Hiện diện trên trái đất

Với người viết, dường như cơ hội trở nên “quốc tế” hiện nay còn mở rộng hơn cơ hội được cắm rễ trong ngôn ngữ dân tộc. Internet có thể làm gần hơn người viết ở mọi nơi trên thế giới và xóa biên giới giao tiếp, điều ấy dễ hiểu. Nhưng nó có làm gần hơn ngôn ngữ tiếng Việt trên toàn thế giới?

Để được là một hiện diện bình đẳng trên quả đất này, sự hiểu biết về những khu vực sống bên ngoài biên giới địa lý một quốc gia sẽ dẫn tới, hoặc đi liền với nhu cầu được cất tiếng. Thay vì ngồi nhà và tò mò kẻ bên ngoài nghĩ về ta như thế nào, hoặc âm thầm chôn nỗi mặc cảm hơn thua “chúng ta có gì để họ biết tới”, đã có những câu hỏi dường như thực tế hơn cho các nhà văn, các nghệ sĩ: làm thế nào thế giới biết tới văn chương, nghệ thuật Việt Nam đương đại? Thậm chí, khi Mỹ Latin đã thành một biểu tượng sống khơi gợi cảm hứng cất lời của những khu vực hẻo lánh trên bản đồ văn chương nghệ thuật, như nhiều phần của châu Á hay châu Phi, dường như câu hỏi đó trở nên thực tế không chỉ với một đất nước. Điều tôi hoang mang là, khi tìm kiếm hình ảnh và định vị mình trong mắt kẻ khác, ta chỉ là kẻ đi tìm mình bằng cách rượt bắt cái bóng của mình trong mắt người. Câu hỏi “làm thế nào để được biết tới” chứa sẵn mâu thuẫn của nhu cầu tự định vị bản thân và áp lực của cái nhìn kẻ khác. Tôi nghĩ, sự lên tiếng chỉ có ý nghĩa khi ta hiểu rõ hơn về bản thân mình và vượt qua được áp lực “đáp ứng” những nhu cầu của người khác mà ta vô tình hay hữu ý “tìm” ra, hoặc tưởng tượng ra.

Dưới cảm nhận của cá nhân tôi, những thành quả của văn chương độc lập đã đạt được đến nay dường như đang rơi vào trạng thái ứ đọng khác, không đủ sức sống để thỏa mãn đòi hỏi thưởng thức mỗi lúc một cao của người đọc, người xem.

Festival văn chương quốc tế lần thứ nhất do Hiệp hội nhà văn và dịch giả châu Á Thái Bình Dương (AP Writers) tổ chức tại Bangkok từ 5 đến 9/11/2012 vừa qua mà tôi đăng kí tham dự mang một cái tên tham vọng: “Reaching the world”. Cùng với các buổi đọc thơ, trò chuyện, hai ngày hội thảo đầu có thể xem là cách đặt vấn đề về hai trong số những con đường để các nhà văn “vươn tới thế giới”: con đường mở ra với các giải thưởng văn chương và con đường thông qua dịch văn học. Trông đợi vào sự vinh danh bằng các giải thưởng văn chương như trông đợi vào trò chơi may rủi của số phận, còn dịch tác phẩm văn học sang một thứ tiếng khác và tìm được người chịu xuất bản nó là công việc nhọc nhằn. Một lựa chọn khác của những bạn trẻ sống di chuyển giữa các quốc gia ngày nay là viết bằng, hoặc song song ngôn ngữ mẹ đẻ và một ngoại ngữ phổ biến. Và như thế, từ lựa chọn về ngôn ngữ, tâm thế đối thoại văn chương đã khác đi.

***

Người ta đã bàn luận đâu đó về giải pháp để việc dịch văn học không còn là chuyện vì sở thích và miễn phí, đã có dự tính lập hội đồng dịch, quảng bá dưới sự đầu tư của nhà nước để giới thiệu những tác phẩm lớn, những tác phẩm đại diện của Việt Nam. Nhưng trong khi rõ ràng công việc này đòi hỏi sự đầu tư, thì sự trông đợi vào chính sách hay các hội đoàn trở nên thật mơ hồ, bởi sự phân định của thái độ chính trị và những thành kiến văn chương hiện nay có thể tạo nên những tấm lưới bẫy bùng nhùng. Thường thì lựa chọn từ các hội đồng thẩm định của nhà nước không làm các nghệ sĩ, các tác giả thỏa mãn hay khơi gợi hứng thú tham dự. Trong nhiều năm qua, song song và cùng với nỗ lực của các nghệ sĩ độc lập trong nước đã có những nhà nghiên cứu, nhà phê bình nghệ thuật nước ngoài sống tại Việt Nam, thông thuộc và thân thuộc với nghệ sĩ và khung cảnh nghệ thuật Việt Nam để dựng lên và nới rộng một cái nhìn về nghệ thuật Việt ngoài khung khổ của nghệ thuật nhà nước. Văn chương cũng vậy, dù ngôn ngữ là một thành trì vững chãi trong giao tiếp, nỗ lực của các nghệ sĩ tự do trong giai đoạn vừa qua đã phần nào làm chuyển động sự ứ đọng của không khí sáng tạo và tiếp nhận. Điều tôi băn khoăn là, trong khi nhiều nghệ sĩ độc lập đã được quan tâm vì chất lượng nghệ thuật và phẩm chất chính trị tiến bộ trong tác phẩm của họ, có không ít sản phẩm ăn theo hời hợt, trở thành một dạng na ná nghệ thuật phản kháng “thỏa mãn” những du khách đang tìm cái lạ nơi đất Việt. Câu chuyện giao tiếp, trao đổi văn hóa không thể là một tồn tại bị động dưới cái nhìn kẻ khác, cũng không thể là sự khôn khéo đáp ứng nhu cầu để thuận lợi cho mua bán, thương thỏa; sự tham dự thực sự chỉ có với lòng mong muốn đóng góp và đối thoại.

Hình dung về văn học của người Việt ở nước ngoài đã khác đi: đó không phải chỉ là chuyện gìn giữ và phát triển một kiểu di sản lưu vong, như một bộ phận của văn học quốc gia, dân tộc (Việt Nam) mà còn là sự nhập cuộc với không gian văn học rộng lớn xuyên biên giới, cùng với văn học trong nước, trở thành một phần đời sống đang – diễn ra trong văn học thế giới.

Sự mở rộng này, tôi nghĩ sẽ đặt cơ sở trong cách chúng ta hiểu lại về bản thân mình. Việc đọc hiểu ngữ cảnh văn chương của người Việt hiện nay không những cần thiết phải đưa ra các quan sát, mô tả, những khảo cứu về quá khứ và hiện tại mà còn phải là một nỗ lực thẩm thấu, như cách da thịt ta thẩm thấu khí trời. Ngữ cảnh văn chương, thực thế, luôn trầm tích tinh vi trong các diễn ngôn văn hóa xã hội, được biểu hiện ra bằng tác phẩm, bằng những va chạm trong đời sống văn chương, giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái hữu thực và vô hình trong/từ các văn bản. Chất lượng của cảm xúc và suy nghĩ của việc đọc hiểu ngữ cảnh này hẳn sẽ tỉ lệ với khả năng ta có thể xuyên qua các biên giới, xóa bỏ các định kiến về địa lý, chính trị, nỗi mặc cảm về sự thiếu hụt tư liệu hay tri thức, đập vỡ những khung khổ giới hạn cái nhìn, từ đó mà ta có thêm những cơ hội tham dự và tương tác để thay đổi.

***

Tôi chỉ muốn đề cập ở bài viết này một khía cạnh mà tôi nghĩ sẽ phải là một mối quan hoài của người viết, người đọc Việt Nam hiện nay, câu chuyện về sự “đoàn tụ” các khu vực văn học Nam, Bắc, trong, ngoài nước đã nhiều chia cắt vì các lí do chính trị và lịch sử, liên quan tới một nỗi hoang mang vô vọng về cái gọi là tìm kiếm “bản sắc”. Trong từ “đoàn tụ” đã nhuốm đầy bi kịch li tán của quá khứ. Việc một số tác giả văn chương gốc Việt nổi danh ngoài cố quốc, những tác giả chỉ còn những ràng ríu xa xôi với bóng dáng quê nhà, được dịch và được chào đón gần đây ở Việt Nam như Linda Lê, Nam Lê có thể là một điểm gợi nhắc những câu chuyện sâu và xa hơn: câu chuyện của cộng đồng văn chương người Việt ở ngoài nước…

Nhớ lại rằng, chừng khoảng những năm 1990, người Việt trong/ngoài nước bắt đầu đối diện với câu hỏi: Có hay không có cái gọi là văn học người Việt ở nước ngoài, hay có thể hình dung về văn học của người Việt ở nước ngoài lúc đó như thế nào? Những nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình lưu vong nhiều thế hệ đã đặt nền tảng cho sự thấu hiểu mảng văn chương đó và nhiều tác giả trẻ hơn về sau vẫn đang đồng hành từ điểm nhìn đương đại, có thể kể tới Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Vy Khanh, Thụy Khuê, Đặng Tiến, Trần Vũ, Đoàn Cầm Thi… Ở trong nước, muộn màng và lẻ tẻ, đã từng có tiếng nói của Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Ngọc Hiến… Tập họp lại các bài viết của các tác giả này đã có thể có hình dung ban đầu về đời sống văn học (từng) rất phong phú, phức tạp này, chủ yếu xoay quanh mảng tác phẩm viết bằng tiếng Việt. Đến nay, những câu hỏi về sự hình dung này được mở rộng thêm và dường như cần ráo riết hơn: Có thể hình dung thế nào về một khung cảnh văn học tiếng Việt toàn diện? Có thể định vị thế nào văn học của người Việt/gốc Việt mọi nơi trong bức tranh văn học thế giới? Hình dung về văn học của người Việt ở nước ngoài đã khác đi: đó không phải chỉ là chuyện gìn giữ và phát triển một kiểu di sản lưu vong, như một bộ phận của văn học quốc gia, dân tộc (Việt Nam) mà còn là sự nhập cuộc với không gian văn học rộng lớn xuyên biên giới, cùng với văn học trong nước, trở thành một phần đời sống đang – diễn ra trong văn học thế giới. Khi những nhà xuất bản, tạp chí tiếng Việt heo hút dần đi, người viết tiếng Việt ở nước ngoài gần như mỗi lúc mỗi thưa vắng hoặc rõ hơn lựa chọn nhập vào dòng chính. Đồng thời, khi những vấn đề chính trị, văn hóa làm nên mối liên hệ của họ với quê gốc mất dần, mỏng dần đi, thì dường như những vấn đề của văn học lưu vong giai đoạn đầu sẽ dần trở thành vấn đề lịch sử. Hệ quả là, văn chương viết tiếng Việt ở ngoài nước phải chấp nhận sự thách thức về giá trị văn học, phải mời gọi cộng đồng đọc xuyên biên giới dựa trên mạng văn học toàn cầu hoặc giải pháp xuất bản ebook. Theo một chiều hướng khác, có thể bạn đọc hôm nay sẽ dành nhiều quan tâm hơn hướng về các nhà văn gốc Việt viết tiếng Anh hay Pháp thành công ở ngoại quốc. Tôi hình dung đến một lúc nào đó chỉ còn lại sự đối diện quyết liệt về ngôn ngữ, những từ ngữ như văn chương lưu vong, hải ngoại… sẽ trở nên không còn hữu hiệu để nhìn nhận cái đang diễn ra nữa. Và bạn đọc có thể đọc văn học Việt ngữ ở mọi nơi trên thế giới mà không cho là quan trọng việc kèm theo định ngữ “trong/ngoài nước”. Trong một tưởng tượng xa của sự đọc tự do và xóa bỏ mọi ngăn cách của người Việt mọi nơi, thậm chí đã vỡ tan những rào cản ngôn ngữ và các hệ giá trị, sẽ không có văn học của người Việt trong hay ngoài nước, mà chỉ có văn học Việt Nam, không phải là văn học thuần tiếng Việt mà là văn học nhiều ngôn ngữ; không còn văn học Việt Nam thuần quốc gia, dân tộc, mà là một thứ văn học xuyên biên giới, mạo hiểm trong khu vực và thế giới. Khi đó, người viết, người đọc tiếng Việt, văn học Việt là một sự chung sống bình đẳng, giữa con người và con người, giữa con người và ngôn ngữ trong thế giới văn chương toàn cầu.

Trong một tưởng tượng xa của sự đọc tự do và xóa bỏ mọi ngăn cách của người Việt mọi nơi, thậm chí đã vỡ tan những rào cản ngôn ngữ và các hệ giá trị, sẽ không có văn học của người Việt trong hay ngoài nước, mà chỉ có văn học Việt Nam, không phải là văn học thuần tiếng Việt mà là văn học nhiều ngôn ngữ; không còn văn học Việt Nam thuần quốc gia, dân tộc, mà là một thứ văn học xuyên biên giới, mạo hiểm trong khu vực và thế giới. Khi đó, người viết, người đọc tiếng Việt, văn học Việt là một sự chung sống bình đẳng, giữa con người và con người, giữa con người và ngôn ngữ trong thế giới văn chương toàn cầu.

Internet có thể làm gần hơn người viết ở mọi nơi trên thế giới và xóa biên giới giao tiếp, điều ấy dễ hiểu. Nhưng nó có làm gần hơn ngôn ngữ tiếng Việt trên toàn thế giới? Có thể tưởng tượng một ngôi làng mênh mông, mọi người sống trong những ngôi nhà xa nhau nhưng cùng góp phần làm giàu có tiếng nói chung. Cuốn truyện cực ngắn “Màu cỏ xanh trong suốt” mà chúng tôi vừa ra mắt bạn đọc tập hợp năm người bạn đang sống và làm việc xa nhau và chưa từng gặp nhau tất cả ngoài đời: tôi ở Hà Nội, Văn Khoa ở Sài Gòn, P.K. và Lưu Diệu Vân ở Mỹ, Hoàng Long đang học ở Nhật Bản, cả họa sĩ thiết kế – anh Bút Chì Đỗ Hữu Chí – cũng đang là du học sinh ở Mỹ. Một trong những niềm vui sâu xa và lan thấm trong tôi, không phải chỉ là sự thêm vào một cuốn sách, sau hơn một năm trao đổi với nhà xuất bản, mà là cảm giác về một thứ tiếng Việt không bị xa cách. Có thể những người trẻ không bị quá khứ đeo nặng dễ gần nhau hơn chăng, vượt qua những ngần ngại ban đầu, những cách ứng xử khác nhau với việc xuất bản trong nước? Tìm thấy nhau bằng việc đọc nhau qua internet, quả tình, internet đã làm gần lại một tình bạn chưa biết mặt, và làm gần lại một thứ ngôn ngữ tiếng Việt đang được những người Việt ở mọi phương trời cưu mang.

***

Tôi không biết ta có thể phục dựng những phần khuất lấp của lịch sử để đi tới tương lai – như thể những quá khứ và tương lai là những phần việc riêng rời – bằng cái gọi là tư liệu lịch sử, khi những tư liệu đã trở nên bất tín và biết chừng nào là đủ. Nhưng câu chuyện kéo dài của cộng đồng này, cả khi nó gây cảm giác vô vọng như việc vớt lại những lời nói đã đánh rơi, luôn cần tới sự hình dung lại, sự phê phán hay đập bỏ các khung khổ cứng nhắc của cái nhìn. Rút lại, câu chuyện về sự hiện diện của văn chương Việt Nam với thế giới liên quan mật thiết với sự đọc hiểu ngữ cảnh văn chương Việt Nam đương đại – kì vọng trong những định tính như khách quan, chân thực, khả tín, không củng cố cho những tiền giả định chết cứng, những định kiến của lòng người và ngôn ngữ đang tồn tại. Những điều này chỉ cần thiết và quan trọng, bất kể với một cá nhân hay một cộng đồng văn học, một người đọc, người viết trong nước hay người đọc, người viết ở nước ngoài, nếu nó kích thích sự tương tác và tham dự mang tính cá nhân, nó trở thành tiếng gọi đồng vọng của những người mong được đồng hành trong viễn tượng về văn học Việt Nam và văn học nói chung.

Đôi khi tôi có cảm giác giật mình mơ hồ: dường như cơ hội trở nên “quốc tế” hiện nay còn mở rộng hơn cơ hội được cắm rễ trong ngôn ngữ dân tộc. Tôi nhìn thấy trong cách người Việt ngoài nước viết tiếng Việt hoặc xuất bản trong nước dường như có cả một nỗ lực giữ gìn tiếng Việt. Người Việt trong nước đang nỗ lực đưa tiếng Việt ra thế giới. Chẳng có gì xung đột trong con đường hai chiều đó, vậy mà vẫn bày ra cái gì đó thật nghịch lý: nghịch lý của sự ngăn trở, của những chia cắt từ quá khứ tới hiện tại. Con đường đó có thể giao cắt nhau ở sự san sẻ giữa người đọc và người viết mối quan hoài về việc gìn giữ tiếng Việt, văn học Việt, theo nghĩa, gìn giữ một Tổ quốc, một dân tộc, nhất là khi số phận dân tộc trở thành một nỗi lo âu.

Nỗ lực của cá nhân các nghệ sĩ quan trọng trước hết là hướng tới chính phẩm chất văn chương của họ, và mở rộng sự đối thoại ngay từ chính phẩm chất văn chương đó, trước khi, một lúc nào đó, chúng có thể gặp gỡ và đi ra với thế giới.

Chúng ta kì vọng phá vỡ mọi khung khổ để được nhìn vào vô tận, để đến với Vô Biên, và chúng ta tìm cách mở rộng tầm nhìn của mình, bằng cách mở to mắt, đi ra ngoài khung cửa, dùng kính viễn vọng hay thử mọi phương cách phụ trợ khác. Những cơ hội luôn có đó, nhưng tôi nghĩ, không bao giờ cơ hội là một thứ mưa móc, nó là sự đầu tư: các giải thưởng khu vực có thể khiến các nhà văn nghĩ về một sự công nhận nằm ngoài hệ thống ý thức hệ của nhà nước, sự sống của các tác phẩm thông qua bản dịch, internet và sự xuất hiện các nhà xuất bản nhỏ trên thế giới, mô hình tự xuất bản… Không phải chúng ta chờ đợi “thế giới” hay phương Tây khám phá lại châu Mỹ Latin, rồi đến khám phá lại châu Á hay châu Phi mà chúng ta chờ đợi hình thành những điểm đối thoại bình đẳng trên thế giới. Điều thiết yếu của mọi sự giao tiếp này nằm trong nhu cầu được va chạm, được xúc tiếp, tham dự và thay đổi lẫn nhau. Câu hỏi đầu tiên về việc làm thế nào để được biết tới trở thành câu hỏi về việc ta có sẵn sàng biến mình thành một điểm đối thoại. Khi thế giới đã vỡ lẻ thành các tác phẩm, chờ đợi một tác phẩm mang tính chất đại diện, hay một hình ảnh đại diện cho một quốc gia, dân tộc dường như bất khả và có gì đó tự mâu thuẫn. Và như thế, sự trông đợi nhiều nhất dường như phải hướng về những tiếng nói, những sự sống trong các cá nhân trong sự chia sẻ, vun trồng của cộng đồng. Nỗ lực của cá nhân các nghệ sĩ quan trọng trước hết là hướng tới chính phẩm chất văn chương của họ, và mở rộng sự đối thoại ngay từ chính phẩm chất văn chương đó, trước khi, một lúc nào đó, chúng có thể gặp gỡ và đi ra với thế giới.

Tác giả