890-1893), phát triển và minh định như tư tưởng phi bạo lực của mình, ông giới thiệu rộng rãi cả những trước tác của Garrison và Ballou.

Cũng trong thời kỳ này, ông tìm hiểu sâu triết học Ấn Độ và Trung Quốc, tìm thấy trong đạo Bàlamôn, đạo Phật, trong triết học của Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử những tư tưởng tương đồng với những tư tưởng cốt lõi của học thuyết khắc kỷ trong triết học Hy – La, của đạo Do Thái và đạo Kitô và đi đến nhận thức về một bản chất thống nhất của tất cả các tôn giáo thế giới và càng thêm tin tưởng vào tính đúng đắn của những tìm kiếm tín ngưỡng – đức lý nơi mình.

Trong một bức thư, bàn luận với một luật gia Nga về khả năng thiết lập nền hòa bình thế giới trên cơ sở tôn giáo, Tolstoi viết: “Các học thuyết Phật giáo và khắc kỷ, cũng như các học thuyết của các nhà tiên tri Do Thái, đặc biệt học thuyết được biết đến dưới tên Isaye, và cả những học thuyết Trung Hoa của Khổng Tử, Lão Tử và Mặc Tử (người còn ít được biết đến), tất cả đều xuất hiện gần như cùng một lúc, vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Kitô – tất cả đều như nhau nhìn thấy bản chất con người ở tính tinh thần của nó, và đây là công lao lớn nhất của chúng. Song chúng khác biệt với đạo Kitô xuất hiện sau chúng ở chỗ chúng đã dừng lại ở sự thừa nhận tính tinh thần của con người, nhìn thấy ở sự thừa nhận ấy cứu sách và hạnh phúc cho cá thể con người. Còn đạo Kitô thì rút ra một kết luận tiếp nối. Xuất phát từ việc con người nhận thức được bản chất tinh thần của mình, từ việc mỗi người nhận ra được trong mình một đứa con của Thiên Chúa, đạo Kitô tuyên cáo khả năng và sự cần thiết tạo lập trên trái đất vương quốc của Thiên Chúa, tức là vương quốc của hạnh phúc chung, bao hàm cả khái niệm về hòa bình trên toàn thế giới”.

Học thuyết không chống lại cái ác bằng vũ lực của Tolstoi là một bộ phận hữu cơ của một học thuyết bao trùm hơn về những điều kiện cần thiết để kiến tạo trên toàn thế giới “vương quốc của hạnh phúc chung”. Nó xuất phát từ một nhận thức tôn giáo cơ bản được nhắc lại trong thư vừa dẫn: tất cả mọi người đều là con của Thượng Đế và họ phải đối xử với nhau với tư cách ấy.

Trong một bức thư khác, gửi một viên chức Mỹ về vấn đề giáo dục tôn giáo cho trẻ em, Tolstoi viết: “Sự tôn thờ đích thực Thượng Đế chỉ có thể là sự tôn thờ Thượng Đế ở trong ta và trong những người khác. Tôn thờ Thượng Đế ở trong mình tức là hình dung ra cho mình và giữ trước mình hình ảnh của thể hoàn hảo tối cao của cái thiện và cố gắng đạt tới độ gần nhất với thể hoàn hảo ấy trong cuộc sống của mình. Còn sự tôn thờ Thượng Đế trong những người khác thì tựu trung là thừa nhận ở trong từng người một cũng một Thượng Đế mà ta ý thức được trong ta, do đó mà cố gắng đoàn kết với từng người; mà sự đoàn kết ấy thì chỉ thực hiện được bằng tình yêu thương”. Cuối thư, ông dặn dò: “Khi tiếp xúc với một người, bất kỳ người ấy là ai, hãy đừng quên rằng trên đời không có cái gì cao cả hơn và quan trọng hơn cái có ở trong con người ấy. Vì vậy, dù những việc làm của người ấy có xấu xa đến đâu, bản thân con người ấy, dù anh ta có là ai, phải được ta tôn kính như là Thượng Đế và yêu thương như là bản thân mình (chúng tôi nhấn – PVC) và vì thế ta phải cố gắng làm cho người ấy cái mà ta mong muốn cho mình, giả dụ ta ở trong vị trí của người ấy”.

Từ một nhận thức kiên định như thế, dễ hiểu là Tolstoi không chấp nhận bất kỳ một sự xét xử nào và một hình phạt nào đối với các tội nhân. Từ nhận thức ấy mà sinh mạng con người được tuyên bố là giá trị cao nhất trong thế giới này: “Trên thế gian, chỉ có một vật thiêng liêng không thể hồ nghi – con người, và một đối tượng duy nhất mà con người không được làm xúc phạm và làm ô uế – ấy là con người…” Người có đức tin tôn giáo chân chính “sẽ không khi nào xúc phạm, làm ô uế Thượng Đế ở trong mình và trong đồng loại của mình, và lại càng không xâm hại đến cái mà những người tin vào giới luật của tình yêu coi là vật thiêng cao nhất và duy nhất – mạng sống của người khác (chúng tôi nhấn – PVC)” (“Chỉ một giới luật”, 1909).

Nếu là thế thì bất kỳ một sự xâm hại và sát hại cuộc sống con người nào, dù vì những mục đích nào đi nữa, cũng không thể được chấp nhận. Chân lý tôn giáo này quá hay bị lãng quên, cho nên Tolstoi cứ nhắc đi nhắc lại không biết mệt mỏi.

Một chân lý tôn giáo nữa, làm nền tảng cho học thuyết không chống cự cái ác bằng vũ lực của Tolstoi là: cái thiện chỉ là cái thiện khi nó là cái thiện cho tất cả mọi người không có ngoại lệ, nhưng cái ác là cái ác, nếu nó là cái ác dù chỉ cho một người. Về mặt đạo lý, quan điểm này là không thể bác bỏ, nhưng trong thực tế thì không mấy người thấu triệt nó, lấy nó làm kim chỉ nam cho hành động bởi vì người đời quá quen đồng nhất những lợi ích cá nhân hay cục bộ của mình với cái thiện và những gì đối nghịch với chúng với cái ác. Do đó mà cái ác, được quan niệm là cái thiện, mới ngự trị trong lịch sử loài người. Và cái ác đẻ ra cái ác, bạo lực đẻ ra bạo lực, máu gọi máu – vì thế minh triết loài người từ lâu đã nhận ra rằng để loại trừ cái ác phải lấy thiện trả ác, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn.

Thế thì học thuyết không chống cự cái ác bằng vũ lực của Tolstoi có cống hiến gì mới và quý cho cái minh triết chung ấy không? Để trả lời câu hỏi này, sẽ là bổ ích nhớ lại cuộc tranh luận dai dẳng giữa Tolstoi với những người cùng chí hướng với ông về những giới hạn của sự không chống cự cái ác. Trao đổi ý kiến với mục sư Mỹ Adin Ballou (mà tên tuổi chúng tôi đã nói đến), Tolstoi khẳng định không được dùng bạo lực chống lại bất cứ ai, ngay cả những người điên hay những kẻ say rượu hành hung. Ballou bắt bẻ Tolstoi: “Ông nói: một tín đồ thực thụ của đạo Kitô sẽ luôn luôn chọn thà bị kẻ điên giết, còn hơn tước đoạt tự do của y. Theo phép ngoại suy, tôi cho rằng ông phải công nhận là một tín đồ Kitô giáo chân chính cái người mà, trông thấy tên điên giết trước mắt mình vợ mình, con mình và những người bạn tốt nhất của mình, sẽ bình thản quan sát tất cả cái đó thay vì bằng sức mạnh hạn chế tự do bệnh hoạn của bệnh nhân mà không làm hại cho hắn? Điều răn nào của Kitô linh thiêng hóa bệnh điên? Hay là lý trí được khai sáng, lòng nhân đạo và tình bác ái xui khiến một thái độ như thế đối với những người mắc bệnh tâm thần?”. Tolstoi đã đáp trả như sau (xin phép dẫn một đoạn trích dài):

“Tôi sẽ không làm cái việc phản bác những phản bác của tiên sinh – cách làm như thế sẽ không dẫn đến cái gì cả. Tuy nhiên cái đã được diễn đạt chưa đủ rõ ràng trong thư trước của tôi thì tôi phải minh xác để tránh sự hiểu lầm. Đó là về sự nhượng bộ. Tôi nói rằng sự nhượng bộ, không thể tránh khỏi trong thực tiễn, không thể được chấp nhận trong lý thuyết. Tôi hiểu như thế này: con người không bao giờ đạt được sự hoàn hảo mà chỉ đến gần với nó. Cũng như trong thực tại không thể kẻ một đường thẳng toán học và mọi đường kẻ chỉ là sự đến gần với đường thẳng, hệt như thế mọi mức độ hoàn hảo đạt được bởi con người chỉ là sự nhích lại gần với thể hoàn hảo của Cha, mà con đường đến với Người đức Kitô đã chỉ cho chúng ta. Vì vậy trong đời sống hiện thực mọi hành vi của một người hoàn hảo nhất và toàn bộ cuộc đời của anh ta sẽ luôn luôn chỉ là sự nhượng bộ trong thực tiễn – lực hợp thành giữa sự yếu đuối của anh ta và khát vọng đạt tới thể hoàn hảo. Và sự nhượng bộ như thế không phải là tội lỗi mà là điều kiện tất yếu của mọi cuộc sống Kitô giáo.

Nhưng sự nhượng bộ trong lý thuyết là một tội lỗi vĩ đại, một mưu đồ đánh thấp lý tưởng của Kitô hòng làm cho nó trở thành khả thi. Và tôi cho rằng một thoái nhượng lý thuyết như thế chính là sự chấp nhận bạo lực, cho dù đó là bạo lực thiện ý, đối với những người điên (rất khó định nghĩa chính xác thế nào là người điên). Không chấp nhận sự thoái nhượng ấy, tôi chỉ đánh liều cuộc sống của mình hay của những người khác mà có thể bị kẻ điên giết chết; nhưng cái chết sớm muộn sẽ đến, mà cái chết để thực hiện ý chí của Thượng Đế là ân phúc, như chính tiên sinh viết trong sách của mình. Nhưng nếu chấp nhận sự thoái nhượng ấy, tôi liều lĩnh đi ngược lại luật của Kitô, mà cái đó thì tồi tệ hơn sự chết.”

Có nghĩa là nếu coi nguyên tắc phi bạo lực là luật hay lệnh của Thượng Đế thì ta sẽ thà chết còn hơn vi phạm luật ấy. Trả lời những người phản biện khác, cũng đưa thí dụ cổ điển ấy ra: một người lương thiện trông thấy một ác thủ đang hãm hiếp hoặc định giết một em bé gái phải làm gì, Tolstoi trả lời: giơ ngực mình ra cho hắn đâm hoặc bắn và bảo em bé: “chạy đi!”. Trong đời sống cá nhân là thế nào thì trong đời sống xã hội, quốc gia, quốc tế cũng phải là như thế. Chính theo tinh thần ấy, áp dụng nguyên tắc phi bạo lực vào lĩnh vực đấu tranh giải phóng dân tộc, môn đệ của Tolstoi Mahatma Gandhi sẽ nói với những đồng bào của mình: “Từ nay cho đến ngày chúng ta dành lại được độc lập, những sông máu có thể chảy ra, nhưng đó phải là máu của chúng ta, không phải của kẻ thù”. Gandhi không mệnh lệnh hoặc hô hào ai đổ máu mình vì tổ quốc, nhưng ông khuyến dụ không lấy máu trả máu để cho thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc được thanh sạch, được phù hợp với đạo Trời. Đạo Trời cao quý hơn mọi ích lợi trần gian – đó là điều mà Gandhi và Tolstoi thấm nhuần và kêu gọi mọi người thấm nhuần.

Như vậy giới hạn chịu đựng cái ác, chịu đựng bạo lực mà học thuyết của Tolstoi đưa ra là hầu như không có, cho nên nó mới khó được tiếp nhận đến thế và vì thế mà những đối thủ tư tưởng của Tolstoi từng buộc tội ông là phản nhân đạo theo kiểu của mình và bằng cách của mình tiếp tay cho cái ác. Nhưng họ quên đi rằng lời khuyến dụ “hãy chịu đựng cái ác” ở Tolstoi luôn luôn đi kèm với lời khuyến dụ khác – “đừng tuân phục cái ác” và phần lớn chương trình hành động của ông nhằm triệt tiêu cái ác là ở phần thứ hai này.

“Không tuân phục cái ác” đương nhiên bao hàm không hợp tác với cái ác bất kỳ trong lĩnh vực nào, dưới hình thức nào và ở mức độ nào: không tham gia các cơ cấu quyền lực, không gia nhập các đảng phái, thực chất chỉ đấu tranh cho các lợi ích cục bộ của mình và phản bội lợi ích của nhân loại, không tham chiến, không sống bằng lao động của người khác, không ủng hộ và truyền bá những gì giả dối và vô đạo đức, v.v… và v.v…

Nhưng như thế chưa đủ: “Không tuân phục cái ác” còn là không nộp thuế cho nhà nước, khi đã hiểu rằng những thuế má ấy là bất công và được sử dụng cho những mục đích bất chính, không đi lính và không phục vụ trong quân đội và cảnh sát vì chúng là những công cụ thực hiện bạo lực và chiến tranh, không thề nguyện trung thành với bất kỳ một tổ chức nào để khỏi bị ràng buộc bởi lời thề, khỏi đánh mất tự do tinh thần của mình, không nghe theo bất kỳ một tiếng nói bên ngoài nào, khi thấy tiếng nói ấy trái ngược với tiếng nói của lương tri ta, v.v…

Đấy, sự “không tuân phục cái ác” theo Tolstoi, nói còn rất nhiều chưa đầy đủ, là như thế và không thể không thừa nhận rằng nếu nó được thực hiện triệt để, thì cái ác sẽ không có chỗ tồn tại trên hành tinh này. Nhưng thực hiện nó rõ ràng còn khó hơn thực hiện “không chống cự cái ác”, vì thế mà học thuyết của Tolstoi mới bị coi là không tưởng. Tolstoi quá hiểu rằng học thuyết của ông, mà ông không bao giờ gọi là của mình, mà coi là một bộ phận nhỏ của học thuyết Kitô giáo chân chính, không thể nhanh chóng được đưa vào đời sống.

Trong lời tựa cho tiểu sử của Garrison được đưa vào sách này, ông viết: “Nguyên tắc không chống cự không phải là nguyên tắc của bạo lực, mà là nguyên tắc của sự hòa hợp và tình thương yêu, và vì thế nó không thể biến thành bắt buộc đối với loài người bằng những biện pháp cưỡng chế. Nguyên tắc không chống lại cái ác bằng bạo lực, mà tựu trung là sự thay thế bạo lực bằng thuyết phục, chỉ có thể được tiếp nhận một cách tự do và tự do áp dụng vào đời sống (chúng tôi nhấn – PVC), tức là ở chừng mực mà loài người chối bỏ bạo lực và thiết lập những quan hệ của mình trên sự thuyết phục hợp lý hợp lẽ…” Biết trước rằng quá trình ấy sẽ rất tiệm tiến và khúc khuỷu, Tolstoi tuy vậy vẫn một mực khẳng định: “Dù muốn hay không, loài người chỉ có thể giải phóng mình khỏi cảnh nô dịch và áp bức lẫn nhau nếu tuân thủ nguyên tắc này”. Sẽ không là thừa nhớ đến thời điểm của tuyên bố này – đầu thế kỷ XX, khi chưa hề có Hội quốc liên, Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế khác bảo vệ quyền con người hay chăm lo giải quyết các xung đột liên quốc gia, tôn giáo và sắc tộc.

Trong ngôn ngữ của loài người khó tìm được những từ ngữ mà Tolstoi lại kiêng kị như “anh hùng”, “cái anh hùng”, “chủ nghĩa anh hùng”. Như đã nói, trong “Chiến tranh và hòa bình” ông không tôn vinh công đức của một ai trong số những nhân vật tham gia bảo vệ đất nước, mà chỉ viết về họ như những người đã cố gắng làm tròn bổn phận của mình. Nhưng về già ông lại dành nhiều dòng và trang viết để tuyên dương những tấm gương anh dũng của những người đàn ông vì xác tín tôn giáo mà chối từ quân dịch, chịu đựng mọi hình phạt như giam cầm, đánh đập, lao động khổ sai, phát vãng. Và ông ca ngợi những phụ nữ – những người vợ, người mẹ một mình ủng hộ, nâng đỡ tinh thần những kẻ “phạm tội” như thế, và nhìn thấy ở những quan hệ liên ngã thể như thế một kiểu mẫu cho liên minh gia đình trong loài người (không phải trong quốc gia và lại càng không trong giai cấp!)

Ông biểu dương những giáo phái thiểu số dám ly khai với giáo hội chính thống vì không thể chấp nhận những việc làm phản Chúa, phản nhân của nó và tự nguyện hứng chịu những truy bức của nhà nước vào hùa với giáo hội ấy. Ông khen ngợi những người nông dân, bị địa chủ phú hào cướp đất mà lại không khởi loạn đốt phá tài sản của chúng, nhưng chịu đi tìm những nơi nào có thể sống bằng lao động của mình mà không phải chịu áp bức, bóc lột, cho dù việc ấy ban đầu có khó khăn đến đâu. Và bản thân Tolstoi như là một người không tuân phục cái ác không ngớt cất tiếng lên án cái ác bất cứ nó diễn ra ở đâu: ông phê phán toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ nước ông; ông phản đối chính sách thuộc địa của Anh ở Ấn Độ và Nam Phi, phản đối chiến tranh Philipin của Mỹ, lên án những tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, v.v…

Cần phải nói thêm về lập trường của Tolstoi đối với các dân tộc bị thực dân đô hộ và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của họ. Ông cảm thông sâu sắc với tình cảnh của họ, nhưng không đồng tình với chủ nghĩa yêu nước quá khích và óc dân tộc chủ nghĩa hay thể hiện ở họ. Tolstoi nói với họ: giành lại độc lập dân tộc chỉ là mục tiêu trước mắt nhất thời và không nên gán cho nó một ý nghĩa quá quan trọng; cái quan trọng hơn nhiều là làm thế nào thoát khỏi cảnh ngộ ngàn năm người thống trị người, người áp bức người, bởi vì từ việc là những kẻ thống trị và áp bức sẽ là những kẻ đồng tộc, chứ không ngoại tộc, sự thống trị áp bức ấy không trở nên ít xấu xa, ít tệ hại hơn. Ông còn nói tiếp: sở dĩ các đế quốc phương Tây đô hộ được các nước phương Đông là vì nhân dân của các nước ấy trước khi đế quốc thực dân đến đã quen tuân phục cái ác, khuất tùng và tham gia bạo lực vì những lợi ích trần tục, chứ không sống theo đạo Trời, theo những điều răn của các thánh nhân hiền giả của chính họ. Tolstoi viết trong “Thư gửi một người Ấn Độ” (1908) cũng được đưa vào sách này:

“Nếu người Anh đã nô dịch được người Ấn, thì chỉ vì người Ấn đã và đang thừa nhận bạo lực như là nguyên tắc tổ chức xã hội chủ yếu và cơ bản. Vì nguyên tắc ấy mà họ từng phục tùng những tiểu vương của mình, vì nó mà họ từng đấu tranh với nhau, từng đấu tranh với người Âu, người Anh và giờ đây vẫn cố gắng đấu tranh với chúng.

Một công ty thương mại đã nô dịch một dân tộc 200 triệu người. Hãy nói điều này cho một người không mê tín dị đoan, và anh ta sẽ không hiểu những lời nói ấy có ý nghĩa gì. Thế nào là 30 nghìn người không phải lực sĩ, mà nhiều phần hơn là những kẻ yếu ớt, kém cỏi đã nô dịch được 200 triệu con người hoạt bát, thông minh, tráng kiện, yêu tự do? Lẽ nào chỉ từ những con số ấy lại không rõ là không phải người Anh, mà chính người Ấn đã nô dịch chính mình? Là người Ấn Độ mà lại than phiền rằng những người Anh đã nô dịch mình thì chẳng khác nào những kẻ nát rượu than phiền rằng những người bán rượu sống chung với họ đã nô dịch họ. Bạn bảo họ có thể không uống, nhưng họ trả lời bạn rằng họ không uống không được […] Chẳng phải cũng điều này đang xảy ra với mọi người, với hàng triệu người đang phục tùng chỉ hàng nghìn hay hàng trăm người đồng tộc hoặc ngoại tộc?”

Ở một chỗ khác Tolstoi nói rằng nếu mà người Ấn biết sống với nhau theo đạo Trời chứ không theo luật đời thì không phải 30 nghìn người Anh, mà cả nước Anh cũng không làm gì được họ, cho dù họ chỉ có không phải 200 triệu mà chỉ 5000 người.

Cũng những thư ngỏ với nội dung tương tự Tolstoi đã viết cho người Trung Quốc, người Ba Lan, người Serbie. Và đã chẳng dân tộc nào nghe theo những khuyến dụ của ông. Ngay ở Ấn Độ nhân dân nước này vừa mới giành được độc lập quốc gia thì đã lao vào một cuộc chém giết lẫn nhau khủng khiếp do những kỳ thị tôn giáo (điều mà Tolstoi sinh thời không ngớt lên án và không ngớt cảnh báo và chính vì lý do này mà ông cứ muốn thiết lập mau mau một tôn giáo toàn thế giới) và đã giết chết cả thánh Gandhi của mình. Nhưng từ đó có nên kết luận rằng những khuyến dụ của Tolstoi là viển vông, vô bổ, ở ngoài chân lý?

===

(1) Tolstoi không bao giờ dùng định thức: “kẻ nô lệ (hay đầy tớ) của Thượng Đế” rất thông dụng trong ngôn ngữ Kitô giáo.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)