Herbert Blomstedt: Âm nhạc rọi ánh sáng vào những phần sâu thẳm của tâm hồn

Ở tuổi 94, Herbert Blomstedt vẫn còn là một nhạc trưởng năng nổ. Ông trao đổi với DW về Beethoven, và về cách âm nhạc “rọi ánh sáng vào những phần sâu thẳm nhất của tâm hồn con người”.

Sau nhiều thập kỷ chỉ huy, Herbert Blomstedt còn tiếp tục biểu diễn âm nhạc mà không lên kế hoạch về hưu. 

Hãng thông tấn DW dã gặp gỡ Herbert Blomstedt sau buổi hòa nhạc của ông với dàn nhạc Vienna Philharmonic tại   Beethovenfest ở Bonn, Đức.

Thưa nhạc trưởng Blomstedt, ông mới có xong một concert kéo dài trong hai giờ cùng Vienna Philharmonic tại Beethovenfest ở Bonn, với các tác phẩm của Franz Schubert và Anton Bruckner. Tại sao ông cảm thấy thích được chỉ huy concert này ở đây?

Tôi có thể biểu diễn cùng Vienna Philharmonic bất cứ nơi nào tôi có thể. Nhưng nguyên nhân thứ hai thì là chính nơi này: Bonn là một thành phố vô cùng quan trọng trong lịch sử âm nhạc. Anh có thể cảm nhận được sự gần gũi của mình với nơi Beethoven đã chào đời.

Ông có được sức mạnh từ đâu?

Đó là tình yêu âm nhạc. Dĩ nhiên anh cũng phải có được một mức năng lượng nhất định để theo đuổi nó. Nhưng âm nhạc – và tôi muốn nói đến truyền thống cổ điển vĩ đại – đem lại rất nhiều sức mạnh bởi nó kích thích cả trí tuệ lẫn cảm xúc một cách ngang bằng. Dĩ nhiên là có những thứ âm nhạc khác kích thích cảm xúc ngay tức thì nhưng không phải lúc nào cũng đi kèm trí tuệ. Và ngược lại, cũng có nhiều thứ âm nhạc rất thông minh nhưng lại chứa quá ít cảm xúc, vốn thật khô khan và không có gì để nói.

Nhưng thứ âm nhạc này, tôi muốn nói đến âm nhạc của Beethoven, Bruckner, Schubert, Brahms và những nhà soạn nhạc lớn khác, có một lượng lớn một cách khác thường trí tuệ và cảm xúc để trao cho chúng ta, đó là một thứ đặc tính rất cụ thể của âm nhạc. Khi anh khám phá âm nhạc, anh cũng khám phá chính bản thân mình.

Giữa đại dịch coronavirus, ông biểu lộ hi vọng rằng cơn khủng hoảng toàn cầu này có thể sẽ mang đến nhu cầu về một thứ nuôi dưỡng tâm hồn. Ông không nghi ngờ về điều đó chứ?

Đúng, tôi đã nói như vậy. Âm nhạc có một ý nghĩa hết sức đặc biệt trong thời đại chúng ta. Con người đã từng trải nghiệm những buổi hòa nhạc như thế này rất nhiều. Schumann từng nói: “Nghĩa vụ của nhà soạn nhạc là gửi ánh sáng vào những phần sâu thẳm trong tâm hồn con người. Ánh sáng trong bóng tối – tất cả chúng ta, mỗi người chúng ta, đều có góc tối trong tâm hồn mình. Nó có thể là sự yếu đuối hoặc nỗi thất vọng về cuộc đời; chúng ta chứa tất cả mọi thứ. Anh cần ánh sáng tỏa vào điểm tối này, và âm nhạc có thể làm được điều đó  tốt hơn bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác.

Tại sao?

Bởi vì nó tràn ngập cảm xúc và bản thân nó không có giới hạn với thứ ngôn ngữ nào cả. Tác phẩm của Schubert và Bruckner mà chúng tôi vừa biểu diễn chính là những tác phẩm gửi ánh sáng vào những góc khuất của tâm hồn. Anh chỉ cần có một chút bình yên cho buổi gặp gỡ này và không chỉ tìm kiếm sự giải trí khi lắng nghe những giai điệu từ các tác phẩm đó.

Nếu anh cho phép minh một chút bình yên, sau đó anh đi tìm nó – mỗi cá nhân đều có đường đi của riêng mình. Chúng ta đang nói về một trăm người trong phòng hòa nhạc này…

Vâng, may mắn là cuối cùng chúng ta lại có thể đến đây…

Tôi có thể chắc chắn rằng không có hai người cùng trải nghiệm chính xác cùng một điều. Anh không cần trở thành một giáo sư dạy trong trường đại học để hiểu âm nhạc nhưng anh cần phải nghe một cách cẩn thận và với một tâm hồn rộng mở.

Là con trai một mục sư, ông trưởng thành và tiếp tục theo những điều này. Tôi đọc ở đâu đó là ông bắt đầu một ngày mới với một lời cầu nguyện, ông chỉ ăn đồ chay và không uống rượu. Liệu khả năng sáng tạo ở độ tuổi cao hiện nay của ông có liên quan gì đến niềm tin và lối sống?

Sau tất cả mọi điều, mỗi cá nhân đều có DNA độc nhất vô nhị. Chúng ta là tất cả của những yếu tố như giống nòi, trải nghiệm cuộc đời … Và dĩ nhiên, tôi đủ may mắn lớn lên trong một gia đình rất sùng đạo. Buổi sáng, trước khi đến trường, cha tôi – một mục sư, pastor, luôn luôn đọc cho tôi nghe Kinh thánh và cầu nguyện. Sau đó chúng tôi mới ăn sáng và chỉ khi đó rồi mới tới trường. Tôi lớn lên với bầu không khí đó và vẫn như thế cho đến ngày hôm nay.

Ông là một tín đồ?

Quan điểm của tôi về Chúa ngày nay dĩ nhiên khác biệt với hồi còn nhỏ. Nhưng Chúa không trở nên ngày càng kém quan trọng hơn, thậm chí Chúa còn trở nên lớn hơn – và khác biệt. Giống như phần lớn mọi đứa trẻ, tôi thường nghĩ về Chúa như một người cha đem điều tốt cho trẻ em nhân dịp Giáng sinh. Khi đã trưởng thành, tôi có một hình ảnh hoàn toàn khác về Chúa. Với tôi, Chúa là đấng sáng tạo đầu tiên và quan trọng nhất và là cách giải thích duy nhất về sự tồn tại của chúng ta. Chúa của tôi là một thứ gì đó tuyệt đối, một ý tưởng tuyệt đối.

Theo cách đó, âm nhạc của Beethoven cũng là một tôn giáo sâu sắc – anh có thể đọc bức thư của ông nhưng trên hết, anh có thể nghe thấy nó trong âm nhạc của ông ấy.

Tô Vân dịch

Nguồn: https://www.dw.com/en/herbert-blomstedt-worlds-oldest-conductor-energized-by-music/a-59113099

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)